09:47 11/09/2022 Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của UBND TP cũng như sự vào cuộc của các sở, ngành, địa phương liên quan, việc tổ chức di dời, giải tỏa hoạt động nuôi ngao không phép đang được triển khai quyết liệt. Nhưng cũng từ vụ việc này, đã phát lộ không ít bất cập trong việc quản lý khai thác nguồn lợi bãi bồi, mặt nước ven sông, ven biển, tồn đọng từ lâu và để lại nhiều hệ lụy.
Hải Phòng có chiều dài bờ biển khoảng 125km, là có nhiều cửa sông ra biển với mật độ thuộc diện cao nhất tính trong 28 địa phương ven biển của cả nước. Quỹ đất ngập nước ven biển của thành phố rộng tới 24,58 nghìn ha, bao gồm các vùng đất ngập triều với gần 20 nghìn ha, ngoài ra, còn có các bãi bồi cát không ngập triều.
Chưa kể tới 24 nghìn ha mặt nước của những cửa sông, luồng lạch, tùng, áng, vũng, vịnh... (gọi chung là vùng bãi bồi, mặt nước) mang lại lợi thế ưu đãi phát triển đa ngành.
Tuy nhiên, trong một thời gian khá dài, việc khai thác nguồn lợi bãi bồi, mặt nước chủ yếu được thực hiện dưới góc độ nông nghiệp, bao gồm cả ngư nghiệp. Cụ thể, ở những vùng bãi bồi ven sông từ rất lâu đã hình thành các vùng trồng cói, trồng lúa một vụ hoặc nuôi thả thủy sản.
Từ thực trạng này, cùng một tính chất khác nhau nhưng việc phân loại, quản lý ở mỗi địa phương cũng khác nhau, có nơi xác định đây là diện tích đất nông nghiệp, được giao cho hộ nông dân khai thác, nhưng cũng có nơi gọi tên là đất bãi bồi nửa hoang, nửa hóa, được quản lý khai thác dưới dạng thầu khoán.
Điều này đã dẫn đến cách thức áp dụng các quy định của pháp luật khác nhau và tạo ra sự thiếu thống nhất trong hiệu quả khai thác. Ví dụ từ một vụ việc khá nhạy cảm diễn ra cách đây đúng 10 năm ở xã Vinh Quang (Tiên Lãng), cho thấy một diện tích rộng hơn 40ha khi được giao chỉ đem lại nguồn thu hơn 10 triệu đồng/năm cho ngân sách.
Trong khi cùng thời điểm, cùng diện tích và cùng tính chất đất tương tự ở huyện Kiến Thụy, được khai thác dưới dạng thầu khoán, ngân sách địa phương thu được hàng trăm triệu đồng/năm. Có lẽ chính vì cách thức chưa thống nhất, nên khi nhà nước cần thu hồi quỹ đất phục vụ các mục tiêu phát triển khác, việc giải phóng mặt bằng đã gặp không ít trở ngại.
Có thể nói, chỉ nhìn vào việc khai thác nguồn lợi thủy sản, các vùng bãi bồi, mặt nước nói chung đã đem lại lợi nhuận khá lớn và ngày càng trở thành phổ biến. Tại Hải Phòng, vùng mặt nước nhiễm mặn chủ yếu được sử dụng nuôi thả cá lồng bè, trồng rau câu như ở huyện Cát Hải, khoanh vùng thả tôm, cua như ở các quận Hải An, Dương Kinh...
Và khoảng 20 năm trở lại đây thêm việc phát triển nuôi ngao dọc bãi biển. Còn các vùng bồi, mặt nước ngập lợ sâu trong đất liền, hầu hết được giao thầu để khai thác thủy sản nước lợ tự nhiên, theo niên hạn 5 năm/lần. Một số diện tích khác được khoanh vùng cải tạo nuôi thả thủy sản nước ngọt.
Do chênh lệch về nguồn lợi, nhiều diện tích được giao cấy lúa của các hộ dân vì kém hiệu quả đã được sang tay tập trung diện tích vào các chủ thầu, nhưng các giao dịch cũng cơ bản tự phát, vượt ngoài tầm kiểm soát.
Chưa kể trong quá trình khai thác, có nhiều biểu hiện phát sinh tiêu cực trong quá trình mở thầu hoặc lập dự án trá hình để dễ bề ”lách luật” nhằm kéo dài thời gian sử dụng đất và mặt nước. Dẫn đến, không những tạo ra sự bất bình đẳng trong việc khai thác sử dụng, mà còn làm thất thoát một nguồn kinh phí không nhỏ của ngân sách.
Những năm gần đây, quá trình phát triển mạnh mẽ của các công trình dự án cũng như nhiều ngành kinh tế khác, đã phát lộ một nguồn lợi khác từ các vùng bãi bồi ven sông, ven biển của Hải Phòng, đó là tài nguyên cát. Như đã nói ở trên, Hải Phòng là nơi tập trung gần chục cửa sông lớn ra biển, hàng năm có một lượng cát khổng lồ theo các dòng lũ ngưng tụ thành các mỏ lớn.
Từ lâu, việc khai thác cát đã được thực hiện, nhưng cũng một phần không nhỏ do các hoạt động tự phát của những chủ tàu, tạo ra không ít bức xúc liên quan đến công tác quản lý cũng như ANTT. Bởi việc khai thác cát ngoài quy hoạch đã tạo xung đột với các hoạt động khai thác khác.
Trở lại với những vấn đề liên quan đến hoạt động nuôi ngao, theo một số liệu thống kê, TP Hải Phòng có trên 3.000 hộ sống bằng nghề nuôi thả, khai thác thủy sản ven bờ. Riêng vùng bãi ngập nước ven biển phân bố từ huyện Cát Hải đến huyện Tiên Lãng, liên quan đến 6 quận huyện, đã được người dân khai thác nuôi ngao từ khoảng 20 năm nay.
Có thể nói, nghề nuôi ngao phát triển rất mạnh, có những vùng như huyện Kiến Thụy đã thành lập cả Hội nuôi ngao, cho thấy quy mô của loại hình này trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, như đã đề cập, việc nuôi ngao cũng hầu hết là hoạt động tự phát, mà do trình độ quản lý, do trách nhiệm lơi lỏng hoặc vì những nguyên nhân khác mà chính quyền cơ sở đã để quá trình này trượt khỏi pháp luật.
Thậm chí có cả sự cảm tính, khi ở nhiều địa phương chính quyền cơ sở dù chưa đủ thẩm quyền, vẫn ban hành các văn bản như giao diện tích, cho thí điểm, hỗ trợ kỹ thuật... khiến nhiều người ngộ nhận cho rằng việc khoanh vùng, lập bãi nuôi thả ngao là hợp pháp, đúng với chủ tương, chính sách?
Chính vì thiếu thống nhất, buông lỏng trong quản lý nên trong nhiều năm qua khu vực này đã xuất hiện không ít bất ổn về ANTT, cơ quan chức năng đã xử lý nhiều vụ việc liên quan đến việc tranh chấp bãi nuôi thả cũng như quá trình khai thác, tiêu thụ sản phẩm và những hệ lụy liên quan khác.
Nhưng điều đáng nói, cũng từ việc quản lý thiếu thống nhất, có cả biểu hiện thiếu trách nhiệm và không loại trừ biểu hiện tiêu cực, nên dù nguồn lợi khai thác từ bãi bồi, mặt nước ven sông, ven biển trên địa bàn rất lớn, nhưng hiệu quả đóng góp vào ngân sách không tương xứng. Mặt khác, hoạt động khai thác nguồn lợi này cũng chủ yếu tập trung vào một bộ phận dân chúng, chứ không phải đại chúng Nhân dân, nói cách khác là nhóm lợi ích cục bộ.
Càng bất cập hơn, khi thành phố cần thực hiện các kế hoạch, công trình, dự án phát triển liên quan, quá trình triển khai rất phức tạp, mất nhiều nguồn lực, thậm chí tốn kém gấp nhiều lần những gì thu được từ cả quá trình khai thác nêu trên. Rõ ràng đây là điều hết sức bất cập, mà việc di dời, giải tỏa hoạt động nuôi ngao đang diễn ra chỉ là một ví dụ.
Thiết nghĩ, trên lộ trình mới, có nhiều hướng phát triển kinh tế - xã hội được đặt ra, việc lựa chọn dạng hình nào ưu việt hơn là điều cần thiết, việc thay thế phương thức khai thác, sản xuất cũng là lẽ đương nhiên.
Nhưng quan trọng là, công tác quản lý khai thác phải được đặt lên hàng đầu mới gặt hái được hiệu quả, trên nguyên tắc vì lợi ích chung của cả cộng đồng. Và điều cần thiết lúc này, có lẽ rất cần một đợt tổng rà soát công tác quản lý, khai thác bãi bồi mặt nước ven sông, ven biển trên địa bàn thành phố.
Vừa dọn đường cho công cuộc phát triển, nhưng cần hơn là siết chặt kỷ cương, phép nước, đưa mục tiêu phát triển vào đúng quỹ đạo, hướng tới bền vững.
Lê Minh Thắng
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết