10:41 24/06/2022 Chiều 23-6, các đồng chí: Trần Lưu Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng; Nguyễn Văn Tùng, Phó bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố chủ trì cuộc làm việc với các ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp nhằm bàn biện pháp thúc đẩy sự tăng trưởng của sản xuất công nghiệp. Cùng dự có đồng chí Lê Trung Kiên, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng.
Các đồng chí lãnh đạo thành phố chủ trì hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy tốc độ tăng trưởng công nghiệp năm 2022
Theo Giám đốc Sở Công Thương Bùi Quang Hải, 6 tháng đầu năm 2023, sản xuất công nghiệp của Hải Phòng chỉ tăng trưởng 11,84%, thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra (19-20%) và thấp nhất so với 6 tháng đầu năm những năm gần đây. Một số ngành có đóng góp nhiều cho tăng trưởng công nghiệp có IIP tăng trưởng thấp hoặc suy giảm như ngành sản xuất thiết bị truyền thông; sản xuất xe có động cơ; đồ điện dân dụng; sản xuất mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện.
Giám đốc Sở Công Thương Bùi Quang Hải phát biểu
Theo đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, 6 tháng đầu năm, mặc dù gặp một số khó khăn nhưng nhìn chung sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong KKT, KCN tiếp tục ổn định, tăng trưởng, thể hiện qua doanh thu; kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu, số nộp ngân sách đều tăng. Đồng chí Lê Trung Kiên đề nghị cần cập nhật, tính toán đầy đủ hơn các số liệu, các ngành nghề sản xuất mới trong các KKT, KCN để có được số liệu chính xác nhất, phản ánh đúng nhất tốc độ tăng trưởng công nghiệp của thành phố.
Đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng phát biểu
Cục trưởng Cục Thống kê Lê Gia Phong nêu rõ các biện pháp thống kê, chọn mẫu để tính toán chỉ số IIP. Theo ông Lê Gia Phong, do tốc độ tăng trưởng công nghiệp của thành phố những năm qua đã tăng khá cao, năm 2022 có tác động của đại dịch COVID-19, một số doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi cung ứng nên ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng công nghiệp chung. Từ đó mức tăng trưởng IIP có chậm lại.
Cục trưởng Cục Thống kê Lê Gia Phong phát biểu
Đại diện nhiều doanh nghiệp công nghiệp phát biểu cho rằng: sản xuất công nghiệp có một vài yếu tố ảnh hưởng nhưng nhìn chung cơ bản ổn định và có nhiều tín hiệu tăng trưởng cao hơn trong những tháng cuối năm. Doanh nghiệp đề nghị thành phố tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về nguồn cung cấp điện; nguồn lao động; khơi thông việc vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm xuất khẩu…
Đại diện các doanh nghiệp công nghiệp phát biểu
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng nêu rõ: các số liệu để đánh giá chỉ số IIP của Hải Phòng chưa thống nhất. Do đó, UBND thành phố giao Sở KHĐT, Ban Quản lý Khu Kinh tế; Sở Công Thương; Cục Thống kê cùng rà soát để có số liệu thống nhất, phản ánh chính xác tốc độ tăng trưởng IIP phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của thành phố.
Quang cảnh hội nghị
Qua số liệu ước tính tốc độ tăng trưởng công nghiệp 6 tháng đầu năm chỉ đạt 11,84%, Chủ tịch UBND thành phố cho rằng chưa đạt như kỳ vọng. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh; do chính sách “không COVID” của Trung Quốc; do vận tải hàng hoá chưa thông suốt; cung cấp nguyên liệu thiếu nhỡ; cung cấp điện chưa đáp ứng yêu cầu…
Quang cảnh hội nghị
Để tăng trưởng công nghiệp ở mức cao hơn, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các doanh nghiệp đã được cấp phép đầu tư hoặc đang xây dựng nhà xưởng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, nhanh chóng đi vào hoạt động, tạo nên những giá trị mới cho công nghiệp.
Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, Chủ tịch chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa, giảm thời gian, giảm chi phí. Ngành GTVT lưu ý tham mưu, đề xuất giải pháp bảo đảm vận tải thông suốt cả đường bộ, đường biển, đường hàng không. Ngành Công Thương; Công ty Điện lực chú trọng tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm cung ứng đủ điện cho các doanh nghiệp và các KCN, không để xảy ra thiếu điện hoặc cấp điện không ổn định làm ảnh hưởng tới sản xuất.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng yêu cầu thực hiện mọi giải pháp thúc đẩy sự tăng trưởng của công nghiệp Hải Phòng
Về chiến lược lâu dài trong những năm tới, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các KCN tiếp tục hoàn thiện xây dựng hạ tầng; thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư công nghiệp, ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, sử dụng ít lao động. Đồng thời, chú trọng dành quỹ đất xây dựng các khu nhà ở công nhân, nhà ở xã hội. Thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Về phía thành phố, sẽ tiếp tục quan tâm GPMB cho các KCN; phát triển thêm các KCN mới; xây dựng một số cụm công nghiệp để hỗ trợ cho các KCN. Thành phố cũng sẽ quan tâm kêu gọi đầu tư xây dựng các bến cảng tại Lạch Huyện, trong đó có cảng hàng rời; đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng ngoài hàng rào các KCN; các dự án công nghiệp… Tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, thành phố sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư các trường học quốc tế; các trường nghề, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực cho các KCN.
Chủ tịch UBND thành phố mong muốn các ngành, các cấp và các doanh nghiệp cùng cộng đồng trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu để Hải Phòng giữ được tốc độ tăng trưởng công nghiệp ở mức cao như kế hoạch năm 2020 đã đề ra./.
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh