Trên địa bàn TP Hải Phòng hiện có trên 500 bệnh nhân đang phải sống chung với căn bệnh suy thận mãn. Hầu hết bệnh nhân suy thận đều mất khả năng lao động, trong khi chi phí duy trì chạy thận rất tốn kém khiến nhiều gia đình đang lâm vào cảnh khốn đốn...
| Những bệnh nhân đang chờ chạy thân nhân tạo |
Tài sản khánh kiệt vì suy thận
Tại hành lang của Trung tâm Thận nhân tạo (Khoa hồi sức cấp cứu, BV Kiến An) đông nghịt bệnh nhân ngồi chờ để chạy thận. Khuôn mặt ai cũng teo tóp, ốm yếu, nước da xám xịt và mệt mỏi khiến mọi người không khỏi chạnh lòng. Tuy bệnh tật hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần nhưng ở họ luôn có niềm khát khao được sống, nỗ lực, kiên trì chống lại số phận nghiệt ngã và "thần chết" đang rình rập từng ngày.
Bà Lê Thị Hải (61 tuổi), ở Trần Phú II, Văn Đẩu, Kiến An, người đã sống chung với máy lọc thận hơn 6 năm, tâm sự: "Khoảng 10 năm trước, tôi bị sỏi thận, do chủ quan, phát hiện và điều trị muộn, thận nhiễm mủ, dẫn đến suy độ 4. Người ta bảo "có bệnh thì vái tứ phương'', nghe ở đâu có thầy thuốc chữa được bệnh, tôi đều tìm đến điều trị với hy vọng khỏi bệnh. Tiền điều trị tốn kém nhưng bệnh tình không giảm mà ngày càng trầm trọng.
Trước đây, ở Hải Phòng rất hiếm máy lọc thận nên tôi phải ở trọ gần các bệnh viện lớn tại Hà Nội. Hiện tôi chuyển về điều trị nội trú BV Kiến An, lọc máu 3 buổi/tuần. Bệnh này chỉ cần 1 tuần không lọc máu là tôi bị tăng huyết áp, nhiễm độc toàn thân, suy tim và có thể chết. Khoản tiền gia đình vay mượn để chạy thận lên đến hàng chục triệu đồng, tốn kém lắm nhưng "còn nước, còn tát"”...
Đến BV đa khoa Việt - Tiệp, chúng tôi gặp bà Phùng Thị Hạnh, 55 tuổi, ở An Thắng, An Lão, đang chăm sóc con gái Ngô Thị Thảo (24 tuổi), bị suy thận độ 3B. Em Thảo nằm bất động trên giường bệnh, lọc máu cấp cứu. Bà Hạnh ứa nước mắt khi kể về bệnh tình của con: "Đang học năm cuối Trường đại học Mỏ - Địa chất thì cháu lâm bệnh. Do mải học hành nên đến lúc cháu đột quỵ ngay tại giảng đường, bạn bè đưa vào nhập viện thì đã quá muộn...".
Bác sỹ đang điều trị cho bệnh nhân chạy thân tại BV Kiến An Hơn 1 năm điều trị suy thận cho con gái, bà Hạnh đã bán hết nhà cửa để lấy tiền thuốc thang. Theo bác sỹ điều trị, nếu ghép thận sẽ có nhiều hy vọng sống cho Thảo. Nhưng khoản tiền 400 - 500 triệu đồng cho ca phẫu thuật là quá lớn đối với một gia đình thuần nông như gia đình bà Hạnh. Mơ ước tiếp tục đến giảng đường của Thảo sẽ không thành hiện thực khi căn bệnh suy thận đang rình rập, sẵn sàng cướp đi mạng sống của em bất kỳ lúc nào.
Trường hợp bệnh nhân Đào Thị Nga, ở Kiến Quốc, Kiến Thụy, suy thận giai đoạn cuối thật thương tâm. 16 tuổi, Nga phải bỏ học để mò cua, bắt ốc và phụ giúp mẹ việc đồng áng. Bị suy thận hơn 4 năm nay, mỗi tuần 3 buổi, mẹ Nga phải chở em bằng xe đạp vượt qua hơn 10km đến bệnh viện để lọc máu. Từ khi thực hiện Luật BHYT mới, chi phí cho mỗi tháng chạy thận cộng thêm tiền thuốc bổ cũng ngốn hết 1,5 triệu đồng. Để duy trì chạy thận đối với Nga đang là điều vượt quá khả năng cho phép...
Cần lắm những tấm lòng
Bác sỹ Lương Quang Hưng, Phó trưởng khoa Phục hồi chức năng, BV Kiến An cho biết: Bệnh viện được đầu tư 17 máy lọc thận nhập từ Nhật Bản. BV tổ chức chạy thận 3 ca/ngày, các máy đều hoạt động hết công suất, điều trị cho trên 100 bệnh nhân ở An Lão, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo và quận Kiến An. Bệnh nhân suy thận mãn phải chạy thận nhân tạo theo chu kỳ từ 1 - 3 lần/tuần, mỗi lần khoảng 3,5 - 4 giờ. Hầu hết những bệnh nhân suy thận giai đoạn IV phải lọc máu suốt đời. Theo danh sách bác sỹ Hưng cung cấp, bệnh nhân phần lớn là những người nghèo, mất khả năng lao động. Nhiều người trong số họ trước là lao động chính trong gia đình, nay phải nằm trên giường bệnh nên kinh tế gia đình suy sụp.
Theo thống kê của Sở Y tế Hải Phòng, trên địa bàn TP Hải Phòng có 75 máy lọc thận với trên 500 bệnh nhân suy thận đang điều trị, tại 5 cơ sở y tế: BV Giao thông - Vận tải; BV đa khoa Việt - Tiệp; BV Kiến An, BV đa khoa tư nhân Văn Cao và Trung tâm y tế Ngô Quyền. Qua tiếp xúc với các bệnh nhân suy thận tại các trung tâm thận nhân tạo, được biết: Thực hiện Luật BHYT mới, cán bộ hưu trí, người nghèo phải chịu chi phí 5%; cán bộ CNVC - LĐ chịu 20%.
Trước đây, bệnh nhân suy thận mãn đang điều trị được bảo hiểm thanh toán 100% chi phí, nay họ phải trả một phần viện phí chạy thận, cộng cả tiền thuốc bổ (tạo hồng cầu, trợ tim, hạ huyết áp...), trung bình mỗi bệnh nhân tốn 1,2 - 2 triệu đồng/tháng. Với mức chi phí ấy, chắc chắn sẽ có nhiều bệnh nhân nghèo khốn đốn.
Hơn lúc nào hết, những bệnh nhân nghèo và gia đình họ đều mong muốn sớm nhận được sự hỗ trợ của ngành Y tế cũng như chính quyền địa phương, giúp họ có thêm niềm tin để chiến đấu với căn bệnh nan y.
Ý kiến của độc giả Vũ Quý Phúc (vuquyphuc@...):
Cảm ơn tác giả đã có bài viết phản ánh chân thực tình trạng của những người gắn bó suốt đời với máy lọc thận như chúng tôi. Là một bệnh nhân chạy thận hơn 2 năm nay, tôi đã khiến kinh tế gia đình suy sụp theo. Bản thân người bệnh như chúng tôi không còn khả năng lao động, hơn nữa giờ đây lại phải gánh thêm khoảng 1,5 triệu đồng (20% bảo hiểm) hàng tháng nữa là quá sức với khả năng. Tôi khẩn thiết mong các cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm có những chính sách hỗ trợ cho những bệnh nhân hiểm nghèo như chúng tôi".
HỒNG HẢI |