Cán bộ Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Thái Bình: Thầm lặng xây chiến công

16:37 26/06/2018

Gần 10 năm công tác trong lĩnh vực Kỹ thuật hình sự, từ năm 2009 đến nay, Đại úy Lê Công Thạch - Đội trưởng đội Giám định, Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Thái Bình liên tục đạt danh hiệu chiến sỹ tiên tiến, 3 năm liên tiếp từ 2015 - 2017 đạt chiến sỹ thi đua cơ sở và được tặng thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen của tỉnh và ngành. Nhắc tới anh, mọi người đều có chung một nhận xét: Anh là một giám định viên tận tuỵ, tâm huyết với nghề, ham học hỏi và không lùi bước trước khó khăn.

 

Đại uý Lê Công Thạch đang giám định trong công tác hàng ngày

Tháng 6-2009, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Cảnh sát nhân dân, Đại uý Lê Công Thạch được phân công về phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thái Bình. Ngày đầu công việc đầy khó khăn, bỡ ngỡ, anh đã xây dựng cho mình kế hoạch tự nghiên cứu, học tập để sớm làm quen với môi trường công tác. Từ việc đơn giản đến phức tạp, anh luôn thận trọng thực hiện đúng quy trình. Khi chưa hiểu, chưa rõ anh mạnh dạn gặp gỡ các đồng chí đi trước, có kinh nghiệm để học hỏi. Ngoài ra, anh còn dành thời gian nghiên cứu nâng cao trình độ nghiệp vụ, chính trị và nắm vững các quy định của pháp luật, các văn bản hướng dẫn có liên quan đến công việc, lĩnh vực công tác được giao.

Với phương pháp làm việc khoa học, thận trọng, tỉ mỉ, chính xác, khách quan, nên từ năm 2009 đến nay, Đại úy Lê Công Thạch đã trực tiếp giám định hàng trăm yêu cầu của Công an các đơn vị địa phương trong tỉnh, đảm bảo nhanh chóng, khách quan, đưa ra kết luận chính xác, giúp cơ quan điều tra có đầy đủ căn cứ xác định đúng người, đúng tội, đúng hành vi của đối tượng phạm tội, phục vụ tốt các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

Do đặc thù, tính chất công việc, nên dù nắng hay mưa, đêm hay ngày, mùa đông giá rét cũng như mùa hè nóng bức, mỗi khi có án xảy ra, hay có yêu cầu của các đơn vị nghiệp vụ, anh lại cùng cán bộ, chiến sỹ của phòng Kỹ thuật hình sự có mặt tại hiện trường sớm nhất để khám nghiệm, thu thập, bảo quản các tang chứng, vật chứng và dấu vết của vụ án, giúp Cơ quan điều tra có đủ cơ sở để điều tra truy tìm thủ phạm. Mặc dù áp lực công việc lớn những với tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm đến cùng, nhiều năm qua, Đại uý Lê Công Thạch đã cùng với các đồng đội đã tham gia giám định hàng trăm vụ việc, từ giám định pháp y, giám định ma tuý đến giám định dấu vết dinh học, giám định dấu vết cháy...

Đại úy Lê Công Thạch luôn say mê, tận tụy, ham học hỏi để đáp ứng công tác chuyên môn

Gần 9 năm công tác tại phòng Kỹ thuật hình sự, Đại uý Lê Công Thạch đã tham gia khám nghiệm hàng trăm vụ việc, không ít lần, anh cùng đồng đội phải đón giao thừa trên đường. Đó là vụ việc xảy ra rạng sáng ngày mùng một Tết Nguyên đán Mậu Tuất, trong lúc mọi người đang đón mừng năm mới thì anh cùng đồng đội phải nhanh chóng xuống hiện trường vụ cháy nhà chết người chưa rõ nguyên nhân xảy ra tại xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Khi xuống hiện trường đám cháy vừa mới dập tắt, hiện trường tối om, bên trong còn rất nóng và nhiều khói độc, các bức tường nhà và trần bị nung nhiệt nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Bên ngoài, người nhà của nạn nhân gào khóc thảm thiết.

Với tinh thần trách nhiệm, anh cùng đồng đội đã tiếp cận hiện trường, tìm kiếm nạn nhân bị mắc kẹt tại đám cháy và đưa nạn nhân từ đống đổ nát ra ngoài để tiến hành khám nghiệm tử thi. Qua một ngày khám nghiệm hiện trường thận trọng, tỷ mỉ, khách quan, anh đã cùng đồng đội tìm ra nguyên nhân vụ cháy là do chập điện tại chiếc ô tô khách của gia đình để bên trong nhà. Kết thúc quá trình khám nghiệm ai cùng rất mệt nhưng đã giải toả được nghi ngờ cho gia đình nạn nhân và người dân khu xóm, giúp Cơ quan điều tra xử lý vụ việc một cách chính xác, kịp thời.

Nghe những chia sẻ của Đại úy Thạch cũng mới biết, khó khăn nhất là khám nghiệm tử thi các vụ chết trôi. Người chết đang trong thời kỳ phân huỷ sinh học, đến người nhà nạn nhân cũng phải đứng xa. Yêu cầu đặt ra là phải phẫu thuật toàn diện để xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến cái chết. Có vụ trên người tử thi không có giấy tờ xác định, hoặc đặc điểm nhận dạng không còn để xác định tung tích. Cách duy nhất là thu dấu vân tay để tra cứu, xác định họ là ai, ở đâu. Đại uý Lê Công Thạch cùng đồng đội đã nhiều lần phải lột da đầu các ngón tay của tử thi chụp vào chính ngón tay của minh để lăn, thu dấu vân tay.

Nhiều năm xông pha, lăn lộn với công việc, Đại úy Thạch đã tích lũy được kinh nghiệm dày dặn với vai trò một giám định viên. Anh tâm sự: Hầu hết hiện trường của các vụ án đều bị xáo trộn do rất nhiều nguyên nhân, vì vậy quá trình khám nghiệm hiện trường không chỉ vận dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ mà còn phải kết hợp giữa kiến thức khoa học chuyên ngành với tư duy nhạy bén và kinh nghiệm thực tiễn để phát hiện, thu hồi triệt để các dấu vết, tang vật, giúp Cơ quan điều tra truy tìm theo dấu vết nóng và nhận định chuẩn xác đối tượng.

Điển hình như vụ án mạng xảy ra tại xã Thái Thọ, huyện Thái Thụy vào sáng ngày mùng 1 Tết Đinh Dậu, nạn nhân là bà Đinh Thị Lành, 65 tuổi. Ngay khi nhận được thông tin về vụ án, được sự chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị, Đại uý Lê Công Thạch đã cùng cán bộ, chiến sỹ trong đội nhanh chóng có mặt, phát hiện tại hiện truờng nạn nhân đã tử vong trong tư thế bị điện giật. Căn cứ trên những dấu hiệu bất thường tại hiện trường, tỷ mỉ truy tìm từng dấu vết nhỏ, cẩn trọng đánh giá từng dấu vết qua công tác giám định và khám nghiệm tử thi, anh Thạch đi đến kết luận: Đây là một hiện trường giả, nạn nhân tử vong do bị giết có chủ đích. Từ căn cứ quan trọng trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra "khoanh vùng" và truy bắt hung thủ. Sau 3 ngày đấu trí, trước những lập luận sắc bén và chứng cứ thu được tại hiện truờng, đối tuợng Dương Văn Thà, 36 tuổi, trú tại xã Thái Thọ, huyện Thái Thụy (là hàng xóm của nạn nhân) đã phải cúi đầu khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Không chỉ là một giám định viên tận tuỵ, với cương vị là Đội trưởng đội công tác, Đại úy Lê Công Thạch đã cùng tập thể chăm lo xây dựng đơn vị, thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ, xây dựng mối đoàn kết thống nhất trong đơn vị, quan tâm bồi dưỡng đào tạo cán bộ trẻ, làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ đã phát huy sức mạnh tổng hợp của tập thể, sự năng động, sáng tạo của mỗi cán bộ, chiến sỹ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, chiến sỹ vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Với những cố gắng trong công tác chuyên môn, Đại úy Lê Công Thạch xứng đáng là một giám định viên tận tuỵ, là một điển hình trong phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc" của Công an tỉnh Thái Bình.

Bình Vân – Bùi Dương

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông