Cây cầu sống nối liền hai bờ sông Hóa

04:39 16/02/2014

 

 

Ông Khương và công việc thầm lặng của mình
Ông Khương và công việc thầm lặng của mình

Không quá khó để chúng tôi tìm được đến nhà ông Trần Văn Khương - người nổi tiếng với dân quanh vùng và đã từ lâu được ví như “cây cầu sống” nối liền đôi bờ sông Hóa (xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Bảo). Giữa những đợt gió lạnh cắt da cắt thịt, người đàn ông vóc dáng nhỏ, gầy vẫn đang lặng lẽ ngồi thu mình trên khoảng đất ven sông, ông lúi húi chặt củi để nhóm bếp, thổi cơm, rồi chốc chốc lại ngó ngiêng nhẩm tính thời gian bọn trẻ đi học về để chuẩn bị đò chở chúng qua sông. Cần mẫn làm công việc lặng thầm và đầy ý nghĩa này đã được hơn 6 năm nay nhưng chưa một lần ông thu tiền đò của người trong xóm…

Những chuyến đò ấm áp tình người

Thôn Lô Đông thuộc xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, có địa hình tự nhiên bị chia cắt bởi dòng sông Hóa. Một phần bị chia cắt đó là Xóm Thượng nằm phía bờ bên kia sông giáp ranh với xã An Khê (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình). Với địa thế gây khó khăn cho việc đi lại, mưu sinh của hàng trăm hộ gia đình ở xóm Thượng, xã đã nhiều lần tổ chức chở đò cho dân qua lại, nhưng cũng chẳng bao lâu những người lái lần lượt trả lại đò cho xã bởi họ không chịu nổi công việc vất vả ngày đêm và khó kiếm ăn. 

Chẳng có đò chở sang sông, người lớn thì bị ảnh hưởng công chuyện làm ăn, thăm đồng, còn trẻ em thì bỏ học giữa chừng là chuyện cơm bữa. Nhất là các cháu lớn phải hàng ngày đạp xe hơn chục cây số lên trường trên thị trấn học thì càng khó khăn, nhiều cháu chuyện học hành bị dang dở. Là người dân xóm Thượng, ông Khương thấu hiểu rõ nỗi nhọc nhằn, lo toan của bà con vùng quê nghèo lam lũ. Thương các cháu học sinh đến tuổi nhưng không được đến trường, ông bàn tính kĩ với gia đình sau bao đêm trăn trở, rồi quyết định nghỉ việc lái tàu chở cát đá trên sông để về quê tình nguyện đưa đò.

Những ngày đầu tiếp quản công việc, ông sử dụng con đò cũ do xã cấp, chèo bằng tay. Thấy vừa vất vả lại tốn thời gian, năm 2009, ông tìm cách mua máy nổ, sửa chữa lại đò để phục vụ bà con nhanh nhất có thể. Dù tự bỏ tiền túi ra để nâng cấp, sửa sang con đò và chấp nhận tốn thêm khoản tiền xăng nhưng ông Khương vẫn vui vẻ chở miễn phí cho người trong thôn. Nếu có “khách lạ” cũng chỉ trả thêm cho ông vài đồng tiền lẻ, chưa đủ để “ngốn” vào tiền xăng dầu.

Gặp gỡ chúng tôi, người đàn ông có nụ cười hồn hậu trải lòng về lựa chọn mà ông chưa bao giờ thấy hối hận: “Động lực duy nhất của tôi là được thấy bọn trẻ học giỏi, chăm ngoan. Thôn xóm dù nghèo đấy nhưng không thể để các cháu bỏ lỡ chuyện học hành. Còn chuyện tôi không lấy tiền của bà con thì cũng không có gì to tát, tôi làm để vui qua ngày thôi”.

Theo lời ông Khương, cứ 4h sáng ông đã dậy để chuẩn bị chuyến đò đầu tiên trong ngày, công việc cứ thể lặp đi lặp lại suôt 6,7 năm ròng, bất kể mưa nắng, giá rét. Có những hôm các cháu đi học thêm tối về muộn tới 9-10h đêm, ông vẫn chẳng ngại thức chờ, đưa về chuyến đò cuối an toàn. Có lẽ bởi vậy mà trẻ con ở xóm Thượng yêu mến ông Khương hết mực. Đối với chúng, ông Khương vừa như một người cha, người chú, vừa như một người bạn mà chúng luôn muốn gặp hàng ngày để cùng nhau kể chuyện, đùa vui.

Ông Khương thích chí kể lại mấy cậu nhóc tiểu học có quà, bánh gì đều nhiều lần đem sang biếu ông, rồi khi được điểm cao, người đầu tiên chúng háo hức chạy tới báo cáo là ông. Sống từng ấy năm trên đời, với ông Khương cảm giác vui sướng và tự hào khi thấy con trẻ xóm Thượng học giỏi, thành tài đã là niềm hạnh phúc không gì sánh được. Thầy cô giáo được ví von là người lái đò đưa học sinh qua dòng sông trí thức. Còn với ông Khương, chẳng cần ví von, ông chính là người trực tiếp đưa lũ trẻ bên xóm nghèo thôn Lô Đông được chạm vào dòng sông tri thức ấy.

Ước mơ về một cây cầu nhỏ

Tình nguyện lái đò không công như vậy đồng nghĩa với việc ông Khương chấp nhận hoàn cảnh khó khăn về kinh tế. Bản thân ông hiện nay sống trong ngôi nhà lụp xụp, dựng tạm bợ ven sông để thuận tiện cho việc chở đò. Tuy vậy, đời sống của lão nông dù nghèo nhưng vẫn chẳng thiếu niềm vui. Ông nuôi thêm vài con gà, con vịt, bán chút đồ lặt vặt để kiếm thu nhập qua ngày, bù vào tiền xăng dầu. Nhà có 3 người con đều đã dựng vợ, gả chồng, đi làm ăn xa, chỉ còn hai vợ chồng ông dựa vào nhau sống qua ngày. Nay vợ ông vẫn ở bên xóm Thượng bận việc đồng áng, mình ông ở phía bờ này lủi thủi một mình tự lo cơm nước, giặt giũ, chăm sóc cho bản thân.

Nhiều người kinh ngạc, vì sao ông chấp nhận cuộc sống “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, vì sao ông không thu tiền của người dân, ông lấy gì nuôi thân?... Ông Khương chẳng bao giờ tranh cãi mà chỉ cười xòa hiền hậu.

Chân dung người lái đò sông Hoá
Chân dung người lái đò sông Hoá

Bên cạnh những niềm vui, chấp nhận lái đò chở người dân hai bên bờ sông cũng chính là lúc ông Khương phải đối mặt với những áp lực căng thẳng. Hơn 50-60 chuyến đò mỗi ngày, từ sáng sớm đến tối muộn khiến ông bận đầu tắt mặt tối. Ông kể: “Nói nghề lái đò này toàn niềm vui thì cũng không hẳn, đôi khi cũng phải trải qua những thăng trầm, va chạm trong nghề thì mới hiểu nỗi khổ của nghề. Có những khi tôi đang ngủ say, có khách gọi đò vẫn dậy phục vụ như thường. Có những lần đang ăn bữa cơm, vừa nhấc bát cơm lên lại có khách gọi. Thời gian cho bản thân hầu như không có. Những ngày mưa gió bão bùng, việc chở đò vất vả lên gấp chục lần”.

Trước kia ông Khương từng đi bộ đội, rồi về làm thuê làm mướn đủ nghề để trang trải cuộc sống. Đến khi về già, lẽ ra được sum vầy bên con cháu nhưng ông vẫn chọn công việc vất vả, sớm nắng chiều mưa để phục vụ, giúp đỡ nhân dân. Tính chất công việc tuy cực nhọc là vậy nhưng ít ai biết được sức khỏe ông Khương khá yếu. Cách đây vài năm, ông từng phải mổ dạ dày cấp cứu trên Hà Nội do bệnh tình phát hiện muộn, 6 tháng sau, do vết mổ vệ sinh không sạch nên ông bị áp xe gan và tràn dịch phổi, lại phải mổ lần thứ hai…

Dù yêu nghề, hết mình vì công việc chở đò nhưng ông Khương vẫn khắc khoải nuôi mơ ước về một cây cầu nho nhỏ bắc qua sông Hóa, phục vụ đời sống nhân dân. Không chỉ là mơ ước của ông, đó còn là niềm hi vọng, ước ao từ bao lâu nay của bà con thôn Lô Đông. Ông Khương vẫn thường nhắc nhở lũ trẻ cố gắng học giỏi, sau này về xây dựng cây cầu để phát triển quê hương.

Kết

Chia tay ông Khương, chúng tôi vẫn mang theo mình nỗi trăn trở về mảnh đất và con người nơi ấy. Dường như không còn ranh giới nào giữa nỗi vất vả nhọc nhằn và sự hi sinh thầm lặng. Ở nơi ấy chỉ còn tình người ấm áp và vẹn nguyên nụ cười đôn hậu đến nhói lòng của người lái đò sông Hóa…

Thu Ninh


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông