10:18 31/01/2021 Theo chuyên gia Singapore, mục tiêu quan trọng nhất là tầm nhìn 2045 đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế phát triển và đây sẽ là sứ mệnh mà ban lãnh đạo mới ở Việt Nam sẽ gánh vác sau Đại hội.
Trang mạng của Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) ngày 29/1 đã đăng tải bài bình luận của tác giả Yang Razali Kassim (biên tập viên cao cấp tại RSIS) về Đại hội Đảng lần thứ XIII của Việt Nam.
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, tác giả nhấn mạnh Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra vào thời điểm quan trọng.
Đây là sự kiện quan trọng trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu có sự chuyển giao lãnh đạo để hiện thực hóa mục tiêu mới là vào năm 2045 trở thành một “nền kinh tế phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa.”
Đối với những mục tiêu chiến lược mà đại hội vạch ra, theo ông Yang, quan trọng nhất chính là tầm nhìn 2045 đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế phát triển và đây sẽ là sứ mệnh mà ban lãnh đạo mới ở Việt Nam sẽ gánh vác sau Đại hội.
Tác giả nêu rõ dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã giữ vững sự ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu.
Theo ông Yang, mục tiêu chính của Đảng Cộng sản Việt Nam là đưa đất nước trở thành một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ 21.
Tuy nhiên, mục tiêu đầy tham vọng này sẽ phụ thuộc nhiều vào cách Việt Nam xoay sở để cân bằng giữa cải cách sau đại dịch COVID-19 và sự ổn định.
Cũng theo ông Yang, Việt Nam đã là một trong số ít quốc gia có nền kinh tế phát triển bền vững bất chấp đại dịch COVID-19.
Vai trò chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là đưa ra định hướng quốc gia, có tính đến những thay đổi chiến lược ở quốc gia, khu vực xung quanh và trên toàn cầu.
Đáng chú ý, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã có những điều chỉnh trong quá trình Đổi mới nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, qua đó giúp Việt Nam phát triển ổn định bất chấp đại dịch COVID-19.
Ông Yang đánh giá Việt Nam đã nâng cao vị thế của mình và đóng vai trò mang tính xây dựng trên trường quốc tế khi theo đuổi chính sách đối ngoại hòa bình và là bạn của tất cả các nước.
Đối với chính sách đối ngoại của Việt Nam, tác giả bài viết cho rằng kể từ khi gia nhập ASEAN vào năm 1995, Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế năng động nhất ở Đông Nam Á.
Khi tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2020, ASEAN đã tái khẳng định Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là cơ sở của các quyền và yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.
Cũng trong năm ngoái, trong khuôn khổ ASEAN do Việt Nam dẫn dắt, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký kết, tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.
RCEP là một bước đột phá cho quá trình theo đuổi hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Việt Nam cũng đã ký kết các FTA khác như FTA Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) và FTA Anh-Việt (UKVFTA), qua đó tạo động lực mới cho quỹ đạo tăng trưởng kinh tế của quốc gia.
Cũng trong năm 2020, Việt Nam trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Vai trò tích cực của Việt Nam trong quan hệ kinh tế quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đa dạng hóa thị trường và mở rộng đối tác, thu hút các nguồn lực cho phát triển và hoàn thành mục tiêu phục hồi nhanh và bền vững sau đại dịch COVID-19.
Việc Việt Nam trở thành Chủ tịch ASEAN năm ngoái và tư cách ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã giúp Việt Nam nâng cao tầm ảnh hưởng và vị thế của mình trên trường quốc tế và khu vực./.
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh