15:29 09/11/2024 UBND huyện An Dương đang triển khai hỗ trợ bằng tiền cho các hộ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do bão số 3. Tuy nhiên, khó khăn không chỉ ở hạn hẹp về nguồn kinh phí hỗ trợ mà ngay cả quy định ban hành xem ra cũng chưa phù hợp với tình tình thực tế địa phương…
Thiệt hại không hề nhỏ
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Dương, bão số 3 và lụt do mưa hoàn lưu sau bão gây ra thiệt hại cho lớn sản xuất nông nghiệp địa phương.
Cụ thể, thiệt hại về cây trồng và hoa màu gồm: 900 ha lúa vụ mùa (trong đó có 101 ha bị thiệt hại hoàn toàn trên 70%; 144 ha bị thiệt hại rất nặng từ 50-70%; 258 ha bị thiệt hại từ 30-50%; 393 ha bị thiệt hại một phần dưới 30%). Diện tích rau màu hè - thu bị ảnh hưởng 457,25 ha.
Trong đó có 183,2 ha bị thiệt hại hoàn toàn trên 70%; có 202,09 ha bị thiệt hại rất nặng từ 50-70%; có 67 ha bị thiệt hại từ 30%-50% và 4,96 ha bị ảnh hưởng dưới 30%).
Diện tích hoa cây cảnh bị ảnh hưởng là 580 ha (gồm: đào 365 ha, quất 80 ha, hoa, cây cảnh các loại 135 ha, bị nghiêng, gãy đổ, bật gốc, tước cành lá). Trong đó, số bị thiệt hại hoàn toàn (trên 70%) là 174.499 cây; có 80.841 cây bị thiệt hại từ 50- 70%; có 24.381 cây bị thiệt hai từ 30%-50%; 46.039 cây bị thiệt hại dưới 30%.
Số này tập trung ở các xã Đặng Cương, Đồng Thái, Lê Lợi, Hồng Thái, Quốc Tuấn, thị trấn An Dương, Tân Tiến. Diện tích cây lâu năm bị ảnh hưởng rất nặng là 189,09 ha, ảnh hưởng nghiêm trọng là 237,82ha.
Đối với chăn nuôi, bão số 3 làm chết 81.959 con gà, vịt, ngan và gần 100 con lợn. Hầu hết chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đều bị tốc mái, trang thiết bị chăn nuôi bị hư hỏng. Diện tích thủy sản bị ảnh hưởng là 90,62 ha (thủy sản bị ngập lụt, bị thiệt hại từ 30-70%). Ước tổng thiệt hại về nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản khoảng gần 400 tỷ đồng.
Khó khăn về nguồn hỗ trợ, vướng về quy định…
Về công tác hỗ trợ các hộ dân sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do bão số 3. Đến nay, huyện An Dương nhận được nguồn hỗ trợ (đợt 1) của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố là 3,04 tỷ đồng. Tronh đó, địa phương phân bổ 1,04 tỷ đồng hỗ trợ xây, sửa nhà cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó.
Số tiền 2 tỷ đồng còn lại huyện An Dương dự kiến chi cho hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại về nông nghiệp. Hiện nay, Uỷ ban MTTQVN huyện An Dương đang cùng với Phòng Nông nghiệp và PTNT đang hoàn thiện hồ sơ để tổ chức phân bổ kinh phí cho các hộ dân bị thiệt hại nặng về sản xuất nông nghiệp theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ.
Tuy nhiên, theo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn An Dương, đến nay, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh (Nghị định số 02) không còn phù hợp với tình hình thực tế sản xuất nông nghiệp nữa. Ví dụ rõ nét nhất đó là quy định về Đối tượng hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục hỗ trợ, thống kê, xác nhận thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra... đã cũ và lạc hậu so với sự phát triển.
Cụ thể, một số loại hình thiên tai đã thay đổi, bổ sung theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Việc quy định hỗ trợ với các loại dịch bệnh và công bố dịch cũng chưa phù hợp. Vì lẽ, hiện nay, chỉ có một số loại dịch bệnh, dịch hại thực vật thuộc danh mục buộc phải công bố dịch theo pháp luật chuyên ngành nhưng thực tế xảy ra nhiều loại dịch bệnh khác khiến các hộ sản xuất phải tiêu hủy vật nuôi, cây trồng nhưng lại chưa đủ điều kiện để công bố dịch. Nghị định ban hành từ năm 2017, do đó một số khái niệm về cây trồng, vật nuôi chưa phù hợp với các luật mới ban hành dẫn đến vướng mắc trong triển khai.
Đặc biệt, mức hỗ trợ đến nay đã trở nên “lạc hậu” trong khi chi phí sản xuất, giá thị trường đã tăng rất nhiều so với trước. Ví dụ, chi phí trồng, chăm sóc 1ha lúa thuần hiện là 35 - 40 triệu đồng nhưng khi bị thiệt hại trên 70% thì chỉ được hỗ trợ 2 triệu đồng/ 1ha, tương đương 72.000 đồng/sào, mức hỗ trợ đối với cây trồng là quá thấp.
Một số loại cây trồng như: hoa, cây cảnh có giá trị kinh tế rất cao trên 1 ha canh tác nhưng chưa được quy định cụ thể mức hỗ trợ, chưa có quy định hỗ trợ đối với sản xuất công nghệ cao, nhà kính, nhà lưới,…dẫn tới khó khăn trong công tác hỗ trợ khôi phục sản xuất.
Cùng với đó là một số thủ tục hỗ trợ còn phức tạp, không phù hợp thực tế nên chưa triển khai được đến một số đối tượng, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp. Nghị định số 02 quy định trình tự thủ tục, thời gian hỗ trợ thiệt hại chưa hợp lý. Cụ thể, cơ sở sản xuất nộp hồ sơ cho UBND cấp xã. Tiếp đến, UBND cấp xã xem xét và trả lời về tính hợp lệ của hồ sơ; thẩm định hồ sơ trong 30 ngày, hoặc kéo dài không quá 60 ngày; niêm yết công khai trong thời hạn 5 ngày làm việc.
Sau đó, UBND cấp xã gửi hồ sơ cho UBND cấp huyện trong vòng 3 ngày làm việc và UBND cấp huyện ban hành quyết định hỗ trợ trong vòng 30 ngày. Điều này có thể dẫn tới tình trạng từ thời điểm UBND cấp huyện ban hành quyết định hỗ trợ đến khi tiền hỗ trợ đến tay cơ sở sản xuất bị kéo dài, không xác định thời hạn. Hơn nữa, tổng thời gian để thực hiện tất cả công đoạn trên tương đối dài, có thể lên đến 70 ngày hoặc hơn, như vậy chưa phù hợp với mục đích hỗ trợ là giúp cơ sở sản xuất nông nghiệp sớm khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh.
Theo kiến nghị của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Dương, việc nâng mức hỗ trợ với cây trồng, cây lâm nghiệp, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối bị thiệt hại lên 1,33 - 3,7 lần so với trước. Thành phần hồ sơ cũng được đơn giản hóa, cơ sở sản xuất chỉ phải nộp đơn đề nghị hỗ trợ theo cả hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính. Đặc biệt là cần bổ sung quy định thời hạn từ khi ban hành quyết định hỗ trợ đến khi chi trả thực tế; đồng thời nghiên cứu rút ngắn thời hạn xử lý thủ tục hành chính để tăng hiệu quả chính sách./.
Đoàn Lanh
15:20 02/01/2025
19:11 30/12/2024
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh
CATP Hải Phòng chủ động bảo đảm an toàn Lễ Giáng sinh năm 2024