10:47 11/05/2019 Ngày 2-9-1945, dưới lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên quảng trường Ba Đình, Hồ Chủ Tịch đọc tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng giặc Pháp quyết âm mưu cướp nước ta một lần nữa, thêm một lần dân tộc Việt Nam không chịu khuất phục trước xiềng gông nô lệ, vùng lên “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Bộ đội ta tiến về tiếp quản Hải Phòng ngày 13/5/1955 (ảnh tư liệu)
Xứng danh miền đất tiền đồn
Trong thời khắc chớp mắt của lịch sử, trước ngày toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, quân và dân thành phố đã tiên phong thử lửa với kẻ thù, bắt đầu từ sự kiện gây hấn của quân Pháp tại cảng Hải Phòng. Những người con của đất Cảng đã không chịu khuất phục, nhất tề đứng lên không so đo toán tính, không quản ngại hy sinh, quyết sống mái với kẻ thù.
Ở vị trí tiền đồn, Hải Phòng là địa phương đầu tiên ở miền Bắc đã dùng máu hồng tô thắm lịch sử dân tộc, với sự khởi đầu cho một cuộc kháng chiến vĩ đại. Cuộc chiến ấy mang tên Việt Nam, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết trong hồi ký: “Lịch sử chưa để lại cho chúng ta tiền đề chiến thắng, khi phải xây dựng một kế hoạch chiến đấu cho bộ đội và nhân dân lần đầu chiến đấu với một kẻ địch bội phần mạnh hơn mình…”.
Tiếp đó, 9 năm kháng chiến trường kỳ là những trang sử vàng truyền thống “Trung dũng - Quyết thắng”, quân và dân Hải Phòng vẫn giữ vai trò tiên phong, với chiến thắng “Sở Dầu, Cát Bi rực lửa”, “Đường 5 quật khởi”… góp công làm lên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, khi các địa phương khác ở miền Bắc đã được hưởng tự do, thì Hải Phòng vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh kiên cường, trong vùng tập kết 300 ngày của quân đội Pháp.
Theo hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, quân Pháp ở miền Bắc phải rút về khu vực tập kết tại Hải Phòng và chuẩn bị rút toàn bộ quân viễn chinh khỏi Đông Dương. Chúng buộc phải cuốn gói nhưng lại cấu kết với đế quốc Mỹ và tay sai phản động thực hiện chiến dịch cưỡng ép di cư, nhằm vơ vét sức người, sức của vào miền Nam chuẩn bị cho cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ đối với ta. Hải Phòng trở thành điểm nóng của toàn quốc.
Phong trào đấu tranh của công nhân và các tầng lớp nhân dân Hải Phòng phát triển mạnh mẽ. Cán bộ, bộ đội đi sát những người bị dụ dỗ, vạch trần âm mưu thủ đoạn của địch, vận động hàng chục vạn người bỏ các trại di cư. Công nhân đoàn kết, đấu tranh chống tháo dỡ di chuyển máy móc.
Nông dân vận động được hai vạn binh lính ngụy bỏ hàng ngũ địch. Học sinh, trí thức sôi nổi tham gia đấu tranh bảo vệ học đường, công trình vǎn hóa.
Ngày 13-5-1955, những người lính viễn chinh Pháp cuối cùng cuốn cờ xuống tàu rút khỏi Việt Nam, cũng là lúc dưới ánh hào quang rực rỡ của cờ đỏ sao vàng, các đoàn quân giải phóng tiến vào tiếp quản thành phố. Hải Phòng sạch bóng thù, sống lại không khí sôi nổi hào hứng của những ngày Cách mạng tháng Tám. Hải Phòng “đi trước về sau”, ngày giải phóng Hải Phòng cũng đồng nghĩa với ngày giải phóng hoàn toàn miền Bắc, như lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Tự hào nơi đầu sóng ngọn gió
Sau ngày lịch sử ấy, Hải Phòng đã khẩn trương hàn gắn vết thương chiến tranh, thi đua lao động sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với vị thế thành phố cảng đầu mối giao thương quốc tế, một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất miền Bắc, nhưng trong niềm hân hoan của tự do, lòng người Hải Phòng vẫn quặn đau trước nỗi niềm chia cắt hai miền Nam – Bắc.
Các phong trào thi đua, với “sóng Duyên Hải”, “Tổ đá nhỏ ca A nhà máy xi măng”… đã tiếp sức cho những người con Hải Phòng lên đường vào tuyến lửa. Người hậu phương kiên cường bám trụ, đập tan hai cuộc chiến tranh phá hoại và phong tỏa của đế quốc Mỹ, vừa bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng vừa chi viện “Tất cả cho miền Nam ruột thịt”, cùng cả nước “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, thống nhất toàn vẹn non sông.
Bước ra từ khói lửa của cuộc chiến dài nhất, tàn khốc nhất trong lịch sử chiến thanh thế giới, giữa muôn vàn mất mát đau thương, nhưng với niềm tin và sáng tạo, người Hải Phòng luôn tìm riêng cho mình những cách làm mới để vượt qua.
Nhiều mô hình phát nguồn từ Hải Phòng đã lan tỏa ra cả nước, như phong trào “dân vận khéo”, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”… và điển hình là phong trào khoán mới, góp phần vào quá trình hình thành đường lối đổi mới toàn diện đất nước của Đảng ta.
Hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân thành phố đã phát huy cao độ truyền thống cách mạng vẻ vang, giành được nhiều thành tựu quan trọng. Nhất là vào thời khắc khủng hoảng của hệ thống XHCN, Hải Phòng đã cùng cả nước vững chãi vượt qua sóng gió, mở ra thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng trên tiến trình CNH-HĐH.
Chỉ tính riêng 15 năm thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TW của Bộ Chính trị “về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, thành phố đã có những bước bứt phá ngoạn mục.
Quy mô kinh tế đứng thứ hai vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, GDP tăng gấp1,68 lần mức tăng chung cả nước; giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt 3.964 USD, gấp 1,54 lần bình quân cả nước. Không gian kinh tế thành phố được mở rộng, thị trường xuất khẩu vươn tới 121 quốc gia và vùng lãnh thổ…
Đặc biệt trong hơn 3 năm trở lại đây, trên cơ sở Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ 12 và nghị quyết đại hội 15 Đảng bộ thành phố, Hải Phòng trở mình mạnh mẽ. Các công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng kinh tế trọng điểm đã trở thành tiêu biểu, đưa Hải Phòng vào nhóm những địa phương dẫn đầu cả nước về đột phá phát triển trên mọi lĩnh vực.
Thành tựu đó đã khẳng định hướng đi đúng đi vào chiều sâu, phát triển bền vững, lấy kinh tế đảm bảo an sinh xã hội, thắt chặt thiết chế văn hóa, ổn định quốc phòng an ninh, minh chứng rõ nét khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng. Hình thành cơ sở khoa học tích lũy từ thực tiễn, để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển Hải Phòng, mở ra tương lai sán lạn theo hướng bền vững.
Những ngày này, khắp các nẻo đường, màu hoa phượng hòa với màu cờ, rực rỡ một màu thắm đỏ. Một gam màu bừng sáng trên bức tranh đa sắc, không chỉ gợi nhớ tới những chiến tích hào hùng, mà còn xứng đáng là bảng báo công nhân kỷ niệm 129 năm sinh nhật Bác Hồ (19/5/1890 – 19/5/2019).
Tự hào thay một chặng đường đã qua, Hải Phòng đã thể chế hóa tấm gương, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thành các phong trào thi đua, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện với những bước tiến vượt bậc.
Với tinh thần ấy, Hải Phòng cùng cả nước kết tụ thành sức mạnh, ghi dấu trên những trang sử vàng oanh liệt trong sự nghiệp cách mạng. Mỗi người con thành phố Hoa Phượng Đỏ, dù đi đâu về đâu vẫn khơi dậy tinh thần “Trung dũng-Quyết thắng”, để hai tiếng Hải Phòng vang lên trong niềm tự hào.
Hoàng Minh
23:15 11/01/2025
11:33 10/01/2025
20:58 14/12/2024
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ
Chuyên mục Nghị định 154/CP: Quy định về giấy tờ, tài liệu, thông tin chứng minh chỗ ở hợp pháp
Công an quận Hồng Bàng phối hợp kiểm tra, xử lý 7 trường hợp vi phạm nồng độ cồn
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh