20:03 16/05/2017 Ảnh minh họa. (Nguồn: Trung Kiên/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Trung Kiên/TTXVN)
Bộ Giao thông Vận tải vừa điều chỉnh giảm thời gian thu phí 92 năm 3 tháng của 13 dự án và điều chỉnh tăng thời gian thu phí 24 năm 5 tháng của 4 dự án.
Dự án được điều chỉnh giảm thời gian thu phí nhiều nhất là công trình đầu tư xây dựng Quốc lộ 1 đoạn tránh Thành phố Thanh Hóa với thời gian giảm thu phí lên tới 20 năm 1 tháng.
Cụ thể, công trình này có tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu 822 tỷ đồng, thời gian thu phí theo hợp đồng BOT là 27 năm 8 tháng. Sau khi hoàn thành quyết toán 100%, giá trị thỏa thuận quyết toán là 718 tỷ đồng, thời gian thu phí của dự án đã được điều chỉnh giảm xuống chỉ còn 7 năm 7 tháng.
Trong khi đó, công trình Quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) là dự án giảm thời gian thu phí thấp nhất với 4 tháng (từ 13 năm 1 tháng xuống 12 năm 9 tháng).
Các dự án điều chỉnh giảm thời gian thu phí còn lại là dự án tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Phan Thiết-Đồng Nai (giảm 3 năm 9 tháng); dự án Quốc lộ 10 đoạn cầu Tân Đệ-La Uyên (giảm 9 năm 6 tháng); dự án cầu Đồng Nai và tuyến 2 đầu cầu (giảm 8 năm 7 tháng).
Dự án BOT Quốc lộ 51 (giảm 4 năm 2 tháng); dự án cầu Rạch Miễu (giảm 6 năm); dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đắk Nông (giảm 8 năm 8 tháng); dự án Quốc lộ 1 đoạn tránh TP Vinh (giảm 7 năm 4 tháng)…
Đại diện Vụ Đối tác công-tư (PPP-Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, việc điều chỉnh giảm thời gian thu phí các dự án so với hợp đồng BOT chủ yếu do giá trị thỏa thuận (phê duyệt) quyết toán giảm so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu và sự biến động của lưu lượng xe.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 4 Nghị định 112/2009/NĐ-CP của Chính phủ, tổng mức đầu tư xây dựng công trình là chi phí dự tính của dự án, làm cơ sở để chủ đầu tư lập kế hoạch và quản lý vốn thực hiện đầu tư công trình.
Trong bước lập dự án đầu tư không thể tính chính xác chi phí thực tế sẽ đầu tư. Bên cạnh đó, Thông tư 04/2010 ngày 26/5/2010 của Bộ Xây dựng còn cho phép xây dựng tổng mức đầu tư trên cơ sở ước tính từ suất đầu tư trung bình 1km đường nhân với chiều dài tuyến.
Khi đàm phán ký kết hợp đồng BOT với các nhà đầu tư, theo quy định, Bộ Giao thông Vận tải sử dụng tổng mức đầu tư để tạm thời xác định thời gian thu phí.
“Sau khi quyết toán công trình, Bộ Giao thông Vận tải sẽ cập nhật các thông số và tính toán lại thời gian thu phí để ký kết với nhà đầu tư làm cơ sở thu phí sau này. Việc tổng mức đầu tư giảm sau quyết toán, cùng với việc cập nhật lại lưu lượng dòng xe thực tế, các thông số tài chính có liên quan,... sẽ làm thay đổi thời gian thu phí so với dự tính trước đây,” đại diện Vụ Đối tác công-tư cho hay.
Thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã rà soát các dự án BOT theo đúng các trình tự thủ tục quy định của pháp luật và hợp đồng BOT trên nguyên tắc có kiểm toán độc lập hoặc kiểm toán Nhà nước và các cơ quan thanh tra, sau đó lấy giá trị cuối cùng để quyết toán dự án, tính toán lại hợp đồng và thời gian thu phí.
Trong quá trình vận hành, khai thác công trình, tùy thuộc hợp đồng dự án, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiến hành rà soát lại doanh thu, lưu lượng xe thực tế làm căn cứ để điều chỉnh từng hợp đồng BOT cho đến hết vòng đời dự án. Do đó, nhiều công trình sau khi quyết toán sẽ giảm thời gian thu phí so với dự kiến ban đầu là chuyện có thể xảy ra.
Đối với 4 dự án phải kéo dài thời gian thu phí với tổng số 24 năm 5 tháng thì dự án cầu Mỹ Lợi, Quốc lộ 50 kéo dài nhiều nhất là 16 năm 2 tháng (từ 28 năm 4 tháng lên 44 năm 6 tháng); dự án cầu Yên Lệnh, Quốc lộ 38 kéo dài 4 năm 3 tháng (từ 17 năm 1 tháng lên 21 năm 4 tháng)
Dự án Quốc lộ 18 đoạn Uông Bí-Hạ Long kéo dài 3 năm (từ 16 năm 4 tháng lên 19 năm 4 tháng); dự án Quốc lộ 1 đoạn Nam Bến Thủy-TP Hà Tĩnh kéo dài 1 năm (từ 20 năm 5 tháng lên 21 năm 5 tháng).
Ngoài ra, một công trình giữ nguyên thời gian thu phí theo hợp đồng BOT là dự án sửa chữa nâng cấp một số đoạn qua các thị trấn trên Quốc lộ 20 (10 năm 9 tháng).
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, 4 dự án phải kéo dài thời gian thu phí chủ yếu do lưu lượng xe sụt giảm so với dự báo và doanh thu thực tế thấp hơn nhiều so với phương án tài chính trong hợp đồng BOT, nhất là dự án BOT cầu Mỹ Lợi và dự án BOT cầu Yên Lệnh, Quốc lộ 38.
Tính đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện điều chỉnh hợp đồng 21 dự án BOT sau khi có thỏa thuận quyết toán từng phần hoặc toàn bộ giai đoạn xây dựng, gồm 19 dự án đường bộ và 2 dự án hàng hải.
Theo TTXVN
23:14 20/12/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết