06:28 17/03/2018 Hải Phòng, nơi 5 cửa sông ra biển lớn, là thành phố có hệ thống đường thủy nội địa huyết mạch đan xen với luồng hàng hải. Sự phát triển kinh tế - xã hội đột biến những năm gần đây, trong đó có việc liên tục xây dựng những cây cầu lớn vượt sông đã góp phần mở rộng đô thị Hải Phòng vươn mình lên tầm cao mới. Cùng với nỗ lực chung đó, CBCS phòng cảnh sát đường thủy đã chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo tuyệt đối an toàn các tuyến đường thủy trên địa bàn thành phố...
Công trình thi công cầu bắc ngang sông Cấm
Nguy cơ tiềm ẩn
Tháng 7-2017, sau gần 2 tháng đạt kỷ lục về tốc độ thi công, cầu vượt sông Tam Bạc dài 130m (cả đường dẫn là 178m), rộng 26,4m, độ cao thông thuyền 5,5m, trọng tải 18 tấn, chính thức khánh thành và đi vào hoạt động, nối liền dải trung tâm thành phố với khu dân cư Hạ Lý phía bên kia sông Tam Bạc. Đây là nghĩa cử của Cty TNHH Sơn Trường xây tặng nhân dân thành phố, góp phần chỉnh trang đô thị Hải Phòng.
Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy nửa năm, đến tháng 1-2018, tàu TB 1626 lưu thông trên sông Tam Bạc đã đâm vào trụ cầu Tam Bạc khiến cột trụ B8 bị xô nghiêng, ảnh hưởng đến an toàn cây cầu. Nguyên nhân gây sự cố được đánh giá cao độ thông thuyền thấp (5,5 m), trụ đỡ cầu đóng dày đặc khó đảm bảo mật độ và độ lớn phương tiện qua lại khu vực này. Đây là một trong những điểm tiềm ẩn nguy cơ gây mất TTATGT đường thủy trên địa bàn Hải Phòng.
Đánh giá về nguy cơ tiềm ẩn từ các công trình ngang sông, Đại tá Nguyễn Văn Quân, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy CATP cho biết, Hải Phòng hiện có tổng số 35 công trình vượt sông, trong đó có 22 cầu và 13 công trình điện, cáp thông tin. Đặc biệt, một số công trình nguy cơ tiềm ẩn khá cao, như:
Khu vực cầu Bạch Đằng nối liền Hải Phòng với Quảng Ninh bắc qua sông Cấm, tại khu vực ngã 3 sông Cấm và sông Bạch Đằng, đây là khu vực ngã ba sông, đan xen giữa luồng hàng hải và đường thủy nội địa, nơi có nhiều cảng biển, bến bãi, phương tiện thủy đa dạng và phức tạp nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy;
Khu vực cầu Tân Vũ - Lạch huyện cắt ngang luồng Nam Triệu nối liền từ Đình Vũ sang Cát Hải. Đây là cửa biển, nơi ra vào của tàu sông biển và tàu cá đánh bắt xa bờ khi thủy triều lên tạo thành dòng chảy lớn, cửa luồng hẹp nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông giữa phương tiện thủy với công trình vượt sông;
Cầu Thượng lý, cầu Tam Bạc, cầu xe hỏa bắc qua sông đào 3km200 là những công trình có độ cao tĩnh không thấp dễ xảy ra va chạm giữa phương tiện và cầu;
Khu vực ngã 3 sông Cấm - sông đào 3km200, vòng cua gấp, khuất tầm nhìn ảnh hưởng tới quan sát của các phương tiện khi tham gia giao thông;
Các tuyến cáp thông tin và cáp điện cao thế trên sông Cấm tại km 2,5; km 4,1, km 7,5 và đường dây điện cao thế ngầm (phao số 52) tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT;
Các tuyến cáp điện cao thế tại km6+500, đường ống dầu ngầm tại km 6+600, km 7+700. Có các đoạn cong tại km 2+200; km 3; km 5+500; km 8 với bán kính cong từ 350 đến 525m...
CBCS Thủy đội 2, Phòng Cảnh sát đường thủy bàn phương án bảo vệ ANTT với chủ bến phà Máy Chai- An Lư
Căng mình đảm bảo an toàn đường sông
Chiều 12-3, theo chân các chiến sỹ Thủy đội 2, phòng Cảnh sát đường thủy, chúng tôi lên xuồng cao tốc xuất phát theo đường thủy xuôi từ bến Bính về phía công trường thi công cầu Hoàng Văn Thụ. Xa hơn về phía biển là cầu Bạch Đằng sau này sẽ nối liền tuyến đường cao tốc từ Hà Nội qua thành phố Hải Phòng đến với tỉnh Quảng Ninh.
Những công trình cầu sừng sững mọc lên sông Cấm, lần lượt sẽ thay thế những bến phà qua sông hiện nay. Ông Trần Văn Hưng, người quản lý bến phà Máy Chai - An Lư chia sẻ, hiện nay đơn vị đang duy trì 4 chuyến/giờ, mỗi ngày chừng 37, 38 chuyến phà để đưa công nhân từ Hải Phòng sang khu công nghiệp VSIP và đưa nông dân từ Thủy Nguyên sang Hải Phòng bán nông sản. Thời gian gần đây, tuy nông dân Thủy Nguyên đã chuyển sang đi đường bộ khiến bến phà mất lượng khách không nhỏ song họ vẫn phải đảm bảo các chuyến theo giờ.
“Cái khó” của người lái phà giữa khu ngã ba sông, vừa là luồng sông lại có một phần luồng hàng hải, khiến mỗi lần gặp tàu cỡ lớn đi qua chiếc phà sông long lay như chiếc lá, khó điều khiển tránh cấp tốc. Không chỉ lo sau này sẽ “mất việc”, mà ngay quá trình xây cầu ngang sông cũng khiến công nhân bến phà khó trong đảm bảo an toàn mỗi chuyến...
“Nhờ sự tuyên truyền khéo léo, hướng dẫn tận tình, còn có cả sự giúp đỡ của những cán bộ, chiến sỹ cảnh sát đường thủy, chúng tôi vẫn đảm bảo an toàn, không xảy ra mất an ninh trật tự trên những chuyến phà”, ông Hưng nói.
Thượng úy Bùi Đức Luật, Thủy đội trưởng Thủy đội 2 cho hay, địa bàn do đơn vị phụ trách hiện đang có 2 công trình cầu đang thi công là cầu Bạch Đằng và cầu Hoàng Văn Thụ. Đây là những công trình có ý nghĩa lớn lao trong sự phát triển kinh tế xã hội, phục vụ đời sống dân sinh của thành phố Cảng.
Để đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông trên sông, cán bộ chiến sỹ Thủy đội 2 đã tập trung công tác tuyên truyền cho các công nhân lái phà làm chủ tốc độ, cách phòng tránh những va chạm, lấn luồng với các phương tiện lớn; cùng với đó, kiên quyết xử phạt những lỗi vi phạm gây mất TTATGT đường thủy; đặc biệt là đẩy mạnh phòng chống tội phạm khi các công trường đang thi công trên sông...
Vẫn theo Đại tá Nguyễn Văn Quân, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, chung tay góp sức cùng thành phố xây dựng những công trình ngang sông hiện đại, nâng tầm đô thị Hải Phòng, lực lượng Cảnh sát đường thủy đã tập trung nỗ lực tiến hành các biện pháp đảm bảo tốt TTATGT và TTXH trên các tuyến đường thủy Hải Phòng, giảm hẳn phạm pháp hình sự, không xảy ra trọng án, các vụ việc có yếu tố nước ngoài, hoạt động của tội phạm có tổ chức, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và phương tiện hoạt động trên tuyến đường thủy Hải Phòng, giữ vững ổn định ANTT và TTATGT trên đường thủy Hải Phòng.
Cụ thể, năm 2017, đơn vị đã kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm hành hơn 4 tỷ đồng; phối hợp, xây dựng hàng chục phóng sự tuyên truyền về đảm bảo ATGT đường thủy; tham gia 8 đợt điểm tra liên ngành của thành phố, nhắc nhở hơn 100 lượt chủ bến và 600 lượt phương tiện, thuyền viên, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nộp khi bạc nhà nước gần 30 triệu đồng; phối hợp với Phòng 5 - C67 xác định các khu vực phức tạp về TTATGT đường thủy, có nguy cơ tiềm ẩn TNGT cao, để tập trung làm tốt công tác phòng ngừa tai nạn; thường xuyên tổ chức huấn luyện công tác cứu hộ, cứu nạn trên sông biển, phòng chống đuối nước trẻ em...
Qua đó, đơn vị đã phối hợp tốt với các lực lượng chức năng trong đảm bảo TTATGT đường thủy nội địa thành phố, năm qua trên địa bàn thành phố chỉ xảy ra 1 vụ TNGT đường thủy.
Năm 2018 được dự báo thành phố tiếp tục phát triển KTXH mạnh mẽ, lượng hàng hóa qua các cảng biển Hải Phòng tăng cao, cơ sở hạ tầng xây dựng nhiều dẫn đến nhu cầu vận tải lớn. Với lợi thế về giao thông (hệ thống sông ngòi dày đặc, thuận lợi) và kinh tế (chi phí rẻ), loại hình vận tải bằng đường thủy nội địa theo đó cũng sẽ phát triển mạnh.
Để đáp ứng được kịp với sự phát triển đó đòi hỏi các cơ quan chức năng trong đó có lực lượng cảnh sát đường thủy phải có kế hoạch cũng như những chuẩn bị cần thiết để chủ động trong việc bảo đảm TTATGT trên các tuyến đường thủy, góp phần vào sự phát triển của thành phố...
HẢI HẬU
21:23 08/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống ngành Tổ chức xây dựng Đảng (14/10/1930 - 14/10/2024)
Trong 2 ngày, các tổ công tác CATP giúp di chuyển tài sản 133/288 hộ dân tại Nhà A7, A8 Vạn Mỹ
Công an huyện Cát Hải tiếp tế lương thực cho các hộ gia đình bị ngập lụt, cô lập do lụt