16:31 14/08/2019 Là loài sinh vật có thể gây hại đối với hơn 300 loài thực vật, có nguồn gốc từ Châu Mỹ, mới đây, “sâu keo mùa thu” đã xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam được gọi là “kẻ hủy diệt cây trồng” với tốc độ lây lan rất nhanh, đã “hoành hành” ở hầu hết các vùng trồng ngô trên phạm vi cả nước. Liên quan đến loài sinh vật gây hại mới này, báo ANHP có cuộc trao đổi nhanh với bà Nguyễn Thị Lan – Trưởng phòng Bảo vệ Thực vật, Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ Thực vật Hải Phòng.
PV: Xin chị cho biết đôi nét về loài sinh vật gây hại mới này? “Sâu keo mùa thu” đã xâm nhập vào Hải Phòng ra sao?
Bà Nguyễn Thị Lan:
“Sâu keo mùa thu” chính thức xâm nhập vào Việt Nam từ đầu tháng 4-2019. Đây là loài sinh vật gây hại có sức ăn rất khỏe, tốc độ lây lan nhanh, sâu bướm trưởng thành mỗi đêm có thể bay xa hàng km, gây hại nặng trên diện rộng.
Trong đó, thức ăn ưa thích nhất của chúng là cây ngô. Hiện, loài sâu này đã phát sinh, gây hại ở hầu hết các vùng trồng ngô trên cả nước.
Tại các tỉnh phía Bắc, đã có trên 7.500 ha ngô bị nhiễm sâu hại; trong đó có 2.740 ha ngô bị nhiễm nặng. Nhiều nhất là tỉnh Sơn La có 6.434 ha ngô nhiễm sâu hại, tiếp đến là Điện Biên 638 ha, Phú Thọ 65,6 ha...
Tại Hải phòng, hiện toàn thành phố có 20 ha diện tích trồng ngô, tập trung chủ yếu tại một số huyện: Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, An Dương. Trong đó, có khoảng 50% ngô đang trong giai đoạn mới trồng.
Đáng chú ý, “sâu keo mùa thu” đã xuất hiện, gây hại tại một số vùng trồng ngô trên địa bàn các xã: Thắng Thủy, Vĩnh An, Dũng Tiến (Vĩnh Bảo), Tú Sơn (Kiến Thụy), An Hòa (An Dương)...
Sâu hại trên các giai đoạn ngô được 5 lá – xoáy nõn; mật độ phổ biến từ 1 đến 2 con/m2; cục bộ có nơi lên đến 6-8 con/m2. Tổng diện tích ngô bị nhiễm sâu keo của bà con các địa phương là 3,1 ha, trong đó có 0,1 ha nhiễm nặng.
Điều đáng nói là, đây là loại sâu hại có đặc điểm sinh học, quy luật phát sinh, phát triển rất đáng quan ngại. Chúng có vòng đời ngắn, sức sinh sản rất lớn, gối lứa liên tục. Trong thời gian trưởng thành tiếp tục đẻ trứng, sâu non nở, gây hại cho diện tích ngô mới trồng đến giai đoạn xoáy nõn.
Đặc điểm sâu keo mùa thu
PV: Trước thực trạng đó, ngành nông nghiệp đã có giải pháp gì để giúp người dân phòng chống kịp thời, hạn chế thấp nhất sự lây lan “sâu keo mùa thu” ra diện rộng, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Lan:
Để tổ chức phòng chống kịp thời, hiệu quả, hạn chế sự lây lan trên diện rộng, thực hiện Chỉ thị của Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT có văn bản tăng cường công tác phòng chống “sâu keo mùa thu hại ngô”.
Theo đó, Sở đề nghị UBND các huyện, quận có sản xuất nông nghiệp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trên địa bàn tăng cường cán bộ kỹ thuật điều tra diễn biến sâu keo, hướng dẫn nông dân phun trừ trên diện tích ngô có mật độ sâu hại từ 4 con/m2 trở lên. Khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp sinh học, sử dụng bẫy bả thu bắt sâu trưởng thành, thu gom, tiêu diệt ổ trứng, sâu non... để giảm mật độ sâu trên đồng ruộng.
Các cơ quan chuyên môn trong ngành như: Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ Thực vật, Trung tâm Khuyến nông, phòng Kỹ thuật tăng cường cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến, dự báo thời gian phát sinh, gây hại của sâu trên cây ngô cũng như các loài cây trồng khác nếu có.
Hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật phòng chống sâu hại kịp thời, hiệu quả; lựa chọn giống ngô kháng, chống chịu “sâu keo mùa thu” để nông dân thay thế giống nhiễm nặng; thông tin, tuyên truyền về loài sâu gây hại mới này cho cán bộ cơ sở, nông dân biết, chủ động phòng chống.
Lực lượng thanh tra các huyện, quận phố hợp chặt chẽ với thanh tra chuyên ngành Bảo vệ, Kiểm dịch thực vật, đội Quản lý thị trường, chính quyền các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đại lý kinh doanh thuốc BVTV, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Đáng chú ý, trước đó, ngay sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của Cục Bảo vệ thực vật (ngày 3-5), Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ Thực vật đã cử cán bộ tiến hành điều tra, rà soát, nắm diện dịch ngô trồng bị nhiễm sâu; xác định rõ sự phân bố, mật độ, tuổi sâu, giai đoạn sinh trưởng trên địa bàn từng xã, huyện, để có biện pháp chỉ đạo cụ thể đối với từng trà ngô.
Và ngày 6-5, đơn vị đã ban hành Hướng dẫn kỹ thuật phòng chống “sâu keo mùa thu” gửi UBND và phòng NN&PTNT, phòng Kinh kế các huyện, quận.
Theo đó, đặc điểm hình thái, sinh học, sinh thái, gây hại, con đường xâm nhập, lây lan của loài sâu này đã được đơn vị phổ biến, hướng dẫn đến các đội ngũ cán bộ chuyên môn cơ sở để tuyên truyền sâu rộng đến người dân. Để phòng chống hiệu quả “sâu keo mùa thu”, Chi cục khuyến cáo người dân cần áp dụng tổng hợp 5 biện pháp: canh tác, thủ công, sinh học, bẫy bả và hóa học.
Trước hết, người dân cần làm sạch cỏ dại xung quanh vườn trồng ngô; làm đất, phơi đất khô để hạn chế nơi trú ngụ, làm ấu trùng, nhộng trong đất chết; luân canh ngô – lúa nước ngay sau vụ ngô kết thúc để diệt nhộng trong đất; kiểm tra đồng ruộng thường xuyên, đặc biệt ở giai đoạn ngô 3-6 lá để phát hiện, ngắt tiêu hủy ổ trứng.
Giai đoạn sâu non, dùng tro bếp, nước xà phòng loãng đổ vào nõn ngô để diệt sâu; dùng chế phẩm sinh học phun trừ sâu nhỏ; dùng bẫy dính màu vàng có pheromone giới tính, bẫy bả chua ngọt, bẫy đèn để diệt sâu trưởng thành.
Ngoài ra, trên cánh đồng ngô, trồng thêm một số diện tích cỏ voi, ngô nếp sớm hơn so với thời vụ chung để dẫn dụ sâu trưởng thành đến đẻ trứng. Sau đó dùng bẫy diệt sâu trưởng thành, ngắt ổ trứng và kết hợp với việc sử dụng các loài thuốc để phun trừ sâu non.
Pv: Xin trân trọng cảm ơn bà!
Người thực hiện: Khánh Chi
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh