12:54 07/12/2024 Ngày 4-12, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký ban hành quyết định số số 1511/QĐ-TTg về việc thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, thành phố Hải Phòng. Đây là tin rất vui đối với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố trước thềm năm mới 2025, mở ra nhiều cơ hội phát triển rộng mở, tạo nên động lực mới, dư địa phát triển mới của Hải Phòng.
Khai thác tiềm năng phía nam thành phố
Theo quyết định, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, thành phố Hải Phòng là khu kinh tế ven biển có quy mô diện tích 20.000 ha (trong đó khoảng 2.909 ha là đất lấn biển), nằm ở khu vực phía Đông Nam của thành phố Hải Phòng.
Khu Kinh tế bao gồm các địa bàn: toàn bộ xã Đoàn Xá, Tân Trào, một phần xã Đại Hợp, Tú Sơn, Kiến Quốc, Kiến Hưng, Ngũ Phúc (huyện Kiến Thụy); một phần xã An Thọ, Chiến Thắng (huyện An Lão); toàn bộ xã Vinh Quang (sáp nhập từ 2 xã Vinh Quang và Tiên Hưng), Hùng Thắng, Đông Hưng, Tây Hưng, Nam Hưng, Bắc Hưng, một phần xã Tiên Thắng, Tiên Minh (huyện Tiên Lãng); toàn bộ xã Trấn Dương, Hòa Bình, Vĩnh Tiến, Cổ Am (huyện Vĩnh Bảo); một phần phường Bàng La (quận Đồ Sơn).
Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng có các khu chức năng phù hợp với mục tiêu phát triển của khu kinh tế. Quy mô, vị trí của từng khu chức năng được xác định trong quy hoạch chung Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Mục tiêu phát triển chủ yếu của Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng nhằm khai thác tối đa lợi thế về vị trí cửa ngõ quốc tế, nền tảng phát triển công nghiệp, dịch vụ cảng biển trong việc kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ với các địa bàn lân cận và quốc tế; kết hợp chặt chẽ giữa thu hút đầu tư, phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị của hệ sinh thái biển, di tích lịch sử, văn hóa và bảo đảm an sinh xã hội.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, xây dựng và phát triển Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng trở thành khu kinh tế ven biển tổng hợp, đa ngành, đa chức năng, theo mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững; tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng biển và logistics hiện đại; là động lực tăng trưởng kinh tế chủ đạo của thành phố Hải Phòng với cơ sở hạ tầng đồng bộ, có môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng, thuận lợi, trong đó có khu thương mại tự do với những cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới; là trung tâm kinh tế biển có vai trò tiên phong, có chức năng tương hỗ, kết nối với các khu kinh tế ven biển khác, tạo động lực phát triển cho vùng đồng bằng sông Hồng.
Đồng thời, tạo việc làm, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao thu nhập cho người dân.
Khẩn trương xây dựng và phát triển KKT phía Nam
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động, cơ chế, chính sách và tổ chức quản lý đối với Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng thực hiện theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp, khu kinh tế, pháp luật về đầu tư và quy định của pháp luật có liên quan.
Về lộ trình và kế hoạch phát triển: giai đoạn đến năm 2025: tổ chức lập quy hoạch chung Khu kinh tế, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch phân khu chức năng trong Khu kinh tế; đầu tư một số công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật.
Giai đoạn 2026 - 2030: triển khai đầu tư xây dựng các khu chức năng trong Khu kinh tế; các dự án cảng Nam Đồ Sơn, các dự án phát triển đô thị, các dự án hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các dự án giao thông đường bộ, nhà ở xã hội và các công trình hạ tầng xã hội khác. Giai đoạn sau năm 2030: triển khai các hạng mục đầu tư còn lại.
Thủ tướng giao UBND thành phố Hải Phòng chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung tiếp thu, giải trình liên quan đến Đề án thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng; tiếp thu đầy đủ ý kiến các Bộ, cơ quan có liên quan trong quá trình quy hoạch, đầu tư xây dựng và phát triển Khu kinh tế.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, đảm bảo các chỉ tiêu sử dụng đất trong Khu kinh tế phù hợp với 6 chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho thành phố Hải Phòng tại các Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022, số 227/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2024 và các Quyết định điều chỉnh (nếu có); đảm bảo tính khả thi của phương án huy động vốn và phân kỳ đầu tư; xây dựng danh mục cụ thể các dự án ưu tiên đầu tư, đặc biệt các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong Khu kinh tế, giao thông kết nối trong và ngoài Khu kinh tế.
Cùng với đó, đảm bảo hiệu quả - kinh tế xã hội của Khu kinh tế theo hướng phát triển bền vững thông qua giải quyết vấn đề an sinh xã hội, chuyển đổi việc làm cho người dân bị thu hồi đất. Thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường; phòng ngừa, ứng phó với thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu. Cụ thể hóa các giải pháp, chỉ tiêu về bảo vệ môi trường trong phương án bố trí không gian phát triển của Khu kinh tế; thực hiện cam kết trồng rừng thay thế, đảm bảo tính đa dạng và hệ sinh thái rừng ngập mặn; giám sát chặt chẽ việc lấn biển, hoạt động đầu tư xây dựng, xả thải vào môi trường trong Khu kinh tế theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, giảm thiểu tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường biển.
UBND thành phố tổ chức lập quy hoạch chung Khu kinh tế, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch phân khu chức năng, đảm bảo kế thừa các quy hoạch đang triển khai thực hiện; bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở, các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, khu đô thị; không ảnh hưởng đến các di tích lịch sử, văn hóa và hoạt động tôn giáo của người dân.
Thủ tướng giao các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, phối hợp, hỗ trợ UBND thành phố Hải Phòng trong việc thực hiện Đề án thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, các nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 35/2022NĐ-CP và các quy định của pháp luật có liên quan.
Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý giám sát, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, các nguyên tắc, quy định pháp luật về hoạt động lấn biển, tuân thủ quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đai và các chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất quốc gia đã phân bổ cho thành phố Hải Phòng.
Việc Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng khẩn trương xây dựng và hoàn thành đề án thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng thể hiện tâm huyết, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ Thành ủy, UBND thành phố giao; tất cả vì sự phát triển bứt phá của thành phố. Và trái ngọt đã tới khi các Bộ, ngành ủng hộ, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam. Từ đây, người dân Hải Phòng hoàn toàn có thể mường tượng được sự phát triển nhanh chóng, sầm uất, sôi động của khu vực phía nam thành phố; các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng bắt đầu quan tâm, tìm hiểu, hoạch định, hình thành các ý tưởng đầu tư, xây dựng. Đặc biệt, Hải Phòng có thêm các cơ hội, dư địa rộng lớn để phát triển bứt phá, thực hiện thành công nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, xứng đáng với vai trò động lực phát triển của cả vùng, cả nước./.
Hồng Thanh
15:07 08/01/2025
15:06 08/01/2025
13:56 08/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh