ĐỂ KHÔNG CÒN NHỮNG “LỖI… THIẾT KẾ”

    10:04 27/12/2022

    Tuần vừa qua, tại Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, tấm áp phích chào mừng Ngày Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12 được dựng lên trong khuôn viên Trường đã gây một làn sóng phản ứng khi trên tấm áp phích có hình ảnh quốc kỳ Trung Quốc thay vì lá cờ Tổ quốc.
    Một trang thư viện đồ họa có hình ảnh bản đồ ngược

    Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội ngay đó đã  tháo dỡ tấm áp phích cũ, dựng một tấm mới được sửa đổi có hình quốc kỳ Việt Nam. Tuy nhiên, dư luận vẫn không dừng khi nhiều người làm trong nghề thiết kế tiếp tục phát hiện những hình ảnh chiến sĩ được làm mờ trên tấm áp phích là hình ảnh của “quân nhân ngoại”.

    Cách đây ít tháng, tại một Lễ khai mạc kỳ thi của Bộ Y tế tổ chức tại Trường Đại học Y Hà Nội, hình ảnh logo của Bộ cũng đã bị nhầm lẫn thành hình ảnh “rắn ngậm phong bì” vô cùng phản cảm. Đáng nói, sau khi điều tra, xác minh, hầu hết lỗi đều được xác định là người làm công tác thiết kế đã tìm kiếm hình ảnh, tư liệu trên internet và lắp ghép vào sử dụng. 

    Qua tìm hiểu, khi thiết kế những sản phẩm không đòi hỏi yếu tố độc nhất mà phổ thông như pa nô, áp phích chào mừng, phông nền hội nghị… thì người thiết kế, máy tính thường tìm những hình mẫu, hình ảnh sẵn có trên mạng rồi thêm các nội dung theo thực tế. Chỉ cần gõ những từ khóa về tài nguyên đồ họa, tư liệu thiết kế sẽ cho ra hàng chục triệu kết quả bao gồm cả miễn phí và thu phí.

    Trong một trang web được dân thiết kế ưa chuộng, nếu gõ cụm từ “quân sự” thì có hơn 350.000 kết quả và “quân đội” thì có hơn 30.000 kết quả. Trong số đó, có rất nhiều hình ảnh, hình vẽ của quân đội nước ngoài và cũng có nhiều hình ảnh sai lệch về bản đồ, quốc kỳ của Việt Nam. Vì vậy, để những lỗi thiết kế đáng tiếc không còn xảy ra, rất cần sự nhận thức nghiêm túc và giải pháp cụ thể từ phía các cơ quan chức năng và mỗi cá nhân thực hiện công việc này.

    Thứ nhất, các cơ quan, tổ chức nói chung và các cá nhân được giao nhiệm vụ thiết kế nói riêng cần dành sự nhìn nhận nghiêm túc cho nội dung công việc. Với tâm lý cho rằng đây chỉ là phần khánh tiết, một bước nhỏ trong công tác hậu cần của một chương trình, sự kiện nên việc thiết kế và in ấn được giao cho một cá nhân của đơn vị hoặc thuê ngoài, sau đó duyệt qua loa thiết kế để cho in. Tuy nhiên, khi đã là sản phẩm thiết kế, các tấm áp phích, pa nô, phông nền, quảng cáo… với hình ảnh đẹp, màu sắc bắt mắt và thường nằm ở những vị trí tâm điểm lại luôn thu hút nhiều sự chú ý. Hơn nữa, đây có thể được coi là bộ mặt chào mừng và giới thiệu của cơ quan, tổ chức hoặc trong các sự kiện, hội họp. Nếu không có sự quan tâm đúng mực, sự cẩu thả sẽ mang lại nhiều hậu quả đáng tiếc. Chưa kể, những sản phẩm thiết kế với mục đích tuyên truyền, cổ động nếu bị các đối tượng và thế lực thù địch lợi dụng để thực hiện mục đích xấu sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh của các cơ quan tổ chức hoặc nguy hiểm hơn là lan truyền những thông tin xấu trong nhân dân.

    Thứ hai, rút kinh nghiệm từ những sự cố đã xảy ra, những cá nhân trực tiếp thực hiện công tác thiết kế và kiểm duyệt cần phải được bố trí là người có đủ kiến thức, hiểu biết, năng lực để đánh giá tính chính xác trong hình ảnh, thông tin sử dụng thiết kế; mức độ tác động đến người xem, người nhìn cũng như hiệu quả tuyên truyền, giới thiệu của mỗi sản phẩm thiết kế sẽ được công bố công khai.

    Đồng thời trong quá trình thực hiện thiết kế các hình ảnh, tài liệu cần lưu ý lựa chọn, sử dụng các tư liệu, hình ảnh có nguồn gốc từ các đơn vị có thẩm quyền, cơ quan nhà nước, đặc biệt là đối với những hình ảnh mang ý nghĩa lớn như quốc kỳ, quốc huy, bản đồ quốc gia, quân phục lực lượng vũ trang…; tuyệt đối tránh việc sử dụng nhầm lẫn các hình ảnh không đúng.

    Thứ ba, cần đánh giá ngược lại nguyên nhân gây ra các sự cố, chủ yếu là do nhầm lẫn khi sử dụng hình ảnh, tư liệu sẵn có trên mạng internet. Đúng là hiện nay, việc chia sẻ tư liệu thiết kế, tài nguyên đồ họa được thực hiện tự do và rất thuận tiện cho người dùng song chưa có công cụ nào để dễ dàng sàng lọc nội dung của những tư liệu này và cũng chưa có một thư viện tài nguyên thiết kế chính thống thuộc sở hữu của cơ quan có thẩm quyền.

    Trên không gian mạng rộng lớn, rất khó để sàng lọc hoặc loại bỏ hết những kênh tư liệu thiết kế sử dụng hình ảnh, hình vẽ có nội dung sai phạm, trái quy định của pháp luật. Vì vậy, việc xây dựng một thư viện cho lĩnh vực hình ảnh, thiết kế, đồ họa là rất cần thiết. Công tác thiết kế được các cơ quan, tổ chức thực hiện liên tục hàng ngày để phục vụ các hoạt động sự kiện, hội nghị; chào mừng, tuyên truyền, cổ động cho các ngày lễ, kỷ niệm của đất nước… hình thành nhu cầu rất lớn về tài nguyên thiết kế. Một thư viện tư liệu đồ họa trong đa dạng các lĩnh vực, từ những đối tượng thiết kế thông dụng nhất như logo của các cơ quan, đoàn thể cho tới những tư liệu thiết kế phức tạp đều sẽ mang lại hiệu quả cao cho người sử dụng.

    Với hình thức thư viện mở, có sự kiểm soát và bảo đảm ởi cơ quan nhà nước, các đơn vị và người dân có thể sử dụng cũng như đóng góp tư liệu của mình, thay vì sử dụng từ những nguồn không chính thống. Dù biết rằng mỗi sản phẩm thiết kế đều là chất xám và bản quyền của người tạo ra, nhưng nếu được đóng góp vào một quỹ tài nguyên chung của quốc gia, phục vụ hoạt động chung của đất nước và cộng đồng thì chắc chắn không ít người sẵn lòng.

    Những giải pháp để hạn chế và xóa bỏ những lỗi thiết kế không phải là dễ dàng, đòi hỏi sự nghiên cứu, thực hiện bởi nhiều cơ quan chức năng. Vậy trước hết, những người làm công tác thiết kế, kiểm duyệt, in ấn cần nêu cao ý thức và trách nhiệm trong công việc của cá nhân mình để bản thân và cơ quan, đơn vị mình không gặp phải những phiền phức và hậu quả đáng tiếc.

    LÊ TẤT

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông