17:42 23/04/2019 Đây là nhận định chung của các đại biểu tham dự hội thảo về chính sách đối với lao động nhập cư (LĐNC) tại Hải Phòng do Liên đoàn lao động Hải Phòng vừa tổ chức ngày 19-4. Mong muốn chung của LĐNC trên địa bàn thành phố là được ổn định làm việc trong môi trường tốt, được đào tạo nghề, được hưởng tiền lương và đóng BHXH đúng quy định, có trường học cho con em, các chính sách ASXH được đảm bảo…
Mong muốn chung của LĐNC là được ổn định làm việc trong môi trường tốt (Trong ảnh: Người lao động giờ tan ca tại KCN Nomura)
Chia sẻ về thực trạng LĐNC, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Tống Văn Băng cho biết, Hải Phòng là địa phương có số dân đông thứ ba toàn quốc (sau TP HCM và Hà Nội), với khoảng 2,02 triệu người, trong độ tuổi lao động là 1,2 triệu người.
Toàn thành phố hiện có khoảng 15.225 doanh nghiệp đang hoạt động với trên 506.789 lao động. Số LĐNC chiếm hơn 24% tổng số lao động toàn thành phố, tập trung nhiều nhất ở Khu Kinh tế Hải Phòng.
Trong khi đó, theo ông Trần Văn Huy, Phó giám đốc Sở LĐTB&XH thì phần lớn lao động nhập cư tại Hải Phòng đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh miền Trung từ Nghệ An, Hà Tĩnh trở ra và một phần đến từ các huyện lân cận của tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương.
Lao động nhập cư tập trung nhiều ở các ngành nghề may mặc, giày da, thương mại, dịch vụ, chế biến thủy sản... Nhiều lao động nhập cư là người dân tộc thiểu số. Lao động nhập cư là người nước ngoài khoảng hơn 6.000 người, chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Đáng chú ý, hầu hết lao động nhập cư phải tự thuê phòng trọ ẩm thấp, nóng bức và thiếu ánh sáng để ở, hình thành tự phát quanh các doanh nghiệp lớn và các khu, cụm công nghiệp.
Cũng theo ông Tống Văn Băng, thực tế cho thấy, lao động nhập cư là đối tượng dễ bị tổn thương, nhất là lao động nữ. Họ phần lớn làm việc trong điều kiện vất vả, quá sức; hạn chế học hành và chăm sóc sức khỏe; bị thiệt thòi vì phải sống xa gia đình, thiếu thốn tình cảm. Cuộc sống nhà trọ chật chội, không đủ điều kiện chăm sóc con cái, mất nhiều chi phí ăn ở, nên không tiết kiệm được nhiều, ít có thời gian nghỉ ngơi, đi lại khó khăn…
Do đó, mong muốn chung của lao động nhập cư là được ổn định làm việc trong môi trường tốt, được đào tạo nghề, được hưởng tiền lương và đóng BHXH đúng quy định, có trường học cho con em.
Liên quan đến vấn đề, Đại tá Đào Quang Trường, Phó Giám đốc CATP cho hay: LĐNC thường xuyên thay đổi chỗ ở và nơi làm việc, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc nắm tình hình, quản lý lưu trú trên địa bàn. Nhiều khu nhà trọ trở thành những địa điểm phức tạp với các tệ nạn như quấy rối nữ công nhân, cờ bạc, tín dụng đen, trộm cắp, lừa đảo.
LĐNC cũng ít có điều kiện để tiếp cận với đời sống văn hóa tinh thần, thông tin nghe nhìn, sách báo. Khi thực hiện các dịch vụ liên quan đến thủ tục, giấy tờ như giấy khai sinh, chứng thực tại nơi cư trú và com em LĐNC còn gặp khó khăn khi tham gia các nhóm trẻ, trường mầm non, tiểu học.
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Thuật nhấn mạnh, để tạo điều kiện cho LĐNC có môi trường sống và làm việc tốt, các cấp Công đoàn thành phố cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, có chế độ chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho LĐNC, cụ thể như về giá điện, nước, nhà trẻ; quan tâm và tham gia với chính quyền địa phương trong việc xây dựng nhà trẻ, khu vui chơi, đảm bảo môi trường sống lành mạnh cho LĐNC.
THỦY NGUYÊN
23:15 11/01/2025
11:33 10/01/2025
20:58 14/12/2024
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ
Chuyên mục Nghị định 154/CP: Quy định về giấy tờ, tài liệu, thông tin chứng minh chỗ ở hợp pháp
Công an quận Hồng Bàng phối hợp kiểm tra, xử lý 7 trường hợp vi phạm nồng độ cồn
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh