14:45 22/08/2024 Ngày 21-8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 về việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 đến hết năm 2023. Phiên chất vấn được trực tuyến tới 62 điểm cầu trên cả nước.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì.
Tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu Nhà Quốc hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang; Bí thư Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí; Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; các đồng chí Phó thủ tướng: Trần Lưu Quang; Trần Hồng Hà; Lê Thành Long.
Dự tại điểm cầu Hải Phòng có các đồng chí: Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng; Lê Anh Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố; Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố; Lã Thanh Tân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng; Hoàng Minh Cường, Phó chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo các ngành thành phố…
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn để xem xét việc thực hiện của Chính phủ, các bộ, ngành đối với 6 Nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 đến hết năm 2023.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai hoạt động “giám sát lại”, thể hiện trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giám sát đến cùng việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua đó đánh giá một cách toàn diện, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Từ đó có những giải pháp để tháo gỡ kịp thời, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát. Đồng thời, cũng thể hiện sự đồng hành của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ trong việc thực hiện, triển khai các yêu cầu đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra trong các nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: các vấn đề, lĩnh vực Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề, chất vấn đều là những nội dung quan trọng, được cử tri và nhân dân quan tâm nhiều. Qua các báo cáo và kết quả thực tế cho thấy, việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo sự chuyển biến tích cực, thể hiện sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ và các vị trưởng ngành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và công tác đối ngoại. Tuy nhiên, một số nội dung triển khai còn chậm, có nội dung hiệu quả, kết quả thực hiện chưa đạt yêu cầu.
Theo chương trình phiên chất vấn, các vị đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn 2 nhóm vấn đề: nhóm vấn đề thứ nhất liên quan đến lĩnh vực Công thương; Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Văn hóa, thể thao và du lịch; nhóm vấn đề thứ 2 liên quan đến lĩnh vực Tư pháp; Nội vụ; An ninh, trật tự, an toàn xã hội; Thanh tra; Tòa án; Kiểm sát.
Tại phiên chất vấn, đại biểu Lã Thanh Tân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng cho biết, du lịch là một trong 8 ngành, nghề nằm trong thỏa thuận ngành nghề được thừa nhận lẫn nhau trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN (MRA-TP). Từ đó đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao, Du lích về tình hình thực hiện Thỏa thuận EMRA đối với dịch vụ du lịch; việc thừa nhận, công nhận lẫn nhau giữa các nước về bằng cấp, chứng chỉ nghề du lịch trong thời gian qua, giải pháp của Bộ trước tác động của vấn đề này đối với nguồn nhân lực ngành du lịch Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đã có rất nhiều cảnh báo khi thực hiện Thỏa thuận MRA nếu lực lượng lao động của nước ta không vươn lên thì lực lượng lao động các nước khác sẽ tham gia thị trường.
Phân tích dự báo cho thấy, trong lực lượng lao động du lịch có khoảng 70% nhân lực làm dịch vụ lưu trú, 20% nhân lực làm dịch vụ lữ hành, còn 10% thuộc các dịch vụ khách. Do đó, Bộ luôn đề nghị các cơ sở du lịch phải tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực này để bảo đảm đáp ứng được yêu cầu.
Theo Bộ trường, khi đã hội nhập, công nhận bằng cấp chứng chỉ của nhau thì bên này thiếu, bên kia sẽ vào, không thể dùng hàng rào kỹ thuật khác để ngăn chặn nguồn lực lao động này.
Bộ trưởng cho biết, hiện vẫn chưa có lực lượng của các nước khác vào Việt Nam để lao động trong các lĩnh vực, nhưng lực lượng nhân sự quản lý cấp cao tại một số điểm lưu trú là người nước ngoài đang làm. Bộ trưởng nhấn mạnh, các doanh nghiệp trên cơ sở định hướng về mặt đào tạo thì phải tập trung chăm lo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước để đủ sức cạnh tranh với thị trường lao động du lịch của ASEAN khi Việt Nam tham gia các công ước quốc tế.
Hồng Thanh
22:42 09/01/2025
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh