14:55 01/05/2016
Trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2015-2016, đề tài nghiên cứu “Sản xuất nước quả bần chua” của em Phạm Thành Đạt (Trường THPT Trần Nguyên Hãn) và Đặng Hương Trà (Trường THPT chuyên Trần Phú) đã giành giải Nhì và được Hội đồng khoa học đánh giá cao về tính ứng dụng thực tiễn. Sau cuộc thi, chúng tôi đã gặp và cùng các em chia sẻ câu chuyện về quá trình nghiên cứu khoa học đầy sáng tạo và đam mê… Yêu khoa học từ tình yêu quê hương Quen nhau qua diễn đàn khoa học của trường vì có cùng ý tưởng nghiên cứu về quả bần chua, Đạt và Trà đã cùng nhau lên kế hoạch biến “giấc mơ khoa học” thành hiện thực và được cô Phan Thị Tuyết - giáo viên môn Sinh học Trường THPT Trần Nguyên Hãn hướng dẫn thực hiện. Chia sẻ với chúng tôi về lí do chọn lựa đề tài, Đạt hào hứng cho biết: Hiện nay, diện tích rừng ngập mặn đang có xu hướng giảm dần do người dân ven biển phá rừng để nuôi trồng thủy hải sản. Giải pháp đơn giản nhất để ngăn chặn hiện tượng này là giúp người dân có thu nhập ổn định từ chính rừng ngập mặn. Qua tìm hiểu, em và Trà thấy loài cây chủ yếu sống được ở rừng này là cây bần chua, diện tích cây trồng lớn nhất là ở vùng biển Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, với khoảng 400ha cây bần chua. Hàng năm, loài cây này cho ra hơn 40 tấn quả nhưng chưa được người dân khai thác triệt để, mới chỉ dùng để ăn vặt, làm gia vị cho các món ăn... Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới như Indonexia, Maldives, Sri Lanka, người ta đã chế biến thành công một số sản phẩm từ quả bần và các sản phẩm đó đã được thương mại hoá trên thị trường, đem lại nguồn thu nhập lớn. Từ đó, chúng em đặt ra câu hỏi: Tại sao không chế biến quả bần thành một sản phẩm mang lại giá trị kinh tế? Và ý tưởng biến những quả bần thành một loại nước uống giải khát đã ra đời như thế…
Để trở thành sản phẩm có giá trị kinh tế, đủ tiềm năng cạnh tranh được với các mặt hàng nước uống hiện nay trên thị trường, nhóm nghiên cứu của Đạt và Trà đã dành rất nhiều tâm huyết và công sức chứng minh được vai trò dược lý của nước uống từ loại quả này với sức khoẻ con người. Bởi đây chính là mối quan tâm quan trọng nhất của người tiêu dùng hiện nay. Sau khi nghiên cứu kỹ những tài liệu cô giáo Phan Thị Tuyết giới thiệu và tìm hiểu thêm trên mạng, Đạt và Trà đã phát hiện ra trong quả bần có những nhóm chất có khả năng kháng khuẩn, chống ôxi hoá và chống béo phì nhưng chưa có một nghiên cứu nào được thực hiện để chứng minh khả năng đó. Từ đó, hai em quyết định triển khai ý tưởng "Nghiên cứu, đánh giá khả năng kháng khuẩn, chống ôxi hoá và chống béo phì của nước uống từ quả bần" và biến nó thành một đề tài khoa học thiết thực, có tính ứng dụng cao. Đề tài nghiên cứu này cũng là cơ hội đưa Đạt và Trà đến với cuộc thi KHKT cấp quốc gia và giành giải Nhì, tiếp thêm động lực trong hành trình nghiên cứu khoa học của các em. Hành trình “hái quả ngọt” Có được thành công như ngày hôm nay, Đạt và Trà đã dành ra 6 tháng (từ tháng 6 đến tháng 12-2015) để nghiên cứu và chế biến sản phẩm nước uống. Đạt chia sẻ: Để thực hiện đề tài này, chúng em cùng cô giáo đã về rừng ngập mặn ở Vinh Quang, Tiên Lãng để thu hái quả bần chua, sau đó ủ chín. Lần đầu tiên bị thất bại vì hái nhiều quả xanh hoặc chín quá nên không được chất lượng như ý muốn. Những lần sau, chúng em rút được nhiều kinh nghiệm hơn và khá thành công. Trước khi tiến hành chế biến nước uống, nhóm nghiên cứu của Đạt và Trà đã gửi mẫu quả bần chua đến Viện hoá học các hợp chất hữu cơ để xác định thành phần hoá học. Để sản phẩm thành công, hai em đã dành thời gian nghiên cứu và cải tiến quy trình chế biến nước quả bần chua của Indonesia cho phù hợp với nhu cầu, thực tế sản xuất ở Việt Nam. Theo đó, có 3 cách chế biến: chế biến nước uống từ quả tươi, gọt vỏ; chế biến từ quả đun sôi, gọt vỏ; chế biến từ quả đun sôi để cả vỏ. “Cả 3 cách trên đều cho thành phẩm nước uống có vị rất ngon. Chúng em cũng làm thử để các bạn học sinh trong trường nếm thử. Mọi người đều phản hồi tốt và đặc biệt thích thú với cách chế biến từ quả đun sôi để cả vỏ”, Đạt vui vẻ chia sẻ. Sau khi sản xuất thành công nước uống từ quả bần chua, nhóm nghiên cứu tiến hành thí nghiệm khả năng chống béo phì của nước quả trên chuột nhắt trắng trong vòng 4-6 tuần. 30 chú chuột nhắt trắng 4 tuần tuổi mua ở viện vệ sinh dịch tễ TƯ, được kiểm tra cẩn thận từ hệ miễn dịch tới cả lồng nuôi nhốt và trấu để rải. Kể về quá trình làm thí nghiệm, Đạt nói: “Để bảo đảm kết quả chính xác, chúng em mua thức ăn nuôi chuột của công ty Test diet của Mỹ, được chế biến dành riêng cho thí nghiệm chứng minh khả năng chống béo phì trên chuột nên tốn kha khá thời gian để thức ăn tới Việt Nam.
30 chú chuột được nuôi ngay tại nhà em, mỗi lần thay trấu khá vất vả vì chuột rất quậy và thường có ý định thoát ra ngoài. Nuôi chuột vui lắm, nhất là thời kì chúng thay răng, vớ cái gì cũng đục khoét nên em với Trà lại phải đi kiếm những khúc gỗ to cho chúng quậy. Cũng may bố mẹ hoàn toàn ủng hộ và thường xuyên động viên, tạo điều kiện cho chúng em thực hiện đề tài nghiên cứu một cách thoải mái, hiệu quả nhất”. Trong những tuần đầu, vì chưa có kinh nghiệm nên hai em gặp chút khó khăn trong việc nghiên cứu. “Em với Trà đã tiến hành lấy máu và đo hàm lượng đường máu của chuột hàng tuần vào một thời gian cụ thể. Nhưng lượng thức ăn dư thừa trong các lồng vẫn còn sót lại, không thể kiểm soát được những con chuột vừa ăn xong hay đã lâu chưa ăn, vì vậy hàm lượng đường máu của những con chuột trong cùng 1 lô (30 con chuột chia làm 3 lô để phân tích kết quả) cũng có những sai khác lớn. Về sau, chúng em đã khắc phục bằng cách tiến hành đo hàng tuần vào một thời gian cụ thể nhưng dừng việc cho ăn trước khi đo 2 tiếng. Kết quả sau đó đã được cải thiện. Có thể nói đây là một thí nghiệm mà chúng em dành nhiều thời gian và tâm huyết nhất”, Đạt nhớ lại quãng thời gian nghiên cứu. Những nỗ lực và tâm huyết mà Đạt và Trà bỏ ra đã thành “quả ngọt”. Đề tài của các em được hội đồng khoa học đánh giá cao về giá trị thực tế và giải thưởng là minh chứng rõ nét nhất cho những nỗ lực ấy. Trở về sau cuộc thi, Đạt và Trà lại là những cô bé, cậu bé học trò, ngày ngày cắp sách đến trường. Nhưng tôi tin chắc rằng, quãng thời gian nghiên cứu ấy đã hun đúc tình yêu và mơ ước trở thành những nhà khoa học trẻ trong các em, là động lực cho những thành công trong tương lai không xa. Minh Hương - Vân Anh |
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết