16:25 19/06/2022 Một trong những vấn đề được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm là giá xăng dầu liên tục tăng. Câu chuyện này làm nóng nghị trường cả ở thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường, tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn và cả ở hành lang kỳ họp. Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng cao, điều hành và kiểm soát giá xăng dầu trong nước như thế nào để cân bằng và hài hòa là việc rất nan giải nhưng cũng không thể không làm.
Nỗi lo lắng của đại biểu Quốc hội
Là người đại diện cho cử tri, nhân dân, nhiều đại biểu Quốc hội đã mang nỗi lo lắng của người dân và của chính đại biểu về sự “leo thang” của giá xăng dầu tới diễn đàn kỳ hpj thứ 3, Quốc hội khóa 15. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho biết, thời gian qua, giá xăng, dầu trên thị trường thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và hiện đang đứng ở mức cao. Ở trong nước, từ đầu năm tới nay, xăng dầu đã có tới 14 đợt điều chỉnh tăng và hiện vượt quá ngưỡng 32.000 đồng/lít đang gây áp lực rất lớn.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng giá xăng dầu điều chỉnh tăng có tác động rất lớn đến mọi mặt, đặc biệt là lạm phát. Đại biểu nhắc lại "bài học đã nhìn thấy trong giai đoạn năm 2008. Lúc đó biến động giá xăng dầu lên tới 141 USD/thùng. Cùng với đó, giá lương thực thực phẩm tăng làm lạm phát tăng rất nhanh. Có thời điểm lạm phát tại Việt Nam tăng tới 23%. Lúc đó tất cả các chi phí giá cả, hàng hóa và đời sống của người dân vô cùng khó khăn".
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) nói về giá xăng dầu tại diễn đàn Quốc hội
Đại biểu Trần Hoàng Ngân phân tích, lạm phát của Việt Nam hiện đang kiểm soát tốt nhưng vẫn có thể lên cao. Hiện nay tại Mỹ, lạm phát đã lên tới 8,5% (cao gấp 4 lần lạm phát mục tiêu), lạm phát tại châu Âu cao nhất trong nhiều thập kỷ qua. Đại biểu cảnh báo, nếu không kiểm soát giá xăng dầu thì “domino” tăng giá đến các mặt hàng khác, tác động đến từng bữa ăn của người dân trong khi sau hơn 2 năm dịch bệnh lấy đi hết tiết kiệm của họ.
Không chỉ lo lắng, các đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều giải pháp. Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, chúng ta chấp nhận theo cơ chế thị trường song cần phải có công cụ kiểm soát, kìm hãm độ tăng giá xăng dầu, như tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, và cả thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa) và nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, tiếp tục giảm thêm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng với xăng, dầu. Việc giảm thuế xăng dầu có thể ảnh hưởng nguồn thu ngân sách, nhưng Việt Nam có thể tranh thủ xuất khẩu dầu thô để bù đắp trong bối cảnh giá thế giới tăng.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh thêm, trong lúc này, phải biết hy sinh ngân sách trước mắt để được lâu dài. Bộ Tài chính sợ thất thu vì giảm thuế thì có thể gặp thất thu nặng hơn nếu không giảm. Bởi lạm phát bùng nổ, các khoản chi ngân sách sẽ tăng lên rất nhanh, như chi đầu tư công sẽ phải tăng theo giá cả.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), hiện thuế bảo vệ môi trường với xăng đã giảm ở mức 2.000 đồng/lít nhưng dư địa vẫn còn và có thể giảm tối đa 2.000 đồng/lít còn lại đối với loại thuế này. Đại biểu kiến nghị Chính phủ sớm rà soát, xem xét để trình Quốc hội phương án giảm thuế. Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị đảm bảo nguồn cung xăng dầu, đẩy mạnh sản xuất trong nước và có thể tính đến giải pháp an sinh xã hội nếu cần thiết.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề xuất giải pháp giảm giá xăng dầu
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, trong thời gian tới, để kiểm soát được giá xăng dầu, ngoài việc kéo giãn các mặt bằng thuế, phải chú ý đến việc đảm bảo cung cầu về lượng hàng hóa. Các nhà máy sản xuất xăng dầu của Việt Nam cần phải được đầu tư khai thác đúng mức và phải chuẩn bị các kịch bản tăng nguồn dự trữ để đảm bảo cho mặt hàng xăng dầu. Bởi vì giá đã tăng mà còn để thiếu thì giá sẽ bùng phát.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhấn mạnh thêm: "Chúng ta cũng là một nước khai thác xăng dầu, lọc hóa dầu. Chúng ta cần đẩy mạnh việc khai thác và lọc hoá dầu để chủ động được nguồn cung, không phụ thuộc quá lớn vào thế giới, góp phần ổn định quản lý giá xăng dầu trong nước.”
Thúc đẩy thực hiện các giải pháp
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, về nguyên tắc, tăng giá xăng dầu làm tăng giá vật tư đầu vào, từ đó làm tăng chi phí sản xuất, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chương trình phục hồi kinh tế-xã hội. Nhưng ở chiều ngược lại, nền kinh tế của Việt Nam có độ mở rất cao, hàng hóa làm ra chủ yếu xuất khẩu, nếu ép giá đầu vào thì giá thành sản phẩm không phản ánh đúng giá trị, vô hình chung là gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước.
Cũng theo Bộ trưởng, Việt Nam đang là đối tác thương mại của rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ nên nếu "ép giá đầu vào", các nước có thể kiện chúng ta về chống trợ cấp, thậm chí là thao túng tiền tệ. Chưa kể, hệ lụy của việc duy trì giá xăng dầu ở mức quá thấp làm gia tăng tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới.
Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, một mặt vẫn phải cố gắng dùng các công cụ, kể cả thuế, kiểm soát thị trường để giảm giá. Trong trường hợp giá xăng dầu tăng quá cao, cần tính toán đến các công cụ như chính sách an sinh hỗ trợ cho đối tượng yếu thế. Mục tiêu là để kiểm soát giá, đảm bảo hiệu quả quản lý cả trong nước và phù hợp với quy định, luật pháp quốc tế.
Giá xăng dầu liên tục tăng làm doanh nghiệp, người dân lo lắng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, giá xăng dầu của Việt Nam tăng cao tuy nhiên vẫn thấp hơn so các nước xung quanh Việt Nam như Lào, Thái Lan, Campuchia. Trước mắt Bộ Tài chính sẽ đánh giá tác động và có báo cáo với Chính phủ để trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội để có thể giảm thuế xăng dầu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, cần thực hiện các chính sách đồng bộ. Bởi nếu chỉ giảm thuế để giảm giá xuống mà vẫn để buôn lậu xảy ra thì vô hình chung là dòng tiền lại chạy sang nước ngoài. Bên cạnh đó, giá xăng dầu cũng phụ thuộc vào quan hệ cung - cầu. Bộ Tài chính sẽ làm việc với Bộ Công Thương xem xét các công ty đầu mối mua ở đâu. Đồng thời, cần đẩy mạnh sản xuất trong nước.
Giá xăng dầu tăng tác động lớn tới hoạt động vận tải hàng hóa, làm gia tăng chi phí và gây hiệu ứng tăng giá đối với các loại hàng hóa khác
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ trưởng Tài chính rà soát lại các loại thuế và phí và lưu ý, ngoài những công cụ về thuế thì việc trợ giúp trực tiếp cho những đối tượng bị tác động nặng như hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt xa bờ, cho lĩnh vực giao thông vận tải hay cho người nghèo, người thu nhập thấp cũng phải nghiên cứu một cách toàn diện.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, những vấn đề về thuế dù thuộc phạm vi thẩm quyền của Bộ hay của Chính phủ, hay là của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì đều cần phải có đề xuất từ Bộ quản lý nhà nước. Hiện nay, cử tri và người dân đang trông chờ phản ứng chính sách này, vì vậy, đề nghị Bộ trưởng quan tâm và thể hiện quan điểm, nguyên tắc đã trả lời bằng những văn bản, những đề xuất rất cụ thể để các cơ quan có thẩm quyền xem xét để quyết định.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, đối với mặt hàng xăng dầu, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương đề xuất các giải pháp để bình ổn giá xăng dầu, nhất là rà soát, nghiên cứu điều chỉnh thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường áp dụng đối với xăng dầu để kiểm soát mặt hàng này.
Có thể thấy, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan đang quyết liệt vào cuộc để đưa giá xăng dầu trong nước về mức hợp lý nhất.
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh