15:57 29/09/2022 Sáng 29-9, tại huyện Thủy Nguyên, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Hải Phòng; Đỗ Mạnh Hiến, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, cùng các ĐBQH Hải Phòng tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 15. Dự tiếp xúc, về phía lãnh đạo thành phố có các đồng chí: Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố; Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố; Cao Xuân Liên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, huyện Thủy Nguyên và đông đảo cử tri trên địa bàn huyện.
Thay mặt Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng, Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Giám đốc CATP, đại biểu Quốc hội khóa 15 thông tin với cử tri về dự kiến chương trình, nội dung kỳ họp thứ 4; tình hình kinh tế-xã hội đất nước 8 tháng năm 2022.
Theo kế hoạch, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV sẽ khai mạc vào ngày 20-10-2022 và bế mạc vào ngày 18-11-2022. Dự kiến nội dung chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến 7 dự án luật gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Luật Phòng thủ dân sự.
Tại cuộc tiếp xúc, đã có hơn 10 cử tri phát biểu về nhiều vấn đề nổi bật, vừa mang tính bao quát, vừa mang tính cụ thể. Cụ thể, cử tri huyện Thủy Nguyên đã tham gia các ý kiến về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, bày tỏ vui mừng và đánh giá cao trước triển vọng tăng trưởng kinh tế-xã hội của đất nước.
Cử tri cũng đóng góp ý kiến cần sớm phê duyệt quy hoạch chung của thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; về hoạt động đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế và tình trạng cán bộ, bác sĩ ngành y bỏ việc; về tình trạng giáo viên nghỉ việc, thiếu giáo viên và công tác biên soạn sách giáo khoa; về bảo vệ môi trường; về phòng, chống bạo lực gia đình; về cải cách tiền lương và chế độ, chính sách với công chức, viên chức; hỗ trợ doanh nghiệp; về công tác phòng cháy, chữa cháy; nhà ở xã hội cho công nhân và xây dựng huyện Thủy Nguyên sớm trở thành thành phố trực thuộc TP Hải Phòng theo Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị…0
Trả lời kiến nghị của cử tri, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, thời gian qua, do nhiều nguyên nhân nên nước ta gặp nhiều khó khăn, thiếu hụt về thuốc và trang thiết bị, vật tư y tế. Do đó, tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội ra nghị quyết kỳ họp đã giao Chính phủ “tháo gỡ các vướng mắc, bất cập để triển khai đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị vật tư y tế”.
Chính phủ đã chỉ đạo ngành y tế thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong cung ứng thuốc, nhằm đảo bảo đủ thuốc khám chữa bệnh. Nhờ vậy, khó khăn đang từng bước được giải quyết, tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế đã giảm, công tác đấu thầu thuốc đang tích cực được triển khai.
Trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ tư cũng đề xuất đưa thuốc vào mặt hàng Nhà nước định giá (trước đây, thuốc chỉ là mặt hàng kê khai giá). Luật Đấu thầu cũng được sửa đổi theo hướng công khai, minh bạch để cán bộ vận hành thuận tiện theo đúng quy định, không sợ sai. Hiện, các cơ quan hữu quan đang bàn xây dựng luật về trang thiết bị y tế.
Về vấn đề thiếu giáo viên, Chủ tịch Quốc hội cho hay, các cơ quan chức năng đã quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên cho các địa phương trong giai đoạn 2022-2026. Riêng năm học 2022-2023, giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Đối với vấn đề bảo vệ môi trường, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là một trong nội dung được Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm và tăng cường các hoạt động giám sát về môi trường khi làm việc với các Bộ, ngành, địa phương nhằm đảm bảo các dự án vận hành, hoạt động an toàn về môi trường theo đúng quy định của pháp luật. “Chúng ta kiên quyết không đánh đổi môi trường để tăng trưởng. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia tiên phong trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, trong đó có mục tiêu bảo đảm bền vững cho môi trường”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Về việc xây dựng huyện Thủy Nguyên trở thành thành phố trực thuộc TP Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, phải chủ động nghiên cứu, xây dựng cơ chế mô hình thành phố trực thuộc thành phố.
Đối với huyện Thủy Nguyên có nhiều tiềm năng, lợi thế song cần tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, phát triển ngành nghề gắn với đô thị.
THỦY NGUYÊN
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh