Bi hài chuyện đem “lăng mộ triệu đô” đi thế chấp ngân hàng

16:36 20/04/2013

Để chuẩn bị cho nơi an nghỉ cuối cùng cho vợ chồng mình, ông Vũ Hồng Khánh đã xây dựng cả một khu lăng mộ làm hoàn toàn bằng đá xanh nguyên khối với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng ở phường Lãm Hà, quận Kiến An. Tuy nhiên, trong khi khu lăng mộ vẫn còn để trống chờ chủ nhân “tiếp quản” thì đã xảy ra câu chuyện bi hài là người con trai cả của ông bà đem bìa đỏ khu đất thế chấp vay vốn ngân hàng.
Để chuẩn bị cho nơi an nghỉ cuối cùng cho vợ chồng mình, ông Vũ Hồng Khánh đã xây dựng cả một khu lăng mộ làm hoàn toàn bằng đá xanh nguyên khối với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng ở phường Lãm Hà, quận Kiến An. Tuy nhiên, trong khi khu lăng mộ vẫn còn để trống chờ chủ nhân “tiếp quản” thì đã xảy ra câu chuyện bi hài là người con trai cả của ông bà đem bìa đỏ khu đất thế chấp vay vốn ngân hàng.

Khu lăng mộ trên khu đất
Khu lăng mộ trên khu đất

Người của những sáng chế và ý tưởng… lạ lùng

Thực ra chẳng phải đến đầu những năm 2000, khi mà ông Vũ Hồng Khánh bỏ hàng chục tỷ đồng xây dựng cho chính mình khu lăng mộ thì ông mới trở nên nổi tiếng. Cách đó hàng chục năm, ông Khánh đã được nhiều người biết đến bởi tài sáng chế.
Ông Vũ Hồng Khánh sinh năm 1944, trong một gia đình công chức ở Hải Phòng. Với niềm đam mê cơ khí chế tạo, ông đã theo học và tốt nghiệp khoa Chế tạo máy những khóa đầu tiên của Trường đại học Bách khoa Hà Nội.

Ông Khánh nhớ lại, cách đây chừng 40 năm, khi ông vừa tốt nghiệp đại học, một lần chứng kiến những người công nhân chế biến thủy sản phải lăn lộn, dầm mình trong những vại cá thối làm mắm khiến chân tay lở loét, trở về nhà ông đã trăn trở làm thế nào để giải phóng sức lao động cho những người bà con của mình… Và sau đó không lâu, chiếc máy nghiền tôm cá tự động ra đời. Đây là sáng tạo đầu tiên và kỳ diệu của ông, góp phần làm cho hàng trăm xã viên hợp tác xã đỡ vất vả cơ cực. Cảm kích trước sự sáng tạo của người kỹ sư trẻ, ông chủ nhiệm hợp tác xã lúc bấy giờ tặng ông số tiền lớn đủ để mua hàng trăm mét vuông đất.

Từ sáng chế đầu tiên thành công đã thôi thúc ông Khánh phát minh ra hàng loạt máy móc tự động khác. Đầu những năm 1980, cũng từ việc phải chứng kiến người dân bỏ ra mấy tạ thóc để mua đôi vành xe đạp của Nhật, ông Khánh lại bắt tay vào nghiên cứu chiếc máy sản xuất vành xe đạp. Và niềm mong mỏi của ông đã trở thành hiện thực. Một chiếc vành xe đạp sáng loáng ra đời chỉ bằng một tấm tôn mỏng sau khi chạy qua máy. Những chiếc vành xe này của ông Khánh với chất lượng tương đương sau này dần thay thế sản phẩm nhập khẩu với giá thành thấp hơn rất nhiều…

Tiếp đó là dây chuyền biến rác thải nhựa thành nhiên liệu. Ông Khánh cho biết, từ chiếc máy này có thể sáng tạo ra thêm hàng loạt máy đốt rác thải độc hại, rác thải y tế. Hay trong một lần khác phải chứng kiến cảnh người nông dân bán sắn nguyên liệu với giá rẻ rồi lại đi mua thức ăn chăn nuôi từ chính sắn đó với giá cao gấp hàng chục lần, ông Khánh lại nghĩ ra chiếc máy sản xuất tinh bột sắn. Theo đó, người nông dân có thể bán tinh bột cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với giá cao gấp hàng chục lần bán nguyên liệu thô.

Rồi còn hàng loạt máy móc nữa được ông Khánh nghiên cứu thành công nhằm phục vụ người dân như: máy chế biến xà phòng, máy ép gỗ, ép mùn cưa, máy ép dầu điều, máy tuốt lúa, máy cắt cỏ, máy sản xuất cồn, máy phát điện di động, máy tách hydro và oxy từ nước… Ấp ủ lớn nhất hiện nay của ông Khánh là làm sao để thay thế nhiên liệu động cơ bằng nguồn vào rẻ nhất. Và ông Khánh đã thử nghiệm thành công việc điều chế hydro từ nước lã. Theo ông, chỉ cần 1 lít nước lã là chiếc máy đã điều chế ra lượng hydro đủ để cho xe chạy từ Hải Phòng lên Hà Nội.

Tuy nhiên, cũng theo ông Khánh, việc sử dụng hydro vào chạy ôtô mới chỉ dám dừng lại ở thử nghiệm, chưa thể thực hiện đại trà được vì quá nguy hiểm. Vì theo lý thuyết, nếu dùng hydro để chạy xe, hydro phải được đốt sạch trong buồng đốt. Nếu không, bình chứa hydro trong chiếc xe sẽ biến thành một quả bom di động khổng lồ, có thể phát nổ bất cứ lúc nào.

Mặc dù đến nay đã vượt qua cái tuổi cổ lai hy, sức khỏe yếu nhưng sự đam mê được tìm hiểu, khám phá trong ông vẫn không lúc nào ngừng nghỉ. Thế giới có máy móc gì mới, có ứng dụng tốt, ông đều mày mò học hỏi và tiếp tục sáng tạo. Khi được hỏi ông có nhớ hết mình có bao nhiêu sản phẩm công nghệ thiết thực với cuộc sống thì ông Khánh lắc đầu, vì… không thể nhớ nổi. Ông Khánh chỉ tay lên tường nhà với đủ loại bằng khen, giấy khen, bằng chứng nhận sáng chế, trong đó có cả giải thưởng công nghệ danh giá nhất Việt Nam Vifotex, mà khoe rằng, đó là tài sản lớn nhất của ông.

Cả cuộc đời cống hiến cho khoa học, khi về già, ông Khánh lại khao khát tự tay xây cho mình… một chỗ lúc nằm xuống. Khi ông Khánh nói lên ý tưởng này thì nhiều người không khỏi ngạc nhiên và cho rằng, sống còn chẳng lo, lo gì đến lúc chết. Nhưng với ông Khánh thì là “sống gửi, thác về”. Ông muốn xương cốt của mình nằm vĩnh hằng dưới một lớp nước để tạo sự kín đáo, yên tĩnh và cũng là để con cháu đời sau được tự hào về khả năng của ông cha mình…

Để bắt tay xây dựng lăng mộ cho mình, ông đã tìm vào tận khu vực núi Nhồi (tỉnh Thanh Hóa) tự tay chọn những khối đá đẹp nhất, đắt nhất. Khi khai thác đá, ông Khánh không nổ mìn mà dùng sức người, bởi theo ông, đá khai thác bằng nổ mìn sẽ om, sức bền không tốt. Mỗi tảng đá như thế giá lúc đó từ 10-30 triệu đồng. Đến năm 2001, sau 5 năm cần mẫn làm việc của 3 anh em họa sĩ Trần Minh Tuấn và hàng trăm thợ lành nghề, quần thể kiến trúc trên diện tích hơn 3.000m2, gồm khu trung tâm lăng mộ và vườn treo Babylon làm hoàn toàn bằng đá hoàn thành bên cạnh ngôi biệt thự hoành tráng…

Trên khối đá đen nặng 10 tấn đặt giữa khu lăng mộ, ông Khánh cũng để lại lưu bút răn rằng: “Gia sản này để lại cho con cháu với hy vọng nối vòng tay các thế hệ, mỗi thành viên đều phải có trách nhiệm trông coi và tu bổ, là nơi nương tựa cho kẻ khó, khi đầy đủ phải chắp cánh bay. Không được rào dậu, ngăn sân chia phần tư hữu… Mỗi khi đến thăm, hãy tặng cho ông bà một bông hoa là đủ”.

Và lăng mộ triệu đô được mang đi… thế chấp

Ông Khánh cho biết, toàn bộ phần khuôn viên lăng mộ đều được xếp bằng những khối đá trắng lớn, được mài giũa rất khít. Hầm mộ sâu trong lòng đất 4m, được bao bọc bởi những phiến đá khổng lồ, mỗi khối nặng 2,6 tấn. Ông Khánh dặn lại, khi nào ông và vợ nằm xuống, các con sẽ rút hết nước, nhấc nắp lăng mộ đưa thi hài ông và vợ xuống. Sau đó, sẽ cho nước lên nắp hầm cho... mát mẻ. Những tưởng điều mong mỏi của ông Khánh sẽ thành hiện thực nhưng trớ trêu thay, cuối năm 2012, gia đình ông Khánh té ngửa khi bị ngân hàng đòi nợ hơn 1 tỷ đồng được thế chấp bằng mảnh đất mà trên đó có khu lăng mộ của gia đình.

Theo thông báo của Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công thương Lê Chân: ông Vũ Đức Hòa (con trai ông Khánh - Giám đốc DNTN Hoàng Đại), đang nợ tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công thương Lê Chân số tiền hơn 1.008 triệu đồng, trong đó nợ gốc là 990 triệu đồng và nợ lãi là hơn 18,85 triệu đồng, theo hợp đồng tín dụng số 28 ngày 12-9-2012. Tài sản thế chấp là toàn bộ giá trị quyền sử dụng 350,20m2 đất tại khu dân cư số 2 phường Lãm Hà, quận Kiến An.

Cũng theo ngân hàng, mặc dù đã cam kết thanh toán hết 3 tháng lãi vào ngày 25-2-2013, nhưng ông Hòa không thực hiện. Theo đó, ngày 11-3-2013, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đã khởi kiện đòi nợ đối với DNTN Hoàng Đại toàn bộ số nợ gốc, nợ lãi và phí phạt vi phạm hợp đồng tính đến hết ngày 10-3-2013 và toàn bộ số nợ lãi quá hạn, phí vi phạm hợp đồng cho đến khi thanh toán hết nợ gốc.

Trước tình cảnh dở khóc, dở cười này, ông Khánh giải thích, đây là khu lăng mộ dành để an táng vợ chồng ông sau này nên khi làm sổ đỏ, gia đình và dòng họ đã nhóm họp thống nhất để anh Vũ Đức Hòa là con trai trưởng của ông đứng tên, tiện cho việc thờ cúng sau nay với điều kiện không được sang nhượng, bán, cầm cố.

Ông Khánh khẳng định, việc con ông mang lăng mộ của gia đình đi thế chấp là việc làm thất đức. Tuy nhiên, ông Khánh không hiểu trước khi ký hợp đồng với anh Hòa, việc thẩm định của ngân hàng như thế nào mà không để ý ngay tại lăng mộ có tấm bia đá hình tháp rất lớn, mặt trước ghi lời ông bà căn dặn con cháu việc giữ gìn lăng mộ, mặt sau ghi rõ đây là nơi yên nghỉ của vợ chồng ông.

Cũng theo ông Khánh, đây không phải lần đầu anh Hòa đem “mồ mả” đi thế chấp. Trước đó vào ngày 30-12-2011, Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công thương Lê Chân cũng đã ký hợp đồng thế chấp khu lăng mộ này để cho anh Hòa vay 1 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh nghiệp do anh Hòa lập ra không hề có mặt bằng sản xuất, đã từ lâu không hoạt động, không có phát sinh thuế…

Lúc này đây, người kỹ sư già Vũ Hồng Khánh nổi tiếng bởi cả tài năng và khối tài sản kếch xù một thời, nay đến lúc cuối đời lại lâm vào cảnh đau lòng. Với một khu lăng mộ có thể coi là tài sản hợp pháp hay không để mang thế chấp ngân hàng, chúng tôi chưa thể có ngay câu trả lời. Hiện giờ thì ông Khánh chỉ còn biết kêu đến các cơ quan chức năng xem xét làm rõ tính pháp lý trong việc vay vốn của DNTT Hoàng Đại, khi mang lăng mộ của gia đình đi vay tiền (?).

VĂN HUY


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông