16:46 15/08/2023 Sáng 15-8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng dự.
Phiên chất vấn được kết nối từ Nhà Quốc hội tới 62 điểm cầu ở địa phương. Tại điểm cầu Hải Phòng có các đồng chí: Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy; Đỗ Mạnh Hiến, Phó bí thư Thường trực Thành ủy; Cao Xuân Liên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Giám đốc Công an thành phố; Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố; Lã Thanh Tân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng; các vị đại biểu Quốc hội Hải Phòng; lãnh đạo các ngành thành phố…
Lựa chọn các vấn đề “nóng” để chất vấn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, các nội dung thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp đều là những vấn đề rất cấp thiết, được cử tri, nhân dân và các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm. Có 34 Đoàn đại biểu Quốc hội đề xuất, gắn chặt với hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, góp phần hoàn thiện thể chế, đồng bộ hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Phiên chất vấn là dịp để nhìn nhận, đánh giá chính xác các hạn chế, vướng mắc, đề ra những giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng công tác lập pháp; xây dựng, triển khai hiệu quả Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm; hoàn thành các nhiệm vụ lập pháp tại Kết luận số 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh toàn khóa.
Đồng thời, nâng cao chất lượng giám sát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật; bảo đảm sự ổn định, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, góp phần hoàn thiện thể chế phát triển, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết số 27 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13.
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, đại biểu Quốc hội tập trung vào các nhóm vấn đề:
Một là, việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Hai là, thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ba là, thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp.
Văn bản chậm, nợ chưa được giải quyết dứt điểm
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) nêu rõ, trong nhiệm kỳ này, Bộ Tư pháp đã có sự chuẩn bị kỹ hơn về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Tuy nhiên, tình trạng chậm ban hành văn bản mới chưa được khắc phục căn cơ, có những nội dung đã được kiến nghị nhiều lần trước đây nhưng chưa được ban hành, hoặc ban hành chưa đúng thẩm quyền, không đúng với quy định của văn bản quy phạm pháp luật…
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị, Bộ trưởng cho biết giải pháp và trách nhiệm của Bộ nhằm khắc phục tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới?
Cũng chất vấn về nội dung này, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho rằng, tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật đã diễn ra trong nhiều năm mà chưa được khắc phục có thể gây ra khoảng trống pháp luật. Do đó, Bộ trưởng cần có giải pháp để khắc phục tình trạng này.
Bộ trưởng Lê Thành Long thừa nhận thực tế việc nợ, chậm ban hành văn bản là vấn đề từ lâu chưa được giải quyết dứt điểm. Số văn bản nợ, chậm của từng năm có sự tăng giảm nhất định, tuy nhiên, năm 2021, số lượng văn bản nợ, chậm có chiều hướng tăng. Thời gian qua, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã tiến hành giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội cũng đã có báo cáo về vấn đề này, nhưng số liệu thống kê chưa tương đồng.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, dù đã rất cố gắng, nhưng có những Nghị định nợ lâu, chưa xử lý được, ví dụ như Nghị định về tổ chức đại diện của người lao động và thương lượng tập thể, Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản, an ninh mạng… Nguyên nhân là do có quá nhiều nội dung giao quy định chi tiết, hoặc một số Nghị quyết có hiệu lực ngắn, cần cấp tốc ban hành Nghị quyết thay thế.
Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về một số giải pháp khắc phục vướng mắc, bất cập trong công tác xây dựng văn bản pháp luật, trong đó có các quy định bảo đảm tính kỷ luật hành chính trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay, Quy định 69 về xử lý, kỷ luật tổ chức Đảng đối với đảng viên là công cụ rất mạnh. Bộ Chính trị cũng đang chỉ đạo trình Bộ Chính trị ban hành quy định về một số giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Về lâu dài, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, trong xây dựng pháp luật cần quy định rõ nhiều vấn đề cụ thể trong luật, không nên dựa vào việc xây dựng văn bản giải thích, hướng dẫn.
Giải trình về thực hiện quy định: trình dự án luật phải kèm theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, thực tế thực hiện rất khó khăn, nhiều ý kiến đề xuất xin thôi không thực hiện quy định này. Mặc dù đây là quy định tốt nhưng không khả thi, bởi nếu làm nghị định như vậy là bỏ qua các bước khác trong quy trình ban hành văn bản. Trong khi đó, thực tế có một số dự thảo luật trình kèm dự thảo nghị định nhưng so với bản ban hành thì nghị định thay đổi gần như toàn bộ…
Khó khăn trong thu hút người làm công tác giám định tư pháp
Quan tâm đến giám định tư pháp, đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) cho biết, hiện nay để thu hút những người làm công tác giám định tư pháp rất khó khăn, nhất là giám định pháp y vì rất vất vả và độc hại. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết chính sách, biện pháp gì để giúp địa phương thu hút người là công tác giám định tư pháp?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Lê Thành Long thừa nhận, để thu hút người làm cán bộ giám định tư pháp rất khó, vì đây là nghề đòi hỏi có chuyên môn. Mặt khác kinh phí chi cho cán bộ giám định viên chưa tương xứng, làm việc 8 tiếng chỉ được 180 nghìn đồng/người, và từ năm 2017 đến giờ chưa cải thiện được.
Theo Bộ trưởng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã nhìn rõ vấn đề này. Hiện Tòa án Nhân dân tối cao đã soạn thảo Pháp lệnh về chi phí tố tụng, giám định, người làm chứng, người phiên dịch… Nếu kịp sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 10- 2023.
Một số đại biểu nêu ý kiến: vẫn còn không ít vụ án chậm xử lý, còn nhiều tài sản tham nhũng không bị thu hồi mà nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động giám định tư pháp còn nhiều hạn chế. Cụ thể là chưa được quan tâm thích đáng nên mọi nguồn lực cho hoạt động giám định tư pháp còn ít. Việc xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu của Đảng tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 Hội nghị lần thứ Sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Cùng với đó, còn tâm lý né tránh, đùn đẩy, thời hạn giám định chưa hợp lý, chất lượng giám định chưa cao.
Trả lời, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hết sức quan tâm đến vấn đề này và đã có những chỉ đạo cụ thể. Đơn cử như quy định thẩm quyền bổ nhiệm giám định viên là phải trực tiếp. Hay, cân nhắc sửa Điều 26a về thời hạn giám định khớp với Bộ luật Tố tụng hình sự trong các trường hợp giám định bắt buộc. Sửa khoản 1, Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính để kéo dài thời hạn xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp chưa đủ yếu tố truy tố trách nhiệm hình sự; hay trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định phải bảo đảm đúng phạm vi, đúng đối tượng, đúng chủ thể thực hiện. Nghiên cứu xã hội hóa các lĩnh vực giám định theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 ở các lĩnh vực ít có đòi hỏi, ít có yêu cầu.
Trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cần làm rõ các vấn đề về kinh phí, chi phí cho giám định và trách nhiệm trưng cầu giám định của giám định viên.
Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thực tế, đội ngũ giám định viên còn mỏng, chế độ, chính sách chưa bảo đảm được yêu cầu. Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ đã có cuộc làm việc để tháo gỡ những khó khăn để tháo gỡ những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội nêu.
Về nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, nên theo tinh thần Nghị quyết 18/NQ- TW, Hội nghị lần thứ Sáu, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII, một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nên Phòng pháp chế của Sở Tư pháp được sắp xếp lại, giảm đầu mối tổ chức bên trong của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Hơn nữa, lĩnh vực giám định viên là lĩnh vực khó, phức tạp, rất nhạy cảm. Lực lượng này cũng rất khó tuyển dụng vì đòi hỏi chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, thời gian tới, sẽ xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực trên lĩnh vực tư pháp nói chung, trong đó có đội ngũ pháp chế viên và giám định viên giai đoạn 2023 – 2030. Đặc biệt chú ý đến công tác tuyển dụng, sử dụng và các cơ chế, chính sách có liên quan. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ này để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Sẽ sửa Luật Đấu giá tài sản
Các đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam); Ma Thị Thúy (Tuyên Quang); Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) chất vấn Bộ trưởng về tình trạng thông đồng, dìm giá; hạn chế bất cập trong hoạt động đấu giá tài sản; nhiều đấu giá viên vi phạm, phải xử lý; phương pháp tính giá khởi điểm đấu giá chưa sát với thị trường, năng lực còn hạn chế…
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, việc đề xuất đấu giá trực tuyến là giải pháp tốt để phần nào ngăn chặn thông đồng, dìm giá, không công khai, minh bạch. Một số tổ chức đấu giá tài sản tư có trang đấu giá riêng nhưng đấu giá tài sản công giờ mới đang tính tới. Cơ quan quản lý đã nghĩ đến xây dựng cổng đấu giá trực tuyến nhưng kinh phí, cơ chế quản lý, chịu trách nhiệm… đang gặp khó. Hiện Bộ Tư pháp đang nghiên cứu mô hình giao cho một công ty đấu giá xây dựng và vận hành một trang thông tin điện tử về đấu giá tài sản.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận, thời gian qua có vi phạm như thông đồng dìm giá, “quân xanh - quân đỏ”; kỹ năng, năng lực hành nghề của đấu giá viên hạn chế.
Trong 5 năm 2018-2022 có 142 cuộc thanh tra đấu giá tài sản, phạt vi phạm gần 2 tỷ đồng, cũng có một số trường hợp chuyển cơ quan điều tra, truy tố đấu giá viên.
Bộ trưởng cho biết, Bộ Tư pháp sẽ định hướng sửa Luật Đấu giá tài sản theo hướng siết chặt một số quy định để tránh thông đồng, dìm giá; tăng cường năng lực, chuyên nghiệp hóa đội ngũ đấu giá, phát triển đấu giá trực tuyến…
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, ở Việt Nam có hơn 90% trường hợp là đấu giá tài sản công, trong đó phần lớn là đấu giá quyền sử dụng đất. Giá khởi điểm không phải là việc của Luật Đấu giá tài sản mà vẫn nằm trong Luật Đất đai. Do đó, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục cùng Bộ Tài nguyên – Môi trường xem xét trong quá trình sửa Luật Đất đai./.
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh