16:36 09/02/2016
Cùng các đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lạng Sơn, Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh, đường cao tốc HN - HP sẽ hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc xuyên suốt các vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Bắc, các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng, có ý nghĩa thúc đẩy, hỗ trợ sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng các địa phương trong khu vực và các tỉnh, thành lân cận... “Hạ nhiệt” cho QL5 Tuyến Quốc lộ 5 (QL5) hiện tại dài 93km, có quy mô thiết kế với 2 chiều riêng biệt, mỗi chiều gồm 2 làn xe cơ giới và 1 làn dành cho xe thô sơ; tốc độ tối đa cho phép 80km/h. Đầu năm 1999, QL5 được thông xe, cho phép khai thác bảo đảm khoảng 10.000 xe con quy đổi (CPU) lưu thông/ngày đêm. Dự kiến, đến năm 2019 thì QL5 mới rơi vào trạng thái mãn tải. Thế nhưng chỉ sau hơn 10 năm đưa vào khai thác sử dụng, QL5 đã bị quá tải, bộc lộ bất cập trong tổ chức, quản lý giao thông, gây mất TTATGT và giảm hiệu quả khai thác, thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông. Các chuyên gia ngành vận tải cho rằng, nguyên nhân có tính quyết định “đẩy” QL5 mãn tải sớm hơn dự kiến ban đầu là khi xây dựng nâng cấp cải tạo, cơ quan tư vấn đưa ra những dự báo không chính xác về hàng hóa thông qua cảng biển khu vực Hải Phòng. Khi đó, con số dự báo lượng hàng hóa thông qua cảng biển đến năm 2010 chỉ đạt khoảng trên 8 triệu tấn với mức tăng trưởng bình quân 10 -15%/năm.
Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng đã đạt những con số rất “khủng”. Từ năm 2008, sản lượng hàng hóa thông qua đã tăng 20- 24%/năm. Cụ thể, năm 2010, sản lượng hàng hóa đạt 38,4 triệu tấn với hơn 15.000 lượt tàu. Đến năm 2015, sản lượng hàng hóa thông qua đạt tới con số 73 triệu tấn với trên 21.000 lượt tàu biển các loại ra, vào khu vực cảng, tăng gấp nhiều lần so với con số dự báo khi xây dựng nâng cấp QL5. Hiện tại, QL5 là tuyến huyết mạch, đóng vai trò chính trong việc giải quyết hàng hóa qua cảng biển khu vực Hải Phòng. Theo thống kê, lưu lượng phương tiện giao thông trên các tuyến này xếp vào diện lớn nhất khu vực miền Bắc với 25.000 lượt xe con quy đổi (CPU)/ngày đêm, gấp 2,5-3 lần công suất thiết kế. Đặc biệt, trên các đoạn QL5 kéo dài (Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Văn Linh - Tôn Đức Thắng), trên tỉnh lộ 356, khu vực ngã ba Đình Vũ luôn “oằn” mình gánh gần 80% sản lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu qua hệ thống cảng biển Hải Phòng. Hệ lụy của nó là thiệt hại về kinh tế bao gồm tiền nâng cấp sửa chữa, lãng phí xã hội do ùn tắc giao thông trên tuyến dẫn đến chậm trễ việc vận chuyển hàng hóa, chi phí ùn tắc tại ở các khu vực cảng… Theo tính toán của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, từ năm 2005-2012, cơ quan này và các địa phương trên tuyến QL5 đã đầu tư gần 6.000 tỷ đồng cho việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, tăng cường hệ thống phụ trợ đảm bảo ATGT như: xây thêm cầu vượt dân sinh, làm đường gom với mục đích nâng cao năng lực vận tải trên tuyến QL5. Gần đây nhất, trong 2 năm 2014-2015, ngân sách nhà nước đã chi ra gần 10.000 tỷ đồng cho việc nâng cấp mặt đường, sửa chữa vệt hằn lún bánh xe sau khi nâng cấp; ngay việc khắc phục sự cố đâm va, tai nạn giao thông đối với hạ tầng kỹ thuật giao thông trên dọc tuyến QL5 cũng tiêu tốn cả chục tỷ đồng. Tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam Đường ô tô cao tốc HN-HP được khởi công vào tháng 9-2008 với tổng vốn đầu tư 45.487 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD), do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam đầu tư xây dựng theo hình thức BOT, thời gian thu hồi vốn là 30 năm. Quy mô của dự án là xây dựng đường ô tô cao tốc loại A, tốc độ tối đa 120km/h, chiều dài toàn tuyến là 105,837km (điểm đầu giao cắt với đường vành đai 3 Hà Nội - điểm cuối tại cảng Ðình Vũ, quận Hải An); bề rộng nền đường 33m, gồm 6 làn xe chạy, dải phân cách giữa rộng 1m và 2 làn dừng khẩn cấp.
Toàn tuyến có 39 vị trí giao cắt trực thông (đường ngang) đã được xây dựng hầm chui hoặc cầu vượt); có 10 vị trí nút giao (giai đoạn 1 xây dựng 6 nút) với 9 cầu vượt sông có tổng chiều dài 4.532m; 106 cống dân sinh; 2 trạm thu phí lớn với quy mô 14-16 làn thu phí. Trên tuyến có 1 trạm dịch vụ (tại Hải Dương) và 2 trạm dừng chân (Hải Phòng, Hưng Yên) với tổng diện tích các trạm trên 10.000m2. Ngoài ra, dự án bao gồm 164,8km đường gom hai bên kết nối với các đường dân sinh địa phương và quỹ đất dự trữ phát triển (trước mắt là trồng cây xanh) mỗi bên rộng 20m. Dự án trưng dụng diện tích mặt bằng “khủng”, với khoảng 1.430ha, bao gồm: 115ha đất thổ cư, liên quan đến hơn 2.600 hộ; còn lại 1.325ha là đất nông nghiệp (liên quan đến 35.000 hộ dân) và đất công cộng. Để GPMB tuyến chính, chủ đầu tư đã xây dựng 39 khu tái định cư cùng 49 khu nghĩa trang để di chuyển khoảng 9.000 ngôi mộ; di chuyển 3 đình chùa, 1 đường ống xăng dầu, 9 đường điện cao thế từ 110Kv - 500Kv và hàng trăm đường điện trung, hạ thế. Nói về chất lượng công trình, ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng nghiệm thu nhà nước khẳng định: Đường ô tô cao tốc HN - HP được thiết kế, xây dựng là đường cao tốc loại A, tốc độ thiết kế 120km/h, tiêu chuẩn thiết kế TCVN 5729-1997; hệ thống đường gom (đường giao thông nông thôn) đạt tiêu chuẩn 22TCN 210-92. Dự án có tổng số 68 gói thầu xây dựng và lắp đặt thiết bị chính tuyến. Để hoàn thành tuyến chính đã phải sử dụng khối lượng vật liệu xây dựng rất lớn, lên tới 35 triệu m3 cát, 5 triệu m3 đất và 4 triệu m3 đá. Toàn tuyến có khoảng 84km/l 05,837km nền đất yếu (đầm lầy, bãi bồi ven sông) phải xử lý bằng các biện pháp kỹ thuật như: gia tải trước, giếng cát, bấc thấm, cọc cát đầm chặt, sàn giảm tải. Quá trình nghiệm thu cho thấy đường ô tô cao tốc HN-HP đều vượt các chỉ tiêu kỹ, mỹ, độ đảm bảo an toàn và tiêu chuẩn về môi trường. Đường ô tô cao tốc HN - HP hiện là con đường đẹp và hiện đại nhất Việt Nam. Mở ra cơ hội mới Theo Phó chủ tịch UBND thành phố, Phó chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng Lê Thanh Sơn phân tích: Dự án xây dựng đường ô tô cao tốc HN - HP nhằm hoàn thiện Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cùng các đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lạng Sơn, Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh, đường cao tốc HN - HP sẽ hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc xuyên suốt các vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Bắc, các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng, có ý nghĩa thúc đẩy, hỗ trợ sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng các địa phương trong khu vực và các tỉnh, thành lân cận. Mặt khác, tuyến đường nằm trên tuyến hành lang đường bộ châu Á, ASEAN, nên sẽ góp phần thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa các nước Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) và thỏa thuận hợp tác “Hai hành lang, một vành đai” Việt - Trung, kết nối cảng biển quan trọng phía Bắc Việt Nam với các tỉnh phía Nam Trung Quốc, tạo thuận lợi cho việc tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ, du lịch, giao lưu văn hoá.. Đối với Hải Phòng, đường ô tô cao tốc HN-HP có tầm quan trọng, ý nghĩa đặc biệt hơn: Là trục đường giao thông quan trọng, hiện đại kết nối Hải Phòng với thủ đô Hà Nội, nối liền vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ với cụm cảng biển lớn nhất miền Bắc. Đầu tư Dự án đường ô tô cao tốc HN - HP sẽ phát huy hiệu quả các dự án hạ tầng khác như: Khu vực cảng biển nước sâu Lạch Huyện, Đình Vũ; Cảng Hàng không Quốc tế Cát Bi và các quần thể du dịch Cát Bà, Đồ Sơn, thúc đẩy giao thương, du lịch, dịch vụ và sản xuất trong khu vực phát triển. Đưa đường ô tô cao tốc HN-HP vào khai thác sẽ rút ngắn thời gian lưu thông giữa các tỉnh phía Bắc: từ HN - HP (Cảng Đình Vũ) chỉ còn 1h-1h30 phút, đồng thời giảm tải cho QL5, tiết kiệm chi phí xăng dầu cho các phương tiện, tăng mức độ thuận tiện, đảm bảo an toàn giao thông, giảm tai nạn, ùn tắc giao thông. Các loại xe vận tải nặng, đặc biệt là xe sơ-mi rơ-moóc chở công-ten-nơ siêu trường, siêu trọng có thể chạy thẳng luồng tới cảng biển lớn nhất vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Theo ông Hoàng Văn Tản, Tổng thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng: “Việc đưa đường cao tốc HN - HP vào khai thác, sử dụng là yếu tố quan trọng khi Việt Nam tham gia TPP (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương). Các DN vận tải có thêm cơ hội lựa chọn, tính toán phương án vận chuyển tốt nhất, phù hợp với từng mô hình DN, mỗi đơn hàng, chủ hàng. Hiện nay, đi đường QL5 phí thấp hơn nhưng chậm hơn; ngược lại, đi đường cao tốc thì phí cao hơn nhưng nhanh và an toàn hơn. Trong tình hình cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc có nhiều phương án để lựa chọn là điều kiện tốt cho doanh nghiệp. Đoàn Lanh |
23:14 20/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết