20:04 04/11/2024 Ngày 29-10, tại kỳ họp thứ 8 đang diễn ra, Quốc hội khóa 15 thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội rất quan tâm và có nhiều ý kiến đóng góp đối với quy định áp thuế GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón. Đại biểu Quốc hội đồng tình và cho rằng đây là quy định rất phù hợp với quy luật thị trường, đáp ứng sự mong đợi của cả doanh nghiệp và nông dân.
Khắc phục những bất cập, vướng mắc từ thực tế
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP DAP Vinachem Nguyễn Ngọc Sơn, trước khi triển khai thực hiện Luật thuế 71/2014/QH13 (Luật số 71), các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng thuế suất GTGT 5%. Theo đó, hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng này được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2015, Luật số 71 có hiệu lực, các mặt hàng này đã được chuyển thành đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng và không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Thực tế thời gian qua cho thấy, quy định đưa mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT (Khoản 1 Điều 3 Luật số 71) làm hạn chế sự phát triển và đầu tư cho sản xuất phân bón trong nước, đồng thời không đạt được mục tiêu giảm giá bán mặt hàng phân bón khi xây dựng Luật số 71.
Cụ thể, hầu hết máy móc thiết bị sản xuất phân bón nhập khẩu đều chịu thuế GTGT 10%. Số thuế này không được hoàn mà tính vào tổng mức đầu tư, nên làm tăng tổng mức đầu tư, giảm hiệu quả của các dự án đầu tư sản xuất phục vụ nông nghiệp và do đó không khuyến khích việc đầu tư vào các dự án phục vụ nông nghiệp.
Từ ngày 1/1/2015, các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ chi phí sản xuất phân bón, phải tính số thuế GTGT đầu vào chi phí (tổng chi phí thuế GTGT của các đơn vị thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam mỗi năm gần 1.000 tỷ đồng); giá thành sản xuất các mặt hàng phân bón tăng (từ năm 2015, phân đạm trong nước tăng 7,2 - 7,6%; phân DAP tăng 7,3 - 7,8%, phân supe lân tăng 6,5 - 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng 5,2 - 6,1%... so với những năm còn áp dụng thuế GTGT 5% đối với phân bón – theo Hiệp hội phân bón Việt Nam), do đó giá bán tăng lên.
Ngoài ra, vì phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, không được khấu trừ đầu vào nên được xếp tương tự như các mặt hàng không được khuyến khích sản xuất, bị phân biệt đối xử so với các mặt hàng thông thường khác. Trong khi đó, Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng đã nêu rõ: “tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế” trong đó có ngành phân bón.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm, thực tiễn từ năm 2015 đến nay, Luật thuế số 71/2024/QH13 đã bộc lộ nhiều bất cập, tạo ra sự bất bình đẳng giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất nội địa, người được hưởng lợi nhiều nhất là các thương nhân nhập khẩu phân bón, trong khi đó các doanh nghiệp trong nước bị mất lợi thế cạnh tranh, đang mất dần thị phần trong nước.
Cụ thể là sự sụt giảm đầu tư của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong nước, do toàn bộ thuế GTGT đầu vào của hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ không được khấu trừ, dẫn đến suất đầu tư tăng, giảm hiệu quả đầu tư; việc chuyển mặt hàng phân bón từ diện áp dụng thuế GTGT 5% sang không chịu thuế GTGT dẫn đến toàn bộ thuế GTGT đầu vào phục vụ cho sản xuất và kinh doanh phân bón không được khấu trừ và phải hạch toán vào chi phí, làm cho lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sụt giảm.
Điều này dẫn đến rủi ro cho sự phát triển của ngành phân bón trong nước, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam khi công nghệ sản xuất phân bón trong nước lạc hậu do thiếu đầu tư, chi phí giá thành sản xuất phân bón trong nước cao do gánh phần thuế GTGT đầu vào, người tiêu dùng phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu. Trước tháng 1 -2015 khi Luật 71 có hiệu lực, tổng cộng các dự án đầu tư cho phân bón có công suất 3,5 triệu tấn/năm, sau thời điểm trên tổng công suất đầu tư mới chỉ là 370.000 tấn.
Bên cạnh đó, khi áp dụng phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT dẫn đến sự cạnh tranh không song phẳng giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu. khi phân bón nhập khẩu không phải chịu thuế VAT 5%.
Từ những lý do như đã nêu, Công ty DAP – Vinachem và nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón nhiều lần kiến nghị Quốc hội sửa Luật 71/2014/QH13, phần liên quan đến mặt hàng phân bón. Theo đó, chuyển phân bón từ mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng sang mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng ở mức 5%. Đây là sự thay đổi dựa trên tầm nhìn dài hạn, hướng đến sự phát triển bền vững của nền sản xuất tự chủ, tránh sự lệ thuộc quá mức vào mặt hàng nhập khẩu, gia tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Và tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15, các doanh nghiệp sản xuất phân bón và nông dân rất vui mừng khi các đề xuất, kiến nghị đã được đưa vào dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và được đa số đại biểu Quốc hội ủng hộ.
Nhiều lợi ích thiết thực
Các chuyên gia kinh tế và các đại biểu Quốc hội nhận định: việc đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT 5% là phù hợp với bản chất của thuế GTGT trên cơ sở kiểm soát chặt chẽ giữa thuế GTGT đầu vào và thuế GTGT đầu ra. Việc này cũng phù hợp với chủ trương chung của Việt Nam khi sửa đổi luật thuế GTGT (mở rộng phạm vi chịu thuế để đảm bảo tính hệ thống); phù hợp với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Việc điều chỉnh chuyển phân bón từ mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng sang mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng ở mức 5% (như các Luật Thuế GTGT trước đây) là dựa trên đánh giá tác động tổng hợp đến nền kinh tế, bao gồm: tác động đến nguồn thu NSNN; tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước; tác động đến nông nghiệp - nông dân - nông thôn.
Dựa trên số liệu từ báo cáo tài chính niêm yết của 9 công ty phân bón gồm đại diện của các chủng loại phân bón (urea, DAP, lân, NPK, bao gồm Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ, Đạm Hà Bắc, DAP Hải Phòng, Phân bón Bình Điền, Supe Lâm Thao, Phân lân Văn Điển, Phân lân Ninh Bình, Phân bón miền Nam) chiếm thị phần 57% tổng sản lượng tiêu thụ trong nước, nhóm chuyên gia phân tích định lượng của Dự án Tăng cường Năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) tính toán, nếu áp dụng mức thuế 5%, giá phân ure, DAP và lân sản xuất trong nước có dư địa giảm.
Cụ thể, giá phân ure có dư địa giảm 2,0%, giá phân DAP có dư địa giảm 1,13%, giá phân lân có dư địa giảm 0,87%; giá NPK có thể tăng không đáng kể (0,09%) hoặc giữ nguyên; giá phân ure, DAP, NPK, SA và Kali nhập khẩu tăng, cụ thể, giá phân NPK nhập khẩu có thể tăng 5%.
Theo cấu trúc thị trường phân bón hiện tại (tiêu thụ phân bón sản xuất trong nước chiếm 69,2%, tiêu thụ phân bón nhập khẩu chiếm 30,8%), sẽ cho phép doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước dẫn dắt điều chỉnh mặt bằng giá thị trường phân bón. Nhờ có điều chỉnh áp dụng thuế suất thuế GTG 5 % đối với phân bón, giá thành phân bón sản xuất trong nước giảm, giá bán phân bón sản xuất trong nước có dư địa giảm, sẽ tạo tác động dẫn đến các nhà nhập khẩu phân bón cũng sẽ phải giảm giá bán phân bón nhập khẩu theo mặt bằng giá thị trường, đem lại lợi ích lớn cho bà con nông dân.
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty CP DAP - Vinachem Nguyễn Ngọc Sơn, quan trọng hơn là doanh nghiệp có động lực đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới công nghệ, sản xuất các loại phân bón tác dụng cao, phân bón thế hệ mới sẽ góp phần làm tăng năng suất cây trồng, cải thiện chất lượng sản phẩm do đó tăng hiệu quả công tác trồng trọt một cách bền vững. Khi doanh nghiệp tăng cường đâu tư sản xuất trong nước sẽ làm giảm dần lượng phân bón nhập khẩu.
Cùng với đó, Nhà nước thu được một khoản thuế từ mặt hàng phân bón nên có thêm điều kiện để tăng chi cho các hoạt động nghiên cứu khoa học... sẽ làm cho người nông dân tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích, tăng sự cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp trong nước. Việc điều chỉnh chính sách thuế GTGT, đưa phân bón trở lại là mặt hàng chịu thuế GTGT, để tạo môi trường về thuế và cạnh tranh bình đẳng, tạo tiền đề giảm giá thành và giá bán phân bón.
Trong phiên thảo luận tại hội trường sáng 29-10 về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) đồng tình với quy định áp dụng mức thuế suất 5% đối với phân bón và cho rằng quy định này sẽ góp phần tạo sự bền vững và ổn định nguồn cung phân bón đầu vào trong nước. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng phát biểu đồng tình cao với quy định này. Đây là tín hiệu rất đáng mừng, cho thấy một thời kỳ mới đối với ngành sản xuất phân bón trong nước; thị trường phân bón bắt đầu, mang lại lợi ích cho cả nền kinh tế đất nước, doanh nghiệp và nông dân./.
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh