Chiếm lấy phố Wall lan ra toàn cầu

15:07 17/10/2011

Ngày 15-10, phong trào “Chiếm lấy phố Wall” đã lan rộng tới nhiều nước trên thế giới với các cuộc tuần hành diễn ra tại nhiều thành phố như London (Anh), Frankfurt (Đức), Rome (Italy), Seoul (Hàn Quốc), Sydney (Australia) và Tokyo (Nhật Bản). Ngoài ra, các cuộc biểu tình cũng diễn ra tại Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan, nhiều nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ.
Ngày 15-10, phong trào “Chiếm lấy phố Wall” đã lan rộng tới nhiều nước trên thế giới với các cuộc tuần hành diễn ra tại nhiều thành phố như London (Anh), Frankfurt (Đức), Rome (Italy), Seoul (Hàn Quốc), Sydney (Australia) và Tokyo (Nhật Bản). Ngoài ra, các cuộc biểu tình cũng diễn ra tại Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan, nhiều nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ.

Cảnh sát London ngăn cản những người biểu tình
Cảnh sát London ngăn cản những người biểu tình

Phong trào “Chiếm lấy phố Wall” được phát động từ ngày 17-9 với cuộc biểu tình trước Sở giao dịch chứng khoán New York nhằm phản đối tình trạng bất công trong hệ thống tài chính Mỹ và những khó khăn mà người Mỹ đang trải qua. Sau đó phong trào này nhanh chóng lan rộng ra nhiều thành phố khác của nước Mỹ, trong đó có thủ đô Washington, sau khi nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các tổ chức công đoàn và chính trị. Những người biểu tình đều hưởng ứng thông điệp của phong trào “Chiếm lấy phố Wall” khi họ nhận thấy khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng do những chính sách kinh tế có lợi cho các tập đoàn.

Ngày 15-10, làn sóng xuống đường ủng hộ phong trào “Chiếm lấy phố Wall” đã lan tới nhiều nước. Hơn 10.000 người Canada cũng tiến hành những cuộc tuần hành hòa bình phản đối sự tham lam của doanh nghiệp. Ở Toronto, ước tính 5.000 người được truyền cảm hứng từ phong trào “Chiếm phố Wall” đã tập trung tại quận tài chính của thành phố. Ngoài ra, hàng nghìn người cũng biểu tình ở các thành phố Halifax, Montreal, Quebec, thủ đô Ottawa, Winnipeg, Calgary và Vancouver với một loạt yêu cầu, từ tạo việc làm đến phân chia của cải công bằng hơn.

Tại Anh, những người biểu tình đã tụ tập trước cửa trung tâm chứng khoán ở London giơ cao những biểu ngữ ghi “Chúng ta thuộc 99%”, ý muốn nói 99% người lao động phải làm việc để phục vụ cho 1% số người giàu nhất trên thế giới. Tại Đức, ước tính, khoảng 6.000 người đã biểu tình bên ngoài trụ sở Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) ở Frankfurt. Những người biểu tình cho rằng hệ thống ngân hàng hiện nay “thật đáng kinh sợ” và các ngân hàng đầu tư phải tự mình gánh chịu những thua lỗ do họ gây ra.

Hàng chục nghìn người đã biểu tình ở Rome nhằm phản đối cuộc khủng hoảng tài chính. Nhiều người đã đập vỡ cửa sổ các ngân hàng và cửa hiệu, đồng thời đốt cháy hai xe ôtô. Ước tính, khoảng 200.000 người đã tham gia cuộc biểu tình. Khoảng 1.500 cảnh sát đã được triển khai trên các đường phố để bảo đảm an ninh. Hàng chục nghìn người cùng ngày đã xuống đường ở các thủ đô Lisbon (Bồ Đào Nha), Madrid (Tây Ban Nha) và Athens (Hy Lạp) như một phần của ngày biểu tình toàn cầu phản đối cắt giảm chi tiêu và sự tham lam của các tập đoàn.

Tại Seoul, những người biểu tình đã tập trung trước cửa Cục Cố vấn tài chính để bày tỏ sự ủng hộ đối với thông điệp của phong trào “Chiếm lấy phố Wall.” Những người biểu tình thúc giục chính phủ ban hành những chính sách hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi các thể chế tài chính lớn, và bãi bỏ những quy định có lợi cho tầng lớp giàu có trong xã hội. Hàng trăm người đã đổ ra đường phố Tokyo bày tỏ ủng hộ các cuộc biểu tình ở Mỹ, đồng thời lên án các ngân hàng phá hoại nền kinh tế toàn cầu và đẩy hàng triệu người vào cảnh đói nghèo. Tại Hong Kong và Malaysia, hàng trăm người biểu tình đã phản đối sự bất bình đẳng trong việc phân chia lợi ích kinh tế trong xã hội.

Còn tại Sydney, khoảng 2.000 người tập trung bên ngoài Ngân hàng trung ương phản đối các tập đoàn kinh tế lớn và sự bất công về thu nhập. Những người tổ chức biểu tình cho biết họ có kế hoạch biểu tình vô thời hạn tại địa điểm này. Tại Auckland - thành phố lớn nhất của New Zealand đã diễn ra cuộc biểu tình với sự tham gia của 3.000 người.

Những siêu cường chỉ phục vụ cho quyền lợi của một số người mà quên đi nguyện vọng của đông đảo người dân vì vậy họ đã vùng lên để đòi nền dân chủ thực thụ. 

VIỆT ANH (tổng hợp)


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông