Chuyên mục Luật Điện ảnh: Quy định về phát triển nguồn nhân lực, hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh

10:53 19/03/2024

Tại Điều 6, Chương I, Luật Điện ảnh được Quốc hội chính thức thông qua tại kỳ họp thứ 3, khoá XV, ngày 15/6/2022, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2023, đã đưa ra những quy định cụ thể về “Phát triển nguồn nhân lực điện ảnh”.

Theo đó, Nhà nước có chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện phát triển tài năng điện ảnh, ưu tiên hỗ trợ tài năng trẻ; đãi ngộ thích hợp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực điện ảnh; ưu tiên đầu tư, xây dựng một số cơ sở đào tạo, ngành đào tạo về điện ảnh đạt tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ các cơ sở đào tạo về văn hóa nghệ thuật đào tạo chuyên ngành hoặc liên kết đào tạo điện ảnh ở trong nước và nước ngoài.

Mặt khác, nhà nước khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng, chuyển giao công nghệ nhằm phát triển nguồn nhân lực điện ảnh phục vụ sản xuất, phát hành, phổ biến phim thông qua triển khai các chương trình, dự án của Nhà nước và hợp tác với nước ngoài; kết hợp đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh với nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ.

Đối với tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về điện ảnh được Luật này quy định chi tiết tại Điều 7, Chương I như sau:

Tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về điện ảnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về hội có 5 trách nhiệm sau: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên theo quy định của pháp luật; tham gia xây dựng, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về điện ảnh cũng như xúc tiến, quảng bá, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về điện ảnh; xây dựng môi trường hoạt động nghề nghiệp và kinh doanh lành mạnh cho hội viên; huy động các nguồn lực xã hội để triển khai hoạt động điện ảnh theo quy định của pháp luật.

Đồng thời xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp; vận động hội viên, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát hiện và kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về điện ảnh.

Đối với vấn đề “Hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh” tại Điều 8, Chương I Luật này quy định như sau:

Tổ chức, cá nhân nước ngoài được hợp tác đầu tư với cơ sở điện ảnh Việt Nam để sản xuất, phát hành, phổ biến phim theo quy định của pháp luật về đầu tư dưới hình thức sau đây:

Thành lập tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, trong đó, phần vốn của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 51 % vốn điều lệ; Hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Nhà văn hóa, đơn vị chiếu phim, câu lạc bộ và hiệp hội chiếu phim công cộng, đội chiếu phim lưu động của Việt Nam không được phép tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh với nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài.

          Như vậy, Luật Điện ảnh năm 2022 đã bổ sung nội dung về phát triển nguồn nhân lực điện ảnh (Điều 6), quy định về tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về điện ảnh tham gia xây dựng và phát triển điện ảnh (Điều 7) và bổ sung quy định về hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh (Điều 8) để đảm bảo tính tương thích với Luật Đầu tư và cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông