09:23 13/08/2018 Nạn hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập niên đang ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất nông nghiệp, ngành xương sống của nền kinh tế Afghanistan, và đẩy quốc gia bị chiến tranh tàn phá này lâm vào cảnh "mất an ninh lương thực."
Tình trạng mưa ít và không có tuyết rơi trên phần lớn lãnh thổ Afghanistan trong những tháng vốn là lạnh ẩm, đã gây hạn hán nghiêm trọng.
Nhiều nơi, suốt 3 năm qua hầu như không có mưa, khiến sản lượng vụ đông vừa qua giảm 10%, gia súc chết hàng loạt trong khi người nông dân thực sự lao đao.
Theo mạng lưới hệ thống cảnh báo tình trạng đói kém, đơn vị được Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) thành lập từ năm 1985, hạn hán khiến sản lượng lúa mỳ tại Afghanistan năm 2018 dự kiến xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011.
Ước tính, Afghanistan sẽ thiếu hụt 2,5 triệu tấn múa mỳ trong năm nay, khiến hơn 2 triệu người dân nước này có thể đối mặt với tình trạng "mất an ninh lương thực trầm trọng" và phải cần viện trợ nhân đạo trong vòng 6 tháng tới.
Điều kiện thời tiết khô và nhiệt độ vẫn ở mức cao làm dấy lên quan ngại sản lượng vụ Xuân và vụ Hè, sẽ thu hoạch vào cuối năm nay, cũng bị ảnh hưởng.
Người nông dân Afghanistan chịu thiệt thòi hơn cả khi vụ mùa thất bát trong khi tình trạng đói kém bắt đầu trầm trọng.
Thống kê của Liên hợp quốc cho thấy hạn hán đang ảnh hưởng tới gần 15 triệu người làm việc trong ngành nông nghiệp tại hơn 20 tỉnh của nước này.
Ngay chính người nông dân đang buộc phải ăn hạt giống của vụ gieo trồng tới để sinh sống qua ngày.
Hàng nghìn con cừu và dê đã chết do không có nước uống và những đồng cỏ hóa thành bụi do bị cái nắng nóng thiêu rụi.
Tại tỉnh Balkh, hơn 450.000 nông dân và người chăn gia súc đã phải giết hoặc bán đàn gia súc của mình bởi không đủ khả năng nuôi chúng.
Bộ Gia súc và Nông nghiệp Afghanistan cho hay tình trạng người dân bán tháo gia súc để được giá đã khiến giá cừu và dê lao dốc, trong khi đó giá cỏ khô lại tăng do nguồn cung bị thu hẹp.
Điều phối viên Cơ quan viện trợ nhân đạo Liên hợp quốc Tony Lanzer cảnh báo nếu chính quyền Afghanistan và cộng đồng quốc tế chậm trễ giải quyết, quốc gia Tây Nam Á này sẽ đối mặt với thảm họa vào mùa Đông tới này trong khi nhu cầu lương thực ngày càng tăng.
Cho tới nay, mới chỉ có khoảng 460.000 người, tức là 25% số người Afghanistan cần cứu trợ, nhận được thực phẩm và hàng viện trợ của Liên hợp quốc.
Các cơ quan cứu trợ quốc tế và chính phủ Afghanistan vừa đạt thỏa thuận xuất 60.000 tấn lúa mỳ trong kho dự trữ tại nước này để cứu trợ người dân.
Tình trạng đói kém đã khiến hàng nghìn nông dân bỏ nhà cửa chuyển đến những thành phố khác không bị ảnh hưởng bởi hạn hán để sinh sống.
Liên hợp quốc ước tính hơn 70.000 nông dân Afghanistan đã rời bỏ nhà cửa lên khu vực thành thị sinh sống.
Theo TTXVN
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh