21:15 01/08/2023 Kỳ họp thứ 11, HĐND thành phố khóa 16 được tổ chức ngày 17 và 18-7 đã xem xét và thông qua 21 nghị quyết chuyên đề. Điều đáng nói ở đây không chỉ là số lượng mà chính là hơi thở cuộc sống được thể hiện trong các nghị quyết, đáp ứng được yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi từ thực tế phát triển thành phố. Bởi vậy, đại biểu HĐND thành phố có sự đồng thuận, thống nhất rất cao để mỗi nghị quyết được ban hành là cơ sở, là hành lang pháp lý quan trọng để góp phần thực hiện các mục tiêu, khát vọng phát triển thành phố Hải Phòng trong năm 2023 và tầm nhìn lâu dài tới cả năm 2050.
Kịp thời bổ khuyết nhiệm vụ giải pháp phát triển KTXH
Trong thời gian 1,5 ngày, khối lượng công việc rất lớn nhưng HĐND thành phố vẫn dành thời gian đáng kể để thảo luận, đánh giá đúng mức kết quả; nhận diện rõ những khó khăn, thách thức và thống nhất bổ khuyết 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển KTXH trong 6 tháng cuối năm. Một số nhiệm vụ trọng tâm được Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng nêu rõ là: phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách; phát huy vai trò chủ lực trong tăng trưởng kinh tế của ngành công nghiệp; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bến số 3,4,5,6,7,8 tại Lạch Huyện; nâng cấp một số tuyến đường giao thông; hoàn thiện đề án tổng thể phát triển du lịch Hải Phòng…
Cùng với đó, khẩn trương hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung thực hiện Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 30/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó ưu tiên các nhiệm vụ liên quan đến thành lập thành phố thuộc thành phố tại huyện Thủy Nguyên và thành lập đơn vị hành chính quận tại huyện An Dương; xây dựng Đề án phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2030 để trình ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố; khẩn trương thực hiện các thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu nhà ở xã hội tại Khu đô thị Cầu Rào 2 tại quận Lê Chân và dự án nhà ở xã hội tại quận Kiến An; các hạng mục nhà ở xã hội trong dự án Khu đô thị ven sông Lạch Tray; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã khởi công.
Đồng thời, triển khai thực hiện Nghị quyết về Đề án xây dựng nông thôn mới thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025; tập trung xây dựng các sản phẩm OCOP, hướng đến những sản phẩm đặc trưng, vừa phát triển nông nghiệp, vừa là sản phẩm du lịch; tập trung tối đa nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2023.
Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố cũng cho biết sẽ hoàn thành thủ tục dừng thực hiện vĩnh viễn dự án đầu tư xây dựng tuyến đường có mặt cắt ngang 100m Lạch Tray - Hồ Đông để nghiên cứu phương án đầu tư mới phù hợp quy hoạch và điều kiện thực tế; chấm dứt hoạt động dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Lạch Tray - Hồ Đông để giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại kéo dài, điều chỉnh các quy hoạch liên quan để chỉnh trang đô thị, đảm bảo ổn định cuộc sống cho nhân dân tại khu vực…Đây là thông tin được nhân dân và cử tri đặc biệt quan tâm vì 2 dự án này kéo dài, đình trệ quá lâu, làm ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống người dân.
Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Văn Lập nhấn mạnh, 6 tháng đầu năm, Hải Phòng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong phát triển KTXH, nhưng nhiều chỉ tiêu kinh tế chủ yếu còn đạt thấp như thu ngân sách, bao gồm cả thu nội địa và thu xuất nhập khẩu; sản lượng hàng qua Cảng... Công tác giải phóng mặt bằng và thi công xây dựng, khánh thành và khởi công các dự án trọng điểm còn chậm. Tiến độ thực hiện chủ đề năm về chuyển đổi số, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu chưa đáp ứng yêu cầu. Đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Do đó, với nghị quyết về phát triển KTXH được HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Văn Lập tin tưởng, Hải Phòng sẽ quyết tâm, kiên định, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2023 ở mức cao nhất.
Những quyết sách mang “hơi thở cuộc sống”
Thực tế phát triển Hải Phòng theo các mục tiêu, chỉ tiêu mà nghị quyết 45 của Bộ Chính trị; nghị quyết đại hội 16 của Đảng bộ thành phố đề ra đòi hỏi thành phố phải làm rất nhiều việc với tinh thần vô cùng khẩn trương, nhanh chóng. Trong đó, có rất nhiều dự án, công việc theo quy trình phải được HĐND thành phố thông qua. Vì thế, các cơ quan của thành phố hối hả chuẩn bị, các Ban HĐND thành phố làm việc liên tục, không kể ngày nghỉ để thẩm tra, thẩm định hồ sơ tài liệu, bảo đảm đáp ứng đầy đủ cơ sở để trình HĐND thành phố thông qua.
Điều người dân và cử tri thành phố Hải Phòng đặc biệt quan tâm là kỳ họp thứ 11, HĐND thành phố khóa 16 đã ban hành các quyết sách “mang hơi thở cuộc sống”. Trong đó nổi bật là nghị quyết về Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với vị thế chiến lược là cửa ngõ chính ra biển của các địa phương miền Bắc, kết nối các tuyến giao thông hàng hải quốc tế, Quy hoạch thành phố Hải Phòng đã xác định mục tiêu, định hướng phát triển đưa Hải Phòng trở thành động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; Hải Phòng phát triển không chỉ vì Hải Phòng mà vì cả khu vực và cả nước theo đúng tinh thần Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị; là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Đặc biệt, Quy hoạch thành phố đã định hướng xây dựng cảng Nam Đồ Sơn; thành lập Khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng gắn với Khu Thương mại tự do ven biển phía nam Hải Phòng; kết nối với đường cao tốc ven biển, sân bay Tiên Lãng nhằm khai thác tiềm năng lợi thế về kinh tế biển, mở rộng không gian phát triển kinh tế, tăng cường liên kết vùng. Do đó, từ nghị quyết của HĐND thành phố, thành phố tiếp tục hoàn thiện và trình các Bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng Chính phủ chính thức thông qua Quy hoạch, tạo thêm những dư địa phát triển vô cùng rộng mở cho Hải Phòng những năm tới.
Cũng là một dấu ấn đáng ghi nhận khi mặc dù có nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng tại kỳ họp này, HĐND thành phố đã thông qua nghị quyết về nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Thủy Nguyên đến năm 2045. Đây là một bước rất quan trọng, là tiền đề, cơ sở để góp phần hoàn thành nhiệm vụ đưa Thủy Nguyên lên thành phố vào năm 2025 theo đúng kế hoạch. Cùng với đó, nghị quyết về Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải đến năm 2045 là bước cụ thể hóa rất quan trọng Quy hoạch chung phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trọng tâm là phát triển các khu công nghiệp.
Dư luận cử tri và nhân dân rất quan tâm, đánh giá cao khi HĐND thành phố thông qua Đề án xây dựng NTM thành phố giai đoạn 2021-2025 bao gồm Kế hoạch xây dựng xã Nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới kiểu mẫu và thành phố hoàn thành nông thôn mới. Đề án kế thừa toàn bộ các mục tiêu, nội dung, chính sách đặc thù, giải pháp thực hiện về xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 14 năm 2021 của HĐND thành phố nhưng bổ sung các tiêu chí phù hợp với bộ tiêu chí quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành; cân đối nguồn lực phù hợp với thực tiễn triển khai sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc hiện nay, tạo đà để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, mang lại những diện mạo mới, cuộc sống mới cho nông thôn Hải Phòng.
Cùng với đó, bằng các nghị quyết cụ thể, HĐND thành phố nhất trí điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2024, tạo cơ sở để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhà nước trên địa bàn thành phố. Đồng thời, điều chỉnh Chủ trương đầu tư dự án xây dựng tu bổ, tôn tạo quần thể di tích Bến K15, quận Đồ Sơn để có cơ sở thực hiện. Đây là công trình nhằm tri ân các anh hùng liệt sỹ, có ý nghĩa cao về di tích, lịch sử, văn hoá, du lịch, giáo dục của thành phố và cả nước.
HĐND thành phố cũng quyết nghị chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng; danh mục các dự án thu hồi đất để phục vụ đẩy nhanh tiến độ GPMB, triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.
Đáng chú ý, với nghị quyết Phân cấp quản lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý của thành phố thay thế Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND thành phố, Hải Phòng tiếp tục phân cấp mạnh mẽ hơn cho các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị nhằm tăng tính chủ động, nâng cao tinh thần trách nhiệm, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính.
Đặc biệt, quyết nghị mức tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công và những trường hợp đặc biệt khó khăn trên địa bàn thành phố nhân dịp Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, Ngày Quốc khánh 2/9 hàng năm với mức quà tặng cao hơn hầu hết các địa phương trên cả nước được người dân đánh giá rất cao. Nghị quyết ban hành là sự bảo đảm tính bền vững của cơ chế, chính sách về an sinh xã hội trên địa bàn thành phố. Nghị quyết càng ý nghĩa hơn khi ban hành đúng dịp tri ân nhân dịp ngày thương binh liệt sỹ 27-7.
Có thể thấy, mỗi quyết sách được HĐND thành phố ban hành đều rất quan trọng, thiết thực, là những định hướng, cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Điều này cũng thể hiện rất rõ sự đổi mới, quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả của HĐND thành phố Hải Phòng khóa 16, được cử tri và nhân dân thành phố ghi nhận, đánh giá rất cao./.
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh