11:20 08/05/2017
Trước thực trạng giá lợn hơi lao dốc, trong phiên họp thường kỳ tháng 4 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề: “Chúng ta đã bị dưa hấu mấy trận rồi, bây giờ đến thịt lợn, sắp tới còn bị cái gì nữa?”. Theo Thủ tướng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là đúng hướng, nhưng điều quan trọng hơn là phải tính đến thị trường, chứ không chỉ tập trung vào sản xuất.
Về nguyên nhân dẫn đến câu chuyện buồn của thị trường lợn thịt, có ý kiến cho rằng việc tiêu thụ lợn thịt cũng như nhiều nông sản khác của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào kênh xuất khẩu tiểu ngạch. Đáng lưu ý là, quản lý xuất nhập khẩu tiểu ngạch của nước ta hiện vẫn là vấn đề bộc lộ nhiều bất cập, nếu không nói là yếu kém. Do đó, việc định lượng sản phẩm qua kênh tiêu thụ này gần như bị bỏ ngỏ, khiến cả doanh nghiệp lẫn nông dân phải “tự bơi” trong môi trường dự báo chủ quan, bị động, dẫn đến mất cân đối cung cầu cũng là điều dễ hiểu.
Đơn cử lấy Hải Phòng làm ví dụ, số liệu thống kê cho thấy trong tháng 4 vừa qua, tổng đàn lợn trên địa bàn là 434.515 con, giảm 3,06% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, vấn đề không phải ở lượng tăng hay giảm, mà ở chỗ đàn lợn ấy được tiêu thụ đi đâu, nếu xuất khẩu thì tới thị trường nào, bao nhiêu phần trăm chính ngạch, bao nhiêu phần trăm tiểu ngạch, còn lại bao nhiêu phần trăm có mặt trong bữa ăn của người dân nội địa? Để có được các số liệu điều tra, khả năng thực tế chỉ có thể là các cơ quan quản lý.
Đã không có kết quả điều tra thị trường thì chưa thể nói đến chuyện quy hoạch chăn nuôi và quản lý đầu ra cho sản phẩm. Rõ ràng, đây là vấn đề lớn mang tính lâu dài. Nếu không có chiến lược cụ thể, thì mọi giải pháp tức thời đều khó thắng nổi sự vận động của quy luật cung cầu, mà câu chuyện của lợn thịt chưa chắc đã phải cuối cùng.
Hoàng Minh
22:42 09/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh