15:23 15/08/2019 Tháng 5-2009, Trung Quốc lưu hành kèm theo các công hàm gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc một bản đồ thể hiện yêu sách. Trong các công hàm này, ngoài việc tiếp tục yêu sách chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông, lần đầu tiên Trung Quốc chính thức đưa ra đòi hỏi “chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng nước, đáy biển và lòng đất đưới đáy biển” nằm bên trong “đường chín đoạn” (đường lưỡi bò).
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực thi nhiệm vụ trên biển
Kể từ đó, dựa trên yêu sách “đường lưỡi bò”, Trung Quốc đưa ra đòi hỏi phi lý đối với 75% diện tích Biển Đông, xâm phạm sâu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của 5 nước ven Biển Đông, trong đó có Việt Nam.
Ngay sau động thái trên của Trung Quốc, Việt Nam là quốc gia đầu tiên chính thức có công công hàm gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiên quyết phản đối và bác bỏ yêu sách này. Tiếp theo đó, các nước khác ven Biển Đông bị ảnh hưởng cũng chính thức gửi công hàm phản đối tới Liên hợp quốc.
Tuy nhiên Trung Quốc tiếp tục gia tăng sức ép với các nước ven Biển Đông, trong đó có Việt Nam, đòi hỏi “gác tranh chấp, cùng khai thác” tại các vùng biển “chồng lấn” giữa “đường lưỡi bò” với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước ven Biển Đông.
Nhưng đến nay chưa có quốc gia nào chấp nhận quan điểm này của Trung Quốc, bên cạnh đó nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nga, EU, Nhật Bản… và nhiều tổ chức quốc tế đều bày tỏ đặc biệt quan ngại về những động thái của Trung Quốc đối với Biển Đông.
Đồng thời đề cao quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở đối thoại và hợp tác, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Bất chấp những thiện chí từ phía Việt Nam nói riêng và các nước trong khu vực nói chung, cũng như dư luận quốc tế, Trung Quốc vẫn tiến hành nhiều hoạt động làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Mà trong bài viết này, người viết chỉ dẫn chứng những động thái đối với Việt Nam kể từ khi Trung Quốc lưu hành “đường lưỡi bò”.
Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc (Ảnh tư liệu)
Cụ thể là các hoạt động xâm lấn tại Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác lập theo Công ước quốc tế.
Tháng 5-2011, tàu ngư chính của Trung Quốc cắt cáp của tàu Bình Minh 02 của Việt Nam ở lô 148, 149 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý miền Trung Việt Nam. Tháng 6-2011, tàu cá Tung Quốc dưới sự yểm trợ của tàu ngư chính phá hoại cáp của tàu Viking II của ta ở khu vực lô 135 - 136, nằm trên vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, thềm lục địa phía Nam Việt Nam.
Từ tháng 5-2012, Trung Quốc phát hành hộ chiếu phổ thông điện tử cho công dân Trung Quốc, trong đó có in “đường chín đoạn”. Ngày 21-6-2012, Trung Quốc công bố thành lập cái gọi là “Thành phố Tam Sa” bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và quần đảo Trung Sa với diện tích 2 triệu km2.
Tiếp đó ngày 23-6-2012, Tổng Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) công bố mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, vị trí chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145 đến 156 của Việt Nam, có chỗ chỉ cách bờ biển Việt Nam 57 hải lý.
Theo quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Luật Biển Việt Nam, khu vực này hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, không phải là khu vực có tranh chấp.
Ngày 1-5-2014, Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 và một số lượng lớn tàu hộ tống vào hoạt động tại khu vực có tọa độ 15029’58” vĩ Bắc -111012’06” kinh Đông, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hơn 80 hải lý. Ngày 27-5-2014, Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 đến vị trí mới có tọa độ 15033’38” vĩ Bắc -111034’62” kinh Đông, nằm sâu 60 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Cùng với giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc đã triển khai nhiều tàu hộ tống các loại, có lúc lên tới 140 tàu vào hoạt động bất hợp pháp trên vùng biển của Việt Nam, trong đó có cả tàu quân sự và máy bay chiến đấu.
Các tàu của Trung Quốc đã tiến hành vây hãm, chủ động đâm húc và phun vòi rồng công suất cao vào các tàu dân sự của Việt Nam đang thực thi pháp luật trong vùng biển thuộc chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. Tổng cộng, hơn chục tàu kiểm ngư, cảnh sát biển Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc đâm húc hư hại khá nặng, nhiều cán bộ kiểm ngư của ta đã bị thương.
Việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam đã thu hút sự quan tâm lớn của đông đảo cộng đồng quốc tế. Ngày 15-7-2014, trước sự đấu tranh kiên quyết bằng biện pháp hòa bình của Việt Nam và sự phản đối của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc buộc phải rút giàn khoan Hải Dương 981 ra vùng biển Việt trước thời hạn 1 tháng so với dự định ban đầu.
Cũng từ năm 2014, Trung Quốc đồng loạt đẩy mạnh các hoạt động lấn biển, mở rộng diện tích các vị trí chiếm đóng, xây dựng và phát triển hạ tầng ở Biển Đông với quy mô, tính chất ngày càng nghiêm trọng. Từ đầu năm 2016, Trung Quốc đẩy nhanh các hoạt động dân sự và quân sự hóa các vị trí chiếm đóng, xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thử nghiệm và vận hành các công trình, lắp đặt trang thiết bị, khí tài quân sự trên các cấu trúc nhân tạo ở Hoàng Sa, Trường Sa.
Ngoài ra, Trung Quốc cho rải đường dây cáp ngầm mạng thông tin, truyền thông kết nối 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phục vụ cả mục tiên dân sự và quân sự.
Hoàng Minh (còn nữa)
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh