Philippines rút ra 3 bài học có thể học hỏi từ Việt Nam

09:31 11/09/2022

Việt Nam ngày nay là một động lực kinh tế mang lại những bài học hữu ích cho các nền kinh tế đang phát triển như Philippines.

Nhà phân tích chính trị Richard Heydarian mới đây bình luận trên nhật báo Inquirer của Philippines cho rằng, trong một 100 năm qua, các nhà sử học có thể đánh giá sự trỗi dậy của Trung Quốc là một trong những sự kiện ấn tượng nhất của thế kỷ 21. Chỉ trong hơn nửa thế kỷ, Trung Quốc đã từ một trong những quốc gia nghèo trên thế giới, xếp hạng thấp hơn cả các nước châu Phi cận Sahara về thu nhập bình quân đầu người, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trong khi đó, dù ở quy mô nhỏ hơn, nhưng sự phát triển nhanh của Việt Nam cũng không kém phần ấn tượng. Đến thăm Việt Nam nhiều lần trong hơn một thập kỷ qua, ông Heydarian đã chứng kiến ​​sự chuyển mình của Việt Nam trên mọi lĩnh vực. Trong khi xe tay ga (xe máy) từng chiếm đa số trên các con đường thì giờ đây, xe ô tô của các hãng nổi tiếng, xe thể thao đa dụng và xe ô tô sản xuất trong nước đã trở nên phổ biến ở thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Việt Nam đã có bước phát triển đột phá về mọi mặt. (Trong ảnh: Khu đô thị Vinhomes Imperia Hải Phòng - điểm nhấn của thành phố Cảng.)

Trong khi đó, nhiều "gã khổng lồ" công nghệ toàn cầu đang tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Mới đây, Apple đã thông báo rằng các sản phẩm Macbook và Apple Watch sẽ được sản xuất thông qua Luxshare Precision Industry và Foxconn lần đầu tiên tại Việt Nam.

Ngày nay, hầu hết mọi sản phẩm hàng hiệu, từ thời trang (Armani Exchange), thể thao (Adidas) đến điện tử (Samsung), đều dán nhãn “Sản xuất tại Việt Nam”. Đối với một đất nước đã phải trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh đầy đau thương trong suốt nửa sau của thế kỷ 20 như Việt Nam, điều này được coi là sự đột phá.

Rõ ràng, theo ông Heydarian, Việt Nam ngày nay là một động lực kinh tế mang lại những bài học hữu ích cho những nền kinh tế tương đồng như Philippines.

Bài học đầu tiên và được cho là quan trọng nhất từ ​​Việt Nam là việc nước này đã chú trọng đến giáo dục cơ bản, đặc biệt là môn toán và khoa học. Mặc dù vẫn là một quốc gia đang phát triển, song Việt Nam đã đứng thứ 8 trên thế giới khi lần đầu tiên được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế có trụ sở tại Paris đưa vào Chương trình Đánh giá Sinh viên Quốc tế (Pisa) có uy tín. Điều đó có nghĩa là học sinh ở Việt Nam có trình độ cơ bản về toán và các môn khoa học cơ bản tốt hơn học sinh ở một số nước phát triển hơn.

Với Philippines, vốn có thu nhập bình quân đầu người cao hơn Việt Nam cho đến gần đây, xếp cuối bảng Pisa. Trong báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới về chỉ số “nghèo về học tập” (tỷ lệ phần trăm trẻ em ở độ tuổi 10 tuổi chưa biết đọc và hiểu môt đoạn câu chuyện đơn giản phù hợp với lứa tuổi), xếp hạng của Việt Nam chỉ là 18%, trong khi của Philippines là 91%.

Bài học thứ hai từ Việt Nam, đó là sự kết hợp tối ưu giữa phát triển nông nghiệp và công nghiệp. Thay vì phụ thuộc quá nhiều vào lĩnh vực dịch vụ như ở Ấn Độ và Philippines, hay các ngành công nghiệp khai thác như ở Indonesia, Việt Nam đã đồng thời trở thành một cường quốc về nông nghiệp và sản xuất.

Nhờ các chính sách chủ động trong thương mại, công nghiệp và nông nghiệp, Việt Nam đã trở thành một trong những nhà xuất và khẩu lớn nhất của các loại lương thực chính, như gạo, cũng như các thiết bị điện tử có giá trị gia tăng cao. Nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế dương vào năm 2020, cùng năm mà nền kinh tế Philippines bị suy giảm gần hai con số, một trong những nền kinh tế tồi tệ nhất ở châu Á, chủ yếu vì đại dịch COVID-19.

Các chương trình quản lý dân số hiệu quả và nền kinh tế đa dạng nhiều thành phần của Việt Nam cũng giải thích việc tỷ lệ đói nghèo tương đối thấp so với các nước khác như Philippines. Các thành phố lớn của Việt Nam cũng không có sự bất bình đẳng hay chênh lệch quá lớn về thu nhập, trái ngược với những hình ảnh về các khu ổ chuột lớn ở Manila, Jakarta (Indonesia) và Bangkok (Thái Lan).

Bài học thứ ba từ Việt Nam là cách tiếp cận "độc đáo" với thế giới bên ngoài. Việt Nam đã đẩy mạnh hội nhập và mở cửa ra thế giới với chương trình cải cách kinh tế (Đổi mới) mà không gây ảnh hưởng đến các giá trị xã hội, văn hóa ẩm thực đặc trưng và kiến ​​trúc khác biệt.

Hơn nữa, Việt Nam đã chủ động xây dựng mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với cả các nền kinh tế phương Tây, ký kết các hiệp định thương mại tự do với Mỹ, Canada, Australia và EU, cũng như với các nước phương Đông, từ Nhật Bản, Hàn Quốc đến Ấn Độ và Nga. Trong khi đó, cần phải thừa nhận rằng Philippines vẫn chưa hoàn toàn xác định được bản sắc chiến lược phát triển của riêng mình.

Theo TTXVN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông