10:33 21/06/2022 Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong các hoạt động là giải pháp đang được BHXH thành phố Hải Phòng tập trung triển khai nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, đơn vị, doanh nghiệp đang tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Thời gian qua, BHXH thành phố Hải Phòng đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tất cả quy trình, nghiệp vụ của ngành, đảm bảo an toàn dữ liệu, an ninh mạng. Hiện nay BHXH thành phố đang sử dụng 25 phần mềm để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn và phục vụ công tác quản lý điều hành; 100% việc giải quyết hồ sơ, công việc được thực hiện trên môi trường mạng, đảm bảo khách quan, công khai và minh bạch. 100% các đơn vị được trang bị hệ thống wifi phục vụ người dân và doanh nghiệp khi tới liên hệ làm việc tại các trụ sở.
Ngoài ra, ngành BHXH đã triển khai 100% TTHC cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 4 trên Cổng DVC của ngành và Cổng DVC quốc gia. Đến nay, đã có 12.446/12.646 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố kê khai thu nộp BHXH, BHYT, BHTN qua giao dịch điện tử và dịch vụ công, đạt 98,42%, cao hơn 8,42% so với chỉ tiêu phấn đấu tại Bản cam kết giữa UBND thành phố với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Từ đầu năm 2022 đến nay, BHXH thành phố đã tiếp nhận 92.068 hồ sơ qua giao dịch điện tử và DVC.
Cùng với đó, BHXH thành phố cũng đã triển khai thực hiện cài đặt hơn 800.000 lượt ứng dụng VssID – BHXH số cho người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn; Cung cấp 63 DVC trên cổng DVC của Ngành BHXH, trong đó có 31 DVC dành cho cá nhân, 19 DVC dành cho tổ chức và 13 DVC dùng chung. Đã có 2.416 cá nhân sử dụng dịch vụ trên Cổng DVC trực tuyến.
Việc triển khai ứng dụng VssID từ cuối năm 2020 là một bước đi quan trọng, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho người dân trên ứng dụng, góp phần thực hiện những nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc giải quyết các thủ tục BHXH, BHYT thông qua phương thức giao dịch điện tử mà không phải trực tiếp đến cơ quan BHXH.
Thực hiện Đề án triển khai ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó sử dụng Căn cước công dân (CCCD) tích hợp với thẻ BHYT trong khám, chữa bệnh. Ngành BHXH cũng đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện đồng bộ dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với dữ liệu quốc gia về dân cư. Người có thẻ BHYT có thể sử dụng thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử để đăng ký KCB mà không cần xuất trình thẻ BHYT giấy. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có hơn 1.100 lượt người KCB bằng CCCD có gắn chip điện tử.
Thời gian tới, với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, BHXH thành phố tiếp tục tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt, triển khai mạnh mẽ việc chuyển đổi số toàn diện và hiệu quả, hoàn thiện hệ thống CNTT của Ngành theo định hướng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, toàn diện hơn.
Thái Bình
22:42 09/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh