07:51 10/06/2023 Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15, chiều 9-6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
Cần thiết sửa đổi nghị quyết
Theo Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2-2-2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật trong bối cảnh các năm gần đây Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung một số luật có nội dung liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn trong quá trình triển khai thực hiện cũng đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần phải khắc phục kịp thời.
Do đó, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 5 theo trình tự, thủ tục rút gọn để thay thế Nghị quyết số 85/2014/QH13 là rất cần thiết nhằm kịp thời triển khai công tác lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 15 và kỳ họp cuối năm 2023 của Hội đồng nhân dân các cấp.
Cơ sở để đánh giá cán bộ
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời thể chế hóa đường lối của Đảng, bảo đảm đồng bộ đường lối chủ trương của Đảng với pháp luật của Nhà nước.
Ghi nhận dự thảo Nghị quyết có nhiều thay đổi tiến bộ đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân, các đại biểu cho rằng việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn là một trong điểm đổi mới của hoạt động Quốc hội, Hội đồng nhân dân từ nhiệm kỳ trước đã được cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm, theo dõi, ghi nhận, đánh giá cao.
Mặc dù mới chỉ triển khai thực hiện được một lần từ khi ban hành các quy định và hướng dẫn đến nay nhưng hoạt động này đã đạt được những kết quả nhất định, tạo thêm niềm tin của cử tri và nhân dân đối với Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho ý kiến cụ thể để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho biết, dự thảo Nghị quyết quy định nguyên tắc công khai trong cả hoạt động lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm.
Tuy nhiên trong nội dung cụ thể tại Mục 4 thì dự thảo hiện chỉ quy định nguyên tắc công khai đối với kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Đó là kết quả lấy phiếu tín nhiệm được báo cáo cấp có thẩm quyền và được công khai theo quy định mà không nói gì đến công khai kết quả bỏ phiếu tín nhiệm. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị rà soát để bổ sung thêm nguyên tắc công khai đối với hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm để đảm bảo tính thống nhất về mặt nguyên tắc trong cả hai hoạt động lấy phiếu và bỏ phiếu.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng đề nghị rà soát làm rõ tiêu chí sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước làm căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm bỏ phiếu tín nhiệm; trong đó làm rõ hơn nhóm đối tượng có quan hệ gia đình gần gũi với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Nhấn mạnh yêu cầu thể chế các nội dung của Quy định số 96-QĐ/TW của Đảng, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) dẫn lại phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Trung ương Đảng khóa 13. Đó là kiên quyết không để xảy ra vi phạm hoặc lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ.
Đồng thời tại Quy định số 96-QĐ/TW có quy định về quan điểm và nguyên tắc của việc lấy phiếu tín nhiệm là nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu.
Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị quyết nội dung người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trong trường hợp để xảy ra tình trạng lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm bỏ phiếu tín nhiệm gây mất đoàn kết nội bộ. Đồng thời trong việc tổ chức thực hiện cần làm tốt việc nắm tình hình và công tác tư tưởng để phòng ngừa từ sớm, từ xa.
Cũng theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Quy định số 96-QĐ/TW khi đề cập đến việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm cho thấy kết quả lấy phiếu tín nhiệm không chỉ sử dụng để xử lý cán bộ có số phiếu tín nhiệm thấp ở mức cao mà còn sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ.
Ngoài ra, cũng theo Quy định 96 của Đảng thì còn có một nội dung cũng đáng lưu ý nữa là đó là quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ có tín nhiệm cao. Vì vậy, đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị đối với những người có số phiếu tín nhiệm cao ở mức cao thì kết quả này phải được sử dụng như thế nào và vào việc gì thì cũng cần phải được thể hiện trong lần sửa đổi Nghị quyết này.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị rà soát quy định về khái niệm về lấy phiếu tín nhiệm và khái niệm bỏ phiếu tín nhiệm; hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; quy trình thủ tục thực hiện; các hành vi bị nghiêm cấm…
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu góp ý vào dự thảo Nghị quyết, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là một trong những hoạt động giám sát rất quan trọng của Quốc hội và HĐND đối với các chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Đây là phương thức định kỳ để đánh giá cán bộ, để cán bộ tự soi, tự sửa, tự hoàn thiện mình, cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn mà Đảng, Quốc hội và HĐND giao.
Hoạt động này cũng luôn nhận được nhiều sự quan tâm, theo dõi của cử tri và nhân dân cả nước. Chính vì vậy, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết cần được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, công phu, thấu đáo, bảo đảm đúng quy định, rõ ràng, hợp lý, khoa học, đúng tinh thần quy định của Đảng và phù hợp với quy định, pháp luật của Nhà nước.
Trưởng ban Công tác đại biểu cũng nêu rõ, so với Nghị quyết 85/2014/QH13, dự thảo Nghị quyết đã thể hiện sự quyết liệt, nghiêm khắc, rõ mức độ trong công tác đánh giá và xử lý cán bộ. Quy định này cũng bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của Đảng liên thông với Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3-11-2021, của Bộ Chính trị về việc từ chức, miễn nhiệm cán bộ và Thông báo Kết luận số 20-TB/TW, ngày 8-9-2022 của Bộ Chính trị về bố trí cán bộ sau khi bị kỷ luật mà có năng lực và uy tín giảm sút.
Ban Công tác đại biểu sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật, cơ quan chủ trì thẩm tra, nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định./.
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh