Nhà giáo Chu Văn An – Biểu tượng của tinh thần giáo dục trong sáng

10:53 18/03/2019

Một ngày đầu năm, chiếc xe chở nhóm phóng viên chúng tôi tách khỏi dòng người và xe đang chảy về các điểm lễ xin bổng cầu lộc để rẽ về núi Phượng Hoàng, một địa danh nổi tiếng trong quần thể Chí Linh (Hải Dương). Đây là nơi an nghỉ của một danh nhân đã đi vào huyền thoại, tượng trưng cho tinh thần cương trực, sáng trong của nền giáo dục Việt Nam.

Điện Lưu Quang trong quần thể di tích Chu Văn An

Đường về nẻo thiện

Lập kế hoạch từ trước đó khá lâu, nhưng đợt mưa phùn gió nồm vắt từ tháng đầu năm Kỷ Hợi đã khiến chúng tôi có phần lo ngại. Mặc dù vậy, đã quyết chí rồi thì chuyện thời tiết có đáng kể gì, nên trên đường đi kệ cho mưa tơi tả, chúng tôi vẫn lạc quan vào ước nguyện của mình. Đơn giản không riêng gì chúng tôi, mà trong tâm khảm mỗi người dân nước Việt, tấm gương của ông  - Nhà giáo Chu Văn An trải qua hơn 600 năm vẫn là một trong những biểu tượng sáng ngời về nhân cách, thật đáng trân trọng và tôn kính.

Vùng Chí Linh là nơi non thiêng của đất nước, nơi đây có tới 9 di tích được công nhận cấp quốc gia, gắn với tên tuổi nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng như Quốc công tiết chế Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn, Đệ nhị Tổ Pháp Loa, Đệ tam Tổ Huyền Quang, Anh hùng dân tộc - danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi… Và di dích đền thờ Vạn thế sư biểu Chu Văn An cũng nằm trong số đó. Thật hay, thời điểm chúng tôi đến chính là lúc Chí Linh vừa được nâng cấp lên Thành phố, từ quốc lộ 18, xe chở chúng tôi len lỏi trườn qua nhiều khúc cua rồi lọt vào giữa một vùng rừng núi trùng điệp mang tên Phượng Hoàng của phường Văn An.

Những dải rừng ngút ngàn nối theo nhau, chủ yếu là thông vút thẳng lên trời cao, được bao phủ bởi mây mù đầu xuân khiến khung cảnh càng thêm vi diệu. Giữa không gian ấy, ngay lúc bước xuống xe chúng tôi đã hòa lòng từ điểm dừng chân đầu tiên, đó là điện Lưu Quang. Điểm khác biệt so với những di tích nổi tiếng khác là, quần thể đền thờ Chu Văn An không có cảnh xô bồ chèo kéo khách du lịch, những cửa hàng dịch vụ trật tự đâu vào đấy, mà ấn tượng nhất là những quầy sách thoáng đãng, tô thắm thêm nét đẹp của con chữ, gắn với người thầy tài danh suốt hơn 6 thế kỷ qua.

Người thầy cương trực

Theo tư liệu lịch sử, Chu Văn An sinh năm 1292, tên thật là Chu An, hiệu là Tiều Ẩn, tên chữ là Linh Triệt, ông là nhà giáo, thày thuốc được phong tước Văn Trinh Công vào cuối triều Trần, người đời sau quen gọi là Chu Văn An. Ông vốn sinh ra trong gia đình nghèo ở làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm, (nay là Thanh Trì, Hà Nội).

“Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng: An tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo, không cầu lợi lộc. Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, vào chính phủ.

Như Phạm Sư MạnhLê Quát đã làm Hành khiển mà vẫn giữ lễ học trò, khi đến thăm thầy thì lạy hỏi ở dưới giường, được nói chuyện với thầy vài câu rồi đi xa thì lấy làm mừng lắm. Kẻ nào xấu thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét không cho vào. Ông là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt đáng sợ đến như vậy đấy.

Phẩm giá, đức độ, danh tiếng của thầy Chu Văn An không ngừng vang xa, học trò tứ phương lũ lượt kéo về, lúc đông nhất lên tới 3.000 môn sinh. Tiếng thơm vang đến kinh thành, quan tư đồ Trần Nguyên Đán trực tiếp đến thọ giáo. Vua Trần Minh Tông mời ông ra giúp nước, giao giữ chức Tư Nghiệp Quốc Tử Giám.

Vua Dụ Tông ham chơi, lười chính sự, quyền thần nhiều kẻ làm trái phép nước, An khuyên can, Dụ Tông không nghe, bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ quyền thế, người bấy giờ gọi là “Thất trảm sớ”, sớ dâng lên nhưng không được trả lời, ông liền treo mũ từ quan. Hiến Từ thái hoàng thái hậu bảo: “Ông ta là người không thể nào bắt làm tôi được, ta sai bảo thế nào được ông ta?". Vua sai nội thần đem quần áo ban cho ông. Ông lạy tạ xong, liền đem cho người khác hết, thiên hạ đều cho là bậc cao thượng.

Chu Văn An đã phát động cuộc cải cách giáo dục đúng nghĩa, ông bắt tay soạn bộ Tứ thư thuyết ước, gồm 10 quyển, đây chính là bộ giáo trình giảng dạy đầu tiên của nước ta. Ông cũng là người khởi xướng chủ trương học đi đôi với hành, ông nói rằng: “Học chỉ là mắt, hành mới có chân. Có mắt, có chân mới tiến được. Có làm mới biết nhưng cái biết trong cái làm mới là cái biết thực sự, cái biết sâu sắc”.

Ông cũng từng nói: “Cái quan trọng của con người không ở chỗ chức tước mà ở phẩm giá. Giữ một chức phận nhỏ mà có ích cho đời thì đáng quý biết bao nhiêu. Còn giữ chức tước lớn mà không làm gì có lợi cho dân, cho nước thì chức tước ấy có nghĩa gì”. Đúng như quan tư đồ Trần Nguyên Đán từng nhận xét về ông: “Nhờ có ông mà bể học xoay làn sóng, phong tục trở lại thuần hậu”.

Gương sáng soi mãi đến đời sau

Chu Văn An treo áo mũ cáo quan về núi Phượng Hoàng ở Chí Linh, sống những năm tháng cuối cùng với biệt danh Tiều Ẩn và mất năm 1370. Người đời đều ca ngợi ông là một nhà giáo vẹn toàn, quan tâm đầy đủ cả các mặt trí dục và đức dục, học và hành. Triết lý của ông được tóm lược là: Cùng lý - bàn cãi cho biết lý lẽ của sự vật; Chính tâm - không làm điều gì trái với lương tâm; Tịch tà - chống lại những điều nhảm nhí; Cự bí - chống lại những sự việc làm hại đến nhân tâm.

Trải qua hơn 600 năm, gương sáng của Chu Văn An luôn được nêu trong mọi thời đại, mọi chế độ. Nhiều địa phương trong cả nước có đền thờ ông, lấy tên ông đặt cho đường phố, trường học hoặc các công trình văn hóa giáo dục, Hải Phòng là một trong những nơi như vậy. Riêng tại nơi ông mất ở núi Phượng Hoàng, khu vực ông quy ẩn và dạy học được tu tạo thành quần thể di tích, được công nhận cấp quốc gia năm 1998. Lần đầu tiên được đến thăm di tích, tất cả chúng tôi ai nấy đều sững sờ, không chỉ vì vẻ đẹp ẩn dật, mà còn bất ngờ trước sự uy nghi của quần thể kiến trúc này.

Kể từ điện Lưu Quang, được xây dựng bằng gỗ lim trên một vị trí thoáng đãng giữa đất trời, thể hiện sự tôn vinh tầm vóc một danh nhân như Chu Văn An.  Rồi sải chân trên từng thềm đá, xuyên giữa rừng thông bạt ngàn lên khu đền chính, khiến bất cứ ai cũng muốn ngước hướng mắt lên cao, ngắm những đầu đao trên mái đền cong vút thanh thoát, nóc đắp nổi lưỡng long chầu nhật. Điều đặc biệt là ở đây, du khách khi vào viếng đền thầy đều được hướng dẫn tận tình, ngoài dâng lễ thường còn dâng cả bút, sách vở để nguyện ước công danh, khoa cử, học hành. Phía hữu đền chính, lại thêm một đường đá dẫn lên đỉnh núi dài độ 600m, nơi đặt lăng mộ của ông.

Kính cẩn dâng hương trước vong linh người thầy vĩ đại, chúng tôi qua giếng nước trong vắt tương truyền là “giếng son” của người thầy mẫu mực, khỏa bóng mình mà cảm thấy lòng nhẹ nhõm, như được trở về với câu chuyện xa xưa, chuyện thực giữa đời mà ngõ như huyền thoại. Cả quần thể nằm giữa bát ngát giữa rừng xanh, ẩn quất trong mây mù thăm thẳm, mà như vẫn toát lên ánh sáng lung linh tích tụ hơn 6 thế kỷ qua. Như nghe đâu đây vẫn vang âm tinh thần “Thất trảm sớ” của bậc thầy tài danh Vạn sư thế biểu Chu Văn An.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông