“Bật” chế độ cảnh giác cao với “bẫy” kiếm tiền online

12:52 13/07/2024

 

Ngày càng nhiều thủ đoạn lừa đảo núp bóng hình thức “kiếm tiền online”

Gần đây, nhiều nhóm tự phát trên mạng xã hội Zalo, Facebook gắn mác “kiếm tiền online tại nhà”, “app kiếm tiền online không vốn”… đã hoạt động hết công suất để lôi kéo người dân nhẹ dạ cả tin tham gia, với mục đích chính là chiếm đoạt tài sản.

Bẫy “việc nhẹ lương ảo”

Đầu tháng 7 vừa qua, anh Phan Sơn T., phường Đằng Lâm (quận Hải An) đã mất toi hơn 3 triệu đồng vì đầu tư cho “kiếm tiền online tại nhà”. Khổ chủ than thở, do làm nghề tự do, có nhiều thời gian rảnh nên thường truy cập internet tìm kiếm việc làm thêm. Mới đây, thông qua group “Kiếm tiền online trên điện thoại” ở Facebook, anh T. đọc được thông tin tuyển dụng cộng tác viên, với công việc chính “chỉ cần xem video mỗi ngày, đặt cọc giữ việc khoảng 300 nghìn đồng/nhiệm vụ, có thể bỏ túi ngay 200 nghìn đồng - 300 nghìn đồng/ngày; khi không làm nữa sẽ được rút lại tiền cọc”.

Thấy vậy, anh T. quyết định kết bạn với người tuyển dụng và nạp tiền thực hiện công việc theo hướng dẫn. Ngày đầu tiên, với việc xem các clip trên Youtube, người tuyển dụng trả anh 250 nghìn đồng. Quá mừng vì công việc nhàn hạ lại có lãi cao, anh T. nạp nhiều tiền hơn cho người tuyển dụng để được “giao” thêm nhiều nhiệm vụ.

Theo đó, sau khi nạp tiền 4 lần liên tiếp, tương ứng 2,5 triệu đồng và miệt mài thực hiện các đầu việc hằng ngày là bình luận, chia sẻ các video trên mạng xã hội Tiktok, Youtube; mời bạn bè cùng tham gia “kiếm tiền online”… Anh T. không thấy tiền công trả về tài khoản ngân hàng của mình đâu nữa. Liên hệ với người tuyển dụng, anh mới tá hoả vì người này đã biến mất.

Trước đó, các cơ quan báo chí đã liên tục phản ánh vấn nạn lừa đảo thông qua phương thức “tuyển dụng làm việc online tại nhà”. Điển hình như “công ty” có tên Thuận Trung Thông thực hiện chiêu tuyển dụng gia công xâu hạt gỗ thành vòng tay, sau đó được trả công khi hoàn thiện sản phẩm.

Người có nhu cầu tham gia phải cọc một số tiền tương ứng với lượng sản phẩm của “công ty” thông qua ứng dụng có tên Shopnew. Sản phẩm hoàn thiện sẽ được chuyển về các đại lý của Thuận Trung Thông và “công ty” sẽ chuyển lại tiền cọc và tiền công cho khách hàng. Tuy nhiên quá trình giao nhận hàng chỉ diễn ra trong 3 tháng đầu rồi nhiều khách hàng không còn nhận được tiền cọc lẫn tiền công của mình khi “công ty” liên lạc. Thống kê cho thấy có tới hàng nghìn người sập bẫy của Thuận Trung Thông và mất trắng hàng trăm triệu đồng.

Từ các vụ việc trên cho thấy, mô hình lừa đảo bằng thủ đoạn đầu tư online có thể nhận diện qua một số dấu hiệu như: Việc được quảng cáo rất đa dạng, từ xem, bình luận clip; gia công các sản phẩm đến dịch thuật, thu âm giọng đọc… Bởi vậy, không ít người kể cả sinh viên vẫn bị “sập bẫy”.

Các đối tượng lừa đảo thường yêu cầu cộng tác viên phải nạp số tiền ban đầu từ vài trăm nghìn/tháng đến hàng chục triệu đồng/năm với cam kết lợi nhuận thu được sẽ gấp nhiều lần vốn bỏ ra qua các lời mời chào hấp dẫn. Đặc biệt, để hạn chế người tham gia rút vốn khi đến hạn, chúng liên tục mời chào nạn nhân các gói đầu tư tiếp với lãi suất cao hơn… Và sau ít lần trả đủ các khoản hoa hồng hậu hĩnh làm “mờ mắt con mồi”, chúng âm thầm xóa group trò chuyện, tự đánh sập ứng dụng và biến mất.

Thận trọng trước khi chuyển tiền

Bộ Công an hiện đã phát đi cảnh báo phương thức, thủ đoạn tinh vi của loại tội phạm này đến tất cả thuê bao di động và đề nghị người dân cảnh giác, không tham gia. Khi phát hiện, cần trình báo ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất.

Theo tư vấn của các chuyên gia công nghệ thông tin, ứng dụng lừa đảo có thể được nhận biết thông qua việc không thể tải về trên các kho như App Store hoặc CH Play mà phải tải qua đường link lạ và tiền nạp thường chuyển vào tài khoản cá nhân, phát triển theo mô hình đa cấp với hứa hẹn mức lãi cao.

Hiện nay, hệ sinh thái Tín nhiệm mạng https://tinnhiemmang.vn của Trung tâm NCSC cung cấp các thông tin xác thực về tổ chức, giúp người dùng nắm bắt chính xác các thông tin tin cậy (website, email, số điện thoại…) của tổ chức. Từ đó, người dân có thể chủ động xác minh, bảo vệ mình trước nhiều bẫy kiếm tiền bằng việc nhập tên trang web, ứng dụng vào hệ sinh thái tín nhiệm mạng để nắm bắt ứng dụng nào được cơ quan chức năng cấp phép và mang tính chính thống.

Luật sư Trần Thị Kim Dung, Trưởng văn phòng luật sư Dung Trần và cộng sự cho biết: Hành vi của các đối tượng nêu trên có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015. Tùy vào tính chất, mức độ, giá trị tài sản chiếm đoạt, các đối tượng phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Để tự bảo vệ mình, tránh lạc vào “ma trận” chiêu trò của những kẻ lừa đảo đứng sau chiếc bẫy “kiếm tiền online, mỗi người cần chủ động nâng cao nhận thức, kiến thức thông qua các phương tiện truyền thông về các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác.

LINH ANH

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông