18:37 15/03/2020 Tiến tới Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020-2025 và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 7-2-2020, Ban Thường vụ Thành ủy có Kế hoạch số 252-KH/TU về việc tổ chức lấy ý kiến tham gia vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XVI của Đảng bộ thành phố. Theo đó, các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố đăng tải toàn văn Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XVI của Đảng bộ thành phố để lấy ý kiến góp ý của nhân dân, thời gian từ ngày 15-3-2020 đến 15-4-2020. Báo An ninh Hải Phòng xin đăng tải toàn văn Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XVI của Đảng bộ thành phố. Mọi ý kiến đóng góp của nhân dân xin gửi về hòm thư điện tử: bientaptin@gmail.com hoặc về địa chỉ: Tòa soạn Báo An ninh Hải Phòng, số 10 Lê Đại Hành, phường Minh Khai, quận Hồng Bàng, Hải Phòng...
ĐỔI MỚI MẠNH MẼ PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO CỦA TOÀN ĐẢNG BỘ; PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG “TRUNG DŨNG - QUYẾT THẮNG”, SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; PHÁT TRIỂN BỨT PHÁ; HOÀN THÀNH SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA VÀO NĂM 2025, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ CÔNG NGHIỆP PHÁT TRIỂN HIỆN ĐẠI, THÔNG MINH, BỀN VỮNG VÀO NĂM 2030; KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN CỦA ĐẤT NƯỚC
(Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XV, trình Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVI)
Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố trong bối cảnh chung có nhiều thuận lợi là cơ bản đan xen những khó khăn, thách thức.
Với quyết tâm chính trị cao đưa Hải Phòng phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế, đúng với kỳ vọng của Trung ương và cán bộ, đảng viên, nhân dân thành phố; trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố đã đánh giá nghiêm túc về thực trạng kinh tế, xã hội, những thành tựu đạt được và kinh nghiệm rút ra sau 30 năm đổi mới cùng những hạn chế, yếu kém, điểm nghẽn cản trở sự phát triển; từ đó xác định đúng các nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Bám sát sự lãnh đạo của Trung ương; với sự đoàn kết, thống nhất cao của Đảng bộ; với niềm tin, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân; bằng sự nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ và chính quyền thành phố, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố đã được tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện, đi vào thực tiễn và đạt được những thành tựu nổi bật, đột phá, mở ra một thời kỳ phát triển mới của thành phố.
Phần thứ nhất
ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN
NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XV ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ
I- KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
1- Tăng trưởng kinh tế cao và liên tục, quy mô kinh tế được mở rộng, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố 5 năm 2016-2020 tăng bình quân 14,94%/năm, gấp 1,42 lần mục tiêu (10,5%/năm), gấp 2,1 lần giai đoạn 2011-2015 (7,08%/năm) và gấp 2,2 lần tốc độ tăng trưởng của cả nước (6,78%/năm)[1].
Quy mô GRDP tiếp tục được mở rộng, GRDP (theo giá hiện hành) năm 2020 ước đạt 292.657 tỷ đồng (tương đương khoảng 12,72 tỷ USD), gấp 2,23 lần so với năm 2015 (131.314 tỷ đồng). Tỷ trọng GRDP thành phố năm 2018 (theo giá so sánh) chiếm 12,4% trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và chiếm 4,2% trong cả nước.
GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 6.196 USD, vượt mục tiêu đề ra (5.600 USD), gấp 2,04 lần so với năm 2015 (3.042 USD), gấp 2 lần bình quân chung cả nước (3.000 USD).
Chất lượng, hiệu quả tăng trưởng kinh tế được nâng lên, giảm phụ thuộc vào vốn đầu tư. Mức đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) ngày một lớn, năm 2020 ước đạt 40,43%, vượt mục tiêu đề ra (40%). Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư được nâng lên, bình quân hệ số ICOR ở mức 3,87, thấp hơn giai đoạn 2011-2015 tương ứng ở mức 5,29[2]. Năng suất lao động cải thiện rõ nét, năm 2020 ước đạt 258,87 triệu đồng/lao động (theo giá hiện hành), tăng hơn 2 lần so với năm 2015 và gấp 2,08 lần bình quân chung cả nước (124,4 triệu đồng/lao động), tốc độ tăng 14,11%/năm, gấp gần 2,43 lần bình quân chung cả nước (5,8%/năm).
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ và khu vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 92,48% năm 2015 ước lên 95,68% năm 2020; trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng phát triển mạnh, tỷ trọng giá trị tăng thêm tăng từ 39,91% năm 2015 lên 53,4% năm 2020, cao hơn mục tiêu đề ra (37,7%); khu vực dịch vụ từ 52,56% năm 2015 còn 42,28% năm 2020, không đạt mục tiêu đề ra (57%); tỷ trọng giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản từ 7,52% năm 2015 ước giảm còn 4,32% năm 2020, vượt mục tiêu đề ra (5,3%).
Công nghiệp phát triển mạnh theo hướng công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường; giữ vai trò chủ lực của kinh tế thành phố, khẳng định vị trí trung tâm công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao của cả nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 22,17%/năm, gấp 1,58 lần mục tiêu đề ra (14%/năm), gấp 2,28 lần so với giai đoạn 2011-2015 và gấp hơn 2 lần tốc độ tăng chung cả nước. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2020 ước đạt 89.790 tỷ đồng, gấp 2,67 lần so với năm 2015 (33.626 tỷ đồng), tăng trưởng bình quân 21,71%/năm, gấp 1,86 lần giai đoạn 2011-2015 (11,69%/năm). Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP năm 2015 chiếm 25,12%, năm 2020 ước chiếm 40,25%. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo tăng nhanh từ 16,4% năm 2015 ước lên 45,5% năm 2020[3]. Thu hút được nhiều tập đoàn, công ty lớn hàng đầu thế giới và trong nước đầu tư với công nghệ hiện đại, tiên tiến, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tham gia mạng sản xuất toàn cầu và thúc đẩy phát triển nhanh các ngành công nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt, đã hình thành các nhân tố mới, có tính đột phá về công nghiệp chế tạo, điển hình là Tổ hợp sản xuất, chế tạo ô tô Vinfast đi vào hoạt động, đánh dấu mốc quan trọng, tạo sự chuyển biến về chất của nền công nghiệp, thiết thực góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Khu vực kinh tế dịch vụ phát triển tập trung vào các lĩnh vực có thế mạnh, khai thác tối đa lợi thế biển, như dịch vụ cảng biển, logistics, vận tải hàng hóa, xuất nhập khẩu, thương mại. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ tăng trưởng bình quân 11,12%/năm, tuy không đạt mục tiêu (11,7%/năm), song đã thu hút được nhiều dự án lớn, tạo tiền đề phát triển về chất cho giai đoạn tới. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 ước đạt 155.760,4 tỷ đồng, gấp 1,95 lần năm 2015, tăng trưởng bình quân 14,3%/năm. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 34,39%/năm, năm 2019 đạt 15,77 tỷ USD, vượt mục tiêu trước 01 năm; năm 2020 ước đạt 18,92 tỷ USD, gấp 4,38 lần năm 2015. Thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, từ 107 (năm 2015) lên 126 thị trường (năm 2020). Sản lượng hàng hóa qua cảng tăng nhanh, bình quân 17,53%/năm, năm 2019 đạt 129,2 triệu tấn, vượt mục tiêu đề ra, năm 2020 ước đạt 153,3 triệu tấn, gấp 2,24 lần năm 2015, khẳng định vai trò là trung tâm vận tải hàng hóa lớn nhất miền Bắc. Lượng khách du lịch tăng nhanh, năm 2018, thành phố đón 7,79 triệu lượt khách du lịch, hoàn thành mục tiêu đề ra trước 02 năm; năm 2020 ước đạt 10,64 triệu lượt, gấp 1,87 lần năm 2015, tăng bình quân 13,33%/năm[4]. Tổng doanh thu du lịch năm 2020 ước đạt 3.900 tỷ đồng, tăng bình quân 12,48%/năm. Dịch vụ hàng không phát triển nhanh, Cảng Hàng không Quốc tế Cát Bi hiện có 6 hãng hàng không với 13 đường bay, trong đó có 4 đường bay quốc tế; lượng khách tăng bình quân 21,75%/năm; năm 2020 ước đón 3,024 triệu lượt khách, gấp 2,4 lần so với năm 2015 (1,256 triệu lượt khách). Các dịch vụ tài chính, ngân hàng phát triển mạnh, tăng trưởng đều qua các năm, đáp ứng yêu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tiêu dùng và giảm nghèo bền vững[5].
Sản xuất nông nghiệpchuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2020 ước đạt 15.330,8 tỷ đồng, gấp 1,08 lần năm 2015 (14.235,8 tỷ đồng), tăng bình quân 1,49%/năm. Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp đúng hướng, đạt kết quả bước đầu[6]. Thu hút được 12 doanh nghiệp[7] đầu tư sản xuất, chế biến nông sản công nghệ cao phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước với tổng diện tích 489,65 ha. Thu nhập bình quân của lao động nông thôn tăng từ 39,9 triệu đồng/người/năm (năm 2015) ước lên 60 triệu đồng/người/năm (năm 2020).
Xây dựng nông thôn mới được tập trung cao với nhiều cách làm mới, sáng tạo, thiết thực và hiệu quả. Tổng vốn huy động xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2016-2020 đạt 35.800 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhân dân đóng góp chiếm 12% (4.031 tỷ đồng). Đến năm 2019 có 100% số xã (139/139 xã) đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành mục tiêu đề ra trước 01 năm (bình quân cả nước có 50% số xã); năm 2020 có 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới[8], xây dựng 8 mô hình thí điểm xã nông thôn mới kiểu mẫu. Nổi bật, cơ chế thành phố hỗ trợ xi măng, nhân dân tự đóng góp vật tư, nhân công, mặt bằng để xây dựng đường thôn xóm, đường nội đồng đã đem lại hiệu quả thiết thực[9], tiết kiệm chi cho ngân sách, nhanh chóng làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn, cải thiện điều kiện sống, lao động sản xuất của người dân; đồng thời phát huy vai trò làm chủ thực sự của người dân trong xây dựng nông thôn mới.
2- Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông có bước phát triển đột phá, ngày càng khẳng định vai trò là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, kết nối vùng với khu vực và quốc tế
Hạ tầng giao thông được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại, có bước phát triển đột phá, tạo động lực mới thúc đẩy sự phát triển của thành phố[10]. Tổng vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2016-2019 là 88.117 tỷ đồng (69 dự án), gấp 3,10 lần so với giai đoạn 2011-2015 (52 dự án, 28.395 tỷ đồng); trong đó ngân sách thành phố đầu tư 33.227 tỷ đồng, gấp 4,42 lần giai đoạn 2010-2015 (7.518 tỷ đồng). Hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều công trình giao thông trọng điểm của khu vực Bắc Bộ và cả nước, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của thành phố, kết nối các địa phương trong vùng, khu vực và quốc tế như: Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; đường nối thành phố Hạ Long – cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cát Bi[11]; hai bến khởi động Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng[12]; cầu, đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 10; hoàn thành nhiều cầu vượt sông phục vụ kết nối giao thông như: cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Đăng, cầu Hàn, cầu sông Hóa… Hệ thống đường tỉnh, đường đô thị thường xuyên được nâng cấp cải tạo, các cầu vượt, nút giao thông trong đô thị được xây mới,…
Hạ tầng khucông nghiệp được đầu tư phát triển nhanh theo hướng đồng bộ, hiện đại với 13 khu công nghiệp, tổng diện tích 6.556 ha, đóng góp hơn 60% giá trị sản xuất công nghiệp thành phố[13]. Thực hiện lấn biển với diện tích khoảng 1.163 ha để phát triển khu kinh tế, các khu công nghiệp ven biển, khai thác không gian biển cho phát triển công nghiệp[14]. Đến nay, thành phố có 07 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập, quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích đất là 250 ha[15]. Hạ tầng thương mại tiếp tục được hiện đại hóa với sự hình thành của các trung tâm thương mại lớn, các cửa hàng tiện ích,kho ngoại quan. Hạ tầng du lịch có những chuyển biến tích cực với nhiều dự án đầu tư khu du lịch, vui chơi, nghỉ dưỡng quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn quốc tế đang triển khai tại Cát Bà, Đồ Sơn,…[16]. Hạ tầng điện, cung cấp nước sạch, xử lý nước thải bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Hạ tầng thông tin, viễn thông đảm bảo kết nối với vùng và quốc tế. Hạ tầng xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng đạt chuẩn quốc gia, thiết thực nâng cao thể chất, đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân thành phố.
3- Không gian đô thị được mở rộng, trung tâm đô thị cũ được chỉnh trang, diện mạo đô thị ngày càng văn minh, hiện đại
Không gian đô thị được mở rộng mạnh mẽ về 3 hướng đột phá theo đúng Nghị quyết Đại hội XV với định hướng xanh, văn minh, hiện đại, đáng sống. Hướng Đông Nam, đã và đang hình thành các khu công nghiệp lấn biển, hệ thống cảng biển, logistics, du lịch tầm cỡ quốc gia và quốc tế, đảo thông minh Cát Hải, đặc biệt tổ hợp Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast. Hướng Bắc, đã hình thành kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm, hoàn thành và đưa vào khai thác cầu Hoàng Văn Thụ làm cơ sở di chuyển Trung tâm hành chính – chính trị thành phố và thu hút các dự án trung tâm thương mại, nhà ở, khách sạn, trường học quốc tế; Khu đô thị, Công nghiệp và Dịch vụ VSIP với nhiều dự án công nghiệp công nghệ cao, nhà ở hiện đại. Hướng Tây Nam, hình thành một số khu đô thị sinh thái, trung tâm thương mại, khu liên hợp thể thao thành phố, bệnh viện quốc tế, khách sạn 5 sao ven sông Lạch Tray, khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp tại Đồ Sơn.
Trung tâm đô thị cũ được chú trọng đầu tư chỉnh trang, nâng cấp[17], diện mạo đô thị ngày càng văn minh, hiện đại. Đã hoàn thành 39/51 tiêu chí đô thị loại I. Các khu chung cư mới thay thế chung cư đã xuống cấp được xây dựng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hiện đại. Dải trung tâm thành phố được chỉnh trang, nhiều công viên mới được xây dựng. Các tuyến đường nội thành được cải tạo, nâng cấp, mở rộng[18]. Cơ chế thành phố hỗ trợ vật tư và huy động nguồn lực từ nhân dân để cải tạo các ngõ, ngách, vỉa hè, điện chiếu sáng, cây xanh đô thị đã thực sự trở thành phong trào thiết thực trong xây dựng đô thị văn minh[19].
4- Tăng cường hiệu quả quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng
Thành phố đã hoàn thiện hệ thống quy hoạch sử dụng đất gắn liền với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tập trung xử lý dứt điểm một số vụ việc vi phạm pháp luật đất đai kéo dài. Thực hiện thu hồi diện tích đất đã giao, cho thuê không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền, chậm đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí tài nguyên đất[20]. Thực hiện tốt công tác bảo vệ nguồn nước ngọt; triển khai đề án xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước. Công tác bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản được tăng cường. Rà soát, ban hành danh mục các dự án công nghiệp khuyến khích đầu tư, không khuyến khích đầu tư, không đầu tư. Trên cơ sở đó, kiểm soát chặt chẽ về môi trường đối với các dự án ngay từ giai đoạn cấp phép đầu tư. Thu hút lựa chọn các nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong sản xuất, ứng dụng công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường; phát triển, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mới, chất thải tái chế, hướng tới nền kinh tế xanh. Đầu tư trang thiết bị hiện đại, tiên tiến phục vụ công tác kiểm soát, quan trắc môi trường. Tăng cường kiểm soát các nguồn phát thải, giảm về cơ bản các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu được chú trọng. Tăng tỷ lệ che phủ của rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng chắn sóng. Xây dựng và triển khai kế hoạch chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, chống xâm nhập mặn, bảo vệ vùng ven biển. Huy động nhiều nguồn lực đầu tư cứng hóa hệ thống đê sông, đê biển.
5- Phát triển sự nghiệp văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ đạt nhiều kết quả quan trọng
Xây dựng văn hóa, con người Hải Phòng phát triển toàn diện có chuyển biến rõ rệt, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố và đất nước.Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú. Bản sắc văn hóa “trung dũng, quyết thắng”, phẩm chất “quyết liệt, đổi mới, sáng tạo, hội nhập” của người Hải Phòng được giữ gìn, phát huy, thấm sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội. Đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa, văn minh đô thị tiếp tục có chuyển biến tiến bộ. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, thực hành nếp sống văn minh đô thị, nông thôn được thực hiện bài bản, sâu rộng, đạt hiệu quả rõ nét[21]. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở từng bước được hoàn thiện[22]. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được quan tâm, hiệu lực quản lý nhà nước văn hóa được nâng cao[23]. Các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật, các lễ hội truyền thống giàu bản sắc địa phương ngày càng phong phú, đa dạng; đời sống tinh thần, mức hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân được nâng cao[24]. Thể thao quần chúng tiếp tục phát triển sâu rộng, thể thao thành tích cao được quan tâm đầu tư.
Giáo dục - đào tạo phát triển cả về quy mô và chất lượng, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đang dần khẳng định vị trí trung tâm của vùng duyên hải Bắc Bộ. Công tác giáo dục - đào tạo của thành phố phát triển khá toàn diện, chất lượng được nâng lên. Quy mô giáo dục tiếp tục ổn định, vững chắc cả về cơ cấu, loại hình trường lớp, cơ sở vật chất được tăng cường. Tính đến tháng 9/2019 có 404 trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục đại trà và phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi tiếp tục cải thiện. Hải Phòng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về chất lượng học sinh giỏi, nhiều năm liền có học sinh đạt huy chương quốc tế, điểm thi vào đại học trong tốp đầu toàn quốc. Giáo dục đại học và đào tạo nghề bước đầu đáp ứng yêu cầu nhân lực, thu hút trên 30% sinh viên là người địa phương khác đến học tập. Các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển giáo dục – đào tạo có nhiều đổi mới, nổi bật là cơ chế khuyến khích, động viên đối với học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế, giáo viên có thành tích phát hiện, đào tạo học sinh giỏi[25]; chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh các cấp; chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực giáo dục[26]. Giai đoạn 2016 -2020, tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục - đào tạo là 20.571,087 tỷ đồng.
Khoa học – công nghệ có bước phát triển khá.Tiềm lực khoa học - công nghệ được tăng cường[27]. Tốc độ đổi mới công nghệ trung bình giai đoạn 2016-2020 đạt 12,48%/năm (tăng so với giai đoạn 2011-2015 là 10,52%/năm), năm 2020 đạt 15%; tỷ trọng TFP đóng góp vào mức tăng trưởng GRDP tăng đáng kể, năm 2020 ước đạt 40,43% (năm 2015 đạt 32,04%); bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 37,92%. Thị trường khoa học và công nghệ được hình thành và có bước phát triển khá[28]. Trong đó, đã có sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu trong nước và vươn ra thị trường quốc tế. Phong trào sáng kiến, sáng tạo của thành phố có nhiều khởi sắc[29]. Các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo bước đầu được quan tâm, đạt kết quả tích cực.
Các chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước về y tế, dân số, gia đình và trẻ em được triển khai thực hiện đồng bộ, sát thực tiễn thành phố, đạt kết quả rõ nét.Mạng lưới khám chữa bệnh được củng cố và phát triển, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao. Triển khai thực hiện mạnh và hiệu quả cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công[30], phát triển nhanh y tế ngoài công lập[31]. Các chỉ tiêu y tế tăng đều qua các năm và cao hơn bình quân chung cả nước[32] . Công tác y tế dự phòng, các chương trình mục tiêu y tế - dân số, an toàn thực phẩm được triển khai tích cực, hiệu quả[33]. Phát huy tốt lợi thế cơ cấu dân số “vàng”[34], chất lượng dân số được nâng lên, tuổi thọ trung bình năm 2020 đạt 75 tuổi. Công tác gia đình, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tiếp tục được quan tâm, đạt nhiều kết quả tích cực.
6- Quốc phòng, an ninh được tăng cường; chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, góp phần quan trọng cho sự phát triển của thành phố
Xây dựng và thực hiện hiệu quả quy hoạch các thành phần, thế trận trong khu vực phòng thủ gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững thế trận quốc phòng trong thời bình và khi có chiến tranh. Chăm lo chu đáo chính sách hậu phương quân đội, giải quyết tốt các chính sách tồn đọng sau các cuộc chiến tranh, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.
Giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, đặc biệt là chủ quyền biển đảo; ứng phó kịp thời, linh hoạt trước những diễn biến phức tạp trên biển Đông; thực hiện tốt công tác nắm và dự báo tình hình, chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, gây mất ổn định chính trị, kinh tế, xã hội của các thế lực thù địch, phản động. Duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống xảy ra, tiếp tục khẳng định là một pháo đài bất khả xâm phạm về quốc phòng – an ninh.
Triển khai hiệu quả các chương trình phòng, chống tội phạm; tập trung trấn áp, triệt phá tội phạm hình sự, tội phạm kinh tế, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm mới đạt được nhiều kết quả. Các hoạt động băng nhóm, tội phạm có tổ chức, các vụ trọng án tại địa bàn thành phố có xu hướng giảm[35]. An ninh chính trị được duy trì ổn định, trật tự an toàn xã hội thành phố được bảo đảm, cuộc sống của nhân dân được bình yên, là một trong những nhân tố quan trọng góp phần cải thiện hình ảnh thành phố, môi trường đầu tư, thu hút khách du lịch.
7- Chủ động đẩy mạnh liên kết vùng, hội nhập quốc tế, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, trọng tâm là kinh tế đối ngoại
Thành phố đã khởi xướng nhiều nội dung quan trọng nhằm gia tăng giá trị của liên kết vùng như ký kết hợp tác các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng Thủ đô Hà Nội[36]; tham gia vào các mạng lưới liên kết đa phương[37]; xây dựng, củng cố quan hệ thương mại với trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, đặc biệt là các đối tác có quan hệ FTA. Quan hệ đối ngoại với các nước, địa phương, tổ chức quốc tế trong khu vực và thế giới tiếp tục đi vào chiều sâu. Hiện thành phố có quan hệ hợp tác với 80 tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ nước ngoài với nhiều dự án đã triển khai hiệu quả[38]. Giá trị cam kết tài trợ giai đoạn 2016-2020 ước đạt 28,77 triệu USD, giá trị giải ngân ước đạt 20,48 triệu USD, bằng 71,2% giá trị cam kết. Giá trị kiều hối ước đạt 1,24 tỷ USD, tăng 30% so với giai đoạn 2011-2015, góp phần đáng kể vào hoạt động phát triển kinh tế hộ gia đình, góp vốn vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tái đầu tư. Giai đoạn 2016-2020, ký kết 16 thỏa thuận hợp tác quan trọng[39], tăng 25% so với giai đoạn 2011-2015; nâng tổng số thỏa thuận ký kết là 35 thỏa thuận với 23 địa phương, vùng lãnh thổ thuộc 13 quốc gia.
8- Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được triển khai thực hiện đồng bộ, có nhiều đổi mới và sáng tạo, đúng với vị trí, vai trò là nhiệm vụ “then chốt”, đạt hiệu quả rõ nét
Công tác xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị được tập trung cao với tinh thần đổi mới, thiết thực và đạt hiệu quả rõ nét. Bản lĩnh chính trị, năng lực cụ thể hóa và lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội của Thành ủy, các cấp ủy đảng được nâng lên. Năng lực hoạch định chủ trương, định hướng xây dựng và phát triển thành phố có bước phát triển đột phá về chất mang tầm chiến lược:
Thành ủy, các cấp ủy đã xây dựng và triển khai Chương trình hành động, gắn với định kỳ sơ kết, bổ khuyết chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết Đại hội của Đảng, đảm bảo kịp thời, trúng, đúng và đạt hiệu quả cao. Các Nghị quyết Trung ương khóa XII được tuyên truyền, quán triệt kịp thời; cụ thể hóa tổ chức thực hiện sáng tạo, sát thực tiễn thành phố, rõ các nhiệm vụ tập trung làm ngay và các nhiệm vụ thực hiện theo lộ trình; rõ trách nhiệm thực hiện.
Xác định đúng chủ đề hành động hằng năm, tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, quyết liệt tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo được chuyển biến toàn diện, có bước đột phá trên các lĩnh vực.
Việc chủ động đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 về xây dựng, phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã thể hiện Đảng bộ thành phố vững mạnh về chính trị, có trình độ trí tuệ mang tầm chiến lược.
Công tác xây dựng Đảng bộ vững mạnh về tư tưởng tiếp tục được triển khai đồng bộ, đúng với vị trí, vai trò là nhiệm vụ có tầm quan trọng hàng đầu; có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức; tính kịp thời, tính thuyết phục, tính hiệu quả được nâng lên; tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân thành phố đối với Đảng.
Công tác tuyên truyền, quán triệt, học tập nghị quyết tiếp tục được đổi mới. Chú trọng nêu cao trách nhiệm của cấp ủy và đồng chí bí thư cấp ủy trực tiếp truyền đạt nghị quyết. Nội dung học tập, quán triệt có sự chọn lọc, phù hợp với từng đối tượng. Phương thức tuyên truyền, quán triệt được đa dạng hóa, bước đầu chú trọng tổ chức hội nghị trực tuyến, đảm bảo kịp thời, sâu rộng. Công tác thông tin thời sự, chính sách đảm bảo nền nếp thường xuyên. Tính thuyết phục, tính hiệu quả trong hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên được nâng lên. Việc cung cấp thông tin, phát huy vai trò của các cơ quan báo chí có nhiều đổi mới, đạt hiệu quả thiết thực.
Công tác giáo dục lý luận chính trị tiếp tục được đổi mới theo hướng coi trọng trang bị lý luận, chú trọng sơ kết, tổng kết thực tiễn, cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Mặt bằng trình độ lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và công tác cán bộ. Công tác khoa giáo, văn hóa, văn nghệ, nghiên cứu và biên soạn lịch sử Đảng tiếp tục được quan tâm, đạt nhiều kết quả tích cực.
Công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình" chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; ngăn chặn, xử lý các biểu hiện “tự diễn biến", “tự chuyển hóa” trong nội bộ của một số cán bộ, đảng viên, được triển khai chủ động, bài bản, kịp thời, hiệu quả.
Tình hình tư tưởng của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thành phố nhìn chung ổn định, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đồng thuận và tích cực tham gia thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, Thành ủy và các cấp ủy đảng.
Công tác xây dựng Đảng bộ thành phố trong sạch, vững mạnh về đạo đứctheo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng được lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả tích cực:
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đạt kết quả bước đầu có ý nghĩa quan trọng. Cán bộ, đảng viên thực hiện tốt cam kết không sa vào các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Việc kiểm điểm tự phê bình, phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII bước đầu trở thành nền nếp thường xuyên trong sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ, tạo được chuyển biến tiến bộ rõ nét. Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai thực hiện với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả, có sức thuyết phục cao. Các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư được quán triệt, tổ chức thực hiện đạt kết quả bước đầu quan trọng. Thành ủy, các cấp ủy đã chủ động phát hiện, xử lý kỷ luật kịp thời, nghiêm minh một số tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, suy thoái về đạo đức, lối sống, có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm.
Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, đảng viên có tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh; có chuyển biến rõ trong nói đi đôi với làm, chủ động, trách nhiệm, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tác phong làm việc dân chủ, khoa học; phát huy tốt trách nhiệm nêu gương, vì dân, sát dân.
Các chủ trương, Nghị quyết của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với tinh giảm biên chế được thực hiện với quyết tâm cao, đạt kết quả tích cực:
Đã xây dựng các kế hoạch, chương trình thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đảm bảo nghiêm túc, sát thực tiễn thành phố, rõ các nhiệm vụ làm ngay và các nhiệm vụ thực hiện theo lộ trình. Hoàn thành việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan tham mưu, giúp việc của Thành ủy và của Trường Chính trị Tô Hiệu theo đúng các quy định của Ban Bí thư Trung ương.
Đã thực hiện thí điểm ở các địa phương đủ điều kiện các mô hình: bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân tại 03 huyện và 12 phường, xã, thị trấn; 03 đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân các cấp ở cấp thành phố và cấp huyện; 11 đồng chí bí thư quận ủy, huyện ủy, 08 đồng chí chủ tịch uỷ ban nhân dân quận, huyện, 62 đồng chí bí thư đảng ủy, chủ tịch uỷ ban nhân dân xã không phải là người địa phương. Thực hiện thí điểm việc kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu[40]; hợp nhất một số cơ quan của Đảng và Nhà nước, cơ quan của Đảng và Mặt trận Tổ quốc sát với thực tiễn thành phố, đảm bảo mục đích, yêu cầu đề ra[41]. Sắp xếp giảm 42 đầu mối bên trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức; 12 ban quản lý dự án, 12 đơn vị sự nghiệp công lập. Xây dựng chức năng, nhiệm vụ và kiện toàn đội ngũ cán bộ cơ bản đồng bộ với đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy. Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách phục vụ việc tinh, giảm biên chế đảm bảo quan điểm chỉ đạo của Trung ương, quy định của pháp luật, phù hợp với khả năng đảm bảo của thành phố.
Công tác xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên được thực hiện đồng bộ, đảm bảo và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực:
Việc kiện toàn tổ chức đảng đảm bảo kịp thời, đồng bộ với quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy và sự phát triển kinh tế-xã hội thành phố. Đảng bộ thành phố có 35 đảng bộ cấp trên cơ sở, đảng bộ cơ sở trực thuộc Thành ủy với các loại hình tổ chức cơ sở đảng là hạt nhân chính trị lãnh đạo trên các lĩnh vực. Xây dựng, phát triển được 153 tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XV đề ra.
Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh gắn với khắc phục tổ chức cơ sở đảng yếu kém tiếp tục được triển khai với các giải pháp đồng bộ, đạt được những kết quả tích cực. Các quy định của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của các loại hình tổ chức cơ sở đảng tiếp tục được cụ thể hóa vào quy chế làm việc của cấp ủy và thực hiện nghiêm túc. Phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng tiếp tục được đổi mới; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được nâng lên. Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng Đảng đối với đội ngũ cấp ủy viên cơ sở được chú trọng. Chất lượng sinh hoạt đảng, sinh hoạt chi bộ tiếp tục có chuyển biến tiến bộ, phát huy tốt hơn vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở. Công tác đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức đảng và đảng viên thực chất hơn. Hoàn thành chỉ tiêu Đại hội XV Đảng bộ thành phố về xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, cơ bản không còn cơ sở đảng yếu kém.
Triển khai nghiêm túc chủ trương của Trung ương về nâng cao chất lượng công tác kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kết nạp đảng viên do Đại hội XV Đảng bộ thành phố đề ra. Các cấp ủy đã chú trọng rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng[42].
Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được chú trọng, có nhiều đổi mới, hiệu lực, hiệu quả tiếp tục được nâng lên:
Công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp được đẩy mạnh, đúng các quy định của Điều lệ Đảng, các quy định, hướng dẫn của Trung ương và Ủy ban kiểm tra Trung ương. Nội dung kiểm tra, giám sát bám sát Nghị quyết Đại hội đảng các cấp; phục vụ đắc lực việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố, các địa phương, cơ quan, đơn vị; đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, có hiệu quả cao trong cảnh tỉnh, răn đe và phòng ngừa sai phạm. Công tác tiếp nhận và giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng của đảng viên đảm bảo đúng quy trình, nguyên tắc, thủ tục, chú trọng khâu thẩm tra xác minh, đảm bảo giải quyết dứt điểm.
Giai đoạn 2016-2020, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Uỷ ban Kiểm tra Thành ủy, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã tiến hành kiểm tra 9.899 tổ chức đảng (tăng 3.098 tổ chức đảng so với giai đoạn 2010-2015) và 34.021 đảng viên (tăng 7.392 đảng viên so với giai đoạn 2010 -2015); giám sát 7.927 tổ chức đảng (tăng 2.181 tổ chức đảng so với giai đoạn 2010-2015) và 16.103 đảng viên (giảm 1.778 đảng viên so với giai đoạn 2010 -2015); xử lý kỷ luật 1.354 đảng viên[43] (tăng 237 đảng viên so với giai đoạn 2010 -2015); thi hành kỷ luật 11 tổ chức đảng[44] (giảm 6 tổ chức đảng so với giai đoạn 2010 -2015). Trong nhiệm kỳ đã thi hành kỷ luật đối với 12 cán bộ diện Thành ủy quản lý[45].
Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, nhiệm vụ công tác nội chính, cải cách tư pháp; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí:
Thành ủy, các quận ủy, huyện ủy hằng năm đều ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác quân sự-quốc phòng địa phương, công tác công an. Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2021 theo chỉ đạo của Trung ương được triển khai thực hiện đạt kết quả khá toàn diện. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 11/9/2018 của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng.
Các chủ trương, biện pháp của Trung ương về đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được triển khai kịp thời, nghiêm túc, đạt kết quả tích cực[46]. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về đấu tranh phòng, chống tham nhũng được tăng cường. Việc công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức được thực hiện tốt hơn. Đội ngũ cán bộ, công chức đã ký và thực hiện khá tốt cam kết không gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực; ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương công vụ có chuyển biến tiến bộ; việc chuyển đổi vị trí việc làm được chú trọng, góp phần hạn chế phát sinh tiêu cực. Các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, các cơ quan báo chí và Nhân dân phát huy tốt vai trò trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Công tác rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội; kiểm tra giám sát về thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố xét xử các vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp được đẩy mạnh; đồng thời, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc yêu cầu, kiến nghị của các Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, được Trung ương đánh giá cao.
Công tác dân vận được đặc biệt coi trọng, tăng cường trong triển khai thực hiện các chủ trương, giải pháp xây dựng, phát triển và bảo vệ thành phố, bám sát, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị của thành phố và các địa phương:
Thành ủy, các cấp ủy đã thật sự coi trọng công tác dân vận là phương thức công tác cơ bản, tạo được sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, các chủ trương, giải pháp xây dựng, phát triển và bảo vệ thành phố. Chọn trúng khâu đột phá là tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân, đối thoại và giải quyết kịp thời các kiến nghị và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Nổi bật là tập thể Ban Thường vụ Thành ủy đã đối thoại trực tiếp với nhân dân huyện Cát Hải; tập thể lãnh đạo, người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền đã tích cực, chủ động trong đối thoại với nhân dân, được nhân dân đánh giá cao. Đồng thời tập trung chỉ đạo tăng cường công tác dân vận của các cơ quan nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội đạt hiệu quả thiết thực. Chỉ đạo thực hiện quy trình công tác dân vận tham gia xử lý điểm nóng, vụ việc phức tạp trên địa bàn thành phố đạt kết quả bước đầu.
Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, dân chủ xã hội chủ nghĩa tiếp tục được coi trọng và phát huy đầy đủ:
Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Quy chế thực hiện dân chủ trên các lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội được tổ chức thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả cao. Bằng hành động thực tiễn, thành phố bổ sung, phát triển, thực hiện tốt phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân thụ hưởng". Đồng thời, tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân, lắng nghe và tiếp thu ý kiến giám sát, phản biện, góp ý của các tầng lớp nhân dân và các tổ chức chính trị-xã hội. Qua đó, đã quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân bằng những cơ chế, chính sách cụ thể; kịp thời chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức theo phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy cao trong từng bước, từng chính sách xây dựng, phát triển và bảo vệ thành phố. Mối quan hệ mật thiết giữa các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân được giữ vững và đạt hiệu quả cao.
Thành ủy, các cấp ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, về công tác dân tộc, công tác tôn giáo, về từng giai cấp, tầng lớp. Khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường và củng cố vững chắc, phát huy rõ sức mạnh. Giai cấp công nhân và đội ngũ công chức, viên chức, người lao độngthành phố phát huy tốt vai trò nòng cốt, tiên phong trong quá trình thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thi đua lao động sáng tạo, có nhiều đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của thành phố. Giai cấp nông dân phát huy tốt vai trò nòng cốt trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và có đóng góp to lớn vào hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đội ngũ trí thức phát huy tốt vai trò nòng cốt trong nghiên cứu khoa học, tiếp nhận, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Thanh niên thành phố thể hiện rõ vai trò xung kích, tình nguyện đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ thành phố và đất nước. Phụ nữ thành phố tiếp tục phát huy truyền thống "Trung hậu, đảm đang, tài năng, sáng tạo", hăng hái tham gia các phong trào thi đua, tích cực học tập, phấn đấu, năng động trong lao động sản xuất, ngày càng khẳng định rõ hơn vai trò, vị thế trong gia đình và xã hội. Lực lượng Cựu chiến binh thành phố luôn nêu cao tấm gương sáng về đạo đức, phẩm chất cách mạng, làm tốt công tác giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho thế hệ trẻ; đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự; là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền các cấp. Đội ngũ doanh nhân thành phố năng động sáng tạo, thích ứng với cơ chế thị trường, có đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế thành phố, có lòng tự tôn dân tộc và ý thức vươn lên làm giàu. Người cao tuổi luôn phát huy vai trò tích cực trong gia đình và xã hội, tích cực tham gia công tác xã hội, là chỗ dựa tinh thần cho gia đình, cộng đồng và các phong trào quần chúng ở cơ sở. Đồng bào các tôn giáo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, thực hiện sống “Tốt đời đẹp đạo”; tuyệt đại đa số chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Người Hải Phòng sống và làm việc tại các địa phương trong nước và ở nước ngoài luôn nêu cao tinh thần dân tộc, đoàn kết, gắn bó, hướng về quê hương, đất nước; tích cực tham gia phát triển kinh tế- xã hội và là cầu nối hữu nghị, hợp tác giữa đất nước, thành phố với các nước, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Phương thức lãnh đạo của Thành ủy, các cấp ủy có nhiều đổi mới, bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện và năng lực cầm quyền của Đảng:
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, hệ thống quy chế, quy định của các cấp ủy được ban hành đồng bộ và được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, gắn với tăng cường phân cấp, phát huy được trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của của các cấp chính quyền và các đoàn thể chính trị-xã hội. Việc xây dựng, ban hành nghị quyết được đổi mới mạnh mẽ theo hướng "5 rõ"[47] vừa bảo đảm tính bao quát, toàn diện, vừa tập trung bàn, quyết định các nhiệm vụ trọng tâm, khâu yếu, việc mới, khó nhưng thiết thực đối với sự phát triển của thành phố... Phương thức chỉ đạo tổ chức thực hiện nghị quyết hướng mạnh về cơ sở, sát thực tiễn, quyết liệt và đạt hiệu quả rõ. Phương thức lãnh đạo của Thành ủy, các cấp ủy đối với các cơ quan nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị được cụ thể hóa trong quy chế làm việc của cấp ủy, được tổ chức thực hiện nghiêm túc và đạt hiệu quả cao. Phương thức lãnh đạo thông qua phát huy vai trò và trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là của cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp được chú trọng hơn và đạt hiệu quả rõ nét. Phương thức lãnh đạo thông qua công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết thực tiễn để bổ khuyết, chỉ đạo thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng bảo đảm kịp thời, đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực.
9- Chính quyền và các tổ chức của hệ thống chính trị được đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động
Tổ chức, bộ máy và hoạt động của Hội đồng nhân dân thành phố và hội đồng nhân dân các cấp được củng cố, kiện toàn sau thời gian thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân quận, huyện, phường, đúng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Hoạt động có nhiều đổi mới, phát huy đầy đủ vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương. Hội đồng nhân dân các cấp thể chế hóa kịp thời các chủ trương, nghị quyết của Thành ủy và cấp ủy cùng cấp; quyết định các đề án, dự án, cơ chế chính sách đi đôi với xây dựng và triển khai chương trình giám sát việc tổ chức thực hiện đảm bảo kịp thời, hiệu quả; tăng cường mối quan hệ công tác với uỷ ban nhân dân, mặt trận tổ quốc. Chất lượng hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp được nâng lên, nhất là chất lượng tiếp xúc cử tri, chất lượng các kỳ họp và hoạt động giám sát; lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do hội đồng nhân dân bầu. Nổi bật, các kỳ họp của Hội đồng nhân dân thành phố khóa XV được đổi mới cả về công tác chuẩn bị nội dung, phương thức tổ chức theo hướng phát huy dân chủ, thiết thực, mở rộng hơn tính công khai, minh bạch để nhân dân theo dõi, tăng thời lượng và tính phản biện, tranh luận tại các phiên chất vấn, được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.
Uỷ ban nhân dân thành phố và ủy ban nhân dân các cấpcó nhiều đổi mới trong chỉ đạo, điều hành, bước đầu thực hiện tốt vai trò kiến tạo, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp; cụ thể hóa và tổ chức thực hiện đúng chủ trương, nghị quyết của cấp ủy và hội đồng nhân dân cùng cấp. Ủy ban nhân dân thành phố đã thực hiện tốt việc báo cáo Thành uỷ những vấn đề thuộc thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là những nội dung quan trọng về kinh tế - xã hội, các dự án, công trình trọng điểm, quy hoạch phát triển các ngành, các địa phương mang tính chất trọng yếu. Chú trọng tăng cường mối quan hệ công tác với hội đồng nhân dân, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, đảng uỷ khối, các quận, huyện ủy và các ban, cơ quan của Thành uỷ. Tổ chức bộ máy được đổi mới, sắp xếp một bước theo hướng tinh gọn, giảm biên chế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương công vụ của cán bộ, công chức các cấp; thực hiện nghiêm việc đánh giá và phân loại mức độ thực hiện nhiệm vụ đối với người đứng đầu các sở, ngành, đơn vị và Chủ tịch ủy ban nhân dân các quận, huyện. Công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính được chú trọng, đạt nhiều kết quả nổi bật.Cải cách tài chính công, xây dựng chính quyền điện tử, hoạt động của bộ phận một cửa, một cửa liên thông[48], hoạt động của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch thành phố, … đã phát huy rõ hiệu quả, góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư và giúp nền hành chính thành phố có bước chuyển mạnh sang phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tiếp tục hướng trọng tâm công tác về cơ sở, khắc phục tình trạng “hành chính hóa”; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; bám sát, tham gia có chiều sâu vào các nhiệm vụ chính trị của thành phố và các địa phương; chủ động, tích cực trong phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền các cấp; phát huy tốt vai trò nòng cốt trong triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, tập hợp đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.
II- NHỮNG ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO NỔI BẬT TRONG NHIỆM KỲ 2015-2020
1- Đổi mới tư duy, mở rộng dân chủ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, lấy lợi ích của người dân làm mục đích hướng tới,siết chặt kỷ cương, kỷ luật, tạo bước đột phá về thu ngân sách nội địa
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thành ủy đã rà soát, phân tích, đánh giá thấu đáo, kỹ lưỡng về thực trạng tình hình thu chi ngân sách, đặc biệt là công tác thu nội địa và thống nhất nhìn nhận: Thu ngân sách, trong đó đặc biệt là thu nội địa là nhiệm vụ hàng đầu, ngân sách nội địa là nhân tố nội lực quan trọng quyết định cho đầu tư phát triển; dư địa thu ngân sách nội địa của thành phố còn rất lớn; vẫn còn tình trạng thất thu, bỏ sót nguồn thu. Từ đó, đã đề ra nhiều biện pháp cụ thể nhằm khắc phục tình trạng thất thu, thất thoát, tăng cường thu ngân sách, nhất là ngân sách nội địa.
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, trong suốt nhiệm kỳ, thành phố đều chọn chủ đề hành động hằng năm là “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”. Đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị tập trung cho công tác thu, chi ngân sách gắn với cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thành phố cùng các cấp ủy, chính quyền đã tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp chống thất thu, thất thoát ngân sách như: phân công Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy đảm nhiệm vị trí chủ chốt các cơ quan quản lý, điều hành ngân sách; thành lập ban chỉ đạo và các tổ công tác chống thất thu ngân sách cấp thành phố và các quận, huyện; thường xuyên rà soát, đôn đốc, giao nhiệm vụ thu ngân sách; tăng cường tuyên truyền về nghĩa vụ ngân sách; tổ chức thanh tra, kiểm tra các hoạt động sản xuất kinh doanh để đánh giá đúng, phát hiện các khu vực, lĩnh vực có nhiều thất thu, thất thoát; chỉ đạo ngành thuế chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, sắp xếp tổ chức bộ máy; ...
Cùng với chống thất thu, thất thoát, thành phố chú trọng nuôi dưỡng, xây dựng các nguồn thu mới. Thành công lớn nhất là đã nhận diện đúng điểm nghẽn và tập trung các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, một làn sóng đầu tư lớn, rộng khắp đã xuất hiện, tạo ra những dư địa mới cho ngân sách nội địa. Trên thực tế, những năm cuối nhiệm kỳ, ngân sách nội địa đã được bổ sung một nguồn thu mới, đáng kể từ các dự án đầu tư quy mô lớn, điển hình là Tổ hợp chế tạo, sản xuất ô tô Vinfast.
Kết quả là, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 10,12%/năm, đặc biệt thu nội địa tăng đột phá, bình quân 20,7%/năm (gấp 1,3 lần giai đoạn 2011-2015), đạt trung bình 24.735 tỷ đồng/năm, gấp 2,71 lần so với giai đoạn 2011-2015 (9.114 tỷ đồng/năm). Ngay từ năm 2017, thu nội địa đã đạt 21.777 tỷ đồng, vượt trước 03 năm mục tiêu Nghị quyết Đại hội XV. Năm 2020, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 98.250 tỷ đồng, gấp 1,62 lần năm 2015 (60.677 tỷ đồng); thu nội địa ước đạt 33.000 tỷ đồng, gấp 2,56 lần năm 2015. Từ nguồn lực ngân sách có bước tiến đột phá, thành phố tăng cường về nội lực, chủ động hơn trong đầu tư phát triển, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. Thực tiễn về sự phát triển của hạ tầng kinh tế - xã hội, chất lượng của đời sống nhân dân đã khẳng định cho sự thành công của công tác thu, chi ngân sách trong nhiệm kỳ. Đồng thời, đây chính là bài học kinh nghiệm cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn trong nhiệm kỳ tới để hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu ngân sách như Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra cho thành phố.
2- Đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý đầu tư công; tập trung nguồn lực cho các dự án, chương trình trọng điểm, ưu tiên
Cơ cấu chi ngân sách được đổi mới, đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng tiết kiệm chi thường xuyên để dành cho chi đầu tư phát triển[49]. Nhờ đó, nguồn lực dành cho đầu tư phát triển được tăng cường, lớn nhất từ trước tới nay. Tổng chi đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020 đạt 45.150 tỷ đồng, gấp 4,18 lần so với giai đoạn 2011-2015 (10.808 tỷ đồng), năm 2020 đạt 12.427 tỷ đồng, gấp 4,9 lần năm 2015 (2.534 tỷ đồng). Tỷ trọng chi đầu tư (trong tổng chi đầu tư và chi thường xuyên) tăng liên tục qua các năm, từ mức 23,8% năm 2015 lên mức 53,2% năm 2018; bình quân giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ chi đầu tư đạt 47,3%, cao hơn mức 32,5% bình quân giai đoạn 2011-2015.
Cùng với chỉ đạo thực hiện nghiêm Luật đầu tư công, quy chế làm việc của Thành ủy đã chú trọng quy định cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy trong việc cho ý kiến về chủ trương đối với các dự án đầu tư công, về kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư công hằng năm cả về phân bổ vốn và danh mục dự án. Vì vậy, đầu tư công của thành phố bảo đảm nhất quán từ chủ trương của Thành ủy đến nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố và triển khai thực hiện của các cấp, ngành.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thành ủy đã có chủ trương đổi mới, thực hiện phân cấp mạnh cho các quận, huyện trong quản lý vốn đầu tư công. Hằng năm, rà soát để phân bổ vốn đầu tư công cho các quận, huyện trên cơ sở các tiêu chí công khai, minh bạch, có tính đến các nhu cầu cấp thiết của từng địa phương. Với nguồn vốn được phân bổ, các quận, huyện hoàn toàn chủ động, linh hoạt trong bố trí cho các công trình, dự án phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thành phố và các sở ngành chỉ thực hiện chức năng hướng dẫn, giám sát. Nhờ đó, đã khắc phục căn bản cơ chế “xin - cho” trong phân bổ nguồn lực đầu tư công; đồng thời khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, “cào bằng” hoặc thiếu cân đối, công bằng giữa các địa phương; tránh được các hiện tượng tiêu cực trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Trong giai đoạn 2016-2020 đã phân bổ 12.070,81 tỷ đồng cho các quận, huyện. Trong đó: 8.396,87 tỷ đồng vốn đầu tư công (không gồm vốn đầu tư công thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới) theo phân cấp cho các quận, huyện, chiếm 14,5% tổng vốn đầu công thành phố; mức phân bổ đầu công cho các quận, huyện năm 2016 là 1.404,8 tỷ đồng, năm 2020 là 2.050,4 tỷ đồng, tăng 1,46 lần so với năm 2016; phân bổ vốn đầu tư công thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 3.673,94 tỷ đồng.
Thành phố đã áp dụng nhiều biện pháp mới trong quản lý dự án đầu tư công nhằm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài, gây đội vốn, thất thoát, lãng phí. Nổi bật là thường xuyên rà soát, giãn, hoãn, dừng thực hiện các dự án không thực sự hiệu quả, không phù hợp; tập trung nguồn vốn, ưu tiên bố trí cho các dự án trọng điểm, cấp thiết, có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và chỉnh trang đô thị của thành phố, như: Xây dựng hạ tầng Khu đô thị mới Bắc sông Cấm, Nâng cấp mở rộng Khu bay - Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, các cầu vượt trong nội đô, cải tạo các chung cư cũ đã xuống cấp, xây dựng các công viên cây xanh, các công trình phúc lợi công cộng,...
Thành công lớn nhất trong quản lý đầu công của nhiệm kỳ là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm[50], hiệu quả sử dụng nguồn vốn được nâng cao, đã tạo ra bước tiến vượt bậc về hạ tầng kinh tế xã hội, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Điển hình là nhiều công trình đã đạt kỷ lục về rút ngắn tiến độ, tạo sự thay đổi nhanh chóng cho diện mạo kết cấu hạ tầng của thành phố, phát huy ngay được hiệu quả kinh tế - xã hội. Đây là cách làm cần được tổng kết, đánh giá sâu sắc để xây dựng hoàn thiện hơn cơ chế, chính sách riêng của thành phố trong quản lý đầu tư công nhằm phát huy mạnh mẽ hơn, nhất là trong những giai đoạn tới, thành phố có điều kiện hơn về nguồn lực và yêu cầu đầu tư phát triển cao hơn.
3- Đổi mới trong thu hút nguồn lực xã hội, tạo động lực cho xây dựng và phát triển thành phố nhanh và bền vững
Thành phố chủ trương huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó chú trọng, coi các nguồn lực xã hội cả trong nước và ngoài nước là động lực phát triển, coi thu hút mạnh vốn đầu tư tư nhân là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, nhằm phát triển nhanh và bền vững, nguồn lực nhà nước giữ vai trò định hướng, dẫn dắt.
Với chủ trương trên, thành phố đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách, cách làm mới, sáng tạo, mang tính thiết thực và hiệu quả trong thu hút nguồn lực xã hội. Nhờ đó, tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020 ước đạt 578,5 nghìn tỷ đồng, vượt mục tiêu đề ra là 440 nghìn tỷ đồng. Cơ cấu đầu tư chuyển dịch theo hướng xã hội hóa, tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực Nhà nước giảm mạnh, từ 24,79% năm 2015 xuống 10,34% năm 2020. Vốn đầu tư của khu vực Nhà nước chủ yếu tập trung cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm, tạo động lực cho phát triển và thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước. Tỷ trọng vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước tăng từ 42,60% năm 2015 lên 55,39% năm 2020, bình quân giai đoạn 2016-2020 chiếm 54,96%. Tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực FDI tăng tương ứng từ 32,61% năm 2015 lên 34,28% năm 2020. Tỷ trọng đóng góp của FDI vào GRDP năm 2015 là 19,42%, tăng lên 26,95% năm 2020; năm 2015 đóng góp 21,4% (2.758 tỷ đồng/12.882 tỷ đồng), năm 2020 chiếm 13,1% (4.322 tỷ đồng/33.000 tỷ đồng) tổng thu nội địa. Thành phố đã chủ động trong mời gọi các nhà đầu tư, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn trong nước và thế giới đầu tư vào những lĩnh vực thế mạnh, có lợi thế, vai trò dẫn dắt, động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có sự bứt phá tăng từ vị trí thứ 28/63 tỉnh, thành phố năm 2015 lên 26/63 tỉnh, thành phố năm 2016 và 9/63 tỉnh, thành phố năm 2017. Theo đó, vị trí xếp hạng PCI trong các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng cũng tăng từ 6/11 tỉnh, thành năm 2015 lên 2/11 tỉnh, thành năm 2017. Đây là năm đầu tiên thành phố xuất hiện trong Top 10 PCI cả nước và dẫn đầu chỉ số thành phần đào tạo lao động, lĩnh vực mà thành phố luôn duy trì được điểm số cao trong 5 năm trở lại đây.
Thành công nổi bật nhất trong nhiệm kỳ là thành phố đã thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong nước, với tổng mức đầu tư hơn 200 nghìn tỷ đồng, điển hình như: Vingroup, Sungroup, Geleximco, FLC... đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế trọng yếu của thành phố như công nghiệp, kết cấu hạ tầng giao thông, bao gồm cả lĩnh vực hàng không, cảng biển và cả các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch, giáo dục đào tạo, y tế. Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh[51]. Nguồn lực đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân đã thực sự tạo một không khí sản xuất kinh doanh mới, sôi động cho thành phố. Cộng đồng doanh nghiệp tư nhân có mặt tại thành phố đã trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân vào GRDP năm 2015 là 26,8%, năm 2020 lên 38,37%; đóng góp vào tổng thu nội địa tăng mạnh, năm 2015 là 3.270,5 tỷ đồng/12.882 tỷ đồng (= 25,4%) thu nội địa, năm 2020 là 11.708 tỷ đồng/33.000 tỷ đồng (= 35,5%). Điều quan trọng là, doanh nghiệp tư nhân ở thành phố đã đầu tư trên nhiều lĩnh vực khác nhau và hoàn toàn có đủ nguồn lực, năng lực đầu tư vào các lĩnh vực mà trước đây chỉ doanh nghiệp nhà nước mới có thể đảm nhận được như: cảng biển, hàng không, công nghiệp chế tạo, hạ tầng giao thông, đô thị. Đây là một dấu ấn nổi bật, cho thấy cần tiếp tục phát huy nguồn lực tư nhân để tạo động lực phát triển.
Trong thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài, thành phố kiên quyết không chạy theo số lượng, hài hòa giữa mở cửa cho đầu tư với việc chọn lọc các nhà đầu tư có chất lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường, hiệu quả kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh, tổng vốn FDI đăng ký giai đoạn 2016-2020 ước đạt khoảng 9,66 tỷ USD, bằng 44,5% tổng vốn FDI thu hút từ trước đến nay, gấp 1,38 lần giai đoạn 2011-2015 (đạt 6,99 tỷ USD)[52]. Hải Phòng liên tục nằm trong danh sách các địa phương dẫn đầu về thu hút FDI toàn quốc, đã và đang trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới và các nhà đầu tư nước ngoài.
Điểm nổi bật khác trong thu hút nguồn lực là thành phố đã áp dụng thành công cơ chế hỗ trợ để dẫn dắt, định hướng cho nhân dân đóng góp nhân công, mặt bằng để xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị. Thực tế, đã thu hút được nguồn lực lớn từ nhân dân, tiết kiệm đáng kể cho ngân sách, nhanh chóng làm thay đổi cơ bản diện mạo đô thị và nông thôn, phát huy được vai trò làm chủ của nhân dân. Cụ thể, trong xây dựng nông thôn mới, nguồn lực huy động được từ nhân dân đạt 6.588 tỷ đồng, chiếm 13%, gấp 2,3 lần giai đoạn 2010-2015; trong chỉnh trang đô thị, đã huy động được từ nhân dân 75,56 tỷ đồng[53].
Ngoài ra, thành phố đã đẩy mạnh các hình thức đối tác công tư (BT, BOT) nhằm huy động đa dạng nguồn lực cho đầu tư phát triển. Thành công lớn nhất là thành phố đã áp dụng hình thức BT trong xây dựng, cải tạo chung cư cũ, thành phố đã thực hiện thủ tục xây dựng 7/18 tòa với tổng số dân phải di chuyển tạm cư gần 1.500 hộ; đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 03 chung cư U19 Lam Sơn; N1, N2 Lê Lợi với tổng số 282 căn hộ; chung cư HH3-HH4 Đồng Quốc Bình với 1.456 căn hộ; đang triển khai thi công xây dựng chung cư HH1-HH2 Đồng Quốc Bình[54]. Một số công trình hạ tầng giao thông được đầu tư theo hình thức BOT đã phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội cao, không xảy ra những vấn đề phức tạp[55].
Kết quả huy động tổng lực và có định hướng, chọn lọc, nguồn lực đầu tư của thành phố không chỉ đạt quy mô cao nhất từ trước đến nay mà quan trọng là các dòng đầu tư đều phát huy hiệu quả thực chất, tạo động lực đều khắp các khu vực, lĩnh vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn, tạo được sự sôi động trong đầu tư phát triển, sản xuất kinh doanh, đưa thành phố đi vào giai đoạn chuyển mình, trỗi dậy mạnh mẽ.
4- Công tác giải phóng mặt bằng có nhiều cách làm mới, quyết liệt, tạo được lòng tin, sự ủng hộ của người dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phát huy hiệu quả các dự án
Trong giai đoạn phát triển mạnh các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất kinh doanh đòi hỏi phải giải phóng một diện tích đất rất lớn, tác động đến nhiều người dân, ảnh hưởng đến nhiều vấn đề an sinh xã hội. Vì vậy, thành phố đã rất chú trọng đến công tác giải phóng mặt bằng; coi đây là khâu quan trọng nhất, quyết định sự thành công của quá trình triển khai các dự án.
Điểm đổi mới mấu chốt nhất trong công tác giải phóng mặt bằng là thành phố và các cấp, ngành đã coi trọng và phát huy vai trò của công tác vận động nhân dân. Hệ thống chính trị các cấp đều vào cuộc vận động nhân dân ngay từ khi phê duyệt chủ trương dự án. Đặc biệt là phát huy vai trò của các đoàn thể nhân dân, đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở, ở các thôn, tổ dân phố trong công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và vận động nhân dân ủng hộ việc triển khai các dự án, đồng thuận trong kiểm kê, bồi thường, bàn giao mặt bằng.
Phát huy cao độ vai trò gắn với quy trách nhiệm đối với lãnh đạo chủ chốt các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, nghiêm túc phê bình, kiểm điểm, điều chuyển công tác các trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ giải phóng mặt bằng. Đối với các dự án phải giải phóng diện tích mặt bằng lớn, tác động đến cả cộng đồng dân cư, phải tái định cư nhiều đã chủ động tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân[56].
Thực hiện nhất quán phương châm công khai, minh bạch, để nhân dân thấy được ý nghĩa của các dự án đối với sự phát triển chung, những lợi ích trực tiếp, gián tiếp mà nhân dân có được khi dự án hoàn thành. Nhất là, vận dụng tối đa chính sách để bảo đảm quyền lợi cao nhất cho người dân bị thu hồi đất; bố trí tái định cư phải đi trước một bước so với thu hồi đất; tái định cư phải bảo đảm điều kiện sống và sinh kế bằng và tốt hơn. Trong trường hợp phải cưỡng chế giải phóng mặt bằng cần có kế hoạch và có ý kiến đồng ý của thành phố; đồng thời với vận động, thuyết phục để không phải thực hiện kế hoạch cưỡng chế; nếu phải tiến hành phải bảo đảm tuyệt đối an toàn về người và tài sản nhân dân, không làm phát sinh bức xúc trong nhân dân.
Kết quả là, giai đoạn 2016-2019 đã giải phóng 5.879,9ha đất của 556 tổ chức và 53.009 hộ gia đình, cá nhân để phục vụ 370 dự án, trong đó có 10.127 hộ phải bố trí tái định cư. Thành công lớn nhất trong quá trình thực hiện, cơ bản không phải áp dụng biện pháp cưỡng chế, được nhân dân đồng thuận. Đất đai được quản lý chặt chẽ, các dự án về cơ bản đã hoàn thành đảm bảo đúng tiến độ, phát huy hiệu quả cao như Nhà máy sản xuất, chế tạo ô tô Vinfast, các công trình hạ tầng giao thông, du lịch, thương mại…
5- Đổi mới công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ thành phố ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ
Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ"; Kế hoạch số 10-KH/TW của Bộ Chính trị khóa XII triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW, Đảng bộ thành phố đã triển khai công tác cán bộ đảm bảo đồng bộ, có nhiều đổi mới, sát với thực tiễn, đạt được những kết quả nổi bật.
Đã rà soát, bổ sung quy định chặt chẽ thẩm quyền cho ý kiến và quyết định về công tác cán bộ trong quy chế làm việc của Thành ủy và các cấp ủy, đảm bảo nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ.
Đã nghiên cứu, ban hành các quy định về tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể đối với các chức danh cán bộ diện Thành ủy, các cấp ủy quản lý cao hơn mức chuẩn chung và theo yêu cầu phát triển thành phố. Trên cơ sở đó, đã xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý, tạo cơ sở để đổi mới công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển và điều động cán bộ. Quy định số 105-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử được cụ thể hóa sát với thực tiễn thành phố, rõ thẩm quyền, trách nhiệm và nêu cao được tính chủ động của các cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn trong công tác cán bộ.
Công tác quy hoạch cán bộ được quan tâm, tiến hành dân chủ, bài bản, khoa học và có nhiều đổi mới, chất lượng nguồn cán bộ trong quy hoạch được nâng lên. Quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2015-2020 gồm 1.057 lượt cán bộ, 100% có trình độ đại học trở lên, tỷ lệ cán bộ nữ chiếm 24,12%, cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi) chiếm 17,4%; nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 1.434 lượt cán bộ, 100% có trình độ đại học trở lên, tỷ lệ cán bộ nữ chiếm 24,75%, cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi) chiếm 24,4%. Đã xây dựng Quy hoạch Thành ủy nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 105 đồng chí với chất lượng tiêu chuẩn đảm bảo, cơ cấu hợp lý, đảm bảo cơ cấu 3 độ tuổi, tỷ lệ cán bộ nữ. Trên cơ sở đó, xây dựng và thực hiện tốt quy hoạch cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Giới thiệu 01 đồng chí vào Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ được tăng cường, có trọng tâm, trọng điểm. Đã cử 4 cán bộ đi nghiên cứu sinh; cử 12 cán bộ đi đào tạo thạc sỹ; 760 cán bộ đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị; 4.379 cán bộ đi đào tạo trung cấp lý luận chính trị; 100% đội ngũ bí thư cấp ủy huyện được dự lớp bồi dưỡng theo quy định…. Đội ngũ cán bộ diện Thành ủy quản lý có 403 đồng chí, 100% có trình độ lý luận chính trị cao cấp và trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành được nâng lên.
Thực hiện Kết luận số 12-KL/TW, ngày 22-3-2017 của Bộ Chính trị, Thành ủy, các cấp ủy đã thực hiện nghiêm quy trình 5 bước trong công tác cán bộ, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, kiểm soát có hiệu quả quyền lực trong công tác cán bộ, chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền. Công tác điều động, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ đảm bảo chủ động theo kế hoạch, đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, vừa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho các nhiệm kỳ tiếp theo[57].
Nhờ có nhiều đổi mới và tiến hành quyết liệt, đồng bộ trong công tác cán bộ, đội ngũ cán bộ của thành phố đã cơ bản được chuẩn hóa về trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, có năng lực, phẩm chất, uy tín. Cán bộ cấp chiến lược có bản lĩnh chính trị, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có tư duy đổi mới, có khả năng hoạch định đường lối, chính sách mang tầm chiến lược, phát huy tốt vai trò quy tụ và là hạt nhân đoàn kết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
6- Đổi mới, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng, đồng thuận của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng bộ, Chính quyền thành phố
Đổi mới nổi bật là thành phố đã đề ra và hiện thực hóa được chủ trương “phát triển kinh tế bảo đảm gắn với phát triển văn hóa- xã hội, triển khai có hiệu quả nhiều chính sách về tiến bộ và công bằng xã hội; đời sống nhân dân không ngừng nâng cao”. Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thành phố đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, quyết định đột phá, táo bạo về các vấn đề an sinh, phúc lợi xã hội. Trên thực tế đã hình thành những cơ chế, chính sách xã hội riêng và nổi bật, tương xứng, thậm chí là vượt trước tốc độ phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Điển hình là các nghị quyết về hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, chỉnh trang đô thị; hỗ trợ xây sửa nhà đối với người có công, hộ nghèo; quyết định tăng mức bảo trợ xã hội; chính sách khuyến khích học sinh, giáo viên giỏi; hỗ trợ 100% học phí cho học sinh phổ thông; quyết định tăng mức đầu tư cho các đoàn nghệ thuật; khuyến khích các hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật: triển khai Đề án sân khấu truyền hình, cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật về thành phố Hải Phòng với chủ đề Hải Phòng – Khát vọng vươn lên; cổ vũ, động viên bằng các hình thức khen thưởng thiết thực trong các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở.
Hàng năm, thành phố trích ngân sách, huy động nguồn lực xã hội hóa chăm lo Tết cho người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội luôn cao hơn mức bình quân chung các tỉnh, thành phố lân cận từ 1-1,5 lần. Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng đúng quy định của Nhà nước, trong đó tập trung giải quyết các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng (quy định tại Pháp lệnh Người có công) và công nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng[58]. Hỗ trợ nhà ở cho các hộ gia đình người có công, phấn đấu 100% hộ gia đình người có công có khó khăn về nhà ở đều được hỗ trợ xây mới hoặc nâng cấp sửa chữa[59]. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà chu đáo cho người có công nhân dịp các ngày Lễ, Tết với mức quà tặng năm sau cao hơn năm trước, đứng đầu cả nước về mức quà tặng đối với thân nhân gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng[60]. Đời sống người có công được cải thiện rõ, hầu hết gia đình người có công đã có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Giải quyết việc làm cho 273.457 lượt lao động, vượt chỉ tiêu đề ra (tạo việc làm 260.000 lượt lao động) và tăng 7% so giai đoạn 2011-2015 (255.035 lượt lao động). Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị năm 2016 là 4%, năm 2017 đạt 3,98%, năm 2018 đạt 3,96%, ước năm 2019 đạt 3,95%, năm 2020 là 3,86% đạt mục tiêu đề ra (dưới 4%). Tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nông thôn từ năm 2016 đến nay duy trì 85%, đạt mục tiêu đề ra. Thu nhập bình quân đầu người tăng dần qua các năm, năm 2018 đạt 5,12 triệu đồng/tháng, gấp 1,21 lần năm 2015, gấp 1,32 lần bình quân chung cả nước (3,88 triệu đồng/tháng) và gấp 1,06 lần bình quân vùng đồng bằng sông Hồng (4,83 triệu đồng/tháng); dự kiến năm 2020 ước đạt 5,97 triệu đồng/tháng, gấp 1,41 lần năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo giảm liên tục qua các năm, từ 3,86% năm 2015 xuống còn 0,22% năm 2020, bình quân giảm 0,73%/năm, đạt mục tiêu đề ra (giảm từ 0,7-1%/năm).
Thực tiễn của thành phố đã chứng minh, sự tăng trưởng, phát triển của kinh tế đã đi đôi với nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, an sinh xã hội đi trước một bước. Những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế đã chuyển hóa ngay thành những cơ chế, chính sách nổi bật để thúc đẩy nhanh hơn quá trình cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân; nhân dân thực sự là đối tượng thụ hưởng của sự phát triển kinh tế thành phố. Nhờ đó, đã tạo được không khí vui tươi, hân hoan, phấn khởi trong toàn xã hội, ở các tầng lớp nhân dân. Niềm tin, sự đồng thuận, tin tưởng cũng như khát vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đã thực sự trở thành tâm trạng chủ đạo của đời sống xã hội, trở thành nguồn lực to lớn thúc đẩy trở lại sự phát triển nhanh chóng, toàn diện về mọi mặt của thành phố.
Những kết quả đạt được có các nguyên nhân khách quan và chủ quan:
Nguyên nhân khách quan là sau 35 năm đổi mới, thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn, chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả hơn; kinh tế thế giới phục hồi và phát triển, nhất là từ cuối năm 2016; liên kết và tự do hóa thương mại ngày càng chiếm ưu thế. Với thành phố, những kết quả đạt được, các nhân tố được hình thành từ các giai đoạn trước đã tạo nền tảng và phát huy trong nhiệm kỳ này; đồng thời thành phố luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nổi bật nhất là Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và ngày 26/11/2019, Chính phủ đã có Nghị quyết số 108/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW, đã mở ra một cơ hội lớn, tạo một động lực mới, rất quan trọng để xây dựng và phát triển thành phố.
Nguyên nhân chủ quan là Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố đã phát huy được nội lực, giải phóng được tiềm năng, thế mạnh, phát huy dân chủ, tinh thần đoàn kết, nhất là giữ gìn đoàn kết nội bộ. Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thành phố luôn thể hiện sự thống nhất cao trong việc quyết định các chủ trương, các nội dung lãnh đạo, chỉ đạo trên mọi lĩnh vực. Luôn chú trọng xây dựng, củng cố niềm tin của nhân dân, sự đồng thuận xã hội, coi đây là nhân tố quyết định tạo không khí tích cực chung trong xã hội, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Luôn chủ động, sáng tạo trong cụ thể hóa, triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương vào thực tiễn thành phố; xác định rõ các điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển, những vấn đề mới, khó để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đạt ngay hiệu quả trên thực tế. Quyết tâm, kiên trì thực hiện chủ đề năm “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, qua đó tạo đột phá trong thu ngân sách và thu hút đầu tư. Chủ động trong huy động các nguồn lực phát triển; chủ động mời gọi nhà đầu tư, các tập đoàn kinh tế lớn, khuyến khích khởi nghiệp, tạo không khí đầu tư, sản xuất kinh doanh sôi động. Đặc biệt đã lựa chọn đúng khâu đột phá là hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông, coi đây là động lực quan trọng hàng đầu để thu hút đầu tư, khơi thông nguồn lực phát triển. Đồng thời, có những quyết sách mạnh mẽ, thiết thực để cải thiện đời sống, sinh hoạt của nhân dân, ổn định lòng dân, tạo không khí tin tưởng, tự hào trong nhân dân về thành phố. Thường xuyên quan tâm công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; kịp thời kiện toàn đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; thi hành kỷ luật đảng; chú trọng công tác dân vận, củng cố niềm tin của nhân dân đối với các cấp ủy, chính quyền.
III- HẠN CHẾ, YẾU KÉM
1- Quy mô, chất lượng tăng trưởng kinh tế, vị trí, vai trò của kinh tế thành phố trong vùng và cả nước, so với các thành phố lớn còn dưới mức tiềm năng và yêu cầu phát triển
Quy mô GRDP chưa tương xứng với vị thế là thành phố lớn thứ 2 miền Bắc, năm 2018 chỉ bằng 24% GRDP thành phố Hà Nội, hơn địa phương đứng thứ 3 không đáng kể (hơn tỉnh Bắc Ninh 20.148 tỷ đồng, tương ứng khoảng 9,53% GRDP Hải Phòng); tỷ trọng đóng góp trong cả vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đều giảm. Lợi thế, tiềm năng của thành phố cảng biển, cửa ngõ quốc tế chưa được phát huy đầy đủ, nhất là một số ngành kinh tế biển mũi nhọn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển. Liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. Tốc độ đổi mới và ứng dụng công nghệ cao còn chậm. Từ năm 2016 đến nay chưa thành lập được khu công nghiệp mới theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (cả Trung ương và địa phương) cho các dự án hạ tầng khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải còn hạn chế. Chưa có khu công nghiệp công nghệ cao. Chưa hình thành được các mô hình cụm liên kết ngành.
Dịch vụ chưa thể hiện được vị trí trung tâm lớn, có sức cạnh tranh cao. Tỷ trọng giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ từ 51,61% năm 2016 còn 42,28% năm 2020, không đạt mục tiêu đề ra (57%) là do tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp - xây dựng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cơ cấu nội bộ ngành dịch vụ chuyển dịch không đáng kể, các ngành truyền thống như vận tải, kho bãi và thương mại vẫn đóng vai trò chủ yếu (chiếm hơn 50% giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ) và chưa đi vào chiều sâu. Vận tải hàng hóa chủ yếu là đường bộ, chưa phát huy được lợi thế vận tải hàng hóa đường thủy nội địa, đường hàng không. Các ngành dịch vụ mới, dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, du lịch, nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo, y tế, nghệ thuật, vui chơi giải trí... chưa phát triển mạnh. Hiện đại hoá và kết nối các dịch vụ với quốc tế còn hạn chế. Kết quả thu hút đầu tư vào ngành dịch vụ chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của thành phố.
Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, nhất sản phẩm chủ lực chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ để là động lực tăng trưởng. Các sản phẩm được xác định có thế mạnh của địa phương, thành phố tuy mang lại hiệu quả kinh tế cao trên đơn vị diện tích song lại chiếm tỷ trọng nhỏ (1,0-3,0%) trong giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; chưa thực sự nổi bật để tập trung đầu tư sản xuất hàng hóa mang lại giá trị gia tăng cao. Đổi mới hình thức sản xuất tuy có nhiều chuyển biến song chưa tạo được đột phá. Doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn còn hạn chế so với tiềm năng, lợi thế.
2- Công tác quản lý thu chi ngân sách, huy động nguồn lực đầu tư phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tuy có bước cải thiện nhưng còn nhiều bất cập
Thu ngân sách nhà nước tuy đã có bước tăng trưởng cao nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của thành phố. Cơ cấu nguồn thu chưa thật sự bền vững. Còn thất thu, thất thoát lớn, nhất là một số khoản thu, một số lĩnh vực như vận tải, khai khoáng, du lịch, nhà hàng, khách sạn, ...
Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện rõ nét nhưng chưa thực sự ổn định, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển chung của thành phố. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 của thành phố xếp vị trí thứ 16/63 tỉnh, thành, giảm 7 bậc so với năm 2017; chỉ số cải cách hành chính (Par Index) các năm từ 2013 đến 2016 xếp vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành nhưng các năm 2017, 2018 chỉ xếp thứ 5/63 tỉnh, thành, giảm 3 bậc so với các năm trước.
3- Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội thành phố
Hệ thống hạ tầng giao thông phát triển chưa tương xứng với yêu cầu phát triển thành phố. Hạ tầng giao thông đường bộ kết nối cảng còn hạn chế; hệ thống đường vành đai đô thị chậm được đầu tư. Hệ thống đường sắt cũ, lạc hậu, chưa kết nối được với các khu vực cảng biển mới; đường thủy nội địa chưa phát huy được vai trò hỗ trợ vận tải hàng hóa từ cảng biển.
Hạ tầng cảng biển chậm được đầu tư, nâng cấp so với yêu cầu phát triển và so các cảng khu vực, trên thế giới. Chưa có các khu dịch vụ logistics quy mô lớn hỗ trợ khai thác hệ thống cảng biển, hạn chế trong việc hình thành các chuỗi logistics với chuẩn mực thương mại quốc tế để kết nối Cảng Hải Phòng với các cảng trên thế giới. Chưa phát huy đầy đủ vai trò cửa chính ra biển của hai hành lang kinh tế
Việt Nam - Trung Quốc.
4- Công tác quản lý, phát triển đô thị, quản lý đất đai còn nhiều hạn chế
Quy hoạch đô thị chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế, chưa rõ tính văn minh, hiện đại, còn phải điều chỉnh nhiều lần, chưa quy hoạch hạ tầng đô thị ngầm; việc tổ chức triển khai theo quy hoạch còn chậm. Kiến trúc đô thị thiếu tính đặc trưng, chưa rõ bản sắc của thành phố.
Quản lý đô thị còn nhiều tồn tại. Tình trạng vi phạm quy hoạch, vi phạm trật tự xây dựng còn diễn ra, việc xử lý vi phạm chưa nghiêm, thiếu tính dứt điểm, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định trong quản lý, phát triển đô thị chưa được toàn diện.
Hạ tầng đô thị còn thiếu đồng bộ, còn 12/51 tiêu chí của đô thị loại I chưa hoàn thành, nhiều tiêu chí còn rất thấp như tỷ lệ diện tích đất giao thông đô thị 8,33% so với yêu cầu 16-24%; đất cây xanh đô thị 3,73m2/người so với yêu cầu 10-15m2/người; ...
Công tác quản lý đất đai ở một số địa phương còn tình trạng buông lỏng, để xảy ra sai phạm, gây khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, thất thu, thất thoát các nguồn thu từ đất.
5- Ngành du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa khẳng định được vị trí, thương hiệu du lịch trong nước và quốc tế
Du lịch chưa được quan tâm đầu tư phát triển xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn. Tốc độ phát triển hạ tầng du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu; tiến độ triển khai các dự án phát triển du lịch còn chậm so với yêu cầu. Chưa phát triển được khu du lịch đạt đẳng cấp quốc tế, có khả năng thu hút khách du lịch cao cấp, lưu trú dài ngày. Sản phẩm du lịch chủ yếu dựa trên khai thác giá trị sẵn có, chưa có sản phẩm độc đáo, bản sắc, có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao.
Công tác quản lý nhà nước về du lịch còn hạn chế, nhân lực ngành du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu. Cơ chế, chính sách, định hướng phát triển du lịch chậm được đổi mới, chưa thu hút nhiều nguồn lực đầu tư.
6- Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ còn có những mặt hạn chế
Các chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa của Đảng, Nhà nước chậm được triển khai thực hiện. Cơ chế, chính sách về kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế, về huy động, quản lý các nguồn lực đầu tư cho văn hóa chưa cụ thể, rõ ràng. Các chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa của Đảng, Nhà nước chậm được triển khai thực hiện. Chất lượng các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa, thể thao còn thấp, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao công cộng còn hạn chế so với nhu cầu của người dân, với vị trí của thành phố lớn; thiếu thiết chế văn hóa, thể thao tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị mới. Chất lượng hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, sáng tác văn học, nghệ thuật chưa cao. Chậm quy hoạch phát triển hệ thống thông tin đại chúng đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Công tác phát triển thể dục thể thao chưa thực sự bền vững; mất dần vị trí trung tâm thể thao thành tích cao. Công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa còn nhiều hạn chế, bất cập.
Triển khai thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo mới đạt kết quả bước đầu. Giáo dục phổ thông còn phát sinh một số tiêu cực, những vấn đề gây bức xúc dư luận. Hệ thống cơ sở đào tạo nghề bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập, đòi hỏi phải sắp xếp, cơ cấu lại. Các trường đại học, cao đẳng chưa thể hiện được vai trò trung tâm đào tạo của vùng, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Các cơ chế, chính sách đào tạo, thu hút và sử dụng nhân lực chất lượng cao chưa đồng bộ, tổng thể, chưa gắn với nhu cầu thực tế.
Mạng lưới khám chữa bệnh và chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh chưa tương xứng với sự phát triển của thành phố, chưa thực sự trở thành Trung tâm y tế vùng, chưa đáp ứng niềm tin của nhân dân. Tình trạng quá tải bệnh viện tuyến thành phố chưa được giải quyết triệt để. Chất lượng nhân lực y tế còn những khó khăn thách thức, tình trạng mất cân đối về số lượng và chất lượng bác sĩ giữa các tuyến, các chuyên khoa; thiếu chuyên gia ở một số chuyên ngành… đã kéo dài nhiều năm, song chậm được khắc phục. Chưa chủ động nghiên cứu sự thay đổi về cơ cấu bệnh tật và nguồn phát sinh dịch bệnh mới để có biện pháp phòng ngừa. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là mối quan tâm lớn của toàn xã hội hiện nay.
Hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học – công nghệ vào sản xuất và đời sống chưa tạo ra đột phá. Thiếu sự liên kết giữa nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo và sản xuất kinh doanh. Tiềm lực khoa học – công nghệ, nhất là đội ngũ và hệ thống các tổ chức khoa học – công nghệ chậm được đầu tư củng cố, kiện toàn, mất cân đối, thiếu các cơ sở nghiên cứu, ươm tạo, chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Các dịch vụ xã hội cơ bản còn hạn chế về chất lượng, mức độ bao phủ. Mức trợ cấp thường xuyên dành cho các đối tượng đặc biệt khó khăn còn thấp, nên đời sống còn nhiều khó khăn. Chương trình hỗ trợ, giải quyết nhà ở cho người lao động tập trung ở các khu, cụm công nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng nợ đọng và trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn diễn biến phức tạp.
Chất lượng môi trường sống còn bất cập, còn có tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo lực, thiếu an toàn. Môi trường lao động, làm việc nhiều nơi còn nguy cơ mất an toàn, ô nhiễm. Tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp.
7- Trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn phức tạp
Tình hình tội phạm vẫn còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, nhất là liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại; hủy hoại tài nguyên môi trường; mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy; tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm trên không gian mạng, …
Chưa đấu tranh triệt để, hiệu quả đối với một số phần tử tiêu cực lợi dụng, kích động nhân dân khiếu kiện kéo dài, đông người; xuyên tạc tình hình, gây nghi ngờ, chia rẽ đoàn kết, mâu thuẫn nội bộ; cản trở, phá hoại các chủ trương, định hướng xây dựng và phát triển thành phố.
8- Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và công tác vận động quần chúng nhân dân trên một số mặt kết quả đạt được còn chưa được như mong muốn.
Còn tình trạng một số nghị quyết đã ban hành nhưng chậm quán triệt, cụ thể hóa và nhất là tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành chưa quyết liệt, chưa nghiêm, chưa hiệu quả và là khâu yếu đáng quan tâm nhất hiện nay. Một số tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, chưa thực sự phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở.
Công tác định hướng thông tin và dư luận xã hội tuy đã được quan tâm, song có thời gian, có vụ việc chưa được nắm bắt và xử lý kịp thời. Phương thức tổ chức đấu tranh, xử lý các thông tin "xấu, độc", chống phá của các thế lực thù địch trên mạng xã hội chưa thật sự bài bản, thiếu kịp thời, chưa quyết liệt, đôi khi chủ quan coi nhẹ.
Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị ở một số địa phương, đơn vị còn hạn chế. Chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ ở một số loại hình tổ chức cơ sở đảng chuyển biến còn chậm. Công tác bồi dưỡng kết nạp đảng ở khu vực đường phố, nông thôn và các doanh nghiệp ngoài nhà nước còn nhiều khó khăn.
Công tác cán bộ còn có những hạn chế chậm được khắc phục, nhất là đánh giá cán bộ vẫn đang là khâu yếu; chất lượng quy hoạch cán bộ ở một số cấp, ngành, địa phương không cao; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa được chú trọng đúng mức, việc sử dụng và bổ nhiệm cán bộ ở một vài địa phương còn gây bức xúc dư luận; tình trạng hẫng hụt đội ngũ cán bộ kế cận chưa được khắc phục triệt để.
Chưa chú trọng đúng mức việc giám sát người đứng đầu, ít kiểm tra đối với cấp ủy viên cùng cấp; việc kiểm tra đảng viên, tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm còn hạn chế, chưa chủ động kiểm tra sâu đối với những lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm. Công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ đảng là khâu yếu nhất hiện nay.
Các hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý sai phạm còn thiếu đồng bộ và tính liên kết, phối hợp giữa các đơn vị trong một số vụ việc. Công tác tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu. Còn một số vụ việc tham nhũng chưa được giải quyết dứt điểm.
Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa coi trọng đúng mức vai trò của công tác dân vận. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội có lúc, có nơi thiếu chủ động, sáng tạo, còn nặng về hành chính. Vai trò và hiệu quả giám sát, phản biện xã hội còn hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực hiện nghiêm Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việctrong các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn còn gặp nhiều khó khăn. Công tác tôn giáo còn có những tồn tại, nhất là về giải quyết những vấn đề đất đai tôn giáo; hoạt động của một số “tà đạo”, …
Phương thức, phong cách lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, lề lối làm việc của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước chậm đổi mới, chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ mới. Công tác kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện Quy chế làm việc của các cấp ủy chưa được coi trọng đúng mức. Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách ở một số cấp ủy chưa nghiêm. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp chưa đồng đều, nhất là ở cấp xã. Kết quả cải cách hành chính thiếu tính bền vững, trên một số mặt bộc lộ hạn chế so với mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ.
Trong những hạn chế, yếu kém trên, có những hạn chế, yếu kém đã kéo dài nhiều năm, qua nhiều giai đoạn; có những hạn chế, yếu kém mới phát sinh trong nhiệm kỳ; có những hạn chế, yếu kém do đòi hỏi và khát vọng phát triển nhanh. Đảng bộ thành phố phải nghiêm túc nhìn nhận, phân tích nguyên nhân, quyết tâm sửa chữa, nỗ lực khắc phục căn bản và triệt để trong nhiệm kỳ tới.
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém là:
Nguyên nhân khách quan là bước vào nhiệm kỳ, sự phát triển của thành phố trên một số lĩnh vực có biểu hiện trì trệ, làm hạn chế khả năng huy động các nguồn lực để thực hiện Nghị quyết Đại hội XV. Trong khi thể chế vùng chưa hoàn thiện, chưa đủ mạnh để phát huy vai trò trung tâm, động lực vùng của thành phố; thiếu cơ chế phân cấp dẫn đến giảm tính chủ động, sáng tạo, mất cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; nguồn lực đầu tư chưa tương xứng với yêu cầu. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới và đất nước còn tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp; an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới có nhiều khó khăn, thách thức. Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa lâu dài đòi hỏi phải có thời gian và sự kiên quyết, kiên trì, quyết tâm cao. Một số cơ chế, chính sách về kiểm soát quyền lực bên trong bộ máy nhà nước chưa đồng bộ, rõ ràng; tổ chức bộ máy nhà nước chưa được phân công, phối hợp và phân nhiệm một cách cụ thể theo yêu cầu mới.
Nguyên nhân chủ quan là thành phố chưa thực sự quan tâm khai thác triệt để các lợi thế so sánh, nhất là lợi thế địa kinh tế để phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn. Năng lực thống kê, phân tích, dự báo, công tác kiểm tra, giám sát, đúc kết kinh nghiệm của một số cấp, ngành còn nhiều yếu kém, chưa kịp thời phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, hoạch định chiến lược, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển; còn thiếu nhạy bén, quyết đoán, quyết liệt, táo bạo, thậm chí còn có tư duy sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến bỏ lỡ các cơ hội phát triển. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế chưa cao; cải cách hành chính chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Có lúc, có nơi chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, giữa công nghiệp hóa, đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng, tinh thần tự phê bình và phê bình của một bộ phận đảng viên còn hạn chế. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị trong thực hiện sự lãnh đạo của Đảng còn chưa rõ nét.Chất lượng một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa theo kịp với yêu cầu, nhiệm vụ, chưa rõ tinh thần đổi mới. Tác phong, thái độ làm việc của một số cán bộ lãnh đạo, công chức các sở, ngành, địa phương còn quan liêu, thụ động, chưa chủ động chuyển thực sự sang tác phong hành động, phục vụ. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chính quyền địa phương chưa được chặt chẽ, chưa giải quyết kịp thời các phát sinh, vướng mắc trong công tác quản lý.
IV- ĐÁNH GIÁ TỔNG QUÁT VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM
1- Đánh giá tổng quát
Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố đã đạt được những thành tựu nổi bật, toàn diện, có tính đột phá, mở ra một thời kỳ phát triển mới:
Thứ nhất, hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu nhiệm kỳ, có những chỉ tiêu tăng trưởng vượt bậc: hoàn thành vượt mức 12/20 chỉ tiêu, trong đó có 7/12 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức mục tiêu giao từ 1-3 năm; hoàn thành 7/20 chỉ tiêu và không hoàn thành duy nhất 1/20 chỉ tiêu (tuổi thọ trung bình).
Thứ hai, tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, trở thành điểm sáng của cả nước, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tới; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh sang chiều sâu.
Thứ ba, các ngành kinh tế đều có bước phát triển. Công nghiệp thành phố có bước chuyển biến mạnh về chất, chuyển hướng sang công nghiệp chế biến, chế tạo, hiện đại, công nghệ cao; thu hút các dự án công nghiệp quy mô lớn, đặc biệt là thu hút doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước. Các ngành dịch vụ cảng biển, hàng hải, logicstics, vận tải, xuất nhập khẩu phát triển nhanh; thương mại phát triển khá mạnh và toàn diện, từng bước khẳng định vị trí là trung tâm lớn của cả nước; dịch vụ hàng không, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, các dịch vụ đô thị khác có bước phát triển quan trọng; ngành du lịch đang từng bước được đầu tư phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Sản xuất nông nghiệp được cơ cấu lại một bước quan trọng, gắn với xây dựng nông thôn mới được thực hiện với nhiều đổi mới, sáng tạo, hiệu quả cao, tạo chuyển biến mạnh về diện mạo nông thôn, thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản.
Thứ tư, kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông phát triển đột phá theo hướng đồng bộ, hiện đại. Thành phố đã khẳng định được vai trò đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc. Với quyết tâm, cách làm mới tập trung, quyết liệt, các dự án giao thông đối nội đã được khẩn trương được cải tạo, xây mới đáp ứng tốt hơn nhu cầu vận chuyển hàng hóa qua cảng biển Hải Phòng, cải thiện điều kiện đi lại của nhân dân cả khu vực đô thị và nông thôn. Hạ tầng đô thị phát triển đúng với 3 hướng chiến lược với tốc độ cao, hình thành rõ nét không gian đô thị thành phố; chỉnh trang đô thị cũ đạt nhiều kết quả nổi bật.
Thứ năm, sự nghiệp phát triển văn hóa, xã hội đạt kết quả tích cực, từng bước khẳng định là trung tâm của vùng Duyên hải Bắc Bộ. Triển khai thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công với cách mạng đi trước một bước so với phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao, thu hẹp khoảng cách nông thôn – thành thị. Phát triển kinh tế bảo đảm gắn với củng cố, giữ vững quốc phòng – an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác đối ngoại, hợp tác, hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh, đi vào thực chất và hiệu quả hơn.
Thứ sáu, tổ chức Đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; có nhiều đổi mới về tổ chức và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Hoạt động của các cấp chính quyền ngày càng đổi mới theo hướng kiến tạo, hành động, đồng hành, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp. Đội ngũ cán bộ thành phố tiếp tục được kiện toàn theo hướng đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Nhân dân tin tưởng, đồng thuận, chung sức thực hiện các chủ trương, chính sách của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thành phố để xây dựng và phát triển thành phố.
Những thành tựu nên trên có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thế và lực mới để Hải Phòng bước vào giai đoạn phát triển mới, cao hơn theo Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII.
2- Bài học kinh nghiệm
Một là, trong lãnh đạo, chỉ đạo, bám sát, tranh thủ sự quan tâm, lãnh đạo, giúp đỡ của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; đồng thời chủ động, khẩn trương tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Trung ương bằng các chương trình hành động cụ thể, gắn với thực tiễn thành phố.
Hai là, đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc của cấp ủy, chính quyền các cấp với yêu cầu quyết liệt, thiết thực, hiệu quả. Phát huy đoàn kết, nhất trí trong toàn Đảng bộ trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết vì sự nghiệp chung là yếu tố quyết định thành công trên mọi nhiệm vụ.
Ba là, nhận diện rõ các hạn chế, yếu kém, đặc biệt là những tồn tại kéo dài, làm rõ nguyên nhân, điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, bản lĩnh, sáng tạo, trách nhiệm để tạo chuyển biến ngay trong thực tiễn, phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội.
Bốn là, chú trọng xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ đủ sức gánh vác nhiệm vụ trước yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, trách nhiệm từ thành phố đến cơ sở. Công tác cán bộ phải bảo đảm công tâm, khách quan, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định; gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm nhằm nâng cao uy tín của các cấp ủy, chính quyền và củng cố niềm tin của nhân dân, là nhân tố quyết định để phát triển kinh tế - xã hội.
Năm là, đẩy mạnh xã hội hóa việc huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, đặc biệt là thông qua hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong đó, kết cấu hạ tầng giao thông phải đi trước, phát triển đồng bộ, hoàn thiện kết nối với vùng và cả nước, quốc tế; coi đây là nhân tố quyết định tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư.
Sáu là, mọi chủ trương, chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội phải vì sự phát triển chung của thành phố, đảm bảo thiết thực, hiệu quả đối với đời sống nhân dân. Trong triển khai, phải công khai, minh bạch trước nhân dân, đặc biệt chú trọng công tác dân vận, huy động cao nhất sự đồng thuận, vào cuộc, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân vì sự nghiệp chung của thành phố với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.
Bảy là, cùng với ưu tiên phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng, cần đặc biệt quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, với chủ trương nhất quán “đầu tư cho an sinh, phúc lợi xã hội phải đi trước so với phát triển kinh tế”, nhất là đối với gia đình chính sách, gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công, nhằm tạo không khí phấn khởi chung trong xã hội, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Đây là bài học về xây dựng thế trận lòng dân vững chắc có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng trong tình hình cách mạng hiện nay.
Phần thứ hai
PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ 5 NĂM 2020 - 2025
Bước vào nhiệm kỳ 2020-2025, thành phố đứng trước thuận lợi, cơ hội có được từ xu hướng phục hồi của nền kinh tế thế giới; các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tác động trực tiếp, tạo điều kiện cho thành phố đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển sản xuất và kinh doanh. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với các lợi thế so sánh và đà phát triển đã có, thành tựu to lớn, toàn diện đạt được của nhiệm kỳ qua, cùng với sức mạnh nội sinh của tinh thần đoàn kết, truyền thống đổi mới, sáng tạo, thành phố hoàn toàn có thể phát triển bứt phá, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 45-NQ/TW, ngày 24/01/2019 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã mở ra cơ hội mới cho sự phát triển thành phố. Bên cạnh thuận lợi, cơ hội, thành phố cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Nhất là với vị trí cửa ngõ quốc tế, Hải Phòng dễ bị ảnh hưởng do các tác động củatình hình an ninh - chính trị, kinh tế, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh của thế giới, khu vực. Thành phố vẫn còn những điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông chưa theo kịp yêu cầu phát triển, ảnh hưởng đến việc khai thác triệt để lợi thế địa kinh tế của thành phố. Các ngành, khu vực, lĩnh vực kinh tế của thành phố phát triển chưa đồng bộ. Ngoài ra, còn có những thách thức trong giải quyết mối quan hệ giữa quá trình đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới, khoảng cách giàu nghèo; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội cũng như ứng phó với những tác động tiêu cực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các vấn đề về biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường,… Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị là một động lực, một cơ hội lớn cho sự phát triển thành phố đồng thời cũng chính là những thách thức về nguồn lực, về hệ thống cơ chế, chính sách, về nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu rất cao mà Nghị quyết đã đề ra.
I- PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN
1- Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trên cơ sở khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, mối tương quan, liên kết với các tỉnh ven biển Bắc Bộ, khu vực đồng bằng Sông Hồng, các tỉnh phía Bắc và kết nối quốc tế. Hải Phòng không chỉ là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh mà còn là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước.
2-Tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh hấp dẫn, thuận lợi, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, phát triển mạnh các thành phần kinh tế, trọng tâm là kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên các ngành kinh tế chủ lực, có lợi thế để phát triển bứt phá:(i) Công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao; (ii) Thương mại, dịch vụ cảng biển và logistics; (iii) Du lịch. Chú trọng phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá thành phố.
3-Đẩy nhanh phát triển đô thị theo 03 hướng đột phá; nhanh chóng hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I, hướng tới các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt, đô thị thông minh. Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng hiện đại, văn minh với các tiêu chí, chất lượng nâng cao; đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa, đặc biệt là chuẩn bị điều kiện cho việc chuyển một số huyện thành quận; bảo đảm đời sống vật chất của người dân nông thôn khá giả, đời sống tinh thần phong phú, giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc.
4- Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, phát huy đầy đủ vai trò làm chủ của nhân dân. Các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế phải gắn liền với mục tiêu bảo đảm an sinh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; các chế độ, chính sách an sinh, phúc lợi xã hội của thành phố ngày càng tốt hơn và thuộc nhóm dẫn đầu các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng bảo đảm sự phát triển bền vững.
5- Xây dựng Hải Phòng thành khu vực phòng thủ vững chắc; thành phố an toàn, thân thiện, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là kinh tế đối ngoại.
6- Xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị thành phố ngày càng vững mạnh, đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, bảo đảm vai trò lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của các cấp uỷ đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố.
II- MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU
1- Mục tiêu
Huy động các nguồn lực, phát triển bứt phá để đến năm 2025, Hải Phòng hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đạt các tiêu chí đô thị loại I; trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; là trọng điểm phát triển kinh tế biển, trung tâm dịch vụ logistics, trung tâm đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học-công nghệ biển của cả nước; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững; có tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường; tạo nền tảng vững chắc để trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á vào năm 2030.
2- Các chỉ tiêu chủ yếu
2.1- Về kinh tế
(1) Tăng trưởng GRDP đạt bình quân tối thiểu 16%/năm, bao gồm: công nghiệp - xây dựng tăng 21,1%/năm; dịch vụ tăng 10,4%/năm; nông, lâm và thủy sản tăng 2%/năm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 9%/năm.
Cơ cấu GRDP năm 2025: công nghiệp - xây dựng 51%; dịch vụ 43,4%; nông, lâm và thủy sản 1,8%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 3,8%.
Tỷ trọng GRDP của Hải Phòng năm 2025 chiếm 6,4% GDP cả nước, 23,7% GDP vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
(2) GRDP bình quân (giá hiện hành) năm 2025 đạt 14.740 USD/người.
(3) Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 23,2%/năm; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đến năm 2025 đạt 36,4%; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2025 đạt 47% - 49 %.
(4) Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến năm 2025 đạt 180.000 - 190.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 75.000 tỷ đồng.
(5) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 đạt 1.500 nghìn tỷ đồng.
(6) Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 35 tỷ USD.
(7) Sản lượng hàng hoá thông qua các cảng trên địa bàn đạt 350 triệu tấn.
(8) Đến năm 2025 thu hút 20 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế 2,7 triệu lượt khách.
(9) Tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào GRDP đến năm 2025 là 45-47%.
(10) Đến năm 2025, có 100% số xã cơ bản đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu.
2.2- Về xã hội
(11) Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3,5% vào năm 2025.
(12) Giải quyết việc làm cho 5,58 vạn lượt lao động/năm.
(13) Đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 87-88%; trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%.
(14) Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn quốc gia) đến năm 2025 dưới 0,2%.
(15) Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% vào năm 2025.
2.3- Về môi trường
(16) Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn đạt 100% vào năm 2025.
(17) Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt 100%, nông thôn đạt 95%; trong đó trên 50% được xử lý bằng các công nghệ hiện đại, không chôn lấp vào năm 2025.
(18) Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật 40 ÷ 50% vào năm 2025.
2.4- Về xây dựng Đảng
(19) Kết nạp từ 15.000 - 15.500 đảng viên.
(20) Thành lập 175 - 200 tổ chức đảng trong khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.
III- NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1- Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên động lực là ứng dụng khoa học - công nghệ, các ngành kinh tế chủ lực có lợi thế để phát triển bứt phá
1.1- Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung xây dựng chính quyền điện tử, cải cách hành chính, nhất là trong lĩnh vực cấp phép đầu tư, tiếp cận đất đai và các nguồn lực, quy hoạch, thủ tục thuế và hải quan. Phấn đấu Hải Phòng luôn là một trong 10 địa phương đạt thứ hạng cao nhất về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số cải cách hành chính.
Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, thực sự trở thành một động lực quan trọng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đặc biệt trong các ngành kinh tế chủ lực. Thu hút các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, giữ vai trò dẫn dắt, có sức lan tỏa và đóng góp ngân sách lớn, đầu tư sản xuất, kinh doanh, thành lập doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GRDP là 48,27%.
Chủ động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có chọn lọc, chất lượng, phù hợp với định hướng cơ cấu nền kinh tế thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có trình độ công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, sử dụng hiệu quả tài nguyên, đóng góp lớn cho ngân sách, có nghiên cứu phát triển, cam kết chuyển giao công nghệ, có tác động lan tỏa, liên kết với các doanh nghiệp trong nước theo chuỗi giá trị. Đến năm 2025, khu vực kinh tế FDI đóng góp 30,75% vào GRDP thành phố.
Có cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, tạo điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phát triển hiệu quả trong mọi lĩnh vực.
Hoàn thành việc sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đối với doanh nghiệp do thành phố quản lý. Phối hợp chặt chẽ các cơ quan liên quan giải quyết dứt điểm việc xử lý, cơ cấu lại Tập đoàn Vinashin, Vinalines, đặc biệt là các công ty con đóng trên địa bàn thành phố, bảo đảm quyền lợi, tài sản của Nhà nước, đời sống, việc làm người lao động.
1.2- Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực
Triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chống thất thu ngân sách. Rà soát, làm rõ những khoản thu, sắc thuế còn thất thu, các nguồn thu còn tiềm năng; tạo lập các nguồn thu mới, nhất là nguồn thu lớn có tính bền vững. Huy động cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, trách nhiệm người đứng đầu trong thu ngân sách. Siết chặt kỷ cương, thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý thu, chi ngân sách.
Tiếp tục đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách, ưu tiên nguồn lực cho các dự án, công trình trọng điểm và lĩnh vực an sinh xã hội; tăng cường phân cấp cho quận, huyện trong lĩnh vực thu, chi ngân sách; có cơ chế ưu tiên bổ sung có mục tiêu cho các địa phương có số thu ngân sách vượt dự toán được giao.
Cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng chi đầu tư, đạt trên 60% tổng chi ngân sách. Đổi mới mạnh mẽ khu vực sự nghiệp công lập theo cơ chế tự chủ và tinh giản bộ máy, biên chế, thực hiện cải cách tiền lương...
Huy động tối đa nguồn lực đầu tư vào thành phố; trong đó chú trọng các nguồn vốn tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), coi đây chính là nguồn lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo nguồn đóng góp ngân sách bền vững cho thành phố.
Ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công vào các công trình, dự án trọng điểm, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, coi đây là "vốn mồi" - động lực để thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn ngoài ngân sách.
Xây dựng cơ chế, chính sách huy động tối đa mọi nguồn lực để thu hút nguồn vốn đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm của thành phố, ưu tiên áp dụng hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP).
Xây dựng Đề án báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thành phố Hải Phòng thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách mới, đặc thù, có tính đột phá, khả thi cao (cơ chế về tài chính - ngân sách tạo nguồn vốn đầu tư, đất đai, quyết định chủ trương đầu tư các dự án...).
1.3-Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên động lực là ứng dụng khoa học - công nghệ, các ngành kinh tế chủ lực, có lợi thế để phát triển bứt phá.
Phát triển mạnh công nghiệp, trụ cột chính của tăng trưởng kinh tế thành phố với trọng tâm là phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo với hai ngành chủ lực là sản xuất chế tạo ô tô và điện tử - tin học; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng, thủ tục hành chính, quỹ đất để tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast, tổ hợp sản xuất thiết bị điện tử của Tập đoàn LG, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây là các ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại ngành công nghiệp thành phố.
Tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng, quỹ đất để thu hút ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, các dự án công nghiệp quy mô lớn có công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, có đóng góp lớn cho ngân sách, như: năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng điện khí, công nghệ thông tin, viễn thông, hóa dầu, hóa mỹ phẩm, dược phẩm, cơ khí chế tạo,…; đồng thời ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực nhằm nâng cao giá trị sản xuất và tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Tập trung huy động các nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghiệp công nghệ cao, các khu, cụm công nghiệp. Đến năm 2025, thành phố phát triển 15 khu công nghiệp với tổng diện tích 6.418 ha, 23 cụm công nghiệp với tổng diện tích 973 ha; bảo đảm 100% khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; khuyến khích, hỗ trợ việc chuyển đổi từ khu công nghiệp thông thường sang khu công nghiệp sinh thái hoặc xây dựng mới các khu công nghiệp sinh thái. Ưu tiên thu hút đầu tư xây dựng khu công nghệ thông tin tập trung.
Phát triển mạnh mẽ ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung phát triển lĩnh vực có thế mạnh với trọng tâm là dịch vụ cảng biển, logistics, thương mại, du lịch,…
Phát triển dịch vụ cảng biển: Nâng cao năng lực xếp dỡ; duy trì độ sâu luồng hàng hải để đón thường xuyên các tàu vận tải có trọng tải trên 100.000 DWT ra vào hệ thống cảng biển; cùng với việc rà soát quy hoạch, phát triển hệ thống kho bãi, các cảng cạn trên địa bàn.
Mở rộng kết nối hạ tầng logistics của Hải Phòng với các quốc gia về đường bộ, đường biển, đường sắt, hàng không; phát triển hài hòa các phương thức vận tải, quan tâm phát triển, nâng cao năng lực vận tải thủy nội địa, đường sắt nhằm giảm tải cho đường bộ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động logistics. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, bố trí quỹ đất phù hợp thu hút đầu tư hệ thống trung tâm logistics đạt tầm cỡ quốc gia và quốc tế; kêu gọi đầu tư dịch vụ vận tải, logistics đường hàng không.
Phát triển mạnh dịch vụ thương mại với hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Phát triển hệ thống chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, thương mại điện tử theo hướng văn minh, hiện đại. Mời gọi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư tổ hợp thương mại quy mô lớn, kết hợp nhiều loại hình kinh doanh.
Thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)...
Phát triển bứt phá dịch vụ du lịch tương xứng vị trí ngành kinh tế mũi nhọn.
Xây dựng, phát triển khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn trở thành trung tâm du lịch biển có cơ sở vật chất hiện đại, sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, khác biệt, có chất lượng cao, có thương hiệu và uy tín, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế. Thúc đẩy triển khai các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm phát triển du lịch tại Cát Bà, Đồ Sơn được xác định trong Chương trình hành động số 76-CTr/TU ngày 08/7/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy.
Thu hút đầu tư phát triển mạnh các loại hình du lịch biển: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp; đồng thời phát triển các loại hình du lịch MICE[61], du lịch văn hóa, du lịch tâm linh. Tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh các dự án vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn quốc tế, các dự án bảo vệ môi trường khu du lịch theo quy hoạch. Chú trọng phát triển hệ thống cơ sở lưu trú, nhất là khách sạn 5 sao, các khu vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao, trung tâm hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện đạt đẳng cấp quốc tế. Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục đề nghị UNESCO công nhận vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới. Đăng ký thành công vịnh Lan Hạ là vịnh đẹp nhất thế giới và là thành viên Hiệp hội Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới (MBBW). Nghiên cứu khôi phục, phát huy các di tích lịch sử, di tích cách mạng, làng nghề truyền thống, các lễ hội văn hóa trở thành những sản phẩm du lịch đặc trưng của Hải Phòng.
Có các cơ chế, chính sách hiệu quả để hỗ trợ phát triển du lịch, trong đó tập trung vào 4 nhóm cơ chế, chính sách: (i) thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch; (ii) khuyến khích, ưu đãi thu hút phát triển sản phẩm du lịch; (iii) hỗ trợ, nghiên cứu phát triển thị trường, tăng cường xúc tiến, quảng bá, hợp tác về du lịch; (iv) đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch.
Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về du lịch; củng cố tổ chức bộ máy quản lý từ cấp thành phố tới quận, huyện, đồng thời rà soát, đánh giá lại gắn với sắp xếp, tuyển chọn, bố trí, đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu phát triển bứt phá của du lịch thành phố.
Phát triển mạnh mẽ dịch vụ hàng không. Tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư mở rộng, nâng năng lực cảng hàng không cả về hành khách và hàng hóa. Tiếp tục xúc tiến mở các đường bay mới đi và đến Cảng với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế.
Nông, lâm nghiệp và thủy sản: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống nông dân. Thúc đẩy cơ cấu lại và chuyển đổi mô hình tăng trưởng nông nghiệp theo nền nông nghiệp đa chức năng, an toàn thực phẩm, thân thiện môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế, giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Thực hiện chủ trương tích tụ, tập trung đất đai cho phát triển nông nghiệp quy mô lớn, sức cạnh tranh cao; chuyển đổi nhanh cơ cấu cây trồng sang sản xuất rau, quả hàng hóa tập trung đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho chế biến, thị trường trong nước và xuất khẩu. Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các khu, vùng nông nghiệp ứng công nghệ cao. Xây dựng và phát triển các vùng chăn nuôi tập trung với quy mô trang trại phù hợp.
Tiếp tục đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, đẩy nhanh phát triển nông nghiệp theo hướng gắn kết với thị trường. Khuyến khích mở rộng hình thức hợp tác, liên doanh, liên kết, phát triển các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chuyên ngành, đa ngành, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Tăng nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, đầu tư từ ngân sách nhà nước mang tính dẫn dắt, định hướng; huy động mạnh mẽ nguồn lực ngoài ngân sách. Chú trọng đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) trong việc xây dựng, nâng cấp hệ thống cảng cá, trung tâm dịch vụ hậu cần thủy sản. Tranh thủ nguồn vốn Trung ương để đến năm 2025 hoàn thành xây dựng trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc tại đảo Bạch Long Vĩ; xây dựng Trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường Vịnh Bắc Bộ tại xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên. Phát triển đội tàu khai thác hải sản vùng biển xa bờ với thiết bị tiên tiến, hiện đại; giảm việc nuôi trồng thủy sản lồng bè để bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, thúc đẩy phát triển du lịch.
2- Tập trung phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không
Ưu tiên nguồn vốn đầu tư các công trình, dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được xác định trong Chương trình hành động số 76-CTr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW.
Tập trung nguồn ngân sách thành phố để cải tạo, nâng cấp, phát triển giao thông đô thị theo hướng nâng cao năng lực, từng bước đồng bộ, hiện đại, bao gồm: chỉnh trang đường đô thị, một số nút giao; khẩn trương xây dựng các tuyến đường trục chính, tuyến đường vành đai 2 và 3, cùng với nghiên cứu xây dựng hệ thống cầu vượt chống ùn tắc. Tiếp tục cải tạo các tuyến đường tỉnh.
Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành Trung ương huy động các nguồn lực đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm có ý nghĩa chiến lược, vai trò vùng, kết nối với các địa phương trong vùng Bắc Bộ và hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam và Trung Quốc; ưu tiên các dự án phát triển năng lực cảng biển, Cảng hàng không và các dự án hạ tầng kết nối với cảng bằng cả đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa để đáp ứng yêu cầu tăng nhanh lượng hàng hóa, hành khách qua các cảng. Phấn đấu đến năm 2021, hoàn thành dự án nhà ga hành khách số 2, đồng thời ưu tiên quỹ đất xây dựng cảng hàng hóa, khu hậu cần hàng không Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; đến năm 2025, xây mới thêm 6-8 bến thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với thiết bị đồng bộ, hiện đại, công nghệ quản lý tiên tiến; đưa vào khai thác tuyến đường bộ ven biển (đoạn qua Hải Phòng) vào năm 2022.
3- Phát triển đô thị theo hướng đô thị xanh, đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, mang tầm quốc tế, gắn chặt chẽ giữa đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
3.1- Quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị
Hoàn thành và triển khai quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; chương trình phát triển đô thị thành phố đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung đầu tư hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I, hướng tới hoàn thiện các tiêu chí cơ bản của đô thị loại đặc biệt, xây dựng đô thị thông minh.
Hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng khu đô thị mới Bắc sông Cấm, xây dựng và di chuyển Trung tâm hành chính thành phố sang phía Bắc sông Cấm trước năm 2025. Tiếp tục phát triển đô thị theo 3 hướng: (i) hướng Đông Nam gắn với Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, trung tâm logistics, các khu công nghiệp hướng biển, xây dựng phát triển đảo Cát Bà thành Trung tâm du lịch quốc tế; phát triển đô thị sân bay tại quận Hải An; (ii) hướng Bắc gắn với phát triển xây dựng Trung tâm hành chính, chính trị thành phố; thành phố giáo dục quốc tế; trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng, các khu đô thị hiện đại, thông minh; (iii) hướng Đông Nam với trung tâm du lịch, dịch vụ, đô thị tại Đồ Sơn, phát triển đô thị sinh thái nghỉ dưỡng hướng biển, các dự án đô thị ven sông Lạch Tray, ven đường 353 và công viên vui chơi, giải trí Tân Thành.
Thực hiện cải tạo chỉnh trang đô thị cũ theo hướng tái thiết khu trung tâm nội đô kết hợp bảo tồn công trình kiến trúc có giá trị và chỉnh trang đô thị; cấu trúc lại không gian đô thị ven sông Cấm và sông Lạch Tray từ sông phục vụ cảng - công nghiệp thành sông cảnh quan đô thị và dịch vụ; hoàn thành xây dựng thay thế các chung cư xuống cấp, nguy hiểm bằng các chung cư cao tầng, hiện đại.
Khuyến khích xây dựng nhà cao tầng, tăng diện tích đất cây xanh, đất giao thông ở các khu đô thị mới. Cải tạo, nâng cấp và xây dựng thêm các vườn hoa, công viên, bãi đỗ xe; ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý đô thị như: chiếu sáng, giám sát chất lượng môi trường, cấp nước, thoát nước, quản lý các bãi đỗ xe, an ninh trật tự,…
3.2- Xây dựng nông thôn mới
Ban hành cơ chế, chính sách xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu với lộ trình, nguồn lực cụ thể, cách làm mới, sáng tạo, đi đầu cả nước. Thúc đẩy, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững, đời sống vật chất khá giả, môi trường sống an toàn, đời sống tinh thần phong phú, giữ gìn bản sắc văn hóa.
Tập trung nguồn lực, đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, gắn với đô thị hóa, đặc biệt là chuẩn bị cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất cho việc chuyển đổi một số huyện thành quận.
Phấn đấu đến năm 2025 có 100% số xã hoàn thành xây dựng đường giao thông, điện chiếu sáng và môi trường theo tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu; cơ bản rác thải nông thôn được thu gom, xử lý theo công nghệ tiên tiến; 100% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch.
4- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng
Xây dựng, thực hiện có hiệu quả quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 của thành phố. Kiên quyết thu hồi đất dự án đã được giao, cho thuê đất nhưng không thực hiện đầu tư đúng thời gian quy định, sử dụng đất không hiệu quả, trái mục đích được giao, thuê; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép. Thực hiện các chương trình, dự án khắc phục, cải tạo các vùng đất ô nhiễm. Áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai, bảo vệ môi trường. Đẩy nhanh thực hiện số hóa hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu về đất đai.
Nâng cao năng lực quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản, kiểm soát chặt chẽ chất thải đô thị, nông thôn, các khu công nghiệp, khu kinh tế; kiên quyết di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra xa khu dân cư hoặc loại bỏ các dự án sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm nặng tới môi trường. Tiếp tục xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung thành phố, cải thiện chất lượng không khí ở đô thị và các khu công nghiệp. Triển khai nhanh các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại thay cho việc chôn lấp. Quản lý và bảo vệ chặt chẽ nguồn nước ngọt, môi trường các lưu vực sông, xử lý ô nhiễm khu vực cửa biển; chú trọng bảo vệ đa dạng sinh học bảo tồn các khu vực rừng nguyên sinh, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà, Khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ,... Chủ động ứng phó sự cố môi trường, sự cố tràn dầu.
Dự báo và xây dựng kế hoạch hành động của thành phố ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn và giám sát biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố.
5- Xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm giáo dục - đào tạo, y tế của vùng Duyên hải Bắc Bộ; trọng điểm phát triển khoa học - công nghệ biển của cả nước
5.1- Giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực
Tạo đột phá trong đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố; đến năm 2025 trở thành trung tâm giáo dục đại học của vùng duyên hải Bắc Bộ. Nâng cao chất lượng giáo dục và chất lượng phổ cập giáo dục các cấp, tăng cường công tác hướng nghiệp cho học sinh. Phát triển cân đối các ngành học, bậc học. Duy trì bền vững kết quả phổ cập bậc trung học và nghề.
Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giáo dục và đào tạo theo hướng đồng bộ và hiện đại. Xây dựng hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn trở thành trung tâm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc gia và khu vực, tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế; có giải pháp chuyển đổi mô hình, cơ cấu đào tạo, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực biển. Phát triển một số cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng cao mà Hải Phòng có lợi thế, như: kinh tế biển, hàng hải, vận tải biển, dịch vụ logistics, đóng tàu, cơ khí, chế biến, chế tạo, khai thác, nuôi trồng thuỷ, hải sản... tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án phát triển cơ sở đào tạo chất lượng quốc tế, nhất là dự án Thành phố giáo dục quốc tế.
Chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, nhất là cho công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ cảng biển, logistics; đồng thời, phát triển được đội ngũ kỹ sư, các nhà quản trị có khả năng ứng dụng công nghệ và phát triển các dịch vụ hiện đại như: ngân hàng, tài chính, logistics, bảo hiểm, công nghệ thông tin, phân phối bán lẻ, tư vấn, dịch vụ phát triển kinh doanh. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực công.
Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và các tổ chức đào tạo trên địa bàn thực hiện hợp tác và hỗ trợ trong đào tạo, nâng cao kỹ năng cho lao động trong doanh nghiệp. Tăng cường và đa dạng hóa các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển giáo dục nghề nghiệp. Coi phát triển doanh nghiệp có trình độ sản xuất, kinh doanh cao là phương thức chủ đạo để thu hút và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố.
Thực hiện hỗ trợ học phí cho học sinh từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông trên địa bàn thành phố. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ học sinh Hải Phòng học nghề hệ cao đẳng, trung cấp thuộc danh mục nghề thành phố khuyến khích tại các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn. Có cơ chế, chính sách phù hợp, đặc thù của thành phố thu hút nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố.
5.2- Y tế
Xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm y tế của vùng Duyên hải Bắc Bộ; đầu tư xây dựng cơ sở khám chữa bệnh, hạ tầng y tế, đồng bộ, nâng cấp các bệnh viện nhằm nâng cao, đa dạng hóa công tác khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật y học tiên tiến hiện đại; tăng cường đầu tư một số lĩnh vực chuyên sâu ngang tầm với các trung tâm chuyên sâu kỹ thuật cao của Trung ương và là vệ tinh của một số bệnh viện Trung ương; phát huy thế mạnh về y học biển để trở thành trung tâm y tế biển hàng đầu của cả nước. Nâng tỷ lệ bác sĩ lên 16 bác sĩ/10.000 dân vào năm 2025. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động y tế, phát triển y tế tư nhân/ngoài công lập, phối hợp công-tư; nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và phục hồi chức năng ở tất cả các tuyến nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân và giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến thành phố. Quan tâm đầu tư tuyến y tế cơ sở, phát triển mô hình bác sỹ gia đình, tạo chuyển biến về chất của công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Thực hiện hiệu quả công tác giám sát, phát hiện và khống chế các dịch bệnh. Xây dựng, triển khai các phương án đề phòng và khắc phục nhanh hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe do thảm họa, thiên tai, ngộ độc thực phẩm tập thể gây ra. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm.
5.3- Phát triển khoa học công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; xây dựng Hải Phòng trở thành trọng điểm phát triển khoa học - công nghệ biển của cả nước
Xây dựng cơ chế, chính sách mang tính đột phá để khuyến khích và thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; lấy doanh nghiệp là trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ trong các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo gắn với nhu cầu thị trường. Tăng cường liên kết doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học để đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động ứng dụng, nghiên cứu phát triển, chuyển giao các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Rà soát, sắp xếp lại, nâng cao tính tự chủ của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập thành phố; đẩy mạnh hợp tác công – tư (PPP), khuyến khích khu vực tư nhân và doanh nghiệp đầu tư cho khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, hình thành các trung tâm nghiên cứu và triển khai (R&D), đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó tập trung đầu tư xây dựng Trung tâm ươm tạo công nghệ và đổi mới sáng tạo thành phố; xây dựng, hình thành các khu, vùng ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao phù hợp với Hải Phòng.
Tăng cường năng lực, hình thành các trung tâm nghiên cứu, phát triển khoa học – công nghệ biển, khai thác hiệu quả tài nguyên biển, ứng dụng công nghệ mới để phát triển các ngành kinh tế biển có lợi thế. Tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại cho các cơ sở nghiên cứu, các viện, trường đại học, các tổ chức khoa học và công nghệ biển. Nâng cấp, phát triển một số cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ sở đào tạo về biển ngang tầm trọng điểm quốc gia, từng bước đạt tầm khu vực và quốc tế.
Phát triển nhân lực khoa học và công nghệ có trình độ cao, đặc biệt nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học và công nghệ biển. Tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu chuyên ngành về biển đạt trình độ khu vực và quốc tế, đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu những vấn đề chuyên sâu về khoa học và công nghệ biển. Có chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ đội ngũ chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành, nhân lực chất lượng cao làm việc trong các ngành, lĩnh vực, nhất là ở các cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo về biển.
Tiếp tục phát triển thị trường khoa học và công nghệ; kết nối có hiệu quả sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Hải Phòng với các sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trong nước. Thúc đẩy sự liên thông của thị trường khoa học và công nghệ với thị trường hàng hóa, dịch vụ, thị trường lao động, thị trường vốn. Tăng cường hỗ trợ hoạt động quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm đặc sản, làng nghề của thành phố.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các nước phát triển trên thế giới về lĩnh vực khoa học – công nghệ, nhất là lĩnh vực khoa học – công nghệ biển.
6- Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân
6.1- Xây dựng và phát triển văn hoá lành mạnh, văn minh, hiện đại; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, xây dựng con người Hải Phòng phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của thành phố
Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa "Trung dũng - Quyết thắng", đổi mới- sáng tạo-hội nhập của Người Hải Phòng. Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong các tổ chức đảng, các cơ quan, nhà nước và các đoàn thể, tạo chuyển biến tiến bộ rõ về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội. Quan tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững của thành phố và đất nước. Xây dựng lối sống "Xanh", tiêu dùng "Xanh".
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phát triển hài hòa đời sống văn hóa với đời sống kinh tế, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng và phát triển gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc, văn hóa, tiến bộ, làm nền tảng cho sự phát triển lối sống lành mạnh. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ.
Ưu tiên bảo tồn và phát huy có hiệu quả những giá trị của di sản văn hoá Hải Phòng, trước hết là các di tích được xếp hạng cấp quốc gia phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch. Khôi phục và bảo tồn phát huy văn hoá truyền thống, văn hoá dân gian có giá trị của thành phố.
Có cơ chế khuyến khích văn nghệ sỹ, nghệ nhân phát huy tài năng, năng lực, sáng tác các tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm đẫm tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc hiện thực xây dựng, phát triển thành phố. Tiếp tục nuôi dưỡng, phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, thiết thực nâng cao sự tham gia và mức hưởng thụ văn hoá, nghệ thuật của nhân dân.
Xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao. Hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở đồng bộ đạt chuẩn từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường, thị trấn; từng bước hoàn thiện và nâng cấp các trung tâm văn hóa - thể thao đạt chuẩn quy định. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong các lĩnh vực hoạt động văn hóa, thể thao. Ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, thể thao cấp vùng và phục vụ các giải thi đấu trong nước và quốc tế.
Tiếp tục mở rộng và đa dạng hoá các hoạt động thể dục, thể thao cho người dân. Ưu tiên phát triển thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp, chú trọng các môn thể thao Olympic. Tập trung phát triển nguồn nhân lực thể thao, phát triển vận động viên các môn thể thao trọng điểm, vận động viên cấp quốc gia.
Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư cơ sở cung ứng các dịch vụ văn hóa, thể thao. Xây dựng và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách phát triển văn hóa, thể thao của thành phố.
6.2- Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân
Tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương “Đầu tư cho công tác an sinh, phúc lợi xã hội đi trước phát triển kinh tế”. Các chế độ, chính sách của thành phố đối với người có công, đối tượng chính sách bảo đảm ngày càng tốt hơn và trong nhóm dẫn đầu các tỉnh, thành phố. Quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân hai huyện đảo: Bạch Long Vỹ và Cát Hải.
Huy động mọi nguồn lực của Nhà nước và xã hội để giúp người dân thoát nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, chất lượng cuộc sống giữa thành thị và nông thôn. Tăng cường trợ giúp của cộng đồng cùng với nâng cao tính tự lực của các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo để bảo đảm giảm nghèo bền vững; phấn đấu đến năm 2025 đạt mục tiêu không còn hộ nghèo (theo chuẩn quốc gia).
Phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, nâng cao hiệu quả trợ giúp xã hội: huy động sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội thực hiện các chính sách an sinh xã hội; mở rộng đối tượng thụ hưởng, nâng mức trợ cấp xã hội thường xuyên phù hợp với khả năng ngân sách thành phố và nâng cấp hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội phù hợp với xu thế phát triển mới; thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động; phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, bài trừ các tệ nạn xã hội. Có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở dưỡng lão đáp ứng nhu cầu chăm sóc người cao tuổi trên địa bàn thành phố.
Triển khai thực hiện các chương trình việc làm, chú trọng tạo việc làm, đi đôi với nâng cao chất lượng việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, cải thiện môi trường lao động, giảm thiểu tai nạn lao động. Gắn kết nhu cầu về lao động giữa thành phố với thị trường lao động trong vùng, cả nước. Tiếp tục phát triển thị trường xuất khẩu lao động, mở rộng thị phần lao động nhất là các thị trường lao động đòi hỏi kỹ thuật công nghệ cao, thu nhập cao.
Rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội; bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các khu vực đông công nhân và người lao động. Từng bước giải quyết nhu cầu nhà ở cho các đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo, công nhân lao động.
7- Gắn phát triển kinh tế - xã hội với nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, giữ vững chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế
7.1-Gắn phát triển kinh tế - xã hội với nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, giữ vững chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội
Thực hiện tốt quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng các công trình phòng thủ theo quy hoạch thế trận quân sự đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt; xây dựng các công trình có tính lưỡng dụng, vừa phục vụ sản xuất, kinh doanh vừa đáp ứng nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Quan tâm củng cố, cải tạo, xây dựng các công trình quốc phòng trong căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, phòng thủ tuyến biển, đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Đồ Sơn, Tiên Lãng. Tổ chức tốt hệ thống phòng thủ dân sự, chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng thực hiện các trạng thái quốc phòng.
Củng cố và phát huy sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong khu vực phòng thủ thành phố. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên đáp ứng yêu cầu trong mọi tình huống.
Tăng cường đầu tư, cơ sở vật chất, phương tiện vũ khí, trang thiết bị phục vụ công tác, chiến đấu, góp phần xây dựng lực lượng công an thành phố chính quy, tinh nhuệ, có sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Xây dựng lực lượng vũ trang thành phố đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; kịp thời xử lý các tình huống, đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động của các thế lực thù địch, phản động; ngăn chặn, đấu tranh, phản bác những thông tin, luận điệu sai trái; sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng; chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng, phương tiện, phương án, kế hoạch phòng ngừa, xử lý các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự, không để bị động, xảy ra bất ngờ; giữ vững ổn định chính trị xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Nâng cao khả năng sẵn sàng cơ động, thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống bão lụt, phòng chống cháy nổ, cháy rừng, cứu sập, tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Tăng cường các biện pháp giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông.
Tăng cường giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh; nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, địa phương và nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ vững trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trong tình hình mới.
7.2- Tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế
Tiếp tục chủ động, đẩy mạnh công tác đối ngoại; tận dụng tối đa các cơ hội từ quá trình hội nhập quốc tế mang lại. Đẩy mạnh ngoại giao chính trị, kinh tế, văn hóa; triển khai có hiệu quả công tác thông tin đối ngoại. Tăng cường triển khai củng cố, mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước, các tổ chức quốc tế, địa phương và vùng lãnh thổ trên thế giới. Làm sâu sắc hơn, thực chất hơn trong quan hệ, tích cực xây dựng “lòng tin chiến lược” với bạn bè và đối tác quốc tế, tập trung vào Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, ASEAN, Nga; trong đó đặc biệt chú trọng đến các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, các địa phương trong Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.
Nâng cao năng lực hội nhập quốc tế để mở rộng thị trường, tranh thủ nguồn vốn, công nghệ, kiến thức, kỹ năng quản lý, thúc đẩy các ngành công nghiệp thành phố, đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế thành phố, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Hoạt động trao đổi đoàn ngoài các mục tiêu chính trị, hữu nghị, luôn đặt lợi ích phát triển kinh tế làm trọng tâm, hướng đến thu hút FDI, ODA, đẩy mạnh giao thương và xuất nhập khẩu. Tăng cường hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực chủ chốt; tích cực xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài, duy trì và nâng cao giá trị vận động viện trợ đạt từ 4 đến 6 triệu USD/năm.
Tập hợp đoàn kết, vận động, gắn bó cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài triển khai các hoạt động hướng về xây dựng quê hương, đất nước. Củng cố tổ chức, hoạt động của Hội liên lạc Việt kiều thành phố, mạng lưới liên kết kiều bào Hải Phòng tại nước ngoài.
Triển khai thiết thực, hiệu quả các giải pháp, chương trình hợp tác đẩy mạnh liên kết vùng, trước hết là kết nối giao thông góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong vùng. Tăng cường hợp tác với các địa phương trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng Sông Hồng. Đẩy mạnh hợp tác, giao lưu, trao đổi về thương mại, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, tài nguyên môi trường, văn hóa xã hội, đối ngoại, nội chính, quốc phòng an ninh với các địa phương trong vùng. Tích cực triển khai hoạt động liên kết vùng trong khuôn khổ tuyến Hai hành lang một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.
8- Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng trong sạch, vững mạnh; đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền, đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp ngang tầm nhiệm vụ
8.1- Công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng
Tăng cường xây dựng Đảng bộ thành phố vững mạnh về chính trị:Nâng cao bản lĩnh, năng lực, trình độ lãnh đạo của Thành ủy và các cấp ủy đảng, đảm bảo cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 thành các chủ trương, nhiệm vụ, cơ chế, chính sách triển khai thực hiện bảo đảm toàn diện, sát hợp, khả thi cao. Xây dựng cơ chế ban hành và tổ chức thực hiện nghị quyết đảm bảo khoa học, bài bản, nghiêm túc, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân, rõ nguồn lực đảm bảo.
Coi trọng đẩy mạnh nghiên cứu lý luận gắn với tổng kết thực tiễn thực hiện các cơ chế, chính sách, kinh nghiệm, cách làm hay; chủ động đề xuất với Trung ương cho phép thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách mới, có tính đột phá, đặc thù bảo đảm cho thành phố đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, động lực phát triển vùng, đất nước theo đúng Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Nâng cao năng lực xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết đi đôi với tập trung khắc phục dứt điểm những hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực hiện nghị quyết của các cấp ủy đảng.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao tính kịp thời, tính thuyết phục, tính hiệu quả của công tác tư tưởng:Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác học tập, quán triệt và tuyên truyền thực hiện nghị quyết của Đảng; chú trọng nêu cao vai trò của đội ngũ bí thư cấp ủy trong trực tiếp truyền đạt nghị quyết. Đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, xây dựng quy trình tổ chức hội nghị trực tuyến bảo đảm truyền đạt nghị quyết kịp thời, sâu rộng tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân với đường lối, chủ trương, nghị quyết của Trung ương, Thành ủy; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa học tập lý luận với thực hành trong thực tiễn của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chú trọng kiện toàn, nâng cao chất lượng của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp.
Lãnh đạo thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển báo chí trên địa bàn thành phố. Duy trì nền nếp, nâng cao chất lượng giao ban, cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền, phát huy vai trò của báo chí, truyền thông trong xây dựng, phát triển và bảo vệ thành phố. Nghiên cứu, tổ chức thường niên Giải báo chí cấp thành phố.
Lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, giải pháp của Đảng về công tác khoa giáo. Xây dựng cơ chế, chính sách: phát huy vai trò của trí thức đóng góp vào sự phát triển của thành phố; bồi dưỡng, khuyến khích đội ngũ văn nghệ sỹ đẩy mạnh sáng tác, sáng tạo các các tác phẩm văn học, nghệ thuật xứng tầm với vị thế của thành phố; định kỳ tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật. Tăng cường công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ các cấp gắn với đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy truyền thống "Trung dũng - Quyết thắng" của Đảng bộ, quân và dân thành phố trong điều kiện mới.
Chủ động nắm diễn biến tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và thực hiện tốt công tác dư luận xã hội, kịp thời xử lý dứt điểm các biểu hiện phức tạp nảy sinh. Triển khai hiệu quả các giải pháp đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, nhất là những thông tin xấu độc trên Internet và mạng xã hội.
Tập trung cao xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về đạo đức, xác định là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ:Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, tạo chuyển biến tích cực để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên theo Quy định số 08-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Xây dựng văn hóa trong chính trị, làm cho các giá trị văn hóa thấm sâu vào mọi hoạt động của Đảng bộ, tạo môi trường, điều kiện cho cán bộ, đảng viên dưỡng đức, dưỡng liêm. Kết hợp giữa tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng, đề cao pháp luật Nhà nước với giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên.
Nghiên cứu, xây dựng và chỉ đạo thực hiện chuyên đề "Học tập, làm theo những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đảng bộ và nhân dân Hải Phòng" gắn với đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Trung ương Đảng về xây dựng phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; bồi đắp, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Hải Phòng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chuyên đề thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW theo chỉ đạo của Trung ương. Chú trọng việc đăng ký và làm theo của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị bảo đảm cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Kịp thời biểu dương những điển hình tiên tiến, tấm gương "người tốt, việc tốt" trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Quán triệt các Quy định của Trung ương Đảng, nghiên cứu, ban hành nội dung nêu gương của từng đối tượng cán bộ, đảng viên ở các cấp đáp ứng yêu cầu nêu gương phải trở thành một phương thức lãnh đạo chủ yếu của Đảng kết hợp với coi trọng kiểm tra, giám sát trong Đảng, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, của báo chí và nhân dân đối với việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Đẩy mạnh đấu tranh với những hành vi sai trái về đạo đức, lối sống. Tăng cường kiểm tra, giám sát về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, phê phán kịp thời, xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm để phòng ngừa, răn đe, cảnh báo, cảnh tỉnh, giúp cán bộ, đảng viên tích cực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức thường xuyên, liên tục.
Xây dựng tổ chức đảng đồng bộ với quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ:Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Kiện toàn đồng bộ các tổ chức đảng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của đảng trong hệ thống chính trị. Sơ kết, tổng kết các mô hình thí điểm về tổ chức bộ máy để triển khai nhân rộng các mô hình tốt, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển thành phố. Phối hợp với các ban, bộ ngành Trung ương xây dựng Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở. Nâng cao chất lượng công tác kết nạp gắn với tăng cường quản lý đội ngũ đảng viên, đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng:Xây dựng và thực hiện Đề án tổng thể kiện toàn hệ thống tổ chức cơ sở đảng phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở cơ sở. Đẩy mạnh công tác xây dựng, củng cố tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập. Nghiên cứu xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, kỹ năng, nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng cho đội ngũ cấp ủy viên cơ sở, nhất là đội ngũ bí thư cấp ủy cơ sở. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân ở những nơi đủ điều kiện; bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố hoặc trưởng ban công tác mặt trận.
Tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt phù hợp với từng loại hình chi bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Nghiên cứu, ban hành quy định thực hiện nghiêm nền nếp sinh hoạt chi bộ theo đúng Điều lệ Đảng. Đổi mới việc kiểm điểm tự phê bình, phê bình, đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức đảng và đảng viên hàng năm đảm bảo thực chất.
Xây dựng và triển khai Kế hoạch tổng thể thực hiện Nghị quyết Đại hội về công tác kết nạp đảng viên theo hướng coi trọng chất lượng, chú trọng phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn, đường phố, trong công nhân lao động khu vực kinh tế tư nhân. Quản lý chặt chẽ đội ngũ đảng viên; thường xuyên rà soát, sàng lọc, kịp thời đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng.
Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng:Thực hiện nghiêm các quan điểm chỉ đạo, quy định, quy chế, hướng dẫn của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát; thi hành kỷ luật Đảng. Thực hiện giám sát mở rộng, bảo đảm thường xuyên để chủ động phòng ngừa, sớm phát hiện những dấu hiệu vi phạm. Đồng thời bảo đảm kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm. Chú trọng kiểm tra, giám sát toàn diện công tác cán bộ, người đứng đầu, các địa bàn, lĩnh vực dễ nảy sinh vi phạm, tiêu cực, dư luận bức xúc, nhiều đơn thư phản ánh, tố cáo. Tăng cường và giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng, bảo đảm tính nghiêm minh, kịp thời, công khai, dân chủ, khách quan và tính giáo dục. Kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ủy ban kiểm tra các cấp.
Đẩy mạnh cải cách tư pháp; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí: Thực hiện có hiệu quả các chủ trương, giải pháp về đẩy mạnh cải cách tư pháp của Trung ương. Tăng cường vai trò lãnh đạo của Thành ủy và các cấp ủy đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp thành phố đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới.
Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là giáo dục liêm chính cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Cụ thể hóa việc thực hiện cơ chế giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực không bị "tha hóa". Thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của các tập thể, cá nhân. Thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tập trung khắc phục dứt điểm tình trạng "tham nhũng vặt”. Nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý dứt điểm các vụ việc, vụ án tham nhũng.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên:Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng và hệ thống chính trị về vị trí, vai trò của công tác dân vận trong tình hình mới. Tổng kết thực tiễn, bổ sung, hoàn thiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở theo hướng tăng cường đối thoại, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả cao, bảo đảm mọi chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của thành phố và các cấp đều vì dân, phát huy sức mạnh của nhân dân. Chú trọng nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước đối với công tác dân vận, đẩy mạnh công tác dân vận chính quyền. Tổng kết thực tiễn, đề ra các chủ trương, giải pháp xây dựng và nhân rộng phong trào thi đua, các mô hình "dân vận khéo" trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội của thành phố.
Thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa và xây dựng quy trình công tác dân vận tham gia xử lý điểm nóng, vụ việc phức tạp tại thành phố Hải Phòng. Lãnh đạo đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
8.2- Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Thành ủy và các cấp ủy đảng
Quán triệt nghiêm túc các quy định, hướng dẫn của Trung ương, xây dựng và ban hành Quy chế làm việc của Thành ủy, các cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 bảo đảm rõ trách nhiệm, quyền hạn của tập thể và cá nhân cấp ủy viên; nội dung và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo với các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; nguyên tắc, chế độ và lề lối làm việc theo đúng vị trí, vai trò của Đảng duy nhất cầm quyền. Tổ chức thực hiện nghiêm quy chế làm việc của cấp ủy.
Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Thành ủy, các cấp ủy theo hướng nâng cao năng lực dự báo, tầm nhìn chiến lược, tính khả thi, năng lực thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là năng lực thể chế hóa, cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị trong từng giai đoạn phát triển của thành phố.
Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng chương trình công tác toàn khóa, hằng năm; tập trung xây dựng và ban hành nghị quyết triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, khâu trọng yếu, tạo sự phát triển bứt phá. Thật sự coi trọng công tác sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng ở các cấp.
Nghiên cứu, rà soát, bổ sung, hoàn thiện Quy chế làm việc của các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảm bảo tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy đối với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội thành phố.
Quy định cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu và mối quan hệ giữa tập thể cấp ủy, tổ chức đảng với người đứng đầu, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Đổi mới mạnh mẽ phong cách lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng chủ động, sáng tạo, quyết liệt, hướng trọng tâm về cơ sở, sát thực tiễn, hiệu quả. Đổi mới tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ theo hướng sâu sát cơ sở, sát dân, vì dân, học dân và tôn trọng nhân dân; kiên quyết chống mọi biểu hiện quan liêu, xa rời thực tiễn, không tôn trọng và vi phạm quyền làm chủ của nhân dân.
8.3- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền, đẩy mạnh cải cách hành chính
Lãnh đạo tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Kiện toàn đồng bộ tổ chức, bộ máy của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp theo đúng quy định của pháp luật.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp theo hướng kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ, vì dân. Thực hiện phân cấp, ủy quyền, bảo đảm đồng bộ với các điều kiện, tiêu chí thực hiện và gắn với thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn; nâng cao tính chủ động, trách nhiệm của chính quyền các cấp. Nghiên cứu xây dựng thí điểm mô hình chính quyền đô thị một cấp và hai cấp hành chính với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; thành lập Trung tâm hành chính công thành phố đồng bộ, liên thông, hiện đại, đủ năng lực tạo chuyển biến, đổi mới căn bản về thủ tục hành chính; thực hiện Đề án xây dựng chính quyền điện tử làm cơ sở để xây dựng thành phố thông minh. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp liêm chính, có năng lực, uy tín và tính chuyên nghiệp cao hơn mức quy định chung.
8.4- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực đáp ứng nhiệm vụ phát triển thành phố
Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách, quy định của Trung ương về công tác cán bộ phù hợp với thực tiễn Đảng bộ thành phố. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ các cấp, làm cơ sở để đổi mới mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả công tác đánh giá cán bộ. Tạo môi trường, điều kiện để khuyến khích, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và xây dựng cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ, công tác quy hoạch cán bộ các cấp đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, nhất là cơ cấu 3 độ tuổi để tạo nguồn nhằm khắc phục thực trạng hẫng hụt về đội ngũ cán bộ; đồng thời thực hiện tốt phương châm "động" và "mở", bảo đảm tính liên thông, quy hoạch cán bộ cấp dưới làm cơ sở cho xây dựng quy hoạch cán bộ cấp trên. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp theo chức danh và trong quy hoạch. Chú trọng đào tạo cán bộ nữ, cán bộ trẻ để đáp ứng cho cả yêu cầu trước mắt và lâu dài.
Thực hiện phân cấp quản lý và giới thiệu cán bộ ứng cử theo đúng các quy định, hướng dẫn của Trung ương; quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và bí thư cấp ủy trong công tác cán bộ. Thực hiện nghiêm quy trình, nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển đội ngũ cán bộ, đảm bảo theo quy hoạch, kịp thời và đạt hiệu quả cao. Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong từng khâu của công tác cán bộ, nhất là của người đứng đầu cấp ủy đồng thời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị, chủ tịch ủy ban nhân dân. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tăng cường kiểm tra, giám sát, chống chạy chức, chạy quyền. Xử lý nghiêm, đồng bộ cả kỷ luật Đảng và xử lý bằng pháp luật cán bộ có vi phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu. Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, không bảo đảm tiêu chuẩn vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách thu hút nhân tài nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở; thực hiện chính sách cán bộ phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
9- Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đầy đủ và sâu sắc về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực và nguồn lực to lớn để xây dựng và bảo vệ thành phố. Tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ; thực hiện hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”;đồng thời tăng cường kỷ cương, xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng dân chủ gây rối, làm mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường và nâng cao chất lượng đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân. Nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ... lấy ý kiến nhân dân tham gia góp ý vào các đề án, chương trình kinh tế, xã hội.
Củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của thành phố và các cấp. Xây dựng cơ chế, chính sách của thành phố chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Thực hiện tốt các quan điểm, đường lối, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước.
Mặt trận Tổ quốc các cấp tăng cường việc mở rộng tổ chức, phát triển thành viên, bảo đảm tính chính trị, tính xã hội, tính tiêu biểu và thiết thực. Tập trung xây dựng giai cấp công nhân thành phố phát triển về số lượng và chất lượng; bảo vệ quyền lợi hợp pháp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân, lao động. Phát huy vai trò của giai cấp nông dân thành phố, chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Xây dựng đội ngũ trí thức thành phố lớn mạnh, tạo môi trường thuận lợi để đội ngũ trí thức làm việc và cống hiến. Xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân đông đảo, tài năng, có trình độ quản lý, kinh doanh giỏi, có đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội cao. Quan tâm chăm lo bồi dưỡng, giáo dục và phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thế hệ trẻ; tạo điều kiện cho thanh niên học tập, phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành. Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ; tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm giới; thực hiện tốt công tác bình đẳng giới và sự phát triển của phụ nữ. Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ đảng, chính quyền các cấp và chế độ xã hội chủ nghĩa của đội ngũ cựu chiến binh. Quan tâm chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện cho người cao tuổi hưởng thụ văn hóa, sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc. Đẩy mạnh công tác tập hợp, đoàn kết và phát huy vai trò của Người Hải Phòng đang sống và làm việc ở nước ngoài tích cực tham gia xây dựng và phát triển thành phố.
Cùng với việc thực hiện đồng bộ những nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, quyết liệt thực hiện các đột phá sau:
(1) Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cấp ủy, chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt có phẩm chất, năng lực nổi trội, có khát vọng, luôn tìm tòi đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Kiên quyết loại khỏi bộ máy những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, tham nhũng, tiêu cực, không còn uy tín, cản trở sự phát triển.
(2)Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại với các công trình trọng điểm, chiến lược, đóng vai trò nền tảng, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và thu hút các nguồn lực đầu tư.
(3) Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với cơ sở hạ tầng hiện đại, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, trọng tâm tại khu du lịch Cát Bà và Đồ Sơn. Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với biển đảo; phát huy giá trị các di tích lịch sử, cách mạng, truyền thống văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch./.
Nơi nhận: - Thường trực Ban Bí thư “để báo cáo”, - Các ban Trung ương Đảng “để báo cáo”, - Các đại biểu Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, - Lưu Hồ sơ Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, - Lưu Văn phòng Thành uỷ. |
T/M BAN CHẤP HÀNHBÍ THƯ
Lê Văn Thành |
[1] Trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung. Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 của khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 21,26%/năm, cao nhất trong 3 khu vực kinh tế, gấp 1,9 lần tốc độ tăng của khu vực dịch vụ (11,12%/năm) và gấp 1,4 lần tốc độ tăng trưởng chung
[2] Hệ số ICOR giai đoạn 2016-2018 là 3,53, thấp hơn mức 6,17 của cả nước
[3] Các sản phẩm chủ yếu gồm các chi tiết, linh phụ kiện màn hình Oled, sản phẩm điện tử, điện lạnh, điện thoại di động,… (Công ty TNHH LGD, LGE, LGI); vi mạch điện tử tích hợp (Công ty TNHH Haengsung Electronics); ô tô (Vinfast); ...
[4] Trong đó khách quốc tế là 1.248 nghìn lượt, gấp 1,76 lần năm 2015, tăng bình quân 11,94%/năm
[5] Nguồn vốn huy động duy trì ổn định với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 14,84%/năm. Dự kiến tổng nguồn vốn huy động ngành Ngân hàng Hải Phòng đến cuối năm 2020 đạt 233.349 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cuối năm 2015, góp phần tăng nguồn cung vốn kịp thời cho phát triển kinh tế. Vốn tín dụng ngân hàng được đầu tư mở rộng tới mọi thành phần kinh tế đã hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp trong việc đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới trong trang thiết bị tiên tiến và vốn kinh doanh. Dư nợ tín dụng giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân là 16,11%/năm; tổng dư nợ đến cuối năm 2020 dự kiến đạt 145.165 tỷ đồng, tăng gấp 2,1 lần so với cuối năm 2015. Triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để hỗ trợ và phát triển cộng đồng doanh nghiệp
[6] Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp giảm từ 66,19% năm 2015 ước xuống 57,32% năm 2020; tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản tăng tương ứng từ 33,61% lên 42,49%. Hình thành 277 vùng sản xuất trồng trọt với diện tích 5.257,7 ha, tăng 69 vùng và 1.314 ha diện tích so với năm 2015; 10 vùng chăn nuôi tập trung, tổng diện tích 167,5 ha, tăng 02 vùng và 35,5 ha diện tích so với năm 2015.
[7] Tiêu biểu là dự án Nhà máy chế biến nông sản của Công ty Cổ phần Lavifood tại huyện Tiên Lãng với diện tích 15,46 ha, vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng; Khu nông nghiệp công nghệ cao VinEco của Tập đoàn Vingoup; Dự án nông nghiệp công nghệ cao của Công ty Cổ phần Châu Giang...
[8] Cả nước dự kiến mỗi tỉnh, thành phố có 1 huyện
[9] Trong 5 năm 2016-2020 đã hoàn thành 2.677 km đường giao thông các loại, trong đó riêng chương trình hỗ trợ xi măng đã xây dựng 10.000 tuyến đường (nội đồng, thôn xóm, nội bộ nghĩa trang) với tổng chiều dài 1.695 km; 434 công trình trường học; 370 công trình văn hóa, thể thao; 11 chợ nông thôn; 30 công trình y tế và nhiều công trình khác.
[10] Tổng chiều dài các tuyến đường được xây dựng, cải tạo giai đoạn 2016-2019 khoảng 352,117km gấp 1,41 lần giai đoạn 2011-2015; đã hoàn thành 30 cầu, đang triển khai xây dựng 26 cầu; giao thông nông thôn được bê tông hóa khoảng 3.921,2km, gấp 1,32 lần.
[11] Cảng hàng không quốc tế Cát Bi được đầu tư mở rộng, đảm bảo tiêu chuẩn sân bay hiện đại cấp 4E (ICAO); nhà ga hành khách có công suất khai thách 4 triệu khách/năm, đáp ứng 1.000 hành khách trong giờ cao điểm.
[12] Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng đã khánh thành 02 bến khởi động có khả năng đón tàu trọng tải cỡ lớn lên tới 200.000DWT, đưa hàng hóa xuất khẩu đi thẳng tới thị trường châu Âu, châu Mỹ.
[13] Triển khai các thủ tục để chuẩn bị thành lập và mở rộng 4 khu công nghiệp với diện tích 2.455,03 ha: Điều chỉnh địa giới KKT Đình Vũ - Cát Hải gắn với việc mở rộng KCN Tràng Duệ giai đoạn 3 (687ha); KCN và phi thuế quan Xuân Cầu - Cát Hải (752ha); KCN Cầu Cựu, huyện An Lão (93,2ha); KCN Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy (922,83ha).
[14] Dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu phi thuế quan và KCN Nam Đình Vũ 1 với diện tích lấn biển khoảng 700ha; dự án Khu công nghiệp Nam Đình Vũ 2 (Deep C2A) và KCN dịch vụ Hàng hải (Deep C2B) với diện tích lấp biển khoảng 323 ha; dự án Tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô Vinfast với diện tích lấn biển khoảng 140 ha.
[15] Giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn thành phố có 02 cụm công nghiệp được thành lập mới với diện tích tăng thêm 80ha.
[16] Khu du lịch và vui chơi giải trí cao cấp Him Lam tại đảo Hòn Dấu, quận Đồ Sơn; Khu cảng hàng hóa, bến tàu du lịch, ga cáp treo, nhà máy sản xuất các sản phẩm du lịch và khu dịch vụ hậu cần du lịch tại Cát Bà (Tập đoàn Sungroup); Tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp Flamingo Cát Bà; Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng, Đồ Sơn; sân golf Sakura tại huyện An Lão; khách sạn M’Gallery Cát Bà, khách sạn Hilton, khách sạn Pullman Hải Phòng, khách sạn Nikko…
[17] Công viên cây xanh Tam Bạc, công viên cây xanh Cung văn hóa hữu nghị Việt Tiệp, công viên Rồng biển, xây dựng các trung tâm thương mại, chung cư, các Dự án chỉnh trang sông Tam Bạc gắn với hình thành phố đi bộ, một số nút giao thông khác mức đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Linh và Nam Cầu Bính…
[18] Trong năm 2019 đã thực hiện cải tạo 11 nút giao trong khu vực nội đô để tổ chức điều chỉnh phân luồng giao thông 08 tuyến khu vực trung tâm thành phố; cải tạo nâng cấp mặt đường trên 120 tuyến đường trên địa bàn các quận và một số tuyến đường tỉnh với tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng.
[19] Tính đến 15/10/2019, các quận đã thực hiện: Cải tạo, nâng cấp 1.827 ngõ, chiều dài 140,8km ứng với khối lượng xi măng là 22.643 tấn với ngân sách thành phố hỗ trợ kinh phí xi măng là 33 tỷ đồng, đối ứng của nhân dân khoảng 66 tỷ đồng; Lắp đặt được 3.317 pha đèn chiếu sáng với kinh phí thành phố hỗ trợ là 12,1 tỷ đồng, đối ứng của nhân dân khoảng 7,76 tỷ đồng; Trồng 3.054 cây xanh với kinh phí 7,1 tỷ đồng, đối ứng của nhân dân khoảng 2,6 tỷ đồng; lát 12.708 m2 gạch lát vỉa hè với kinh phí hỗ trợ 2,1 tỷ đồng, đối ứng của nhân dân khoảng 2,2 tỷ đồng.
[20] Đã thu hồi 20 địa điểm với diện tích 312,83 ha; chấm dứt thực hiện dự án đối với 45 địa điểm với diện tích 684,97 ha.
[21] Đến nay, toàn thành phố có tổng số 1.717/2.446 thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hoá (đạt 70%), có 499.162/540.787 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa (đạt 92%).
[22] Đến nay, toàn thành phố có 14 Trung tâm Văn hóa Thông tin, Trung tâm Thể dục Thể thao quận, huyện; 186/223 xã, phường, thị trấn có Nhà văn hóa, 1.095/2.446 làng, thôn, tổ dân phố văn hóa có nhà văn hóa, khu thể thao.
[23] Thành phố đã đầu tư 22,3 tỷ đồng, huy động xã hội hóa 486,6 tỷ đồng đầu tư trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa. Trong 5 năm có thêm 55 di tích được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố và quốc gia; hiện có 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; sưu tầm, phát huy 07 loại hình di sản văn hóa phi vật thể truyền thống. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đường vào khu di tích bãi cọc Bạch Đằng tại thôn Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên.
[24] Lễ hội Hoa Phượng Đỏ; Lễ hội Đền Trạng Trình; Lễ hội Nữ tướng Lê Chân; Lễ hội Xa Mã - rước kiệu, Lễ hội Minh Thề, Lễ hội Vật làng Vĩnh Khê…
[25] Tính đến tháng 9/2019, đã hỗ trợ: 9,252 tỷ đồng theo Nghị quyết 06/2018/NQ-HĐND ngày 12/7/2018 của Hội đồng nhân dân thành phố về cơ chế chính sách cho giáo viên và học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế.
[26] Điển hình là dự án Thành phố giáo dục Quốc tế của Tập đoàn Nguyễn Hoàng với diện tích 70 ha tại khu đô thị Bắc sống Cấm, hệ thống trường học Vinschool của Tập đoàn Vingroup.
[27] Có 67 tổ chức KH&CN (gồm 36 tổ chức công lập và 31 tổ chức ngoài công lập). Trong số đó, có 19 tổ chức có hoạt động khoa học và công nghệ về biển, kinh tế biển, môi trường, một số tổ chức lớn của Trung ương đóng trên địa bàn, như: Viện Nghiên cứu Hải Sản, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Viện Y học biển. Trước yêu cầu đổi mới, nhiều tổ chức khoa học và công nghệ đã được sắp xếp, củng cố đầu tư, hiện đại hoá trang thiết bị, nâng cao năng lực hoạt động. Thành phố có 31 phòng thí nghiệm, thử nghiệm đạt đạt tiêu chuẩn quốc gia VILAS (ISO/IEC 17025); có 4.800 cán bộ có trình độ từ đại học. Nhân lực khoa học - công nghệ từng bước được trẻ hóa (dưới 40 tuổi chiếm 71,02%), chủ động, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về khoa học - công nghệ.
[28] Giai đoạn 2015-2020 có 06 doanh nghiệp khoa học và công nghệ được cấp giấy chứng nhận với 29 sản phẩm hàng hóa hình thành từ việc ươm tạo và làm chủ công nghệ.
[29] Hàng năm, xét và công nhận sáng kiến cấp thành phố của các sở, ngành, quận, huyện. Từ năm 2016 đến nay, đã tổ chức 02 lần Hội thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông, Hội thi sáng tạo kỹ thuật dành cho thanh thiếu niên, Hội thi sáng tạo kỹ thuật thành phố; đồng thời, đã tổ chức xét Giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm và Giải thưởng khoa học và công nghệ thành phố.
[30] Có 6 bệnh viện công lập thực hiện tự chủ tài chính, trong đó có 2 bệnh viện tự chủ nhóm I, tỷ lệ các bệnh viện tự chủ chiếm 25% tổng số các bệnh viện, cao hơn 2 lần bình quân chung cả nước (12%).
[31] Năm 2020, có 42.882 cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập, tăng gấp 1,41 lần năm 2015 (1.997 cơ sở); có 06. bệnh viện tư nhân, trong đó có 05 bệnh viện đa khoa và 01 bệnh viện chuyên khoa với tổng số 604 giường bệnh; có 03 cơ sở khám chữa bệnh có yếu tố nước ngoài và 01 doanh nghiệp sản xuất dược 100% vốn nước ngoài.
[32] Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân tăng từ 11 bác sĩ/vạn dân năm 2015 ước đạt 14 bác sĩ/vạn dân năm 2020, cao gấp 1,56 lần bình quân cả nước (9 bác sĩ/vạn dân); số giường bệnh/vạn dân năm 2020 ước đạt 40 giường bệnh/vạn dân, gấp 1,54 lần bình quân cả nước (26 giường bệnh/vạn dân); tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 74% năm 2015 lên ước trên 90,7% năm 2020.
[33] Tỷ lệ tử vong của bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ em dưới 5 tuổi giảm mạnh; tỷ lệ tiêm đầy đủ 8 loại vắc xin cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt trên 98%, vượt so với chỉ tiêu Chương trình y tế Quốc gia > 90%, đảm bảo an toàn trong tiêm chủng. Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân từ 10,8% năm 2015 xuống 9,5% năm 2020. Chủ động phòng, chống hiệu quả dịch bệnh Covid-19.
[34] Có 68% dân số trong độ tuổi lao động.
[35] Trong 5 năm qua, thành phố đã phát hiện, xử lý 3.745 vụ phạm pháp hình sự, điều tra làm rõ 3.091 vụ, bắt giữ 5.811 đối tượng, bắt 1.587 đối tượng trốn truy nã. Hàng năm, số vụ phạm pháp hình sự giảm trung bình 2,8%, tỷ lệ điều tra, khám phá án đạt 82,3%, riêng trọng án đạt trên 90%, được Bộ Công an đánh giá là địa phương có tỷ lệ điều tra, khám phá án cao trong cả nước.
[36] Ký kết biên bản hợp tác với Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương; triển khai dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc ven biển phía Bắc, nối liền với Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa; triển khai tốt quy hoạch phát triển hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đến năm 2020, Chương trình hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt - Trung” gồm hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ.
[37] Mạng lưới khu vực các chính quyền địa phương quản lý dân cư (CITYNET); Hội đồng thế giới về Dữ liệu các thành phố (WCCD), đồng thời tham gia nhiều hoạt động quan trọng của các tổ chức đa phương như: Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Hội đồng thế giới về quản lý dữ liệu thành phố (WCCD), Tổ chức Xúc tiến Du lịch các thành phố Châu Á - Thái Bình Dương (TPO), Tổ chức Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới (MBBW)…
[38] Nổi bật như: Chương trình Phát triển Vùng Quận Ngô Quyền giai đoạn 2013-2017 do Tổ chức Tầm nhìn thế giới quốc tế tại Việt Nam tài trợ với kinh phí là 1,58 triệu USD; Dự án “Thành phố Hải Phòng tăng cường năng lực phòng chống biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai” do Tổ chức Tầm nhìn thế giới tài trợ; Dự án “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại thành phố Hải Phòng” do Quỹ Prudence thuộc Tập đoàn Prudential Châu Á tài trợ; Dự án “Sáng kiến chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai giữa các thành phố kết nghĩa Việt Nam - Hoa Kỳ” do Tổ chức PWA tài trợ; Dự án “Chương trình hỗ trợ phát triển thành phố Hải Phòng” do Tổ chức Action Aid International tại Việt Nam tài trợ, một số dự án học đường của COPION (Hàn Quốc),…
[39] Ký kết 06 thỏa thuận với 06 địa phương thuộc 05 quốc gia, thiết lập mới được quan hệ hợp tác với 02 địa phương thuộc 02 quốc gia gồm: thành phố Yokkaichi (Nhật Bản), tỉnh Primorie (Nga). Củng cố quan hệ nhiều mặt với “thành phố kết nghĩa” với Kitakyushu (Nhật Bản)…
[40] Đồng chí Trưởng Ban Dân vận Thành ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; cấp huyện: đã thực hiện ở 11/15 quận, huyện; 14/15 đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo cấp huyện kiêm Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng Chính trị (trừ huyện đảo Bạch Long Vĩ).
[41] Hợp nhất các văn phòng tại 03 quận, huyện; Hợp nhất Ban Tổ chức và Phòng Nội vụ tại 02 quận, huyện; Hợp nhất Ủy ban Kiểm tra và Thanh tra tại 01 huyện; thành lập cơ quan tham mưu giúp việc chung khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tại 01 huyện.
[42] Tính đến 30/6/019, sau rà soát đã đưa ra khỏi Đảng 96 đảng viên (13 trường hợp bị khai trừ và 83 trường hợp bị xóa tên) tại 19 đảng bộ trực thuộc.
[43] Khiển trách 900; cảnh cáo 269; cách chức 42; khai trừ 143 đảng viên.
[44] Khiển trách 10; cảnh cáo 01 đảng viên.
[45] Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã thi hành kỷ luật 01 đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố, 04 đồng chí Ủy viên Thành ủy, 05 đồng chí Giám đốc sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện. Ủy Ban Kiểm tra Thành ủy đã kỷ luật 01 đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, 01 đồng chí Phó Giám đốc Sở.
[46] Giai đoạn 2016-2019, cơ quan điều tra thụ lý 14 vụ án tham nhũng với 32 bị can, kết thúc điều tra, đề nghị truy tố 7 vụ/10 bị can, đang điều tra 7 vụ/22 bị can (giảm nhiều so với giai đoạn 2010-2015: thụ lý điều tra 29 vụ án/57 bị can, trong đó khởi tố 27 vụ/55 bị can, phục hồi điều tra 2 vụ/02 bị can); Tòa án nhân dân hai cấp thành phố đã xét xử 6 vụ với 6 bị cáo bị truy tố tội danh tham nhũng (giảm nhiều so với giai đoạn 2010-2015: xét xử 36 vụ/123 bị cáo).
[47] Rõ mục tiêu, nhiệm vụ; rõ lộ trình thực hiện; rõ trách nhiệm thực hiện; rõ nguồn lực đảm bảo; rõ chế độ kiểm tra và đánh giá.
[48] 100% sở, ngành thực hiện cơ chế “một cửa”; 14/15 quận, huyện và 223/223 xã, phường, thị trấn thực hiện cơ chế một cửa liên thông.
[49] Tổng chi ngân sách địa phương giai đoạn 2016-2020 ước thực hiện 142.652 tỷ đồng, gấp 1,9 lần so với giai đoạn 2011-2015 (75.475 tỷ đồng). Tổng chi thường xuyên giai đoạn 2016-2020 ước thực hiện 50.343 tỷ đồng, gấp 1,52 lần giai đoạn 2011-2015 (33.014 tỷ đồng). Chi thường xuyên năm 2020 ước thực hiện 12.719 tỷ đồng, tăng 1,57 lần so với mức 8.093 tỷ đồng năm 2015.
[50] Giai đoạn 2016-2018 mỗi năm thành phố cân đối bố trí cho 30 - 80 dự án (giai đoạn 2011-2015: khoảng 130-150 dự án), mức vốn phân bổ bình quân trên 60 tỷ đồng/dự án/năm (gấp từ 5-11 lần bình quân giai đoạn 2011-2015: 5-11 tỷ đồng/dự án/năm) trong khi tổng mức đầu tư bình quân trên 1 dự án từ 211 - 300 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2015:
75 - 150 tỷ đồng).
[51] Trong giai đoạn 2016-2020 mỗi năm có khoảng 2.945 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký bình quân 8,73 tỷ đồng/doanh nghiệp, gấp 1,35 lần về số doanh nghiệp và 2,37 lần về số vốn đăng ký bình quân so với giai đoạn 2011-2015. Trong giai đoạn 2011-2015 mỗi năm có 2.177 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký bình quân 3,68 tỷ đồng/doanh nghiệp
[52] Năm 2015, có 55 dự án với tổng vốn đầu tư cấp mới 699,42 triệu USD, 25 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư điều chỉnh tăng 268,05 triệu USD; năm 2018 là 115 dự án với tổng vốn đầu tư cấp mới 741,89 triệu USD, 50 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư điều chỉnh tăng 1.878,57 triệu USD. Tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp FDI vào GRDP thành phố tăng mạnh, năm 2015 là 19,42%, năm 2020 là 26,95%.
[53] Đối ứng của nhân dân cải tạo nâng cấp, đường ngõ tại các quận khoảng 63 tỷ đồng; lắp bóng đèn chiếu sáng, cây xanh, gạch lát vỉa hè: 12,56 tỷ đồng.
[54] HH3-HH4 và HH1-HH2 Đồng Quốc Bình tông số 2.486 căn hộ.
[55] Dự án mở rộng Quốc lộ 10 đoạn Cầu Nghìn – Quán Toan,....
[56] Tập thể Ban Thường vụ Thành ủy đã đối thoại với nhân dân huyện Cát Hải.
[57] Trong nhiệm kỳ, đã kiện toàn, bổ sung kịp thời các chức danh lãnh đạo chủ chốt thành phố, bao gồm: Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố, Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố, 06 Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, 04 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố, 11 Ủy viên Thành ủy, 89 Giám đốc sở, ngành, Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận, huyện. Đã có 268 lượt cán bộ được kiện toàn từ cán bộ chủ chốt thành phố tới các chức danh diện Thành ủy quản lý, chiếm 67,59% tổng số cán bộ diện Thành ủy quản lý. Qua đánh giá cán bộ hằng năm, 100% cán bộ được kiện toàn đều phát huy được năng lực, được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có 15,7% được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (theo tiêu chí mới), 98% được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm ở mức cao.
[58] Giai đoạn 2016-2019 đã giải quyết chế độ chính sách đối với trên 75.913 lượt người, trong đó: chế độ mai táng phí 12.496 người, trợ cấp một lần 7.846 người, trợ cấp hàng tháng (đối tượng mới) 1.706 người, thờ cúng liệt sỹ 2.166 trường hợp, điều dưỡng luân phiên đối với 45.845 lượt người, với kinh phí 63,202 tỷ đồng; đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đối với 201 Mẹ; đề nghị khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa 1.528 trường hợp; Ra quyết định công nhận đối với 561 trường hợp người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; Đề nghị cấp Bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ đối với 1.054 trường hợp, đề nghị cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công 3.071 trường hợp.
[59] Hỗ trợ 12.374 hộ gia đình người có công, trong đó xây mới 5.763 hộ, 6.611 hộ sửa chữa với kinh phí 297,34 tỷ đồng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ 5.221 hộ gia đình người có công với kinh phí 164,68 tỷ đồng theo Nghị quyết số 32/NQ-HĐND của HĐND thành phố.
[60] Năm 2016, tặng quà 146,12 tỷ đồng, bằng 158,21% so với năm 2015; Năm 2017, tặng quà 243,089 tỷ đồng, bằng 166,50 % so với năm 2016; Năm 2018, tặng quà 328,565 tỷ đồng, bằng 135,16 % so với năm 2017; Năm 2019, tặng quà khoảng 358.992 triệu đồng, bằng 109,26 % so với năm 2018. Dự kiến năm 2020 tặng quà khoảng 570 tỷ đồng, bằng 158% so với năm 2019.
[61] Hoạt động du lịch kết hợp hội họp, khen thưởng, sự kiện, triển lãm.
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh