11:25 22/12/2019 Qua khảo sát thực địa, nghe báo cáo kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) trong quần thể di tích Bạch Đằng Giang của Viện Khảo cổ học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đầu ngành Việt Nam đã khẳng định, bãi cọc tìm thấy tại Hải Phòng có niên đại ngàn năm tuổi, gắn với trận Bạch Đằng và có ý nghĩa lịch sử, văn hóa vô cùng to lớn…
Hội nghị báo cáo kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng)
Sau khi khảo sát thực địa vào chiều 20-12, sáng 21-12, các nhà khảo cổ học, sử học hàng đầu Việt Nam đã dự Hội nghị báo cáo kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ trong quần thể di tích Bạch Đằng Giang ở xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng do UBND thành phố Hải Phòng tổ chức tại Trung tâm Hội nghị thành phố.
TS. Nguyễn Gia Đối, Quyền viện trưởng Viện khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và đồng chí Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng chủ trì buổi thảo luận khoa học này. 3 nhóm nội dung được người chủ trì Hội nghị đề nghị tập trung thảo luận, gồm: các chứng cứ về bãi cọc cổ Bạch Đằng, những di tích liên quan lịch sử nhà Trần chống quân Nguyên Mông và vấn đề bảo tồn, phát huy di tích khai quật được.
Hiện trường khai quật của nhóm chuyên gia Viện khảo cổ học Việt Nam
TS. Bùi Văn Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm nghiên cứu khảo cổ học dưới nước, Viện Khảo cổ học: Niên đại cọc gỗ tại cánh đồng Cao Quỳ vào khoảng thế kỷ XIII
Kết quả khai quật di tích bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng, ở 3 hố khai quật trên cánh đồng Cao Qùy, với diện tích gần 1.000 m2, đoàn khảo sát đã đào được 27 cọc gỗ lim cổ.
Dựa vào địa tầng của khu vực này có thể đoán định khu vực xuất lộ cọc là một bãi bồi ven sông, đã bị phủ lấp qua thời gian. Các cọc xuất lộ trong lớp bùn xám có thể được chôn/đóng xuống lớp bùn đen lẫn cát hoặc xuyên qua cả sinh thổ. Trên các cọc có “ngoàm” dùng để luồn dây kéo; đối với cọc to hơn thì “ngoàm” này dùng để gắn thanh gỗ làm bè để dễ dàng di chuyển. Kết quả xác định niên đại C14 của cọc gỗ 3 (hiện lưu giữ tại đình Làng Mai) cho thấy cọc này có niên đại 1.270 AD đến 1.430 AD.
Từ các nhận xét trên, có thể thấy rằng các cọc được đóng/chôn trong khu vực bãi bồi ven sông, phân bố không thẳng hàng và thêm vào đó là kết quả xác định niên đại đã cho thấy các cọc gỗ có thể thuộc bãi cọc được bố trí thành thế trận vào thế kỷ XIII.
PGS.TS. Lê Thị Liên, Nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu khảo cổ học dưới nước, Viện Khảo cổ học: Một thế trận "thiên la địa võng" mà quân - dân nhà Trần đã giăng ra để đánh thắng quân địch, nâng tầm chiến thắng Bạch Đằng lên một tầm mới
Hiểu rằng trận chiến đã được lưu giữ bằng rất nhiều hình thức, chúng tôi đã đã làm nhiều cuộc phỏng vấn, điều tra, nghiên cứu lễ hội. Tuy chưa được nhiều, nhưng chúng tôi đã thu thập được qua những người tâm huyết như anh Thắng… để có tập tài liệu như ngày hôm nay.
Những năm trước, nhiều người còn cảm thấy băn khoăn. Nhiều lần tổ chức tìm kiếm, khảo sát nhưng không thấy cọc. Việc khai quật được bãi cọc lần này giúp các nhà nghiên cứu có được các hướng nghiên cứu mới. Với mức nước sâu, từ 16m đến 18 m thì không thể cắm cọc hết mặt sông, mà đưa vào các lạch triều để gây "tắc nghẽn giao thông" phá địch.
Chúng tôi đã tìm thấy cọc cắm vào các bãi lầy ven sông, cắm dày đến mức chúng tôi coi là "Vạn lý trường thành" dưới nước, không chỉ để tấn công mà còn là phòng thủ. Một thế trận giăng khắp nơi, thiên la địa võng mà quân - dân nhà Trần đã giăng ra để đánh thắng quân địch. Khi thuyền bị ép lại, quân địch nếu nhảy lên bờ cũng sẽ rơi vào trận địa mai phục của quân-dân ta, không thể thoát được. Với quy mô trận địa này, nâng tầm chiến thắng Bạch Đằng lên một tầm mới.
Như thế để nói rằng, trận địa 1288 còn tiếp tục khai quật và nghiên cứu. Bên Đông Triều còn tiếp tục khai quật, phía Hải Phòng cũng phát hiện những chứng cứ quan trọng, thể hiện một trận địa ở khắp nơi...
PGS.TS Bùi Văn Liêm, Tổng Biên tập Tạp chí Khảo cổ học, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia: Thành phố Hải Phòng cần xây dựng hồ sơ để xếp hạng di tích các cấp đối với khu vực phát lộ bãi cọc cổ
Vùng đất Thủy Nguyên nói riêng, Hải Phòng nói chung có nhiều giá trị văn hóa. Tư liệu khảo cổ học tại khu vực này dày đặc, nay chúng ta lại có thêm những tư liệu mới nữa về nhà Trần.
Việc phát hiện 27 cọc gỗ cổ và 21 hố đất đen là những mốc chứng quan trọng để nói lên mối quan hệ với trận chiến Bạch Đằng năm 1288. Ngoài ra, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy nhiều hiện vật bằng sắt có thể liên quan đến công cụ, vũ khí; và các hiện vật bằng gốm khi tiến hành khai quật tại cánh đồng Cao Quỳ. Đó là những tư liệu cực kỳ quý giá, sẽ được bổ sung vào kho tàng lịch sử Việt Nam. Chính vì vậy, thành phố Hải Phòng cần cấp bách có biện pháp bảo vệ để bảo tồn theo đúng quy trình, bảo tồn một cách nguyên vẹn. Cùng với đó, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu để xác minh và phát huy giá trị của những cọc gỗ cổ. Việc cấp bách đặt ra là các ngành chức năng thành phố Hải Phòng cần xây dựng hồ sơ để xếp hạng di tích các cấp đối với khu vực phát lộ bãi cọc cổ.
PGS.TS Doãn Đình Lâm, Viện Địa chất, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam: Ở đây là cả một hệ thống trận địa cọc, không chỉ ở xã Liên Khê
Nghiên cứu về trầm tích học, ở đây có 4 địa tầng từ dưới lên: tầng đất màu vàng (cọc được cắm vào đó), có niên đại cách đây khoảng 80, hay 90 nghìn năm. Tầng màu xám đen, có chỗ xám xanh cách đây khoảng 18 nghìn năm. Đến cách đây 6 - 9 nghìn năm là tầng xám nhạt hơn, hình thành sau khi đánh xong rồi, triều đi rồi để lại dòng sông bị lầy hóa, ngày nay để lại tầng trầm tích lầy tại đây. Và tầng trên cùng, là đất canh tác để lại đến ngày nay.
Tại sao quân Nguyên - Mông chọn vào vùng đất này. Đó là do vùng cửa biển Hải Phòng rộng, chiều sâu lớn nên chiến thuyền mới có thể vào. Ở khu vực này, Hệ thống triều phát triển mạnh, cấp 1, 2, 3, từ các lạch chính phát triển ra các nhánh khác nhau. Những nhánh khác ở xung quanh này nếu chúng ta tiếp tục nghiên cứu sẽ ra các bãi cọc khác nữa.
Khi triều xuống, dòng chảy hút cực mạnh, anh không thể đi đâu mà phải theo dòng triều hút. Dòng triều di chuyển nhanh, 200 đến 300 năm lại chuyển sang chỗ khác để lại những dòng sông chết do triều cổ để lại. Ngày xưa, cọc đã được đánh vào đầm lầy, hoặc vũng vịnh. Một số cọc đảo, do sự phân dị địa hình xưa. Các lạch triều rộng hàng cây số, đáy mấp mô, phần mặt triều cao nhất, các cụ lợi dụng nước để chôn cọc…
Ở đây là cả một hệ thống trận địa cọc, không chỉ ở xã Liên Khê. Tôi đồng tình với ý kiến cắm cọc không phải toàn bộ sông Bạch Đằng mà cắm để thuyền địch không đi vào các rãnh triều, buộc phải đi vào những lạch triều chính. Đây là một quần thể lớn, minh chứng cho một thời gian hào hùng của dân tộc ta. Thành phố Hải Phòng cần xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích …
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam: Trận chiến trải dài cả khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh đến Vạn Kiếp (Hải Dương)
Đây là một cố gắng rất lớn của giới khảo cổ, sử học nhằm minh chứng một thời kỳ hào hùng của dân tộc ta. Các nghiên cứu đã có từ hàng chục năm trước. Khoảng cuối những năm 60, các giáo sư Diệp Đình Hoa, Phan Lệ Doãn đã có công bố công trình khoa học về bãi cọc này. Cũng đã có nhiều phát hiện ở địa phương, như: ở sông Đá Bạc, sông Giá, Trại thiếu niên đã phát hiện ra rất nhiều cọc... Việc phát hiện ra bãi cọc này có giá trị lớn để chúng ta nhìn rõ hơn, đúng đắn hơn, sát thực hơn về trận chiến Bạch Đằng năm 1288, một chiến thắng rực rỡ của dân tộc và có ý nghĩ to lớn với cả thế giới. Việc phát hiện bãi cọc cũng khẳng định những nghiên cứu trước nay của giới sử học khảo cổ là có cơ sở.
Chúng tôi cho rằng, thời điểm diễn ra trận chiến Bạch Đằng, cha ông ta không cắm cọc qua sông Bạch Đằng vì độ sâu lớn, nên chỉ có thể cắm cọc ở hai bên, hoặc ở các lạch triều (sông nhánh) nhưng vẫn đủ độ sâu để thuyền chiến thời đó có thể đi qua, từ đó tìm cách dồn địch vào thế trận ta bày sẵn mà Đền Bạch Đằng hiện nay đúng là trung tâm chiến trường.
Với kết quả này, chúng ta có đủ cơ sở để khẳng định Hải Phòng là trung tâm chuẩn bị chiến trường và cũng là trung tâm của chiến trường. Trận chiến trải dài cả khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh đến Vạn Kiếp (Hải Dương), đây là chiến công của cả dân tộc, chứ không chỉ của xóm làng nào.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội sử học Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Xưa và Nay, thành viên Hội đồng Di sản Văn hóa:
Với sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền địa phương, công tác khai quật, báo cáo kết quả được tổ chức một cách khoa học cho chúng ta một nền tảng tốt để đi tiếp.
Từ lúc phát hiện đến lúc công bố kết quả khai quật, con số 2 tháng là rất nhanh chóng. Chúng ta cũng phải thật sự nghiêm túc, không vội vàng, mà cần mở rộng việc khai quật thêm nữa. Lúc đó có thể tìm được cả một khu di tích cho chiến trận Bạch Đằng, và cần phải bảo tồn di tích, hiện vật một cách khoa học.
Bài toán để phát huy giá trị cũng có thể tính đến việc nghĩ xem cần làm gì ở nơi đây. Là một công viên, hay là khu di tích. Vùng đất khô ráo rồi, vậy xây dựng gì không gian xung quanh. Tại sao ta không xây dựng một rừng lim để nhớ lại cảm xúc của cha ông ta? Tôi nghĩ, đây là một điểm nhấn, một thực địa tốt mà lãnh đạo thành phố có thể triển khai lâu dài, bền vững...
PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa: Các hoạt động xung quanh trận chiến thắng Bạch Đằng đã góp phần làm cho mạch ngầm của hào khí Đông A tuôn chảy mãi mãi
Việc phát hiện ra ra bãi cọc cổ này sẽ giúp các nghiên cứu, nhìn nhận về chiến thắng Bạch Đằng được sâu sắc và hoàn thiện hơn, góp phần chứng minh lịch sử quân sự và nghệ thuật quân sự của cha ông ta. Phát hiện này cũng sẽ góp phần vào sự phát triển văn hóa, kinh tế của thành phố Hải Phòng trong tương lai.
Lãnh đạo thành phố đã có sự quan tâm đặc biệt đến các di sản văn hóa và tôi mong muốn thành phố cần có biện pháp để bảo vệ di tích được phát hiện, có Đề án cụ thể để triển khai sau khi khai quật để giữ gìn được các hiện vật; cần đi từng bước, trên cơ sở vững chắc từ các hồ sơ tư liệu. Khẳng định các hoạt động xung quanh trận chiến thắng Bạch Đằng đã góp phần làm cho mạch ngầm của hào khí Đông A tuôn chảy mãi mãi trong huyết quản người dân Việt Nam.
Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Trận đánh Bạch Đằng có khả năng xếp hạng Di sản thế giới chứ không dừng lại ở Di tích đặc biệt cấp quốc gia
Dưới góc độ quản lý nhà nước, chiến trận Bạch Đằng dù đã được nói nhiều trong sử sách, nhưng phát hiện vật chất chưa nhiều. Việc phát hiện lần này cho thấy, cần có nghiên cứu tổng thể toàn bộ mối liên kết đối với trận đánh Bạch Đằng, nên ý nghĩa của bãi cọc này rất quan trọng. Tôi cơ bản thống nhất với các nhà nghiên cứu, bãi cọc này gắn với trận thủy chiến Bạch Đằng là khá rõ ràng.
Loại hình khảo cổ này, chất liệu hiện vật nằm ở dưới đất nghìn năm, công tác bảo quản khó khăn. Bảo tàng Hải Phòng cần lấp lại, hoặc có hàng rào bảo vệ các hiện vật gỗ khỏi sự ảnh hưởng của không khí, nước... sau khai quật. Sở Văn hóa và Thể thao sớm kiến nghị UBND thành phố đưa bãi cọc này vào danh mục kiểm kê di tích để có đầy đủ pháp lý bảo vệ bãi cọc, bước tiếp theo sẽ là triển khai các thủ tục công nhận di tích lịch sử cấp thành phố, cấp quốc gia. Đề nghị thành phố cho phép chuyển đổi quyền sử dụng đất tại khu vực này để dành đất cho di sản, có biện pháp bảo vệ, không tổ chức các hoạt động khác tại đây để bảo tồn di sản; cùng với đó là nghiên cứu tổng thể, mở rộng phạm vi khảo sát.
Chúng ta cần mở rộng nhận thức về trận đánh diễn ra từ cửa biển đến Vạn Kiếp. Có sự liên kết để chúng ta thấy chiến thắng Bạch Đằng lớn hơn rất nhiều từ chuẩn bị thế nào, đánh ra làm sao? Nên có sự làm việc chung để có đề án tổng thể nghiên cứu toàn diện hơn. Với trận Bạch Đằng, ngăn chặn bước chân của quân Nguyên Mông, có khả năng xếp hạng Di sản thế giới chứ không dừng lại ở Di tích đặc biệt cấp quốc gia. Tôi mong các giáo sư, các viện nên nghiên cứu tổng thể, chứng minh bằng các di sản vật chất.
GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư liên ngành Lịch sử - Khảo cổ - Dân tộc học, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia: Từ việc phát hiện bãi cọc Liên Khê, có lẽ rất nhiều nhận thức của ta về chiến trận Bạch Đằng phải thay đổi, mở ra hướng nghiên cứu mới
Việc 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông đã chứng minh tài năng quân sự của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn và quân dân nhà Trần, là tiền đề để đế chế Nguyên Mông tan rã sau đó. Một đế chế mở rộng được 30 triệu km2 từ Thái Bình Dương sang Địa Trung Hải đã phải dừng bước trước quân dân ta. Chiến thắng được nghiên cứu nhiều lần, đưa vào văn hóa, sách truyện, nhưng vị trí trận chiến chưa thực rõ. Vì vậy, việc phát hiện bãi cọc tại xã Liên Khê có ý nghĩa hết sức to lớn, có lẽ rất nhiều nhận thức của ta về chiến trận Bạch Đằng phải thay đổi, mở ra hướng nghiên cứu mới. Căn cứ từ bãi cọc, có thể mở rộng tìm tàu thuyền, hiện vật ở những khu vực lân cận.
Đề nghị thành phố cần có biện pháp để bảo vệ bãi cọc không bị xâm phạm. Hải Phòng không chỉ thành công về phát triển kinh tế - xã hội mà còn rất quan tâm đến lĩnh vực văn hóa. Trước phát hiện quan trọng này, Hải Phòng cần triển khai ngay biện pháp bảo tồn và phát huy di tích; phải đưa ra khung pháp lý bảo vệ như hoàn thiện các thủ tục để đưa bãi cọc vào di tích cấp thành phố. Bên cạnh đó, phải có cách làm tái hiện lại trận chiến thắng Bạch Đằng trên đất Hải Phòng để giáo dục cho các thế hệ.
Đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng đã phát biểu ghi nhận, tiếp thu các ý kiến của đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện khảo cổ học, các chuyên gia, các nhà khoa học
Yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao khẩn trương triển khai thủ tục công nhận di tích lịch sử cấp thành phố; sớm xúc tiến các thủ tục đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt cho bãi cọc Bạch Đằng tại khu vực cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên; chỉ đạo các sở, ngành chức năng tiếp tục phối hợp với Viện Khảo cổ học và các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát tổng thể trên phạm vi rộng từ khu vực xã Liên Khê dọc theo sông Đá Bạc đến Khu Di tích lịch sử Bạch Đằng Giang, thị trấn Minh Đức để lập quy hoạch và xây dựng Dự án hạ tầng kỹ thuật nhằm khai thác, phát huy giá trị của bãi cọc Cao Quỳ cùng các các di tích trong khu vực.
Đây là một nhiệm vụ quan trọng không chỉ có ý nghĩa lịch sử đơn thuần mà còn có ý nghĩa giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống rất to lớn cả trước mắt và lâu dài; làm tốt sẽ góp phần thúc đẩy và tiếp thêm sức mạnh nội sinh để xây dựng và phát triển thành phố, không chỉ vững mạnh về kinh tế - xã hội mà còn là điểm sáng trong việc phát huy, bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa lịch sử hào hùng của dân tộc.
Bài, ảnh: HẢI HẬU
21:36 22/12/2024
15:48 22/12/2024
15:46 22/12/2024
15:45 22/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết