14:21 18/11/2021 Như tin đã đưa, Tại kỳ họp thứ hai khóa XV vừa diễn ra, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho 4 tỉnh, thành phố, trong đó có thành phố Hải Phòng. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022.
(Hình ảnh minh họa)
Nằm ở vị trí cửa ngõ của khu vực phía Bắc, kể từ khi thành lập vào năm 1888, Hải Phòng đã được xác định là một trong những trung tâm lớn nhất của khu vực Đông Dương. Khi đất nước thống nhất, Hải Phòng là thành phố thứ ba trực thuộc Trung ương, đứng sau Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, cho thấy vị thế đặc biệt của Hải Phòng trong bản đồ phát triển của đất nước.
Bước sang thời kỳ đổi mới, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng có một giai đoạn Hải Phòng phát triển khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, đây là điều cũng được chỉ rõ trong nhiều văn bản đánh giá của cả Trung ương và thành phố. Từ năm 2003, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 32-NQ/TW về “xây dựng và phát triển Hải Phòng trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”, trong đó xác định Hải Phòng là trung tâm, giữ vai trò “đầu tàu” của khu vực duyên hải Bắc Bộ
Sau hơn 15 triển khai thực hiện Nghị quyết 32, dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng thực tế cũng cho thấy thành phố khó thể hiện được vai trò “đầu tàu”, nếu thiếu những cơ chế đặc thù. Chính vì vậy, vào tháng 1-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 45-NQ/TW, về “xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tiếp tục xác định vai trò động lực của thành phố, trong chuỗi phát triển của vùng trọng điểm kinh tế và khu vực duyên hải Bắc Bộ. Nhiều mục tiêu chủ yếu được Trung ương định hướng cao hơn rất nhiều so với hiện tại, với phương châm rất mới đó là “đầu tư phát triển Hải Phòng chính là đầu tư phát triển cho cả nước”.
Có thể nói, cơ chế đặc thù là yếu tố góp phần tạo nguồn lực cho thành phố, là cơ hội kết hợp giữa ngoại lực và nội lực, mở đường và thúc đẩy công cuộc phát triển. Thực tế, trong giai đoạn từ 2015 đến nay, thành phố đã có những bứt phá ngoạn mục, trở thành điểm sáng của cả nước trên mọi lĩnh vực, nhất là phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó không thể không nhắc đến tác động then chốt của những cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù mà Chính phủ đã áp dụng đối với Hải Phòng tại Nghị định 89/2017/NĐ-CP ngày 29-7-2017.
Trên lộ trình phát triển mới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI đã cụ thể hóa các mục tiêu phát triển, được định hướng chiến lược tại Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị. Vì vậy việc Quốc hội khóa XV ban hành Nghị quyết về cơ chế đặc thù đối với Hải Phòng với nhiều nội dung mở, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, để từ đó thành phố hiện thực hóa truyền thống sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, liên tục đổi mới hướng đến tương lai phát triển nhanh và bền vững.
Nhưng cũng cần phải khẳng định, tiên phong trong đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù, bên cạnh những cơ hội, thuận lợi, thành phố cũng đứng trước nhiều thách thức lớn, đòi hỏi quá trình áp dụng và vận dụng cơ chế vào thực tiễn phải kịp thời, hợp lý và thiết thực. Tin tưởng rằng, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố sẽ tiếp nhận và triển khai thực hiện cơ chế hiệu quả, tiếp tục đưa Hải Phòng bay cao và vươn xa.
Hoàng Minh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh