10:12 28/11/2021 Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trung bình mỗi năm có khoảng 59.000 người tử vong vì bệnh Dại ở trên 100 quốc gia; 29 triệu người phơi nhiễm với bệnh Dại và phải đi điều trị dự phòng, gây tổn thất kinh tế ước tính khoảng 8,6 tỷ đô la Mỹ. Nếu không được điều trị dự phòng, con số tử vong vì bệnh Dại có thể lên tới hơn 330.000 người mỗi năm. Ở Châu Á, mỗi năm có khoảng 26 triệu người được điều trị dự phòng sau phơi nhiễm, riêng Trung Quốc là 15 triệu người. Do mức độ nguy hiểm, gây tổn thất rất lớn về tính mạng con người và kinh tế, bệnh Dại đã trở thành mối đe dọa phổ biến trên toàn cầu…
Tỷ lệ tử vong 100% ở cả người và động vật …
Bệnh Dại là bệnh do vi rút gây ra, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương của các loài động vật có vú và người. Vi rút Dại tập trung nhiều trong nước bọt, não của động vật bị nhiễm bệnh.
Bệnh lây truyền chủ yếu qua nước bọt của động vật mắc bệnh bài tiết ra ngoài hoặc thông qua vết cắn, vết liếm (trên vùng da bị tổn thương hoặc vùng niêm mạc) vào cơ thể. Ngoài ra, vi rút Dại còn có thể lây truyền qua tiếp xúc các vết thương hở, niêm mạc với nước bọt, mô não, dịch cơ thể có chứa vi rút dại; hít phải giọt khí dung chứa vi rút ở trong không khí môi trường phòng thí nghiệm, hoặc trong hang có dơi bị nhiễm dại. Một số ít các trường hợp lây truyền bệnh Dại từ người sang người qua ghép tạng, ghép giác mạc và vết cắn hoặc tiếp xúc với chất tiết của bệnh nhân bị Dại.
Thời gian ủ bệnh Dại có thể từ vài ngày đến vài tháng. Các biểu hiện lâm sàng điển hình của bệnh Dại ở người bao gồm: sợ nước, sợ gió, co giật, liệt, dẫn đến tử vong. Một khi các triệu chứng lâm sàng đã xuất hiện, tỷ lệ tử vong là 100% đối với cả động vật và con người. Đáng chú ý, bệnh Dại có ở tất cả các châu lục, ngoại trừ Nam Cực, với hơn một nửa dân số thế giới sống trong khu vực lưu hành bệnh Dại. Hơn 80% số ca tử vong vì bệnh Dại xảy ra ở các vùng nông thôn, nơi khả năng tiếp cận các chiến dịch giáo dục sức khỏe, điều trị dự phòng sau phơi nhiễm bị hạn chế. Châu Phi và Châu Á có nguy cơ tử vong ở người cao nhất, với hơn 95% các trường hợp tử vong trên thế giới. Chi phí điều trị dự phòng sau phơi nhiễm bệnh Dại (PEP) trung bình là 108 đô la Mỹ/người…
Tiêm phòng là giải pháp tối ưu nhất…
Có ba giải pháp chính để loại trừ bệnh Dại trên người là: Tiêm phòng cho đàn chó, mèo, đặc biệt ở những khu vực nguy cơ cao, tỷ lệ tiêm phòng liên tục trong nhiều năm phải đạt trên 70% tổng đàn chó, mèo; đối với vùng nguy cơ cao tỷ lệ tiêm phòng phải đạt phải trên 90%. Đây là giải pháp duy nhất để làm gián đoạn vĩnh viễn chu kỳ truyền lây của bệnh Dại giữa động vật và người. Giải pháp thứ 2 là tiêm vắc xin phòng bệnh cho người có nguy cơ cao nhiễm bệnh Dại. Và giải pháp thứ 3 là tiêm vắc xin, huyết thanh kháng Dại cho người bị phơi nhiễm với bệnh Dại do bị chó, mèo cắn.
Bệnh Dại được phát hiện tại nước ta từ rất lâu và được quy định là bệnh bắt buộc phải báo cáo và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh từ năm 1974.
Trong giai đoạn 1974 - 1995, số người chết vì bệnh dại ở Việt Nam luôn ghi nhận con số rất cao ở mức trên dưới 500 người mỗi năm. Chính vì vậy, năm 1996, Thủ tướng chính phủ ban hành chỉ thị 92/CT-TTg ngày 07/02/1996 về việc về tăng cường công tác phòng chống bệnh Dại trên người và động vật. Nhờ đó, số ca tử vong do bệnh Dại trên người cũng giảm theo đáng kể, năm 2003 giảm còn 34 người. Tuy nhiên, những năm sau đó, công tác tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó thiếu triệt để và các chiến dịch tiêm phòng không đạt tỷ lệ cao dẫn đến số lượng chó mắc bệnh Dại gia tăng, số người chết vì bệnh Dại tăng mạnh trở lại. Giai đoạn 2012 – 2016, trung bình mỗi năm nước ta có 88 người tử vong và 394.818 người phải đi điều trị dự phòng.
Giai đoạn từ năm 2017 đến tháng 8-2021, cả nước ghi nhận 378 người tử vong vì bệnh Dại tại 52/63 tỉnh, thành phố. Trung bình mỗi năm có 76 người tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2012 -2016. Bệnh tập trung cao ở khu vực miền Bắc ở những năm 2017 - 2018 và dịch chuyển tăng dần ở khu vực miền Nam, Tây Nguyên cao hơn vào năm 2019 - 2021. Cũng trong giai đoạn này, cả nước có tổng cộng 2.554.567 người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng, tăng 561.840 (28%) trường hợp so với giai đoạn 2012 – 2016.
Mặc dù công tác điều trị dự phòng cho người sau phơi nhiễm với bệnh Dại đã được tổ chức thực hiện với hàng trăm nghìn người đã được điều trị dự phòng mỗi năm ở nhiều địa phương, tuy nhiên do số lượng người bị chó, mèo cắn quá nhiều nên chỉ cần một số lượng rất nhỏ nạn nhân vì những lý do như thiếu hiểu biết, chủ quan, không có tiền, trẻ nhỏ không biết nói với cha mẹ khi bị chó, mèo cắn nên không đi tiêm phòng dại trong con số hơn nửa triệu người bị phơi nhiễm nên hàng năm vẫn còn nhiều người tử vong do bệnh Dại. Kết quả giám sát bệnh Dại trên người của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (VSDTTƯ), Bộ Y tế cho thấy liên tục trong hàng chục năm trở lại đây, số người chết do bệnh Dại và số người chết do bệnh Dại hàng năm luôn giữ vị trí cao nhất trong số các bệnh truyền nhiễm khác ở Việt Nam (ngoại trừ năm 2014 đứng thứ 2 sau dịch sởi và năm 2021 đứng thứ 2 sau Covid -19).
Theo phân tích về kinh tế dịch tễ của các chuyên gia quốc tế phối hợp với Văn phòng Đối tác Một sức khỏe của Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn 2005 – 2014, tổn thất về kinh tế do bệnh Dại gây ra tại Việt Nam là khoảng 719 triệu Đô la Mỹ, tương đương khoảng 15.000 tỷ đồng. Từ năm 2015 đến tháng 8-2021, cả nước có tổng cộng có trên 3,3 triệu người phơi nhiễm, buộc phải điều trị dự phòng với chi phí khoảng 1,2 triệu đồng/người. Tổng thiệt hại về kinh tế chi trả riêng cho vắc xin vượt hơn 4.000 tỷ đồng. Đó là chưa tính đến tổn thất do tiêu hủy động vật, các chi phí phòng, chống dịch bệnh và các chi phí gián tiếp khác.
Kỳ II: Để không còn người tử vong vì bệnh Dại vào năm 2030…
Bệnh Dại đã tồn tại ở Việt Nam nhiều năm, là một trong những bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong số các bệnh truyền nhiễm gây dịch ở nước ta nhưng đến nay vẫn chưa được loại trừ. Bệnh có nguy cơ tiếp tục gây chết nhiều người nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, đồng bộ...
Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại giai đoạn 2022 - 2030
Trước thực tế đó, vừa qua, Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế đã phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại, giai đoạn 2017 – 2021; góp ý dự thảo Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022 – 2030. Hội nghị sau khi nghe đại diện của FAO/WHO/CDC tại Việt Nam chia sẻ Chiến lược phòng, chống bệnh Dại trên thế giới và bài học kinh nghiệm, đã thông qua dự thảo Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại giai đoạn 2022 – 2030.
Theo đó, dự thảo đã chỉ rõ tính cấp thiết, nguy cơ bệnh Dại tiếp tục xảy ra là rất cao, có thể gây tổn thất rất lớn về kinh tế, ảnh hưởng nặng nề đến an sinh xã hội.
Các tổ chức quốc tế (WHO, OIE, FAO, cộng đồng toàn cầu về kiểm soát bệnh Dại) và các nước, trong đó có Việt Nam đã ký kết, tham gia Chương trình toàn cầu không có người chết vì bệnh Dại vào năm 2030 (Zero by 2030). Chương trình có 3 mục tiêu chính, gồm: giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh Dại ở người bằng cách sử dụng hiệu quả vắc xin, thuốc, công cụ, các giải pháp kỹ thuật; cung cấp dữ liệu, đưa ra các chính sách, hướng dẫn hiệu quả và duy trì các cam kết, nguồn lực nhằm tăng cường sự gắn kết, hợp tác, khai thác có hiệu quả của các bên liên quan đánh giá tác động/hiệu quả hoạt động hợp tác giữa các bên.
Hiện nay, thế giới có gần 100 quốc gia an toàn bệnh Dại. Một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã kiểm soát tốt nên không còn xảy ra bệnh Dại. Tổ chức FAO, OIE đã xây dựng bộ công cụ để xác định tình trạng, hiệu quả phòng chống dịch bệnh theo “Lộ trình kiểm soát dịch bệnh theo hiệu quả tăng dần (Progressive Control Pathway - PCP)” bao gồm 5 giai đoạn.
Trên cơ sở đánh giá tình hình dịch bệnh, kết quả phòng, chống bệnh Dại, các tổ chức quốc tế và các nước đánh giá Việt Nam đang ở Giai đoạn 3. Các tổ chức quốc tế sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam xây dựng, tổ chức thực hiện: “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại giai đoạn 2022 - 2030” phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam và lộ trình của khu vực Đông Nam Á, thế giới, cũng như áp dụng các nguyên tắc PCP nêu trên.
Với tổng đàn chó 7,5 triệu con năm 2021 và thực trạng bệnh Dại hiện nay, WHO đánh giá Việt Nam là một trong các quốc gia đang có bệnh Dại lưu hành ở nhóm nguy cơ cao nhất thế giới, có nguy cơ cao lây truyền bệnh Dại từ động vật sang người. Do đó, các tổ chức quốc tế cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ và đề nghị Chính phủ Việt Nam cùng hợp tác để đạt được mục tiêu “không còn người tử vong vì bệnh Dại vào năm 2030”.
Kiểm soát được bệnh Dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh Dại vào năm 2030 cũng chính là mục tiêu chung mà dự thảo Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại giai đoạn 2022 – 2030 của nước ta hướng đến.
Về mục tiêu cụ thể, giai đoạn 2022 – 2025, Việt Nam phấn đấu tổng đàn chó, mèo nuôi được tiêm phòng vắc xin Dại đạt 70%; giai đoạn 2026 – 2030 đạt 80%. Đồng thời, phấn đấu xây dựng thành công thêm ít nhất 10 vùng ATDB Dại cấp huyện hoặc vùng liên huyện; duy trì 100% các vùng, cơ sở ATDB Dại trong giai đoạn 2017-2021…
Đối với phòng, chống bệnh Dại ở người, dự thảo phấn đấu 100% các huyện có điểm tiêm chủng công lập vắc xin Dại và huyết thanh kháng Dại cho người. 100% số người tiêm vắc xin phòng Dại do động vật cắn được báo cáo, thông qua hệ thống báo cáo quốc gia. 90% số người bị động vật cắn bị được điều trị dự phòng đủ sau phơi nhiễm. Đến năm 2025, không còn tỉnh nguy cơ cao về bệnh Dại trên người, giảm 50% số người bị tử vong do bệnh Dại so với giai đoạn 2017 - 2021 và phấn đấu không còn người tử vong vì bệnh Dại vào năm 2030...
Trách nhiệm của cả hệ thống chính trị
Để đạt được mục tiêu đề ra, dự thảo đã xây dựng cụ thể, chi tiết 14 nhiệm vụ, giải pháp kỹ thuật về: công tác quản lý đàn chó, mèo; tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo; điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cho người; điều tra, ứng phó, xử lý ổ dịch Dại; giám sát bệnh Dại trên động vật, trên người; tăng cường năng lực xét nghiệm; xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh; nghiên cứu khoa học; hợp tác quốc tế; hợp tác nghiên cứu, sản xuất, cung ứng vắc xin…
Nếu triển khai nghiêm túc, hiệu quả 14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề ra, Chương trình hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả, lợi ích kinh tế, xã hội lớn. Việt Nam sẽ kiểm soát tốt bệnh Dại trên đàn chó, mèo, cắt đứt nguồn truyền lây vi rút Dại sang người, giảm số lượng người bị chó, mèo cắn hàng năm, không còn người bị tử vong do bệnh Dại. Qua đó, góp phần giảm gánh nặng về kinh tế do phải điều trị dự phòng, ước tính hàng nghìn tỷ mỗi năm. Các hoạt động KT-XH trong vùng được ổn định, không bị xáo trộn hoặc bị gây trở ngại do phải áp dụng các biện pháp chống dịch Dại. Người dân ở những địa phương có nguy cơ cao về bệnh Dại không còn sống trong lo âu, sợ hãi, hoặc bị ám ảnh bởi sự mất mát của những người thân quen… Qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng KT-XH, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh kích cầu du lịch, thu hút ngày càng lớn các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam tham quan, du lịch.
Để đạt được kết quả đó, Bộ NN& PTNT và Bộ Y tế căn cứ vào nội dung Chương trình, xây dựng giải pháp phòng, chống bệnh Dại trên đàn chó, mèo và trên người cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm hiệu quả; chịu trách nhiệm xây dựng dự toán kinh phí thực hiện Chương trình, tổng hợp chung trong dự toán của Bộ và gửi Bộ Tài chính xem xét, phân bổ ngân sách. Hàng năm, phân bổ ngân sách cho Chương trình; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, địa phương để thực hiện Chương trình; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình để thực hiện các nội dung theo quy định của Chương trình, bảo đảm đúng tiến độ, hiệu quả đề ra.
Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Bộ NN& PTNT, Bộ Y tế, các bộ, ngành và địa phương có liên quan xây dựng, triển khai kế hoạch tuyên truyền phòng, chống bệnh Dại giai đoạn 2022 - 2030. Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, hệ thống Đài truyền thanh Trung ương, cơ sở tổ chức công tác truyền thông nguy cơ dịch bệnh Dại, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người dân hiểu rõ sự nguy hiểm của bệnh Dại, chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh.
UBND các tỉnh, thành phố trên cơ sở Chương trình này, chỉ đạo Sở NN&PTNT, Sở Y tế và các sở, ngành có liên quan, các cấp chính quyền của địa phương xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phòng, chống bệnh Dại trình HĐND cấp tỉnh phê duyệt. Đồng thời bố trí kinh phí, tổ chức triển khai thực hiện theo tình hình thực tế của từng địa phương.
Đặc biệt, các tổ chức, cá nhân nuôi chó, mèo phải tuân thủ các quy định và hướng dẫn về phòng, chống bệnh Dại của cơ quan thú y, Luật Chăn nuôi trong việc quản lý, giám sát và xử lý ổ dịch Dại ở động vật. Cụ thể: chủ nuôi chó, mèo phải đăng ký việc nuôi chó, mèo; thường xuyên xích, nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình, để hạn chế chó, mèo cắn người. Khi đưa chó, mèo ra khỏi nhà phải xích và rọ mõm đề phòng cắn người; nuôi chó, mèo đảm bảo vệ sinh thú y, VSMT; chấp hành tiêm vắc xin phòng Dại cho chó, mèo. Khi phát hiện có hiện tượng bất thường ở con vật, phải nhốt con vật đó để theo dõi, báo cho nhân viên thú y cấp xã, UBND cấp xã hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất. Không được vận chuyển hoặc bán chó, mèo mắc bệnh, nghi mắc bệnh Dại đi nơi khác để ngăn chặn sự lây lan dịch Dại trên diện rộng và gây bệnh Dại cho người. Khi động vật đã xác định mắc bệnh Dại, phải chấp hành tiêu hủy con vật, vệ sinh khử trùng tiêu độc theo quy định. Khi có chó, mèo mắc bệnh Dại hoặc nghi Dại cắn, cào người khác phải bồi thường theo quy định của pháp luật…
Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện hành nghề mở phòng khám chó, mèo phải thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh Dại, đeo vòng cổ cho chó, mèo, cấp sổ tiêm phòng và định kỳ hàng tháng báo cáo tổng hợp số liệu tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo cho cơ quan thú y địa phương. Trong trường hợp khám, điều trị nếu phát hiện chó, mèo mắc, nghi mắc bệnh Dại phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương để xử lý kịp thời…
Khánh Chi
22:42 09/01/2025
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh