Chất vấn và trả lời chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm trong lĩnh vực xây dựng

09:09 04/11/2022

Ngày 3-11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn. Trước đó, các đại biểu thảo luận tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

                                         Tiếp tục lấy ý kiến và hoàn chỉnh Luật Đất đai (sửa đổi)

          Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng thảo luận tại tổ 12 cùng đoàn An Giang, Bình Dương.

           Các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, khắc phục những hạn chế, bất cập sau gần 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013.

      

Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng thảo luận tổ

          Các đại biểu đều thống nhất việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng là một trong những nhiệm vụ lập pháp trọng tâm nhằm thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đồng thời chia sẻ đây là nhiệm vụ khó khăn, là dự án Luật phức tạp, phạm vi tác động rộng, được xã hội rất quan tâm đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực , cố gắng của các cơ quan.

     Các đại biểu đều bày tỏ kỳ vọng sửa đổi Luật lần này thể chế được đầy đủ tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” song cần có sự cụ thể hóa, bảo đảm tính khả thi.

                             

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) 

           Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) nhấn mạnh Nghị quyết 18 vừa là thuận lợi vừa là áp lực đối với cơ quan soạn thảo, đòi hỏi cơ quan soạn thảo suy nghĩ kỹ vừa bám sát được và tinh thần của Nghị quyết để thể chế hóa một cách rõ ràng, rành mạch. Càng rõ ràng bao nhiêu thì đất nước và nhân dân được nhờ bấy nhiêu. Đại biểu Nguyễn Chu Hồi chỉ rõ, dự thảo Luật quy định về “đất ngập nước ven biển kéo dài ra đến 6 hải lý”. Đại biểu cho rằng nếu quy định theo hướng này sẽ xảy ra xung đột với Luật Biển và Luật Tài nguyên và môi trường biển và hải đảo cũng do chính Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì soạn thảo trước đây.

                               

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi phát biểu

          Đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho rằng cần làm rõ đặc trưng và có quy định riêng đối đất ngập nước ven biển để tránh đồng nhất với đất lãnh thổ và cũng không nên xác định đất ngập nước ven biển kéo dài đến 6 hải lý là chưa phù hợp. Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Chu Hồi cũng đề nghị rà soát để tránh trường hợp tham vọng luật này lại gây phức tạp cho nhiều luật khác. 

                   

Đại biểu Lã Thanh Tân phát biểu

           Đại biểu  Lã Thanh Tân (Hải Phòng) đề nghị, việc  lấy ý kiến vào dự thảo Luật cần tiếp tục hướng vào trọng tâm trọng điểm, rõ ràng hơn. Đại biểu cũng góp ý về một số  từ ngữ, quy định cụ thể trong dự thảo luật…Cụ thể, có nhiều  từ ngữ phải cân nhắc để xác định khái niệm, tiêu chí, định lượng rõ để  tránh bị hiểu không đúng hoặc lợi dụng làm sai. Việc giải thích từ ngữ như tính giá đất, đầu cơ, tái định cư, chuyển nhượng, góp vốn, thu hồi đất có nội dung còn mâu thuẫn với một số luật khác…

                               Khẩn trương khắc phục hạn chế, vướng mắc, nâng cao chất lượng quy hoạch

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) 

              Tại Báo cáo số 130 ngày 28-10- 2022 của Bộ Xây dựng đã chỉ ra một hạn chế. Đó là việc điều chỉnh quy hoạch đô thị bao gồm cả điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ, nhất là điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại một số địa phương còn có biểu hiện tùy tiện, không tuân thủ quy định của pháp luật và yêu cầu của quy chuẩn về quy hoạch xây dựng. Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, điều này là hoàn toàn chính xác và đúng với thực tiễn hiện nay. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm của Bộ Xây dựng và giải pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới.

           Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ, công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch là một yêu cầu khách quan, cần thiết, tất yếu để đảm bảo khắc phục kịp thời những bất cập, tồn tại cũng như để đảm bảo kịp thời điều chỉnh những dự báo chưa chính xác trong các quy hoạch và những định hướng không còn phù hợp với thực tiễn phát triển.

           Tuy nhiên, đúng như đại biểu phản ánh, trong thời gian qua, bên cạnh những kết quả tích cực thì công tác điều chỉnh quy hoạch đô thị vẫn còn những tồn tại, hạn chế như điều chỉnh tùy tiện, không tuân thủ quy định pháp luật và yêu cầu quy chuẩn về quy hoạch xây dựng.

          Chỉ ra các nguyên nhân của tình trạng trên, Bộ trưởng đồng thời nêu rõ, trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan lập thẩm định, phê duyệt quy hoạch và các cơ quan theo pháp luật được giao rà soát, đánh giá quy hoạch được phê duyệt. Bộ Xây dựng có trách nhiệm trong việc thiếu đôn đốc, kiểm tra, thanh tra để kịp thời hướng dẫn cũng như xử lý những vi phạm và cũng chưa kịp thời rà soát, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến quy hoạch đô thị để đảm bảo việc điều chỉnh quy hoạch chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

           Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết,  sắp tới Bộ Xây dựng sẽ đề xuất sửa đổi và điều chỉnh luật liên quan đến Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, trong đó dự kiến sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng còn tồn tại bất cập như: hoàn thiện quy định về quá trình lập quy hoạch, quy trình lập quy hoạch và quy trình điều chỉnh cục bộ quy hoạch; hoàn thiện quy định về việc giao chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết; quy định rõ hơn, cụ thể hơn về thành phần, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định quy hoạch. 

        Thứ hai là, đẩy mạnh thanh tra chuyên ngành theo chuyên đề về quy hoạch trên diện rộng. Thứ ba là, đẩy nhanh tiến độ cập nhật thông tin lên Cổng thông tin Quy hoạch quốc gia, các đồ án của các địa phương được lập, đến nay đã cập nhật được hơn 1.600 đồ án quy hoạch.

                                              

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) 

          Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng, hiều nơi chất lượng quy hoạch không đảm bảo, đặc biệt là tình trạng quy hoạch nhiều năm không thực hiện hay còn gọi là quy hoạch “treo” và không ít nơi “treo bền vững”, gây lãng phí các nguồn lực của xã hội, cản trở sự phát triển chung của đất nước, gây bức xúc trong dư luận và người dân, nhất là những người dân nằm trong khu vực gọi là quy hoạch treo, sống trong chờ đợi mỏi mòn. Chỉ rõ thực trạng này, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết trách nhiệm, giải pháp của Bộ Xây dựng và cá nhân Bộ trưởng để giải quyết căn cơ vấn đề này?

           Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, nguyên nhân của tình trạng quy hoạch “treo” là do quy hoạch chưa đảm bảo chất lượng, thiếu tầm nhìn, dự báo chưa chính xác, không đồng bộ với các quy hoạch liên quan hoặc có những mâu thuẫn giữa các loại quy hoạch với nhau; quy hoạch thiếu tính khả thi do chưa xác định đủ các yếu tố, điều kiện để thực hiện, nhất là nguồn vốn đầu tư để đầu tư đồng bộ về hạ tầng, nhà ở cũng như nguồn lực trong giải phóng mặt bằng, thực hiện quy hoạch.

       Việc tổ chức quản lý thực hiện quy hoạch chưa thực hiện nghiêm túc và đầy đủ theo quy định. Một số địa phương còn chủ quan trong việc mở rộng đất phát triển đô thị, chưa tính toán chính xác yếu tố, nguồn lực phát triển nên không thực hiện được quy hoạch. Thủ tục đầu tư, đất đai xây dựng còn chậm, năng lực của chủ đầu tư cũng không đảm bảo khi triển khai thực hiện các dự án theo quy hoạch.

          Về trách nhiệm, Bộ trưởng chỉ rõ, trước hết là, trách nhiệm của các cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, quản lý quy hoạch và thực hiện công tác rà soát, đánh giá quy hoạch. Thứ hai là, do chưa kiểm tra, đôn đốc, thanh tra để xử lý kịp thời, chưa hướng dẫn và chưa kịp thời hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật để đảm bảo quản lý chặt chẽ hơn, đảm bảo chất lượng của quy hoạch để quy hoạch có tầm nhìn và khả thi trong thực hiện.

       Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung hoàn thiện quy định pháp luật, bổ sung các quy định để tăng cường sự tham gia của cộng đồng dân cư, nhà đầu tư trong quá trình lấy ý kiến đồ án quy hoạch cũng như thẩm định các dự án đầu tư, tăng cường thẩm tra năng lực chủ đầu tư về vốn cũng như khả năng huy động vốn, nâng cao năng lực quản lý cũng như năng lực của các tổ chức tư vấn lập quy hoạch; xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư, đa dạng hóa hình thức đầu tư; tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra các địa phương trong công tác quản lý thực hiện quy hoạch để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm.

        Đại biểu Cầm Hà Chung (Phú Thọ) cho biết, tại Thông báo số 311 của Văn phòng Chính phủ ngày 29-9-2022 thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ ngày 3-9-2022 có nêu "Trong khi chờ sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc thực hiện thí điểm phân cấp hoặc ủy quyền việc thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và Đồ án quy hoạch chung các đô thị". Theo đại biểu Cầm Hà Chung "vấn đề điều chỉnh quy hoạch đô thị chưa hẳn tùy tiện như báo cáo của Bộ trưởng. Các địa phương đều có văn bản báo cáo, đề xuất và chờ văn bản của cơ quan có thẩm quyền mới tiến hành điều chỉnh quy hoạch chung đô thị. Tuy nhiên, việc phản hồi còn chưa kịp thời". 

                             

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

          Cũng liên quan tới nội dung quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, đây là lần đầu tiên thực hiện Luật Quy hoạch và tổ chức lập đồng thời cùng lúc 110 quy hoạch. Như vậy, khối lượng công việc tiến hành rất lớn. 

          Về tiến độ chung, đúng như đại biểu đã nêu, tiến độ lập quy hoạch đang chậm so với yêu cầu. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, nguyên nhân của những hạn chế, bất cập là do lần đầu áp dụng luật nên còn lúng túng, còn có những cách hiểu khác nhau về tích hợp quy hoạch, lực lượng tư vấn quy hoạch còn mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu quy hoạch tích hợp.

           Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay, tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch đang được đẩy nhanh. Bộ đang nỗ lực và tích cực phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương để đồng thời đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng đồng bộ, tầm nhìn chiến lược cho các quy hoạch trong giai đoạn tới. Theo Bộ trưởng, chất lượng quy hoạch mới là quyết định và cần phải đặc biệt chú trọng tới chất lượng quy hoạch, không chạy theo tiến độ mà ảnh hưởng tới chất lượng.

                                                                                Gỡ vướng mắc nhà ở xã hội

           Đại biểuTrần Thị Diệu Thúy (TP. Hồ Chí Minh) chất vấn,  thủ tục xây dựng nhà ở xã hội nhiều hơn và khó hơn so với các thủ tục xây dựng nhà ở thương mại, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, nhà đầu tư mệt mỏi, bỏ cuộc, từ đó số lượng nhà ở xã hội hoàn thành rất thấp so với chỉ tiêu đề ra và đề nghị Bộ trưởng nêu rõ giải pháp tháo gỡ.

                       

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP. Hồ Chí Minh) 

           Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận các thủ tục theo quy định pháp luật về nhà ở xã hội hiện nay còn phức tạp và kéo dài, như: trình tự, thủ tục mua bán nhà ở xã hội; hay việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội; các chính sách ưu đãi chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng chưa đủ hấp dẫn, quy định diện tích dành tối thiểu trong dự án nhà ở xã hội để cho thuê cũng chưa khả thi... Quy định hiện nay cũng chưa cho phép doanh nghiệp hợp tác xã mua, thuê, thuê mua nhà ở để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

           Nêu giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ cùng với các cơ quan, bộ, ngành tiếp tục tập trung, quan tâm rà soát các quy định của pháp luật để đảm bảo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội, trong đó có quy trình, thủ tục như đại biểu đã đề cập, đồng thời thực hiện các giải pháp để tháo gỡ thủ tục hành chính trong đầu tư đất đai, xây dựng, quy hoạch để triển khai phát triển nhà ở xã hội.

Đại biểu  Trần Văn Khải (Hà Nam)

          Liên quan đến Đề án 1 triệu căn nhà cho người thu nhập thấp, đại biểu  Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng, "qua phiên chất vấn, công nhân lao động, người thu nhập thấp rất phấn khởi khi nghe Bộ trưởng nhắc đến Đề án này không dưới 10 lần, cảm thấy rất phấn khởi, rất hy vọng. Họ nhắn tin cho tôi và cũng đề nghị gửi tới Bộ trưởng một câu hỏi. Bộ trưởng hãy cho biết rất ngắn gọn những giải pháp, lộ trình, những việc cần phải làm, làm như thế nào, ai làm để có thể thực hiện thành công đề án này? Theo Bộ trưởng, các bộ, ngành, các địa phương phải có trách nhiệm phối hợp với Bộ Xây dựng như thế nào để thực hiện nhiệm vụ mà Thủ tướng giao?" 

          Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ, theo Đề án trình Thủ tướng Chính phủ chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2021-2025, trên cơ sở xác định nhu cầu nhà ở xã hội của các địa phương tổng hợp về và khả năng nguồn lực để đáp ứng cho nhu cầu này, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng xác định mục tiêu đặt ra hoàn thành khoảng 570 nghìn căn nhà. Giai đoạn 2 là từ 2025-2030, cũng trên cơ sở nhu cầu của các địa phương, Bộ Xây dựng đã xác định trong Đề án sẽ hoàn thành khoảng 845 nghìn căn nhà. 

           Về giải pháp thực hiện Đề án này, Bộ trưởng cam kết, sẽ thực hiện tổng thể, đồng bộ nhiều giải pháp, từ hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến phát triển nhà ở xã hội để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian vừa qua đến giải pháp triển khai thực hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục về đất đai, về đầu tư, về xây dựng, về quy hoạch, về nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội cũng như đảm bảo trong quá trình nghiên cứu chính sách để quy định, xác định được quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu để thực hiện đề án.

          "Với các giải pháp đồng bộ, thực hiện quyết liệt và có sự hỗ trợ, phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương và sự hưởng ứng của doanh nghiệp thì chúng ta tin tưởng sẽ thực hiện thành công Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân", Bộ trưởng nhấn mạnh. 

                                                                       Quy hoạch kiến trúc còn lộn xộn, tùy tiện

        Đặt vấn đề chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho biết, một trong những chức năng, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng là xây dựng định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam phù hợp với từng giai đoạn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, trong những năm qua, theo nhận xét chung của giới chuyên môn thì kiến trúc và quy hoạch Việt Nam phát triển còn tương đối lộn xộn, kể cả kiến trúc, quy hoạch nông thôn và đô thị chưa mang dấu ấn đặc trưng dân tộc, vùng miền và giai đoạn.

          Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu rõ quan điểm về vấn đề này và giải pháp khắc phục trong thời gian tới?

                                    

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương)

           Đại biểu Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) cho rằng, thực trạng hiện nay, việc quy hoạch xây dựng nhà ở khu chung cư cao tầng có nhiều bất cập. Điển hình như nhiều bài báo viết về sai phạm trong quy hoạch xây dựng nhà tại hai bên đường Lê Văn Lương, phá vỡ quy hoạch vào tầm nhìn chiến lược và mất cảnh quan đô thị. Vậy Bộ trưởng có giải pháp gì khắc phục tồn tại trong thời gian tới?

                             

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn

          Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, đúng như ý kiến đại biểu, trong quá trình điều chỉnh quy hoạch vẫn còn trường hợp tùy tiện, không đúng yêu cầu, phá vỡ quy hoạch. Nguyên nhân của tình trạng này là do công tác rà soát đánh giá quy hoạch còn chưa kịp thời; nội dung quy hoạch đánh giá chưa đầy đủ chưa thấu đáo; việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong điều chỉnh quy hoạch còn chưa được quan tâm đúng mức, còn mang tính hình thức dẫn đến không tính đến sự phù hợp giữa các quy hoạch.

          Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định, đảm bảo chặt chẽ trong vấn đề điều chỉnh quy hoạch; quy định rõ hơn trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Bộ trưởng đề nghị các địa phương thực hiện đúng các quy định trong quy hoạch đô thị.

                                                                                       Nghiên cứu vật liệu san lấp mới

          Về chất vấn của đại biểu về việc nghiên cứu vật liệu xây mới thay thế vật liệu truyền thống, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong quá trình đi thị sát kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ TNMT phối hợp Bộ GTVT thực hiện nghiên cứu vật liệu thay thế cát sông khi triển khai các dự án trọng điểm ở khu vực này.

          Qua nghiên cứu, hiện nay, tổng nhu cầu dùng cát để làm vật liệu cho công trình giao thông ở ĐBSCL chiếm tới 39 triệu mét khối, trong khi khu vực ĐBSCL chỉ có khoảng 26 triệu, như vậy số lượng vật liệu để làm cát nền còn thiếu rất lớn.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng

       Theo Bộ trưởng GTVT, việc nghiên cứu cát biển thay thế cát sông là nhu cầu cấp thiết, và hiện đang được triển khai quyết liệt, lấy mẫu, làm xét nghiệm và bước đầu thấy rằng nếu dùng cát biển thay cho cát sông, thì riêng khu vực ĐBSCL lượng cát biển có thể lên 150 tỷ triệu khối, nếu thành công, lượng cát này dùng được cho cả nước.

          Qua tiến độ nghiên cứu triển khai, Bộ GTVT có thể dự kiến khoảng cuối 2023 sẽ có kết quả về việc có sử dụng cát biển để thay thế cho cát sông được hay không. Tuy nhiên qua những nghiên cứu ban đầu cho thấy phương án lấy cát biển thay thế cát sông là rất khả thi.

          Bộ trưởng cũng cho biết, thế giới hiện có Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Nhật Bản và các nước Trung Đông đã áp dụng vật liệu này.

           Cùng với cát biển, tro xỉ cũng là vật liệu có thể thay thế được. Bộ Xây dựng phối hợp và có văn bản hướng dẫn quy chuẩn tiêu chuẩn, Bộ GTVT đã có văn bản thông báo nhà thầu có thể sử dụng vật liệu từ tro xỉ thay thế cát sông phục vụ san nền dự án thuộc công trình của Bộ./.

                                                                                                                                                  Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông