14:44 15/10/2017 Sau hơn 4 năm thực hiện, chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh Quảng Ninh đã từng bước thúc đẩy phát triển các sản phẩm, dịch vụ ở khu vực nông thôn, đô thị, đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp...
Phát triển sản phẩm OCOP Quảng Ninh góp phần tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: CTV
Phong phú sản vật địa phương
Với trên 90% diện tích là rừng và đất rừng, huyện Ba Chẽ nổi tiếng với các cây dược liệu đặc sản, như: Ba kích tím, Trà hoa vàng, Măng mai, Nấm lim, Nhân trần, Sâm cau… Tập trung thực hiện chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) do tỉnh Quảng Ninh phát động, huyện Ba Chẽ đã ưu tiên tập trung triển khai việc hỗ trợ mua máy móc, thiết bị ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất, như: hỗ trợ 49,6 triệu đồng cho tổ hợp tác ong mật thị trấn Ba Chẽ mua máy hạ thủy phần mật ong; hỗ trợ kinh phí cho Công ty cổ phần kinh doanh lâm sản Đạp Thanh mua máy đóng gói trà túi lọc tự động; hỗ trợ cho Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ lâm sản ngoài gỗ Ba Chẽ tại xã Đồn Đạc máy sấy dược liệu, máy khử độc tố andehit trong rượu và máy hút chân không... Huyện cũng chú trọng đổi mới mẫu mã bao bì, tem nhãn cho sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Việc đưa máy móc vào chế biến và bảo quản, đổi mới mẫu mã, bao bì các sản phẩm từ cây dược liệu đã mang lại hiệu quả cao, nâng cao chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.
Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” được tỉnh Quảng Ninh xây dựng và triển khai từ cuối năm 2013, thông qua việc nghiên cứu và học tập phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) của Nhật Bản và “Mỗi cộng đồng một sản phẩm” (OTOP) của Thái Lan nhằm tập trung phát triển sản phẩm từ những lợi thế về tài nguyên, văn hóa, lao động ở khu vực nông thôn bằng chính sự tổ chức của cộng đồng, thông qua đó, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho cư dân nông thôn và phát triển một cách bền vững. Chương trình nhằm hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất, phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm đặc sản địa phương từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trên thị trường.
Sau 4 năm triển khai, toàn tỉnh đã có 215 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tham gia OCOP với tổng vốn đăng ký là 250 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 2.500 lao động địa phương. Trong tổng số 238 sản phẩm OCOP, có 85 sản phẩm đạt từ 3 đến 5 sao. Nhiều sản phẩm trong số này phát triển dựa trên hoạt động sản xuất sẵn có, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương như: Mực Cô Tô, miến dong Bình Liêu, ba kích Ba Chẽ, trứng gà Tân An, chả mực Hạ Long, hoa Hoành Bồ... Sau khi triển khai tái cơ cấu theo hướng sản xuất tập trung, các sản phẩm đều đảm bảo đủ điều kiện phát triển thành hàng hóa với sản lượng lớn.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hướng tới xuất khẩu
Năm 2017 được đánh giá là một bước chuyển về “chất” của chương trình OCOP Quảng Ninh với sự thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đưa các sản phẩm OCOP Quảng Ninh vào các trung tâm, siêu thị lớn; đồng thời mở rộng thị trường cả nước và quốc tế.
9 tháng qua, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức 20 hội chợ, phiên chợ, bao gồm: hội chợ thương mại, hội chợ OCOP Quảng Ninh, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn... nhằm quảng bá sản phẩm cho OCOP Quảng Ninh. Đặc biệt, Tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP Quảng Ninh 2017 được lần đầu tiên tổ chức nhằm kết nối các nhà sản xuất với các kênh tiêu thụ sản phẩm, định hướng phát triển hoạt động sản xuất hàng hóa, cung ứng ra thị trường, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm OCOP Quảng Ninh và nông sản nói chung. Theo kế hoạch, các tuần kết nối sẽ được tổ chức liên tục vào tuần cuối của các tháng 9, 10, 11-2017. Tuần kết nối cuối tháng 9, sau 3 ngày diễn ra, đã có khoảng hơn 12.000 lượt người tới mua sắm với tổng doanh thu bán hàng đạt trên 1 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong khuôn khổ của tuần kết nối lần này, Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Central Group Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP Quảng Ninh tại hệ thống BigC trên cả nước.
Trước đó, Hội chợ OCOP Quảng Ninh lần thứ V năm 2017 cũng khẳng định vai trò cầu nối giữa người sản xuất với thị trường khi chỉ trong 5 ngày thu hút hơn 54.000 lượt người đến mua sắm; tổng doanh thu bán hàng đạt 6,8 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Ninh cũng tích cực hỗ trợ cho các đơn vị sản xuất tham gia triển lãm, trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài nước, như: Triển lãm quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam, Hội chợ thương mại Asean - Trung Quốc, Hội chợ thương mại du lịch quốc tế Việt - Trung tại TP Nam Ninh.
Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban điều hành OCOP Quảng Ninh khẳng định, thời gian tới tỉnh sẽ tăng cường kết nối các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP với các nhà tư vấn, nhà đầu tư; tổ chức đoàn công tác của tỉnh học tập chương trình OCOP của chính phủ Thái Lan; qua đó không chỉ hỗ trợ cho các doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường, thiết lập các kênh phân phối, đại lý mà còn tạo cơ hội để các doanh nghiệp đánh giá lại sản phẩm, từ đó nâng cao chất lượng...
HẢI HẬU
16:29 07/01/2025
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh