Chuyện thời cuộc: Công nghiệp phụ trợ

09:21 01/12/2019

Chủ tịch UBND TP vừa đồng ý với chủ trương thực hiện Dự án đầu tư Tổ hợp sản xuất công nghiệp phụ trợ Vinfast của Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh Vinfast tại huyện Cát Hải.

Hình ảnh minh họa

Trước đó Vinfast được biết đến là thương hiệu của các sản phẩm ô tô, xe máy điện, do Tập đoàn Vingroup đầu tư tại Cát Hải, đã tạo tiếng vang lớn cả trong và ngoài nước. Chính vì vậy, chủ trương đầu tư Dự án lần này đã thu hút nhiều sự quan tâm.

Như báo An ninh Hải Phòng đã nhiều lần đề cập, những năm gần đây cụm từ “công nghiệp phụ trợ” hay “công nghiệp hỗ trợ” được nhắc nhiều trong các văn bản liên quan đến phát triển của ngành công nghiệp.

Theo khái niệm chung, phụ trợ là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, phụ kiện, phụ tùng linh kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh, là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng…

Về mặt lý thuyết, việc phát triển công nghiệp phụ trợ được xem là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Việt Nam, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, sau một thời gian dài hàng chục năm qua, ngành công nghiệp phụ trợ của Hải Phòng cũng như cả nước chưa đáp ứng được như mong đợi.

Những ngành sản xuất chủ đạo như đóng tàu, điện tử, dệt may, da giày, lắp ráp ô tô, xe máy… vẫn cơ bản phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, khiến chi phí sản xuất cao nhưng giá trị gia tăng rất thấp.

Vấn đề đặt ra nếu không chủ động phát triển công nghiệp hỗ trợ, thì các mục tiêu tự chủ cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Hải Phòng sẽ rất khó thực hiện. Đồng nghĩa với thực trạng là chúng ta vẫn loay hoay với việc gia công lắp ráp, tạo giá trị gia tăng thấp không đóng góp nhiều cho ngành kinh tế.

Trở lại với dự án của Vinfast, với mục tiêu sản xuất khoảng 5 triệu sản phẩm phụ trợ cho ô tô, xe máy các loại, dự án sẽ góp phần tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp và tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm ô tô. Đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ thành phố, giải quyết thêm nhiều việc làm với thu nhập ổn định cho người lao động tại địa phương, tăng thu ngân sách...

Được biết, theo tiến độ kế hoạch, dự án sẽ được đưa vào khai thác vào cuối năm 2022, hứa hẹn tạo bước ngoặt cho ngành công nghiệp phụ trợ của Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung.

                                                                                Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông