Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa Hải Phòng: Còn nhiều e ngại và lực cản

10:23 20/06/2022

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có hơn 37.000 doanh nghiệp đang hoạt động với xấp xỉ 97% doanh nghiệp ở quy mô nhỏ và vừa. Theo xu thế, việc chuyển từ mô hình quản lý sản xuất kinh doanh truyền thống sang dựa trên nền tảng số đang diễn ra khá nhanh và cấp thiết nhưng phần đông doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hầu như chưa theo kịp. Đâu đó vẫn có e ngại và còn nhiều lực cản tới quá trình chuyển đổi số (CĐS). Vấn đề này đang được thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tạo ra những chuyển biến mới.

                                                                       Loay hoay tìm hướng đi

     Theo đồng chí Hoàng Minh Cường, Phó chủ tịch UBND thành phố, qua khảo sát cho thấy,  việc tham gia vào quá trình CĐS của DNNVV trên địa bàn thành phố còn chậm. Những thách thức lớn nhất là doanh nghiệp thiếu nhận thức đầy đủ về CĐS,  cho rằng CĐS tốn nhiều chi phí; lo lắng về vấn đề thiếu nhân lực công nghệ; lo lắng về bảo mật thông tin nội bộ, bí mật kinh doanh; và đặc biệt là doanh nghiệp khó khăn trong việc xác định hướng đi, lộ trình cụ thể để CĐS trong doanh nghiệp.

                                                      

                       Phó chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng trong CĐS đối với DNNVV

    Tại hội nghị “Chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hải Phòng- Cơ hội, thách thức và giải pháp” do UBND thành phố tổ chức ngày 26-5, phần lớn lãnh đạo DNNVV đều cho rằng: CĐS khá khó khăn và phức tạp. Doanh nghiệp dù rất muốn cũng không biết nên bắt đầu từ đâu. Thậm chí có doanh nghiệp cho rằng, trang bị hệ thống máy tính; mua các phần mềm về sử dụng đã là CĐS.

    Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp chia sẻ: hiện có quá nhiều giải pháp CĐS bởi nhiều nhà cung cấp khác nhau. Lựa chọn mô hình CĐS phù hợp với quy mô và mục tiêu phát triển của doanh nghiệp không dễ. Vì thế, điều mong muốn nhất của doanh nghiệp là được định hướng, giới thiệu để tìm ra phương thức khả thi nhất, dễ áp dụng nhất và cần nhất là không được sớm lỗi thời vì với DNNVV, chi phí dành cho CĐS là vấn đề không nhỏ.

                                                       Đồng hành, định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp

    Những thắc mắc, kiến nghị, băn khoăn của DNNVV Hải Phòng không phải là không có cơ sở. Theo bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KHĐT), các rào cản, khó khăn chủ yếu của DNNVV khi CĐS là chi phí đầu tư vào CĐS cao; hạ tầng CNTT kém phát triển; nguồn nhân lực CĐS hạn chế.

    Thêm vào đó là những lo ngại vì sợ rò rỉ thông tin cá nhân, doanh nghiệp; khó khăn trong tích hợp các giải pháp công nghệ số; thiếu thông tin, thiếu công nghệ và cả khó khăn về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ số; khó thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh… Trong đó, khó khăn về chi phí đầu tư chiếm tỷ lệ tới hơn 60%. Nhiều doanh nghiệp cho biết: chi phí tới vài trăm triệu đồng hoặc hàng tỷ đồng để thực hiện CĐS buộc họ rất cân nhắc. Hơn nữa, tạm thời, phương thức truyền thống đang phát huy tác dụng nên họ cảm thấy “chưa vội”.

                            

                                     Thành phố Hải Phòng tăng cường các giải pháp hỗ trợ DNNVV thực hiện CĐS

    Thế nhưng, với các cơ quan quản lý thì đây là vấn đề rất nóng, rất cần thiết, rất cần được đẩy nhanh. Chương trình CĐS quốc gia và thành phố chỉ có thể thành công khi có sự hưởng ứng, tham gia của DNNVV khi chiếm tới 97-98% tổng số DN. Vì vậy, Chính phủ; các Bộ, ngành; thành phố đã vào cuộc.

    Cụ thể, ngày 7-1-2021, Bộ trưởng Bộ KHĐT đã phê duyệt chương trình hỗ trợ doanh nghiệp CĐS giai đoạn 2021- 2025. Kết quả, đã có khoảng 1 triệu DN được tiếp cận các hoạt động, thông tin từ chương trình; 200.000 DN được tiếp cận các tài liệu hướng dẫn về CĐS; 500 DN được đánh giá mức độ sẵn sàng CĐS; 100 DN được hỗ trợ, tư vấn chuyên sâu về CĐS…

    Đáng chú ý, Bộ KHĐT đã xây dựng công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng CĐS của DN, từ đó DN có thể tự đánh giá xác định họ đang ở mức độ CĐS như thế nào so với các DN trong ngành. Bộ cũng xây dựng và công bố tài liệu hướng dẫn CĐS cho DN tại Việt Nam để cung cấp kiến thức nền tảng và công bố trên cổng thông tin chương trình và 63 tỉnh, thành phố, giúp DN tham khảo lộ trình, các chỉ dẫn giải pháp công nghệ để chủ động triển khai CĐS.

    Đồng thời, phối hợp với Hiệp hội DNNVV video hóa tài liệu hướng dẫn CĐS cho DN tại Việt Nam, sử dụng các công nghệ số như text to voice, MC ảo để tăng hiệu quả truyền thông. Đồng thời, phối hợp với USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ) công bố báo cáo thường niên CĐS DN năm 2021; tuyển chọn 20 chuyên gia tham gia mạng lưới chuyên gia tư vấn về CĐS; đào tạo về CĐS cho DN…

    Chương trình đã lựa chọn 11 DN tiêu biểu ở một số lĩnh vực, ngành sản xuất để tư vấn xây dựng lộ trình CĐS cho họ. Lãnh đạo Công ty CP Xuân Hòa chia sẻ, công ty đã tham khảo và nhận thấy có DN tốn phí hàng tỷ đồng nhưng vẫn không thành công. Vì thế, công ty nhờ các chuyên gia tư vấn và xây dựng được lộ trình CĐS cơ bản, có hướng đi và cách làm phù hợp với đặc thù DN, với thực tế SXKD, giúp tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí.

                                                    

                                              Doanh nghiệp Hải Phòng mong muốn được hỗ trợ để thực hiện CĐS

    Theo bà Bùi Thu Thủy, để giúp DNNVV CĐS, Nghị định 80 ngày 26-8-2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hỗ trợ DNNVV, trong đó bổ sung căn cứ pháp lý triển khai các hoạt động hỗ trợ CĐS; cơ chế hỗ trợ một phần kinh phí cho DNNVV thuê hoặc mua giải pháp CĐS và tư vấn CĐS. Bộ KHĐT cũng đang xây dựng trình Chính phủ ban hành Chương trình hỗ trợ CĐS trong DN, HTX và hộ kinh doanh giai đoạn 2021- 2025 để áp dụng trên phạm vi toàn quốc.

     Tại Hải Phòng, theo Phó chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường, nghị quyết 03 của Ban Thường vụ Thành ủy; Chương trình hành động của UBND thành phố về CĐS đều dành sự quan tâm, hỗ trợ để DN thực hiện CĐS. Cùng với sự quan tâm và các cơ chế, chính sách của Trung ương, chắc chắn trong thời gian tới, DNNVV sẽ có sự trợ giúp tích cực để thực hiện CĐS.

  Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp, không có con đường nào khác là phải tự mình tìm hiểu, học hỏi, nắm bắt được những vấn đề cốt lõi của CĐS. Từ đó tự xác định được mình đang ở giai đoạn nào trong quá trình CĐS để có cơ sở xây dựng lộ trình, kế hoạch, giải pháp CĐS phù hợp, tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài và bền vững./.

 Hồng Thanh

  

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông