08:44 26/06/2018 Theo các chuyên gia, thực hiện đối thoại tại nơi làm việc là một trong phương pháp tốt nhất nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp...
Đối thoại thường xuyên giữa doanh nghiệp và người lao động giúp xây dựng quan hệ lao động ổn định
Là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài với hơn 7.000 công nhân lao động, Cty TNHH Yazaki Hải Phòng (KCN Nomura) thường xuyên chú trọng, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; trong đó có hoạt động đối thoại định kỳ 3 tháng/lần. Liên tục nhiều năm trở lại đây, trước khi buổi đối thoại diễn ra, Công đoàn Cty nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân để từ đó đề xuất ban giám đốc xây dựng chính sách chăm lo đãi ngộ phù hợp. Nguyện vọng của công nhân nếu xét thấy chính đáng, hợp lý hợp tình đều được công ty giải quyết thấu đáo.
Đại diện Công đoàn Cty TNHH Yazaki cho biết: ngoài đối thoại định kỳ, thông qua hình thức lấy ý kiến trực tiếp người lao động từ tổ công đoàn, phát phiếu thăm dò tới người lao động, công đoàn công ty tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của người lao động để phối hợp người sử dụng lao động tổ chức đối thoại đột xuất. Qua các buổi đối thoại định kỳ và đột xuất đã giúp Công ty xây dựng, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều nội dung có lợi cho người lao động như các ngày nghỉ trong năm, các ngày nghỉ đặc biệt được hưởng lương, chế độ lao động nữ, tổ chức đi du lịch, nghỉ hè. Ngoài ra, công đoàn thương lượng với công ty điều chỉnh tiền ăn giữa ca, tiền ăn tăng ca phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh hiện tại, lắp đặt hệ thống điều hòa mới, xe đón đưa người lao động...
Tương tự, Cty TNHH công nghiệp giày Aurora Việt Nam (xã Thiên Hương, Thủy Nguyên) cũng duy trì, tổ chức tốt hoạt động đối thoại định kỳ hằng tháng ngay tại nơi làm việc. Công đoàn Cty cho biết: trong 6 tháng đầu năm 2018, công đoàn đã tổ chức 6 cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp và người lao động. Mỗi cuộc đối thoại tập trung giải đáp từ 5-7 vấn đề người lao động đưa ra, bao gồm việc thực hiện chế độ về lương, thưởng, cải thiện điều kiện làm việc và một số phúc lợi cho người lao động. Qua đó, bản thân người lao động thấy thỏa mãn những thắc mắc và thêm tâm lý thoải mái gắn bó cùng doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, thực hiện đối thoại tại nơi làm việc là một trong phương pháp tốt nhất nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong từng doanh nghiệp. Thông qua đối thoại sẽ giúp cho người sử dụng lao động và người lao động hiểu nhau hơn, thông cảm và chia sẻ thông tin để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh mà doanh nghiệp đã đề ra, đồng thời trực tiếp giảm đình công tại các doanh nghiệp.
Được biết, không chỉ riêng những đơn vị trên mà nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thực hiện thường xuyên, định kỳ việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc. Có thể kể tên các doanh nghiệp với việc sử dụng số lượng lớn lao động như: Cty Toyoda Gosei Hải Phòng, Cty TNHH LG Electronics Việt Nam, công ty TNHH Y-tec, Công ty TNHH Tamada Việt Nam... Trao đổi với ANHP, bà Phạm Thị Hằng, Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng thông tin, trong hơn 150 công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng, đến nay hầu hết doanh nghiệp thực hiện đối thoại định kỳ 1 lần/tháng để kịp thời giải quyết bức xúc, kiến nghị hay đóng góp của người lao động. Đặc biệt, chủ trương quan tâm, giải quyết rốt ráo mọi kiến nghị của người lao động qua đối thoại đã giúp nhiều doanh nghiệp ngay cả trong những thời điểm khó khăn giữ ổn định quan hệ lao động.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn không ít lãnh đạo doanh nghiệp còn hiểu sai lệch, thiếu thiện chí, thậm chí trốn tránh việc đối thoại, hay chỉ đối thoại khi có tranh chấp ngừng việc hoặc cho rằng làm mất thời gian, ảnh hưởng sản xuất, công nhân hay đòi hỏi trong khi công ty đã thực hiện đầy đủ các chính sách lao động theo qui định của luật. Do đó thường dẫn đến mâu thuẫn, người lao động thiếu gắn bó với doanh nghiệp, “nhảy việc”.
Chưa kể, tại một số doanh nghiệp, việc thực hiện quy chế dân chủ nói chung và triển khai đối thoại tại nơi làm việc còn gặp khó khăn như kỹ năng của đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở còn hạn chế, ngại đối thoại với đoàn viên, về phía người lao động thiếu hiểu biết pháp luật, có tâm lý e ngại khi nêu ý kiến, kiến nghị. Cũng theo bà Phạm Thị Hằng, vấn đề thường gây ra xung đột và mâu thuẫn trong các doanh nghiệp đó là xoay quanh lợi ích, còn về quyền lợi theo luật pháp là rất ít.
Do đó, gặp gỡ trực tiếp là giải pháp tốt nhất để công nhân kiến nghị lãnh đạo giải quyết quyền lợi và lãnh đạo cũng trực tiếp triển khai các yêu cầu công việc trong sản xuất kinh doanh. Đây cũng là quy định được ghi rõ trong Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19-6-2013 của Chính phủ. Ngoài ra người lao động có thể nhắn tin, điện thoại, email, facebook, góp ý vào hòm thư cho lãnh đạo công ty bất kỳ lúc nào để các bên hiểu nhau, chia sẻ công việc nhanh nhất và giảm thời gian soạn thảo công văn, giấy tờ và các ý kiến được giải trình rõ ràng. Nếu giám đốc bận thì cán bộ nhân sự và chủ tịch công đoàn sẽ là người gặp gỡ công nhân để đối thoại giải quyết công việc.
Đại diện LĐLĐ thành phố cho biết, thời gian tới, các cấp công đoàn thành phố tiếp tục phối hợp cơ quan chức năng đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc thực hiện đối thoại tại nơi làm việc, quan tâm đối thoại đột xuất và những vấn đề bức xúc liên quan đến người lao động.
Bên cạnh đó, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cán bộ công đoàn cơ sở trong tuyên truyền, vận động và phối hợp doanh nghiệp tổ chức các cuộc đối thoại đúng quy trình, kịp thời giải đáp tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của người lao động, hạn chế thấp nhất các vụ ngừng việc tập thể trên địa bàn...
THỦY NGUYÊN
23:15 11/01/2025
11:33 10/01/2025
20:58 14/12/2024
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ
Chuyên mục Nghị định 154/CP: Quy định về giấy tờ, tài liệu, thông tin chứng minh chỗ ở hợp pháp
Công an quận Hồng Bàng phối hợp kiểm tra, xử lý 7 trường hợp vi phạm nồng độ cồn
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh