08:55 11/08/2019 Chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo nói chung, Biển đảo Việt Nam nói riêng là hai khái niệm pháp lý được quy định trong pháp luật về biển của các quốc gia ven biển trên cơ sở Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, được 107 quốc gia, trong đó có Việt Nam, ký tại Montego Bay, Jamaica (được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn ngày 23-6-1994), đến nay đã có 157 quốc gia ký kết.
Nhà giàn DK1 vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió (ảnh tư liệu)
Luật biển Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 21-6-2012, có hiệu lực từ 1-1-2013. Tại Điều 3, xác định: “Vùng biển Việt Nam bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, được xác định theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và phù hợp với Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982”.
Theo đó, quy định các vùng biển của nước ta như sau: nội thủy của nước CHXHCN Việt Nam là vùng nước tiếp giáp với bờ biển, ở phía trong đường cơ sở và là một bộ phận lãnh thổ của Việt Nam. Nhà nước thực hiện chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ đối với nội thủy như trên lãnh thổ đất liền.
Lãnh hải của nước Việt Nam là vùng biển có chiều rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở ra phía biển. Nhà nước thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải và vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
Tàu thuyền của tất cả các quốc gia được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam trên cơ sở tôn trọng hòa bình, độc lập, chủ quyền, pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, tàu quân sự nước ngoài thông báo trước cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Vùng tiếp giáp lãnh hải của Việt Nam là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng 12 hải lý, hợp với lãnh hải thành một vùng rộng 24 hải lý tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải. Nhà nước thực hiện kiểm soát trong vùng tiếp giáp lãnh hải nhằm ngăn ngừa và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi về hải quan, thuế, y tế, xuất nhập cảnh xảy ra trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải Việt Nam.
Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, hợp với lãnh hải thành vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở.
Trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Nhà nước thực hiện quyền chủ quyền về việc thăm dò, khai thác, quản lý và bảo tồn tài nguyên thuộc vùng nước bên trên đáy biển, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển; thực hiện quyền chủ quyền về các hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vùng này vì mục đích kinh tế; thực hiện quyền tài phán quốc gia về lắp đặt và sử dụng đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trên biển, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển.
Nhà nước tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không và hoạt động sử dụng biển hợp pháp của các quốc gia khác trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà không phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam.
Thềm lục địa của Việt Nam là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa. Nhà nước thực hiện quyền chủ quyền đối với thềm lục địa về thăm dò, khai thác tài nguyên.
Quyền này có tính chất đặc quyền, không ai có quyền tiến hành hoạt động thăm dò thềm lục địa hoặc khai thác tài nguyên của thềm lục địa nếu không có sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam. Nhà nước có quyền khai thác lòng đất dưới đáy biển, cho phép và quy định việc khoan nhằm bất kỳ mục đích nào ở thềm lục địa.
Nhà nước tôn trọng hoạt động sử dụng biển hợp pháp khác của các quốc gia khác ở thềm lục địa Việt Nam theo quy định của Luật này và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, không làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam.
Liên quan đến những vấn đề về biển, trước đó vào năm 2007, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa 10 đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh.
Mới đây nhất, trên cơ sở đánh giá kết quả đã đạt được từ Nghị quyết 09, nhằm phù hợp với tình hình mới, Trung ương tiếp tục ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tuy nhiên, những năm gần đây vấn đề biển Đông đã đặt ra cho Việt Nam những nhiệm vụ hết sức nặng nề, khi tình hình trên biển tiếp tục diễn biến khó lường và các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gay gắt. Trong bối cảnh đó, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là phát huy sức mạnh toàn dân tộc gắn với sức mạnh thời đại, biến thách thức thành cơ hội.
Chủ trương vận dụng tối đa luật pháp quốc tế và tranh thủ sự ủng hộ chính nghĩa của các nước trên thế giới, để kiên quyết, kiên trì đấu tranh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo bằng biện pháp hòa bình, tích cực cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các thách thức chung.
Hoàng Minh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh