Căng thẳng thương mại đe dọa liên minh quân sự

21:37 03/10/2019

Hàn Quốc tuyên bố hủy bỏ GSOMIA (Thỏa thuận an ninh chung về Thông tin quân sự) mà Seoul và Tokyo ký kết năm 2016. Đây là cơ chế chia sẻ thông tin tình báo rất quan trọng trong bối cảnh địa chính trị Đông Bắc Á luôn phức tạp.
Mỹ sẽ đóng vai trò trung gian trong chia sẻ thông tin quân sự giữa Hàn Quốc và Nhật Bản

Tranh chấp thương mại giữa hai quốc gia Đông Bắc Á bắt nguồn từ vấn đề lao động Hàn Quốc bị Nhật Bản cưỡng ép từ chiến tranh thế giới thứ 2 đang leo thang căng thẳng, khiến thỏa thuận quân sự giữa Seoul và Tokyo đổ vỡ. Đó là hiệp ước chia sẻ thông tin quân sự (GSOMIA) - biểu tượng hiếm hoi của niềm tin giữa hai nước, cũng như nền tảng cho hợp tác an ninh ba bên liên quan đến Mỹ.

Ngày 5-8 vừa qua, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, Seoul thận trọng xem xét khả năng hủy bỏ Thỏa thuận an ninh chung về thông tin quân sự với Nhật Bản liên quan tới biện pháp hạn chế xuất khẩu mà Nhật Bản sử dụng đối với Hàn Quốc. Tiếp đó, ngày 22/8, cũng với lý do trên, Hàn Quốc đã công bố quyết định rút khỏi Hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản, với viện dẫn có “sự thay đổi lớn” về các điều kiện an ninh.

Theo đó, phủ Tổng thống Hàn Quốc cho rằng, hoạt động trao đổi thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản không đáp ứng “các lợi ích quốc gia” của nước này. Hàn Quốc có kế hoạch thông báo với phía Nhật Bản về quyết định rút khỏi Hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản trước thời hạn chót vào ngày 24/8 thông qua một kênh ngoại giao.

Trong khi đó, ngay sau khi Hàn Quốc quyết định rút khỏi Hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo quân sự, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã triệu Đại sứ Hàn Quốc tại Tokyo Nam Gwan Pyo nhằm phản đối Hàn Quốc. Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho rằng, quyết định của Hàn Quốc là “hoàn toàn sai lầm” và “cực kỳ đáng tiếc”; đồng thời khẳng định, động thái trên của Hàn Quốc cho thấy “hoàn toàn hiểu sai tình hình an ninh tại Đông Bắc Á trong bối cảnh Triều Tiên gần đây liên tiếp phóng thử tên lửa”.

Một quan chức cấp cao của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) cũng nhấn mạnh, quyết định của Hàn Quốc tuy không gây ra hậu quả nghiêm trọng, bao gồm cả việc ứng phó với các vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên, do Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) có hệ thống chia sẻ thông tin vững chắc với quân đội Mỹ. Tuy nhiên, việc Hàn Quốc rút khỏi Hiệp ước chắc chắn sẽ tác động tiêu cực tới việc trao đổi và liên lạc giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) và quân đội Hàn Quốc.

Đối với Mỹ, việc Hàn Quốc chấm dứt tham gia Hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) cũng khiến Mỹ quan ngại, bởi Mỹ rất muốn tăng cường hợp tác với hai đồng minh Đông Bắc Á để thúc đẩy sự ổn định trong khu vực trong bối cảnh mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên vẫn chưa chấm dứt.

Tuy nhiên, theo Phủ Tổng thống Hàn Quốc, mặc dù chấm dứt chia sẻ tin tức tình báo trực tiếp với Nhật Bản thông qua GSOMIA, giờ đây, nước này vẫn sẽ hợp tác với Nhật Bản trong thông tin quân sự, thông qua thỏa thuận chia sẻ thông tin ba bên, trong đó Mỹ đóng vai trò trung gian.

Quyết định chấm dứt GSOMIA của Hàn Quốc đã gây lo ngại cho Mỹ và Nhật Bản, đe dọa cấu trúc liên minh Mỹ - Nhật Bản và Hàn Quốc trong bối cảnh địa chính trị Đông Bắc Á thường xuyên “báo động đỏ”. Bởi ngay khi Hàn Quốc thông báo chấm dứt GSOMIA không lâu, ngày 2-10, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo cho biết nước này đã đề nghị Nhật Bản chia sẻ thông tin về việc Bắc Triều Tiên có thể đã vừa phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm.

Theo giới phân tích và dư luận, cả Tokyo và Seoul chắc chắn sẽ phải sớm có sự nhượng bộ lẫn nhau bởi hai quốc gia đều là đồng minh của Mỹ, đều có vai trò trong trung tâm kinh tế và an ninh khu vực.

Trần Hoàng tổng hợp

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông