10:03 20/12/2022 Những ngày này, Thủ đô Hà Nội và các địa phương trên cả nước đang tổ chức hoạt động kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” (12/1972-12/2022). Không khí rất tưng bừng nhưng cũng vô cùng sâu lắng, đan xen giữa niềm tự hào khí phách với nỗi nghẹn ngào của đau thương mất mát, mà một dân tộc nhỏ bé như nước Việt dưới con mắt của các cường quốc đã viết vào lịch sử chiến tranh thế giới.
Vào thời điểm 50 nưm trước, có thể nói Việt Nam là nước nằm dưới vùng trũng nhất của thế giới, bao gồm cả đói nghèo, lạc hậu, bởi chúng ta âm thầm đi qua lịch sử trong bóng tối của hàng trăm năm đô hộ dưới ách ngoại bang, cộng thêm hơn hai mươi năm dồn sức kháng chiến bảo vệ nền độc lập tự do, thống nhất đất nước, trong vòng kiềm tỏa của bao vây, phong tỏa và hứng chịu sự tàn phá vô bờ của bom đạn kẻ thù.
Còn nước Mỹ, họ là cường quốc lớn nhất thế giới về mọi mặt, chưa kể khi tấn công Việt Nam họ còn kéo theo sự tham chiến của nhiều cường quốc khác. Mục tiêu là khuất phục ý chí và tinh thần Việt Nam.
Hãy thử tưởng tượng, một dân tộc có chủ quyền, những người dân Việt Nam có quyền bình đẳng như mọi người dân khác trên toàn thế giới. Nhưng kẻ thù đã nhìn nhận chúng ta ra sao, với kế hoạch Linebacker II và lời tuyên bố “đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”, dường như họ không còn xem chúng ta là đồng loại. Mà với sức mạnh của quân sự, của tiềm lực khoa học kỹ thuật tối tân, họ tưởng rằng sẽ buộc chúng ta phải chiều theo ý họ, phải khuất phục trong sự lệ thuộc lầm than. Nhưng họ đã lầm, khi lòng tự trọng của một dân tộc kiên cường trỗi dậy.
Cuộc chiến 12 ngày đêm trên bầu trời Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và nhiều địa phương khác trên miền Bắc được ví như một Điện Biên Phủ mới. Người Mỹ đã đặt cược cho những dự báo mà họ hy vọng mang tính quyết định để đưa Việt Nam vào thế bị động tại bàn đàm phán Paris.
Theo tài liệu lịch sử, trước trận quyết chiến này, vào ngày 23/11/1972, Ngoại trưởng Mỹ Kissinger gặp Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Lê Đức Thọ, đã đọc bức điện của Tổng thống Mỹ Nixon ngầm đe dọa.
Tuy nhiên nhà lãnh đạo Việt Nam khảng khái đáp lại: “Chúng tôi đã đánh nhau với các ông mười mấy năm và cũng đã đàm phán 5 năm rồi. Nay các ông có sẵn sàng mới đi đến giải quyết; không thể dùng đe dọa với chúng tôi được đâu”. Lời khẳng định ấy có ý nghĩa như một thông điệp, đại diện cho hào khí ngút ngàn của cả dân tộc Việt Nam.
Và người Mỹ đã bỏ ra 12 ngày đêm để đem những gì họ có đốt trên bầu trời miền Bắc Việt Nam, chỉ có 12 ngày đêm họ đã mất 17% tiềm lực tham chiến, nhưng tổn thất không thể đo đếm được chính là thần tượng sức mạnh nước Mỹ đã hoàn toàn sụp đổ, họ nếm trải những điều giống như người Pháp phải chấp nhận ở Điện Biên Phủ năm 1954.
Còn chúng ta, chỉ có 12 ngày đêm đã viết lên trang sử lừng lẫy, dù chúng ta phải đau thương, phải hoang tàn trong sức tàn phá hủy diệt, nhưng chúng ta đã vượt qua tất cả để trở thành vĩ đại, làm được những điều mà trong lịch sử chiến tranh thế giới cho đến lúc này chưa một dân tộc nào làm được.
50 năm đã trôi qua, lịch sử đã lùi vào một khoảng thời gian dài, Việt Nam và nước Mỹ đã hàn gắn những mối bất hòa và trở thành đối tác, nhưng dịp kỷ niệm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” như một lời nhắc nhở, cho chính chúng ta và các thế lực thù địch, rằng Việt Nam sẵn sàng hòa mình vào thời cuộc để phát triển bình đẳng hướng tới sự phồn vinh bền vững.
Nhưng chúng ta không bao giờ quên quá khứ, đó là khí phách, là niềm tự hào và cũng là tinh thần cảnh giác cao độ, khẳng định vĩnh hằng lời Hồ Chủ Tịch kính yêu: “Dù phải hy sinh tất cả, nhưng chúng ta nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Hoàng Minh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh