17:46 08/01/2023 Vụ việc cháu bé 10 tuổi rơi xuống cọc bê tông sâu 35m tại dự án cầu Rọc Sen (xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) đang thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước trong những ngày qua. Bên cạnh những chia sẻ tình cảm đối với gia đình nạn nhân, đến nỗ lực của lực lượng cứu nạn, vụ việc cũng dấy lên những lo ngại về tính chất bảo đảm an toàn liên quan đến các công trình xây dựng.
Thời gian qua, có thể nói trên địa bàn cả nước đã xảy ra không ít vụ việc tai nạn nghiêm trọng, khiến nhiều người chết và bị thương xảy ra ở các công trình, nhất là những công trình đang được triển khai xây dựng.
Chỉ tính riêng ở khu vực phía Nam, đã từng xảy ra vụ việc tương tự nêu trên, trước đó vào ngày 19/12/2022, một bé gái 5 tuổi ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cũng đã bị rơi xuống hố ép cọc bê-tông sâu khoảng 15m tại khu vực công trường đang thi công, rất may sau đó cháu bé đã được cứu nạn thành công.
Tại Hải Phòng, những năm gần đây có mật độ triển khai các ông trình, dự án rất cao, điều đáng mừng là tại các dự án lớn, cơ bản không xảy ra những vụ việc đáng tiếc tương tự.
Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố cũng đã xảy ra một số vụ việc tai nạn thương tâm liên quan đến các công trình, như vụ một tài xế taxi bị ngã xuống cống ngầm ở quận Hải An bị tử vong tháng 9/2018, tiếp đó là vụ sập giàn giáo tại một công trình xây dựng cây xăng ở huyện An Dương khiến 8 người thương vong vào tháng 8/2019. Gần đây nhất là vụ việc 2 bé gái bị thiệt mạng trượt chân xuống hồ Tiên Nga khi mưa lụt nước dân cao vào tháng 8/2021…
Những vụ việc nêu trên ở mỗi vụ việc đều xác định được trách nhiệm, khi của các tổ chức thi công hoặc quản lý công trình, khi của gia đình nạn nhân và có những vụ việc từ chính nạn nhân, nhưng tựu chung cho thấy đều đến từ nguyên nhân chủ quan.
Đây rõ ràng là điều rất đáng bàn, khi mọi nguy cơ tiềm ẩn đều có thể dự báo, nhưng hoặc không được chủ động, hoặc đã có dự báo, phòng ngừa nhưng trong quá trình thực hiện không được nghiêm túc. Trong khi đó, việc triển khai các công trình dự án là xu hướng tất yếu của quá trình phát triển, đòi hỏi biện pháp đảm bảo an toàn cần phải được tăng cường chặt chẽ hơn.
Điều đáng nói nữa là, mỗi khi phát sinh vụ việc tai nạn, nỗi đau của những người liên quan là một nhẽ, nhưng tác động xã hội cũng vô cùng lớn. Trở lại với vụ việc cháu bé 10 tuổi rơi xuống hố bê-tông ở Đồng Tháp cho thấy, những ngày qua các cơ quan chức năng đã phải dồn rất nhiều sức người, sức của để tập trung giải quyết, chưa kể công trình bị đình trệ, uy tín của các tổ chức, cá nhân liên quan cũng bị ảnh hưởng.
Nâng quan điểm lên, đó còn là uy tín của cả một xã hội, và muốn nói gì, thì trách nhiệm cao nhất vẫn thuộc về những nhà quản lý trực tiếp công trình, trong công tác bảo đảm an toàn triển khai thi công cũng như hậu kiểm.
Đây tiếp tục là một bài học xương máu cho nhiệm vụ bảo đảm an toàn trong lao động sản xuất nói chung và những công trình xây dựng nói riêng, trong bối cảnh xã hội đang phát triển và tiếp tục phát triển.
Hoàng Minh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh