Alô! 114 xin nghe

15:41 26/09/2017

Tuy trực thuộc Phòng tham mưu, nhưng các cán bộ chiến sỹ của Trung tâm Thông tin chỉ huy (114) - Phòng Tham mưu (Cảnh sát PCCC thành phố) phải đảm bảo chế độ trực chiến đấu 24/24.

Bởi đây là  “điểm xuất phát” trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ cũng như truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố nhanh chóng nhằm hỗ trợ đắc lực để các đơn vị chiến đấu với “giặc lửa”.   

Căng thẳng tiếp nhận tin báo

“Trung tâm Thông tin chỉ huy, thuộc phòng tham mưu, Cảnh sát PCCC thành phố có 26 đồng chí, trong đó 10 cán bộ, chiến sỹ đảm nhận trực tiếp tiếp nhận, xử lý, truyền đạt, lưu trữ những thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ huy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ của Cảnh sát PCCC” - Thiếu tá Nguyễn Danh Hồng, Đội trưởng Trung tâm Thông tin chỉ huy, giới thiệu về đơn vị mà mọi người vẫn biết đến với tên gọi 114.

Cán bộ, chiến sỹ Trung tâm 114 tiếp nhận thông tin. Ảnh Phan Tuấn

Tiếp câu chuyện, anh Hồng tâm sự: Gắn bó với công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ hơn 20 năm vậy mà mỗi lần có vụ cháy, nổ nào xảy ra, tôi và mọi người đều căng như dây đàn. Công việc đòi hỏi tập trung cao độ. Để anh em chiến đấu ngoài hiện trường dập tắt đám đám cháy, vụ nổ nhanh nhất.

Tất cả tuân theo quy tắc 1'. Đó là cán bộ sau khi tiếp nhận thông tin phải nắm, tổng hợp để điều động người và phương tiện, hướng dẫn đường đi, báo nơi đặt trụ nước, họng nước, nguồn nước gần hiện trường nhất. Song song với đó, một cán bộ phải nắm tình hình để cập nhật, báo cáo thông tin cho Ban Giám đốc, để truyền đạt lệnh đến chỉ huy vụ cháy tại hiện trường.

Cuộc nói chuyện của chúng tôi bỗng dứt quãng bởi tiếng chuông điện thoại liên tiếp gọi tới tổng đài 114 báo cháy tại cột điện khu vực Núi Đèo, huyện Thủy Nguyên, các cán bộ, chiến sỹ nhanh chóng vào vị trí tiếp nhận. Anh em thay nhau “alo”, nét mặt đầy căng thẳng, chỉ lo lửa bắt phải chất gây cháy, bùng phát lớn thì sẽ có hậu quả nghiêm trọng xảy ra.

Người liên tục hỏi thông tin, khẩn trương ghi vào sổ, xử lý trên hệ thống về điểm xảy ra, từ đó đánh giá tình hình để điều động lực lượng cho hợp lý. Người liên lạc, điều động lực lượng quản lý địa bàn tới hiện trường.

Người khai thác hệ thống cảnh báo cháy nhanh, kèm theo hướng dẫn về đường giao thông, nguồn nước gần đám cháy nhất để lực lượng chiến đấu tới vị trí cần thiết. Sau đó, thông tin qua lại giữa lực lượng chiến đấu, chỉ huy hiện trường, lãnh đạo trong Ban Giám đốc và các cơ quan liên quan.

Cán bộ, chiến sỹ Trung tâm 114 điều động phương tiện, lực lượng đến hiện trường. Ảnh Phan Tuấn

Thiếu tá Hồng cho biết hệ thống trung tâm chỉ huy vận hành theo từng ca. Mỗi ca là 6 tiếng, có 3 đồng chí trực. Dù đêm cũng không được phép ngủ, tất cả đều phải “tỉnh”. Ngày lễ, ngày tết, mưa bão càng phải nghiêm túc thực hiện, không được phép chủ quan. Ngoài chức năng tiếp nhận, xử lý thông tin và truyền đạt thông tin đến lãnh đạo và các đơn vị chức năng, Trung tâm còn đảm nhận vận hành hệ thống truyền hình trực tuyến, kết nối với V11, C66... - Bộ Công an phục vụ các sự kiện, hội nghị lớn. Đồng thời, cán bộ chiến sỹ Trung tâm còn tổ chức canh gác, bảo vệ cơ quan, hướng dẫn khách đến liên hệ, đảm bảo an toàn, trật tụ nội vụ.   

Với quân số không lớn, dù đảm đương khối lượng việc lớn, thường xuyên phải ứng trực 24/24 nhưng các anh vẫn cười, nói: “Chúng tôi dù trực căng thẳng, mệt mỏi nhưng không nguy hiểm. Còn anh em trực tiếp đi chữa cháy, cứu nạn cứu hộ thì khổ lắm, hiểm nguy luôn rình rập, bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Những lúc điều động anh em đi chữa cháy, cứu hộ, mọi người lo lắm. Đến khi anh em báo hoàn thành nhiệm vụ, an toàn trở về mới thở phào nhẹ”...

Mong mọi người hiểu, cảm thông

Ngắm nghía “cơ ngơi” của Trung tâm, chúng tôi thốt lên; chưa đầy 40m2 mà ở đây nhiều máy quá. Các anh cười bảo: Nói phóng viên không tin, chứ trước năm 2013, cả thành phố Hải Phòng báo cháy qua 114 chỉ có... 3 cái điện thoại bàn. Nên anh em lo lắm, mỗi lần một cái bận “chuyện” thì không biết hậu quả như thế nào.

Cán bộ, chiến sỹ Trung tâm 114 tiếp nhận thông tin. Ảnh Phan Tuấn

Thấy chúng tôi nhíu mày, Thiếu tá Nguyễn Danh Hồng liền giải thích: Bình quân mỗi ngày, CBCS Trung tâm thông tin chỉ huy tiếp nhận, xử lý hàng trăm cuộc gọi điện thoại đến. Nhiều khi chưa nghe hết cuộc này lại phải nhận cuộc gọi khác.  Nhiều trường hợp cố tình báo cháy giả không chỉ gây nhiễu thông tin mà còn ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin cháy thật. 

Trong đó, trẻ con rất hay gọi, chỉ bảo: “Bếp nhà cháu cháy”, “Nhà cháu cháy chú ơi”... rồi cúp máy hay những trường hợp báo cháy giả nữa, trước hệ thống chưa hiện đại, để tìm được số gọi đến, cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát PCCC phải mất thời gian. Tìm được số, gọi lại thì họ chối bay.

 Một chiến sỹ trẻ cười bảo: còn có người gọi đến tâm sự nữa cơ. Gặp phải trường hợp này, anh em phải xin lỗi, nếu để đường dây bận là vi phạm kỷ luật, nhất là có cuộc báo cháy thật xảy ra, không kịp thời xử lý là có tội với dân. Nhưng như vậy còn đỡ, chứ có người vài phút lại gọi, thấy các anh nhấc máy là tuôn tràng dài những ngôn từ không lịch sự...

Dập máy, họ lại gọi. Tránh làm mất cơ hội cho người dân cần báo tin, cán bộ chiến sỹ Trung tâm đã đề nghị chặn những số hay làm phiền trong vòng 10 ngày. Ấy vậy, chặn số này, họ lại dùng số khác.

Cán bộ, chiến sỹ Trung tâm 114 xử lý thông tin vừa tiếp nhận. Ảnh Phan Tuấn

Giờ mọi việc đã khác. Năm 2013, được sự quan tâm của Chính phủ, Ngành, Dự án Xây dựng Trung tâm thông tin Chỉ huy điều hành chữa cháy và cứu nạn cứu hộ của Chính phủ Áo tài trợ (theo ODA), Cảnh sát PCCC Hải Phòng đã đưa vào vận hành, đưa vào sử dụng hệ thống máy móc hiện đại, phục vụ hiệu quả việc tiếp nhận,  xử lý thông tin đến từng giây.

Tiếp đó, năm 2014, Bộ Công an tiếp tục chuyển giao Dự án điều chuyển hệ thống thông tin liên lạc từ Cảnh sát Cảnh sát PCCC Hà Nội cho  Cảnh sát PCCC Hải Phòng. Hệ thống máy móc hiện đại này đã phát huy hiệu quả, giúp ích cho công việc cũng như “minh oan” cho cán bộ, chiến sỹ Trung tâm 114.

Cười buồn, anh Hồng kể: Vẫn biết tâm lý phải chờ đợi khi sự cố xảy  ra là rất suốt ruột, nôn nóng. Lúc đến hiện trường, câu anh em thường được nghe nhất: sao lâu thế? Gọi cách đây 15’, 20’ mà giờ mới đến? Cháy hết rồi còn gì... Nhiều trang cá nhân còn tung tin thất thiệt gọi đến 30’ mà không thấy lực lượng Cảnh sát PCCC đâu, gần thế mà không xuất hiện.

Điển hình như vụ cháy 3 quán kinh doanh nhà hàng Tây Hồ, quán bar, show room đồ điện... ngay sát trường ĐH Y dược Hải Phòng trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Ngô Quyền vào ngày 14-4-2015. Sau khi có thông tin gọi mãi không được, lực lượng Cảnh sát đến muộn, xe không có nước... Trung tâm đã tham mưu cho lãnh đạo đơn vị đề xuất Đảng ủy, Giám đốc Cảnh sát PCCC mời các cơ quan báo chí đăng tải về vụ cháy đến, trực tiếp quan sát, tìm hiểu thời gian của những cuộc điện thoại gọi đến thông báo vụ cháy. Tất cả chính xác, hiện thị đến từng giây. Nhờ đó chúng tôi được minh oan.

Mấy đồng chí trong Trung tâm cho biết: những lúc xảy ra sự cố, mọi người hãy cố gắng bình tĩnh, trả lời một số thông tin. Như vậy, chúng tôi mới có thể điều xe, điều phương tiện chính xác, nhanh nhất được. Ví dụ có người mắc két, Trung tâm sẽ điều thêm xe cứu hộ, phương tiện phá dỡ; ngõ sâu thì thêm xe, phương tiện... để tiếp nước.

Hơn nữa, lực lượng Cảnh sát PCCC bố trí phân tán khắp nơi, khi di chuyển rất dễ gặp sự cố đông người, nhất là giờ cao điểm. Và hơn hết những người làm tại Trung tâm 114 nói riêng và lực lượng Cảnh sát PCCC nói chung mong người dân hiểu, nâng cao nhận thức. Đến giờ vẫn còn nhiều người không dám gọi 114 bởi sợ... mất tiền trả cho lực lượng Cảnh sát PCCC. Hay thay vì bấm 114 họ lại bấm 113, 115.

 

Hình như đã quá quen với tiếng chuông nên các anh không hề giật mình chút nào. Mỗi khi chuông reo, họ lại alo, rồi lại đặt xuống một phút không biết bao nhiêu lần. Tất bật tiếp nhận, xử lý thông tin, cán bộ chiến sỹ Trung tâm Thông tin chỉ huy chỉ có mong truyền đạt kịp thời, nhanh nhất nhằm hỗ trợ đắc lực để các đơn vị chiến đấu với “giặc lửa”.   

Minh Phương

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông