10:29 06/11/2022 Chiều 4-11 và sáng 5-11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thanh Trà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội với rất hiều vấn đề đáng quan tâm về bộ máy hành chính các cấp; tinh giản biên chế; trọng dụng nhân tài…
Tinh giản biên chế tiết kiệm được 25.000 tỷ đồng để góp phần cải cách tiền lương
Đại biểu Tao Văn Giót (Lai Châu) đặt câu hỏi: việc tinh giản biên chế tác động tới cải cách tiền lương thế nào? Vừa qua còn tình trạng tinh giản biên chế cơ học, cào bằng giữa các địa phương, đơn vị, lĩnh vực, dẫn đến thiếu cục bộ một số lĩnh vực, địa phương. Đề nghị Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân chính, giải pháp giải quyết vấn đề này trong thời gian tới thế nào và bao giờ thì giải quyết được?
Bộ trưởng Phạm Thanh Trà cho biết,vừa qua, cả hệ thống đã sắp xếp bộ máy, cơ cấu lại, giảm đơn vị hành chính cấp huyện, xã; giảm một loạt đơn vị sự nghiệp, giảm biên chế, giảm số người hưởng lương từ ngân sách... Mục tiêu là cải cách bộ máy, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Việc này giúp tăng nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương, tăng lương.
Giai đoạn 2019-2021, toàn quốc đã tiết kiệm hơn 25.600 tỷ đồng. Theo Bộ trưởng, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn biên chế tác động rất rõ, tạo ra nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương. Bộ trưởng cho biết tới đây tiếp tục việc này để có nguồn lực cải thiện đời sống người lao động khu vực công.
Liên quan đến tinh giản biên chế, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) băn khoăn về giải pháp thực hiện Quyết định 40 của Bộ Chính trị để giảm 5% cán bộ công chức, 10% biên chế viên chức hưởng lương ngân sách trong giai đoạn 2022-2026.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng cần sự quyết tâm, đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành. Vừa qua, các cơ quan sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong cơ quan bộ, ngang bộ thuộc Chính phủ; cải cách tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính bên trong các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tới Trung ương...
Về sắp xếp các đơn vị sự nghiệp, Bộ trưởng cho biết mục tiêu giảm 10% đầu mối từ trung ương tới địa phương với phương châm Trung ương gương mẫu, địa phương cùng thực hiện. Hiện còn 753 đơn vị sự nghiệp là những đơn vị phục vụ quản lý Nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ được giữ lại, còn lại rà soát để phân cấp.
Về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua đã giám sát, bổ sung các quy định và ban hành nghị quyết. Đây là điều kiện để sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn tới. Bộ trưởng nhấn mạnh, giảm biên chế không còn cách nào khác phải cơ cấu và sắp xếp lại các tổ chức.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã thời gian qua đã thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách, không chuyên trách dôi dư và tài sản, trụ sở còn nhiều vướng mắc, có nơi chưa làm xong. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp vì chuẩn bị thực hiện sắp xếp giai đoạn hai, dự kiến sẽ khó khăn hơn.
Theo Bộ trưởng Nội vụ, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và xã thời gian qua đã thành công, giảm được 8 đơn vị cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã; giảm hơn 400 cơ quan cấp huyện và 4.300 cơ quan cấp xã; giảm hơn 700 cán bộ công chức cấp huyện và 9.700 cán bộ công chức cấp xã. Qua đó giảm chi ngân sách hơn 2.000 tỷ đồng. Đây là thành công lớn.
Tuy nhiên, thực tế cũng phát sinh một số vấn đề như cán bộ dôi dư, trụ sở một số nơi lãng phí chưa giải quyết xong. Theo Bộ trưởng, từ nay đến hết năm 2025 sẽ giải quyết xong cán bộ dôi dư. Bộ Nội vụ đang rà soát để xây dựng chính sách tốt hơn trong sắp xếp cán bộ dôi dư, sắp xếp bộ máy.
Có cơ chế chính sách trọng dụng nhân tài
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) phản ánh, chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm đã được Bộ Chính trị nêu trong Kết luận 14 ngày 22-9-2021. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nội vụ cho biết đã tham mưu, đề xuất gì cho Chính phủ để cụ thể hóa chủ trương lớn này, nhất là đối với những quy định có tính bắt buộc.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, việc trọng dụng nhân tài là yếu tố truyền thống của dân tộc từ xưa đến nay và là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước. Nội dung này đã được thể hiện rõ trong nghị quyết, văn kiện Đại hội 13. Nhìn ra thế giới, nhiều nước đã làm nên kỳ tích nhờ những nhân tài, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…
Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ ban hành nghị định thu hút nhân tài thực hiện từ 2018. Tuy nhiên, đến nay mới thu hút 258 sinh viên xuất sắc, nhà khoa học.
Hầu hết địa phương sau đó rất chú trọng việc này, tiêu biểu như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc đã thông qua HĐND ban hành thêm chính sách phù hợp để trọng dụng, tuyển dụng nhân tài. Đến nay, các địa phương đã thu hút gần 3.000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, số lượng còn rất ít ỏi.
Bộ trưởng cho biết, căn cứ vào chủ trương của Đảng và theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 13, Bộ Nội vụ đang xây dựng Đề án chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài. Cùng với đó, Bộ sẽ xây dựng bộ cơ chế, chính sách hấp dẫn hơn, tốt hơn. Thủ tướng cũng yêu cầu cố gắng năm tới có nghị định tổng thể, bao quát để thu hút và trọng dụng nhân tài.
Cùng với thu hút, trọng dụng nhân tài, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ: việc khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm được đại biểu rất mong đợi. Tuy nhiên, do chưa có cơ chế, trong khi thể chế có mặt chưa đồng bộ, có những vấn đề còn xung đột, chưa đảm bảo đủ yếu tố để cán bộ làm. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đang tập trung xây dựng một nghị định về khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá về lợi ích chung để cụ thể hóa Kết luận số 14 của Bộ Chính trị.
Đại biểu Cao Mạnh Linh (Thanh Hóa) cho biết, theo báo cáo của Bộ Nội vụ, hiện nay chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu, chưa thực sự gắn với quy hoạch và yêu cầu của vị trí việc làm.
Đại biểu cho rằng cùng với việc xây dựng hệ thống vị trí việc làm, cần chuyển hình thức bồi dưỡng bắt buộc theo ngạch hiện nay sang bồi dưỡng theo chức danh vị trí việc làm. Đồng thời, cần chú trọng hướng đến đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu của cơ quan, người được đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng mục đích nâng cao trình độ, năng lực cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, việc đào tạo cán bộ, công viên chức cần đi vào thực chất, không phải là chạy theo chứng chỉ hình thức. Thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm và chức danh lãnh đạo, đổi mới việc liên kết hợp tác để đào tạo cho một số đối tượng đặc thù. Bộ cũng đang hợp tác với các cơ sở giáo dục uy tín của nước ngoài như Nhật Bản, Pháp để đào tạo cán bộ, hướng tới cán bộ trẻ chất lượng cho chính quyền địa phương.
Trả lời đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) về thực trạng nhiều cán bộ quản lý, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật thời gian qua, gây phản ứng trái chiều trong dư luận, Bộ trưởng Nội vụ thông tin, từ đầu năm đến nay, 56 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật. Cán bộ, đảng viên, công chức viên chức bị xử lý là 20.300, trong số này có cả xử lý hình sự. Tính trên tổng số cán bộ công chức, viên chức, tỷ lệ bị kỷ luật khoảng 1%.
Thời gian tới, các cơ quan phải thực hiện nghiêm tinh thần chỉnh đốn đảng, chống tham nhũng. Bộ Nội vụ sẽ tham mưu ban hành quy định về đạo đức công vụ để siết chặt, đảm bảo đồng bộ quy định của Đảng với pháp luật nhà nước, để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vững mạnh.
Làm rõ về tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập
Giải trình, làm rõ thêm ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc tự chủ tài chính tập trung ở các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế và khoa học công nghệ. Giáo dục và y tế là hai trụ cột an sinh xã hội quan trọng nhất hiện nay. Người dân được nhờ từ hai lĩnh vực này, nếu phục vụ không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, sức khoẻ và tình hình học tập của người dân.
Do đó, khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập trong hai lĩnh vực này cần phải thận trọng, chắc chắn, hiệu quả, tránh làm theo phong trào..
Khi đặt ra vấn đề tự chủ là để tăng tính chủ động, sáng tạo và tự quyết của đơn vị sự nghiệp công lập. Nếu đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo tự chủ tài chính 100% sẽ thực hiện được việc trả lương theo kết quả lao động. Nếu đảm bảo tự chủ chi thường xuyên thì trả lương theo quy định, số tiền còn lại được đưa vào quỹ thu nhập hưởng vào cuối năm và là quỹ của cơ quan, đơn vị để tái đầu tư cơ sở vật chất. Nếu Nhà nước đảm bảo 100%, bây giờ vẫn đang khuyến khích khoán chi hành chính đến các bộ phận.
Như vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để đảm bảo tốt nhất chất lượng dịch vụ để phục vụ người dân. Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, những đơn vị nào không thu hút được nguồn lực từ bên ngoài thì ngân sách nhà nước phải đảm bảo để luôn luôn đổi mới trang thiết bị, công nghệ và đảm bảo giữ được người có tài nhằm phục vụ người dân tốt nhất.
Qua tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế, việc trả lương của công chức cao hơn nhiều so với khối doanh nghiệp ngoài nhà nước. Bởi sẽ giữ được những người giỏi để kiến tạo chính sách, xây dựng, hoạch định chiến lược và để có thể quản lý nhà nước một cách tốt nhất, thúc đẩy và làm nền tảng cho sự phát triển đất nước. Bộ trưởng nêu rõ cần phải giữ được lực lượng tinh hoa nhất, tinh tuý nhất trong bộ máy nhà nước, đặc biệt trong giáo dục và y tế để phục vụ nhân dân tốt nhất.
Bộ trưởng Tài chính cho biết, trước đây, các đơn vị được thí điểm tự chủ toàn phần, nhưng thực tế huy động nguồn lực tài chính, liên doanh - liên kết ... gặp khó khăn, như trường hợp Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai... Vì thế, các đơn vị này xin thôi không tự chủ toàn phần, chuyển sang tự chủ một phần - tức là họ sẽ tự chủ chi thường xuyên, còn chi đầu tư (mua sắm thiết bị, trụ sở mới) thì ngân sách sẽ chi.
"Việc này hợp lý. Từ tự chủ chi thường xuyên, khi có nguồn thu ổn định thì tự chủ toàn bộ, như vậy chất lượng dịch vụ sẽ tăng lên, phục vụ người dân tốt hơn"- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Tài chính, một số chính sách liên quan đến vấn đề tự chủ sẽ được hoàn thiện thời gian tới, đơn cử như chính sách về đất đai. Khi sửa luật Đất đai, quy định các đơn vị sự nghiệp công lập có cần nộp tiền thuê đất hay không sẽ được bàn thảo../.
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh