15:30 16/03/2022 Ngày 16-3, tại phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn về 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương, tài nguyên và môi trường. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì. Đây là phiên chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 15, được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Nhà Quốc hội và kết nối trực tuyến đến 62 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại điểm cầu Hải Phòng có các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng; Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố; Hoàng Minh Cường, Phó chủ tịch UBND thành phố; các vị đại biểu Quốc hội Hải Phòng; lãnh đạo các ngành liên quan.
Trong phiên làm việc sáng 16-3, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực công thương gồm: tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu; công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua; công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, nhất là mặt hàng nông sản.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, cử tri, nhân dân và các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều rất quan tâm đến các biện pháp của Bộ Công thương, của Chính phủ để bảo đảm được nguồn cung xăng dầu (bao gồm cả vấn đề sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu). Chủ tịch Quốc hội mong muốn qua chất vấn sẽ có câu trả lời rõ ràng, chắc chắn hơn.
Các đại biểu Quốc hội đặt nhiều câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên về công tác điều hành, quản lý xăng dầu; về các biện pháp quản lý giá; về khả năng có giảm được giá xăng dầu hay không; cơ sở để đề nghị giảm thuế bảo vệ môi trường...
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, thời gian qua, Bộ Công Thương đã điều hành linh hoạt, chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng lượng nhập khẩu và huy động các nguồn xăng dầu từ nguồn dự trữ và từ các nhà sản xuất. Vì vậy, nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước 2 tháng đầu năm 2022 cơ bản được bảo đảm và có dự trữ gối đầu sang tháng 3. Bộ trưởng cũng khẳng định, nguồn cung xăng dầu cho thị trường thời gian tới sẽ cơ bản được đảm bảo, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước của doanh nghiệp và người dân.
Đề cập giải pháp bảo đảm cung cầu, bình ổn thị trường xăng dầu thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu tối thiểu bổ sung đã được Bộ Công Thương giao trong quý 2 nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.
Để ổn định giá xăng dầu, Bộ trưởng cho rằng, trước hết sẽ đẩy mạnh năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp vừa khai thác, vừa chế biến xăng dầu. Bộ Công thương sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan, đặc biệt là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tham mưu các cấp có thẩm quyền giải quyết một cách triệt để những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của liên danh Lọc hóa dầu Nghi Sơn để đơn vị này phải giữ được cam kết ban đầu là cung cấp cho thị trường lượng xăng dầu nội địa từ 35 - 40%. Đồng thời, tham mưu cho Chính phủ nghiên cứu có thể tăng cường hơn nữa Quỹ bình ổn xăng dầu theo cơ chế trích lập giá xăng dầu bán ra thị trường trong kỳ; tham mưu các cấp có thẩm quyền để nâng mức dự trữ, dự phòng
Bộ trưởng cũng cho rằng, đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu để góp phần nhanh giảm giá xăng dầu là cách nhanh nhất để giảm khó khăn cho người dân. Lý do là: giảm thuế bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có thể quyết được ngay. Còn nếu giảm các sắc thuế khác, phải chờ Quốc hội thông qua thì phải đến tháng 7, tháng 8 mới có hiệu lực trong khi quỹ bình ổn không còn, giá lại tăng cao thì rất khó khăn.
Trước đó, ĐBQH đã chất vấn và yêu cầu làm rõ lý do Bộ Công Thương đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường trong khi có nhiều điểm bất hợp lý, dẫn đến nghịch lý đối tượng gây ô nhiễm cao lại chịu thuế suất thấp và ngược lại; chưa đảm bảo lợi ích các bên. Trong khi đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước sử dụng công cụ thuế để bình ổn giá thì họ chọn sắc thuế khác như VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu...
Hồng Thanh
11:40 11/01/2025
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh