18:56 14/09/2022 Ngày 1-8-2022, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ký ban hành Quyết định 911/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 (Chương trình OCOP). Chương trình được triển khai hứa hẹn sẽ khơi dậy, phát huy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn. Từ đó, tạo nền tảng, động lực thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, đưa tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đi vào chiều sâu…
Nâng cao chất lượng đời sống người dân nông thôn
Chương trình OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực, nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập của người dân với mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.
Chương trình được triển khai từ năm 2018 theo Quyết định 490/QĐ-TTg ngày 7-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ đã tạo ra sức lan toả mạnh mẽ, được các tỉnh/thành trong cả nước tích cực triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, trở thành giải pháp có tính đột phá trong phát triển kinh tế nông thôn nói riêng, tiến trình xây dựng NTM nói chung.
Tính đến hết tháng 8 năm nay, cả nước đã có 8.478 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Trong đó, có 65,4% sản phẩm 3 sao; 33,4% sản phẩm 4 sao và 1% sản phẩm tiềm năng 5 sao; 0,2% sản phẩm 5 sao. Đặc biệt, thông qua chương trình, nhiều địa phương đã chủ động phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn và điểm du lịch. Hiện, đã có 65 sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch được các địa phương đánh giá, công nhận.
Với những kết quả khả quan kể trên, chương trình OCOP tiếp tục được xác định là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP, gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân, đặc biệt là vùng miền núi, đồng bào dân tộc khó khăn.
Để triển khai hiệu quả chương trình trong giai đoạn tiếp theo (2021-2025), tại Quyết định 911/QĐ-TTg đã xác định rõ 6 nhóm nội dung, nhiệm vụ và 9 nhóm giải pháp trọng tâm. Thủ tướng Chính phủ cũng giao trách nhiệm cụ thể cho từng bộ, ngành trung ương và các địa phương từ UBND tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương đến UBND cấp huyện, xã; MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức nghề nghiệp; các trường, viện, tổ chức nghiên cứu, tư vấn.
Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên
Mục tiêu cụ thể mà Quyết định hướng tới là phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 400 - 500 sản phẩm đạt 5 sao. Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.
Ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp nhỏ, vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ, vừa. Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. Có ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống.
Cùng với đó, tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%; phấn đấu có ít nhất 40% chủ thể OCOP là nữ, ít nhất 20% chủ thể OCOP là người dân tộc thiểu số điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...); phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Diễn đàn hợp tác quốc tế mỗi làng/xã một sản phẩm được tổ chức ít nhất 1 lần/năm nhằm nâng cao và khẳng định thương hiệu OCOP Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế…
Hải Phòng đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh Chương trình OCOP
Tại Hải Phòng, triển khai chương trình tính đến nay thành phố đã đánh giá, phân hạng được 126 sản phầm từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 79 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao, 42 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 5 sản phẩm còn lại đạt trên 90 điểm được gửi tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Riêng 8 tháng qua, Hải Phòng có 63 sản phẩm của 25 tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Các tổ chức, cá nhân có sản phẩm OCOP đã tích cực tham gia các Hội chợ triển lãm để giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại.
Đáng chú ý, các sản phẩm OCOP kể trên đã được đưa vào hệ thống mạng lưới phân phối hàng hoá tại 154 chợ, 24 siêu thị, 10 Trung tâm thương mại, trên 120 cửa hàng tiện ích, tựa chọn và các điểm du lịch trên địa bàn thành phố.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện Hải Phòng chưa có sản phẩm du lịch cộng đồng, điểm bán hàng được công nhận là sản phẩm OCOP. Là một chương trình mới, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đặc biệt là yêu cầu phải khơi dậy được tiềm năng, lợi thế của địa phương nên quá trình triển khai Hải Phòng còn vấp phải một số khó khăn, hạn chế nhất định.
Công tác xúc tiến thương mại chưa được triển khai bài bản, động bộ nên chưa làm nổi bật được những ưu điểm nổi trội, nét độc đáo, đặc sắc của sản phẩm OCOP để tạo dựng hình ảnh, thương hiệu trên thị trường. Riêng đối với việc phát triển sản phẩm OCOP du lịch cần nguồn vốn đầu tư lớn và phải được công nhận là các điểm du lịch theo quy định của ngành Du lịch nên quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng…
Nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, trở ngại trong quá trình triển khai chương trình, bám sát các nhóm giải pháp trọng tâm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 911/QĐ-TTg, Bộ NN&PTNT xây dựng, ngành NN&PTNT thành phố đã xác định rõ 8 nhóm giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả trong thời gian tới.
Theo đó, toàn ngành sẽ tập trung xây dựng hệ thống quản lý điều hành, nâng cao năng lực quản lý, thực hiện chương trình; tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ quản lý, phụ trách Chương trình OCOP các cấp và các chủ thể sản xuất tham gia chương trình.
Việc ứng dụng KHCN trong sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP cũng được toàn ngành chú trọng đẩy mạnh. Các hình thức tổ chức sản xuất, các hoạt động xúc tiến thương mại được tập trung phát triển và triển khai đồng bộ.
Ngoài ra, Hải Phòng cũng chú trọng hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình; nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về du lịch và Chương trình OCOP; cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách thành phố và nguồn vốn tự chủ của các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình OCOP…
KC
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh